Phóng to |
“Hố tử thần” trên đường Kha Vạn Cân - Hoàng Diệu 2, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức làm xe container lật ngang đổ đè lên xe hơi bảy chỗ (ảnh chụp ngày 12-10) - Ảnh: SƠN BÌNH |
“Hố tử thần” đầu tiên được ghi nhận xuất hiện ngày 15-7, trước Khu chế xuất Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) có kích thước dài 3m, rộng 2m và sâu 2m. Do khắc phục chậm, đến 3g ngày 16-7 một thanh niên đi xe máy chở một cụ già bị lọt hố. Tai nạn không gây thương vong nhưng làm nạn nhân hú vía.
Nguyên nhân do đâu?
Trong số các “hố tử thần” được ghi nhận, có tám vụ gây hư hỏng taxi, xe tải, xe bồn. Chẳng hạn, ngày 13-8 tại giao lộ ấp 1, 2, 3 và đường Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh), do hệ thống cấp nước bị xì tạo hàm ếch gây lún sụt mặt đường khiến một xe tải chạy ngang bị sụp hố.
Ngày 14-9, tại vị trí đấu nối tạm cống thoát nước trên đường Lê Văn Sĩ (Q.3) bị hở, khi mưa lớn gây lún sụt mặt đường làm một taxi bảy chỗ bị sụp hố, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Gần nhất, ngày 29-11 tại giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Phan Văn Trị, đường ống cấp nước D600 bị xì, phá hoại kết cấu nền, tạo hàm ếch, khi xe container đi qua thì bị sụp hố. Đây là hố tử thần được ghi nhận lớn nhất từ trước đến nay (dài 7m, rộng 5m và sâu 1,5m).
Người dân có thể báo sự cố “hố tử thần” qua đường dây nóng: Sở GTVT TP, số điện thoại 38222777; thanh tra Sở GTVT, số điện thoại 38300701. |
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, TP đã xuất hiện 49 “hố tử thần”, trong đó Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP chịu trách nhiệm 18 vụ, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn 12 vụ, Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP 7 vụ, Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP 2 vụ, Ban quản lý dự án lưới điện TP 2 vụ...
Phân loại nguyên nhân sự cố thì số vụ ống cấp nước cũ bị xì bể, hở mối nối chiếm 13 vụ, cống thoát nước cũ bị sụp, bể, hở mối nối 15 vụ, thi công đào lấp đường không đúng quy trình gây lún sụt 13 vụ, thi công cống thoát nước mới làm vỡ mối nối cống 4 vụ, hở mối nối cáp ngầm điện 2 vụ.
Một lãnh đạo Sở GTVT TP cho rằng nguyên nhân xảy ra nhiều vụ lún sụt do các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu được xây dựng và sử dụng qua quá nhiều thời kỳ đã bị xuống cấp. Một số đường ống cấp nước, thoát nước cũ bị hủy bỏ không xử lý bít kín lòng ống nên bị bể gây lún sụt mặt đường.
Đối với các công trình mới xây dựng, các đơn vị chưa làm đúng quy trình thi công; chậm phối hợp xử lý công trình ngầm giữa các đơn vị quản lý chuyên ngành, các ban quản lý dự án và đơn vị thi công nên móng đường bị ngâm nước (trời mưa) và phá hủy kết cấu.
Theo một cán bộ Phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông (Sở GTVT TP), khi xảy ra một vụ lún sụt mặt đường nào đó, sở lập tức yêu cầu các đơn vị liên quan đến xem xét giải quyết. Thế nhưng hầu hết các đơn vị đều tránh né trách nhiệm, chậm giải quyết sự cố.
Cụ thể, vụ lún sụt đường Phan Văn Trị - Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) trưa 29-11, người dân phát hiện mặt đường bị xì đường ống cấp nước (thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn quản lý) nhưng không có đơn vị nào đến xử lý. Đến 22g30, một xe container chạy ngang đường và bị sụp hố nửa bánh trước, tới 0g ngày 30-11 thì toàn bộ hai bánh trước và nửa bánh xe sau bị lún xuống.
Tương tự, vụ sụp hố ở giao lộ Điện Biên Phủ - Bàn Cờ được phát hiện từ 10g, mãi đến 17g30 nhà thầu Shimizu (Nhật) mới chấp nhận đưa xe máy đến xử lý.
Chưa tìm được “liệu pháp” hữu hiệu
Trước tình hình xuất hiện quá nhiều “hố tử thần”, ngày 12-11 Thành ủy TP.HCM ra thông báo yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo các sở ngành, UBND các quận, huyện cần nhanh chóng khắc phục, yêu cầu tăng cường kiểm tra, sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo an toàn giao thông; tăng cường thiết bị hiện đại để dò tìm các sự cố trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm. Đồng thời công khai quy trình xử lý đối với các sự cố lún sụt mặt đường; khẩn trương tổ chức gắn biển báo, đèn chiếu sáng để cảnh báo và cách ly khu vực xảy ra sự cố.
“Hố tử thần” thứ 52. Sáng 1-12, một bạn đọc báo tin có “hố tử thần” tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM). Đến nơi, chúng tôi thấy tại vị trí “hố tử thần” đã được ai đó dùng tấm sắt lớn che lại. Người dân buôn bán tại đây cho biết hố này rộng khoảng 0,4m, sâu khoảng 1m, nếu cơ quan chức năng không xử lý ngay mà chỉ dùng tấm sắt che lại có thể gây tai nạn cho người đi đường. |
Ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở GTVT TP - đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải kiểm tra, rà soát các công trình nhằm phát hiện các hư hỏng hoặc sửa chữa, ngăn chặn tình trạng lún sụt mặt đường. Sở cũng kết hợp với Trường đại học Quốc tế nghiên cứu lập trình phần mềm thiết bị dò tìm công trình ngầm để hỗ trợ xác định vị trí lún sụt mặt đường.
Riêng Công ty Thoát nước đô thị đã sử dụng robot và người nhái để kiểm tra các tuyến ống thoát nước cũ từ thời Pháp thuộc để ngăn chặn và sớm phát hiện các “hố tử thần”.
Dù vậy, đến nay “hố tử thần” vẫn xuất hiện trên đường phố. Dường như cơ quan chức năng chưa tìm được “liệu pháp” hữu hiệu để trị triệt để các “hố tử thần” có vẻ như đang ngày càng lây lan.
Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết do thực hiện nghị định 23/2009-ND-CP (có hiệu lực từ ngày 1-5-2009), từ hơn một năm rưỡi qua lực lượng thanh tra chuyên ngành GTVT không thể xử lý các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng công trình cầu, đường bộ, gây khó khăn lớn trong công tác thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành của sở. Trong khi đó, theo nghị định này, trách nhiệm kiểm tra, xử lý xây dựng công trình cầu, đường bộ thuộc thanh tra xây dựng (sở xây dựng). Tuy nhiên, từ hơn một năm rưỡi qua, thanh tra xây dựng đã không kiểm tra việc đào đường, san lấp đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xuất hiện các “hố tử thần”. |
Theo bạn, chịu trách nhiệm về các "hố đen", "hố tử thần" gây ra "sụp bẫy" trên đường là:
Nhà thầu thi công Chủ đầu tư dự án và đơn vị tư vấn giám sát Sở Giao thông vận tải Tất cả các đơn vị trên Ý kiến khác
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận