25/11/2010 07:21 GMT+7

Chính phủ đã làm hết sức mình

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Sáng 24-11, sau bài phát biểu giải trình làm rõ thêm nhiều vấn đề kéo dài gần một giờ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội.

* Toàn văn báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng

Trả lời chất vấn đầu tiên về khả năng trả nợ của Vinashin trong khi lãi ngân hàng lên tới 15.000 tỉ đồng mỗi năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng tôi thấy rằng đề án tái cấu trúc Vinashin là khả thi, nhưng từ đề án đến hiện thực còn một quá trình đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt, cụ thể. Trong quá trình thực hiện đề án này, một nguyên tắc đặt ra là phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương của Đảng...”.

c8KmdBwZ.jpgPhóng to

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 24-11 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng không chỉ đạo trực tiếp tờ báo nào

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn đề nghị Thủ tướng cho biết ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài liên quan đến đại biểu Quốc hội trên website của Chính phủ. Thủ tướng khẳng định:

“Là Thủ tướng Chính phủ, tôi thường xuyên quan tâm chỉ đạo báo chí, chỉ đạo qua các cơ quan chủ quản, các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về báo chí với tinh thần báo chí VN thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt vai trò của báo chí cách mạng... Tôi không chỉ đạo trực tiếp hay quản lý trực tiếp một tờ báo nào. Còn website Chính phủ có chức năng là một tờ báo điện tử thuộc Văn phòng Chính phủ do bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo”.

Về việc để ông Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin) cùng lúc đảm nhiệm hai chức vụ nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cho hay khi hình thành Tập đoàn Vinashin trên cơ sở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng và tập đoàn phải tìm tổng giám đốc để thực hiện theo đúng quy định. Nhưng đến khi phải bổ nhiệm tổng giám đốc thì HĐQT và các cơ quan chức năng báo cáo là theo quy trình này kia chưa tìm được người làm tổng giám đốc và người đó dự định là thuê, nên xin với Thủ tướng tiếp tục bổ nhiệm ông Bình làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc đến khi có được tổng giám đốc mới.

“Chúng tôi sẽ kiểm điểm rõ việc này” - Thủ tướng nói.

* Đại biểu Phạm Thị Loan (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á): Với cương vị là đại diện chủ sở hữu quản lý các tập đoàn, tổng công ty 91, Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào trước thực trạng Vinashin như hiện nay?

* Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): Hôm nay tôi không nói về trách nhiệm của các bộ nữa, tôi chỉ nói về trách nhiệm của Thủ tướng?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc cố ý làm trái của những người lãnh đạo tại tập đoàn, cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật, còn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu... Từ trách nhiệm là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm đó.

Thủ tướng, Phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm và trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai.

* Đại biểu Vũ Hoàng Hà (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định): Sự việc Vinashin xảy ra trong thời điểm rất nhạy cảm, nếu chúng ta làm qua loa tôi e rằng sự việc sẽ phức tạp hơn. Các bộ trưởng có liên quan trả lời trước Quốc hội không ai nhận thiếu sót, khuyết điểm? Như vậy thái độ của Thủ tướng đối với các thành viên Chính phủ này như thế nào?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm, chúng tôi sẽ không làm qua loa mà làm nghiêm túc. Chúng tôi làm theo đúng quy trình, quy định của Đảng, của Nhà nước.

Với các bộ trưởng, chúng tôi cũng đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ. Bộ trưởng nào liên quan đến đâu, trách nhiệm thế nào sẽ được kiểm điểm và có kết luận nghiêm túc, đúng với thực tế.

* Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh): Thủ tướng từng phát biểu “hơn ba năm nay tôi làm Thủ tướng nhưng chưa kỷ luật một đồng chí nào”. Bài học từ sự buông lỏng quản lý nhà nước với Vinashin, trong đó có việc không chấp hành nghiêm túc kỷ luật hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ví dụ Thủ tướng không cho mua tàu cũ nhưng lãnh đạo tập đoàn vẫn mua. Đề nghị Thủ tướng cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm gì từ việc Vinashin để lập lại trật tự kỷ cương với bộ máy? Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về trách nhiệm của các bộ trưởng có liên quan trong vụ Vinashin, có phải do các lỗ hổng của pháp luật hay do thiếu trách nhiệm, tắc trách trong quản lý?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng là năm ngoái khi trả lời chất vấn ở Quốc hội, tôi có nói tinh thần là với mỗi người đứng đầu thì điều đầu tiên, điều thường xuyên là làm sao tăng cường lãnh đạo quản lý để cán bộ, công chức có phẩm chất, có đạo đức, có năng lực, có trách nhiệm chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ cương, hoàn thành chức trách công vụ để không vi phạm kỷ luật, không vi phạm pháp luật, như vậy thì không có ai bị xử lý hoặc hạn chế thấp nhất người bị xử lý.

Tinh thần tôi nói ý như thế, nhưng có lẽ cách diễn đạt như thế nào không rõ, đầy đủ ý của mình, chứ không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai và trong thực tế không phải Thủ tướng không kỷ luật ai.

Đối với Vinashin, những người lãnh đạo ở tập đoàn có chấp hành nhưng có việc không chấp hành tốt, việc không chấp hành đó đã được xử lý theo đúng quy định.

Tôi xin nói là Thủ tướng đã làm đúng theo quy định của pháp luật và đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, đúng quyết định của Đảng trong việc đề bạt, khen thưởng cũng như xử lý kỷ luật đối với cán bộ thuộc thẩm quyền của mình... Qua vụ việc này có kẽ hở của thể chế, cơ chế nhưng vừa có phần trách nhiệm.

Hạn chế thiệt hại

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Chất vấn thúc đẩy tìm thêm trách nhiệm

Đây là một kỳ chất vấn mà vì nhiều lý do khác nhau được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Qua theo dõi chúng tôi thấy cái được lớn nhất, chung nhất, có tác dụng thiết thực nhất là thông qua việc hỏi và trả lời, trao đổi, thảo luận, tranh luận với sự tham gia của nhiều thành viên Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội đã tiếp tục làm rõ thêm được nhiều vấn đề, nhất là một số vấn đề lớn, quan trọng, nổi cộm, bức xúc. Hôm nay, Thủ tướng rất nhiều lần nói là nhận trách nhiệm. Chúng ta hi vọng kỳ này chất vấn của Quốc hội sẽ thúc đẩy việc tìm thêm trách nhiệm cụ thể để xử lý cho tốt hơn, cho nghiêm minh, lấy lại được lòng tin, củng cố, tăng cường lòng tin trong nhân dân.

Về việc đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội ngay tại kỳ họp này thành lập ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc Vinashin, chúng tôi phân tích thấy rằng hiện nay vụ việc đang được xem xét. Các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của Đảng đang làm. Chúng tôi trả lời là chưa cần thiết phải lập ủy ban lâm thời.

Liên quan tới việc tài sản của Vinashin chuyển sang Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thắc mắc liệu có làm lây lan nợ xấu không? Thủ tướng cho biết bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo là Vinashin chuyển sang Vinalines hơn 20 con tàu hiện đang hoạt động, chỉ còn ba tàu, có tàu đã được đặt mua giá cao hơn và đã đồng ý bán...

Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, HĐQT doanh nghiệp sẽ tiếp tục với tinh thần khai thác tối đa hiệu quả những tài sản, cơ sở vật chất đã có, hạn chế thấp nhất thiệt hại và thu hồi được vốn trả nợ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết đối với Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, theo báo cáo của các bộ ngành liên quan thì đang hoạt động có hiệu quả, hoạt động tốt.

Đương nhiên Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, HĐQT rà soát, điều chỉnh lại sau khi có sự việc của Vinashin. Vấn đề Tập đoàn Dầu khí có liên doanh với một tập đoàn dầu khí của Venezuela, Thủ tướng nói chủ trương Tập đoàn Dầu khí ra nước ngoài đầu tư để có thêm nguồn dầu, có thêm nguồn năng lượng là một chủ trương đúng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về công tác quy hoạch nói chung, trong đó có quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quy hoạch kinh tế - xã hội nói chung và quy hoạch chuyên ngành đã có bước tiến dài nhưng cũng còn nhiều bất cập. Về quy hoạch nguồn nhân lực Thủ tướng đã có chỉ đạo, nhưng để quy hoạch nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì chưa làm được. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có đề xuất là chỉ đạo xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho từng ngành, từng lĩnh vực và từ đó sẽ tổng hợp lại.

Đối với vấn đề đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo như câu hỏi của đại biểu Đinh Mươk (Quảng Nam), Thủ tướng khẳng định: “Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm nhưng so với yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt, còn khoảng cách. Gốc của vấn đề là ngân sách còn hạn hẹp quá, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng bằng nguồn này, nguồn khác để thực hiện đạt được mục tiêu đề ra”.

Nhiều điều còn yếu kém

Trình bày thêm trước Quốc hội, Thủ tướng nói: “Tôi được Quốc hội giao nhiệm vụ làm Thủ tướng Chính phủ, bản thân tôi cũng như Chính phủ đã làm hết sức mình để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thực hiện nghị quyết của Đảng trên tinh thần thực hiện nghiêm túc theo Hiến pháp và pháp luật, tất cả vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Chúng tôi làm việc hết sức mình với tinh thần đó, làm việc hết trách nhiệm với tinh thần đó. Đương nhiên bên cạnh những thành công, kết quả, cái làm được, chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận thấy rằng còn nhiều việc, nhiều điều còn hạn chế, yếu kém chưa làm được, chưa làm tốt. Lúc nào chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế của mình để tiếp tục khắc phục, tiếp tục làm tốt hơn để thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình tốt hơn”.

Tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp đến năm 2020

Đó là quy định trong nghị quyết miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp vừa được Quốc hội thông qua ngày 24-11. Đối tượng được miễn thuế theo dự thảo nghị quyết gồm: toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ nghèo, diện tích trong hạn mức của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp...

Thông qua Luật chứng khoán, Quốc hội khẳng định Ủy ban Chứng khoán nhà nước vẫn thuộc Bộ Tài chính. Còn với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, luật vừa được thông qua quy định mỗi khu vực bỏ phiếu có từ 300-4.000 cử tri. Ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa tới 300 cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.

Với Luật tố tụng hành chính, tòa án sẽ phải tạo điều kiện để các bên đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc xét xử các vụ án hành chính có hội thẩm nhân dân. Khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán.

Việc xét xử vụ án hành chính phải được tiến hành công khai. Trường hợp cần giữ bí mật Nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng thì tòa án xử kín nhưng phải tuyên án công khai...

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên