Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang lắng nghe ý kiến của đại biểu - Ảnh: Việt Dũng |
Trả lời chất vấn của các ĐB Quốc hội sáng 24-11, Thủ tướng nói: "Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém của Chính phủ”.
Thủ tướng cũng khẳng định sẽ kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các thành viên Chính phủ có liên quan và công bố công khai cho nhân dân.
Theo Thủ tướng, mặc dù còn khó khăn rất lớn nhưng việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu Vinashin đã có kết quả bước đầu tích cực. ”Năm 2010, doanh thu của tập đoàn dự kiến sẽ đạt 14 - 15 nghìn tỉ đồng và lỗ kinh doanh sẽ ít hơn năm 2009” - Thủ tướng thông báo.
Đại biểu Nguyễn Thị Loan (Hà Nội) băn khoăn với khả năng trả nợ của Vinashin vì mỗi năm lãi ngân hàng Vinashin phải trả là 15 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng vào tính khả thi của đề án tái cơ cấu Vinashin. Thủ tướng nói: “Thực hiện đề án này khó khăn, mong đại biểu Quốc hội ủng hộ, giám sát”.
Về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói chung, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội ban hành Luật về sử dụng vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào kinh doanh.
Ngoài nội dung Vinashin nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giải trình thêm và trả lời chất vấn về một số nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm gồm kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả; khai thác bôxit; về đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và đời sống; về khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung và một số nhiệm vụ chủ yếu về ứng phó đối với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và triển khai nghị quyết của trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Thực hiện đề án tái cơ cấu Vinashin khó khăn, mong đại biểu Quốc hội ủng hộ, giám sát" - Ảnh: Việt Dũng |
Phóng to |
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Việt Dũng |
Phóng to |
Đại biểu Nguyễn Thị Loan - Ảnh: Việt Dũng |
Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế thị trường đang có những diễn biến phức tạp, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp tết Nguyên đán.
Về lâu dài, Thủ tướng cho rằng phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giảm mạnh nhập siêu; tạo cơ sở vững chắc để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với các dự án khai thác bôxit, Thủ tướng cho biết sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại các hạng mục công trình của dự án và các giải pháp xây dựng, vận hành hồ bùn đỏ; yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm thẩm định lại, trên cơ sở đó hoàn thiện thiết kế hồ bùn đỏ của dự án.
Thủ tướng khẳng định: “Sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện dự án khi bảo đảm an toàn về môi trường”.
Liên quan đến việc đảm bảo cung ứng điện, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu điện gồm khai thác tối đa các nguồn phát điện hiện có, tiếp tục nhập khẩu tối đa lượng điện từ nước ngoài; đưa vào vận hành ổn định các dự án nguồn điện; ưu tiên tích nước cho các hồ thủy điện bảo đảm đến cuối năm 2010 đạt mức nước dâng cao nhất có thể được nhằm huy động tối đa công suất cho giai đoạn mùa khô năm 2011; tăng cường công tác tuyên truyền về sử dụng tiết kiệm điện.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện các giải pháp như ban hành quy hoạch điện VII (giai đoạn 2015 – 2020 có tính đến năm 2030); thực hiện cơ cấu ngành điện, sớm đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động; thực hiện lộ trình từng bước giá bán điện theo cơ chế thị trường; nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực phù hợp với cơ chế thị trường.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) thắc mắc với việc chưa sửa Luật điện lực thì Chính phủ làm sao huy động được điện cho sản xuất kinh doanh. Thủ tướng giải đáp: “Chính phủ làm hết sức, bằng mọi giải pháp để đảm bảo đủ điện, không đủ điện thì đừng nói tăng trưởng GDP, những giải pháp hôm nay là tổng hợp, mong đại biểu Quốc hội ủng hộ”.
Phát biểu kết thúc sau phần trả lời chất vấn sáng nay (24-11), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tâm sự: “Thưa các vị đại biểu Quốc hội, tôi được Quốc hội giao nhiệm vụ làm thủ tướng Chính phủ, bản thân tôi cũng như Chính phủ đã làm hết sức mình để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, để thực hiện nghị quyết của Đảng, trên tinh thần thực hiện nghiêm túc theo hiến pháp và pháp luật, tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chúng tôi làm việc hết sức mình với tinh thần đó, làm việc hết trách nhiệm với tinh thần đó”.
Thủ tướng nhìn nhận bên cạnh những thành công, vẫn còn nhiều việc, nhiều điều còn hạn chế, yếu kém chưa làm được, chưa làm tốt.
“Lúc nào chúng tôi cũng nghiêm túc để nhìn nhận những hạn chế của mình để khắc phục để tiếp tục làm tốt hơn, để thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình tốt hơn. Chúng tôi luôn trân trọng, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, góp ý xây dựng chân tình, trách nhiệm của đồng chí, đồng bào, của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi hết sức với tinh thần đó” - Thủ tướng nói.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị Thủ tướng cho biết trách nhiệm của Thủ tướng nói riêng và thường trực Chính phủ nói chung trong việc phê chuẩn các quy hoạch, trong việc chỉ đạo liên ngành triển khai quản lý các quy hoạch và trong việc rà soát điều chỉnh các quy hoạch thiếu tính dự báo, kém hiệu quả và chậm tiến độ hiện nay.
Thủ tướng khẳng định quy hoạch kinh tế - xã hội nói chung và quy hoạch chuyên ngành có một bước tiến dài, tuy nhiên cũng còn nhiều bất cập.
Theo Thủ tướng, chất lượng quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, tính pháp lý của quy hoạch còn rất nhiều điểm phải nâng lên. “Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn công tác quy hoạch” - người đứng đầu Chính phủ hứa.
Riêng về quy hoạch nguồn nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng chưa làm được quy hoạch nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
“Trách nhiệm quy hoạch yếu kém thuộc về ai thì cái này theo chức năng, nhiệm vụ trong cái làm được, cái làm chưa được thì kiểm điểm trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ” - Thủ tướng nói.
ĐB Đinh Mươk (Quảng Nam) nêu thực trạng nhiều vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng ngày càng lớn và cho rằng có tình trạng đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, việc phân bổ vốn đầu tư vừa ít, vừa nhỏ giọt so với lộ trình đã được đề ra.
Thủ tướng đồng tình với nhận định có dự án bố trí vốn ít nhưng mong muốn nhận được sự chia sẻ với Chính phủ vì “một cái bánh có vậy thôi” và Chính phủ “không muốn nhỏ giọt nhưng lực bất tòng tâm”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cam kết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức phân bổ có ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các chương trình mục tiêu khác”.
Quan tâm đến ngành công nghiệp phụ trợ, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đem một vấn đề chưa thỏa mãn từ phiên chất vấn bộ trưởng Bộ Công thương hỏi Thủ tướng: “Tôi biết Thủ tướng đã giao Bộ Công thương soạn thảo một nghị định liên quan đến vấn đề công nghiệp phụ trợ, gốc vấn đề để phát triển. Đến nay không biết lý do gì chưa ban hành được”.
“Tôi cũng rất sốt ruột như anh Lịch, phải có hành lang pháp lý để làm sao tạo thuận lợi thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển” - Thủ tướng trả lời như vậy và giải thích sự chậm trễ là do ý kiến các thành viên trong ban soạn thảo còn khác nhau. Thủ tướng nói: “Tôi cũng đang thúc giục việc này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận