18/11/2010 00:39 GMT+7

Lũ Miền Trung: Nhiều nơi vẫn bị cô lập

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Chiều 17-11, ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết dù nước lũ đã rút nhưng hiện toàn tỉnh vẫn còn ba huyện bị cô lập gồm Tây Trà, Sơn Tây và bốn xã vùng tây huyện Bình Sơn. Hai huyện Sơn Tây và Tây Trà bị cô lập hoàn toàn do tuyến đường từ Trà Bồng - Tây Trà bị sạt lở nặng.

* Nước lũ đồng bằng sông Cửu Long rút nhanh* Chuyến ghe định mệnh ở Huế* Ở Quảng Nam, cứu con, cha nằm lại bên dòng lũ dữ

Ông Nhi nói do khối lượng đất đá bị sạt lở lớn cộng với thời tiết vùng miền núi còn mưa to nên chưa thể khắc phục được.

ODxRfNqB.jpgPhóng to
Người dân Hội An (Quảng Nam) nỗ lực cứu cây cầu An Hội khi nước lũ có nguy cơ cuốn sập cây cầu này - Ảnh: Tấn Vũ

Tính đến cuối ngày 17-11, toàn tỉnh Quảng Ngãi có chín người thiệt mạng, ba người mất tích và 26 người bị thương do mưa lũ.

Trong khi đó tại các huyện miền núi Quảng Nam vẫn còn mưa và liên tục xuất hiện tình trạng lở đất gây tắc đường. Tại ngầm sông Trường, sông Nước Oa (dẫn lên hai huyện Nam và Bắc Trà My) nước còn ngập cao hơn 3m, nên các địa phương nơi đây vẫn bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện Duy Xuyên, 80/94 khu dân cư bị cô lập hoàn toàn. Hàng nghìn ngôi nhà dân ở các xã ven sông Thu Bồn bị ngập, có nơi sâu trên 1m.

Đến cuối ngày, ở Quảng Nam có tám người thiệt mạng, ba người bị thương.

Mưa to khiến nước từ thượng nguồn đổ về cũng gây ra tình trạng “lũ chồng lên lũ” làm ngập hàng ngàn hộ dân tại một số địa phương ở Bình Định. Theo số liệu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Hoài Ân, đến trưa 17-11 toàn huyện đã có hai người thiệt mạng do lũ.

Nước lũ sông Kôn tiếp tục dâng cao trong ngày 17-11 đã nhấn chìm hàng ngàn nhà dân ở các xã ven đê phía đông nam huyện Phù Cát. Đây là lần thứ ba trong tháng 11, vùng “rốn lũ” khu đông bị ngập chìm trong lũ.

Còn lúc 20g30 ngày 17-11, gần 100 hộ dân vùng trũng thuộc khu phố Long Châu, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã chủ động sơ tán vào các vùng cao của thị trấn vì lo ngại lũ lớn xuất hiện trong đêm.

_______________________

Ông Võ Thạnh - giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang - cho biết ngày 17-11 mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,33m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,1m. Từ ngày 1-11 tới nay nước ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu liên tục xuống thấp và đã rút từ 0,45-0,55m. Còn so với mức đỉnh của mùa lũ năm nay hồi cuối tháng 10 thì đã xuống 0,7-0,9m.

Năm nay lũ tại ĐBSCL thấp hơn bình quân nhiều năm từ 0,9-1,2m và có mực nước thấp nhất kể từ năm 1998. Theo ông Võ Thạnh, những ngày qua mực nước nội đồng ở Cần Thơ dâng cao chủ yếu là do triều cường. Nước từ đầu nguồn đổ về gặp đợt triều cường nên xảy ra hiện tượng nước chụp (dân gian gọi là nước chum). Hiện tượng này chỉ kéo dài trong vài ba ngày, sau đó nước sẽ rút nhanh theo triều.

Chiều 17-11, ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết mực nước trên đồng năm nay thấp hơn mọi năm 0,6m nên tới nay nông dân đã tranh thủ xuống giống sớm trước lịch thời vụ 52.000/205.000ha lúa vụ đông xuân.

Trong khi đó theo ông Đoàn Ngọc Phả - phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, hiện nông dân tỉnh này đã tranh thủ xuống giống được 5.000ha lúa đông xuân.

_________________________

Chiều 17-11, lực lượng tìm kiếm cứu nạn ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) đã tìm được thi thể của ba người trong một gia đình trên một cánh đồng ngập lũ cách nhà họ chừng 1,5km được cho là chết đuối vào chiều hôm trước. Đó là ba, mẹ và người con gái vừa mới tốt nghiệp một trường trung cấp mầm non.

Dưới những cơn mưa lất phất, thi thể của ba người được đưa từ cánh đồng ngập lũ trở về nhà trong những tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng gào như xé lòng. Trong ngôi nhà heo hút chỉ còn lại hai cậu con trai. Người dân ở khu xóm nghèo cùng với cán bộ xã bắt đầu đi quyên những lon gạo, mua những vật dụng nghĩa tình về làm đám trong đêm đen mưa lũ.

Bà con làng xóm nuốt nước mắt kể lại: chiều 16-11, khi nước lũ còn cao chia cắt đường sá, người bố tên Lê Đắc Cho (52 tuổi) và người mẹ tên Trần Thị Sen (46 tuổi) đã lấy chiếc ghe cau của gia đình chèo vượt dòng nước lũ đưa người con gái tên Lê Thị Hồng (21 tuổi) đến chỗ làm việc. Nơi ấy là Công ty Dệt may công nghiệp HBI thuộc Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy), chứ không phải là một ngôi trường mầm non mà Hồng đang mong đợi.

Bố mẹ Hồng đều làm nông. Nhà có ba anh em, anh của Hồng là Lê Đắc Chương (24 tuổi) đang làm thợ nề ở Đà Nẵng, sau Hồng có một em đang học lớp 8. Hồng vừa tốt nghiệp, định xin đi dạy mầm non nhưng chưa có việc nên xin vào làm việc tạm tại doanh nghiệp nói trên.

Từ nhà của Hồng đến chỗ làm không quá xa nếu đi xe đạp. Nhưng vào buổi chiều định mệnh, đường sá chia cắt do ngập lụt mà việc thì không thể nghỉ vì mới xin được. Sợ nước lũ mỗi lúc một dâng cao, bố mẹ Hồng quyết định đưa cô con gái vượt lũ đến nhà bạn gần chỗ làm để nghỉ, sáng hôm sau đi làm sớm.

Họ rời nhà khoảng 15g ngày 16-11, nhưng buổi làm việc sáng 17-11, một người bạn của Hồng không thấy cô đi làm nên gọi điện về hàng xóm hỏi, nhiều người mới hoảng hốt vì trước đó em Thịnh đã báo là không hiểu sao ba mẹ đi từ chiều qua đến giờ chưa về...

“Nhà o chú ấy khá nghèo, chỉ dựa vào vài sào ruộng, bây giờ xảy ra chuyện này thật thê lương. Bây giờ mọi người chung tay lo việc mong sao o chú và em Hồng đỡ lạnh lẽo” - ông Ngô Quang Rin, trưởng Công an xã Thủy Thanh, nói khi vừa mang bao gạo về làm đám.

GP84ObDQ.jpgPhóng to
Cụ Lê Thị Ai bên quan tài chờ chôn cất con trai - Ảnh: Tấn Vũ

Sáng 17-11, người dân đội 4, thôn Trung Phú 2 (xã Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam) bàng hoàng khi được tin ông Lương Văn Hoa (54 tuổi) trút hơi thở cuối cùng trong dòng nước dữ để cứu đứa con trai tật nguyền.

Căn nhà nhỏ của ông Hoa nằm sâu trong vùng ngập nước. Giữa nhà, chiếc quan tài lạnh ngắt được những người đàn ông dán giấy bọc. Bà Dinh Thị Đầm khóc ngất bên thi thể chồng đắp chiếu chờ đến giờ khâm liệm. Cạnh chiếc quan tài trống không lạnh lẽo, cụ Lê Thị Ai - 84 tuổi, mẹ ông Hoa - ngồi chết lịm... thẫn thờ nhìn thi thể con.

Kéo vạt áo lau dòng nước mắt lăn dài trên đôi má gầy gò, bà Đầm kể lại khoảng 20g ngày 16-11, nước lũ từ thượng nguồn dồn dập đổ về. Trong căn nhà dưới, đứa con trai Lương Văn Thành của bà nằm sóng soài sau một lần không may bị tai nạn. Thành đã nằm đó hơn bốn tháng, không nói, không cười, ngơ ngác nhìn trần nhà. Bán hết tài sản, mượn nợ hơn 80 triệu đồng, vợ chồng bà mới giữ được tính mạng đứa con trai.

Thấy nước lũ gần ướt lưng con, ông Hoa kề vai dìu đứa con ngơ ngác của mình lên chỗ cao ráo hơn. Nhưng đêm tối, sức lại yếu nên ông Hoa ngã khuỵu xuống mép nước trước hiên nhà rồi bất tỉnh.

“Anh ấy chết mà tay vẫn níu chặt vai thằng Thành. Chắc là sợ Thành bị nước lũ cuốn” - bà Hường, em ruột ông Hoa, nghẹn ngào.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên