07/11/2010 07:11 GMT+7

Đừng biến Hà Nội xa lạ với các thành phố khác

L.KIÊN - V.V.THÀNH - C.V.KÌNH
L.KIÊN - V.V.THÀNH - C.V.KÌNH

TT - Ngày 6-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật thủ đô với nhiều ý kiến khác nhau. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng: “Cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình với việc này.

Nâng mức phạt cũng không giảm ùn tắc giao thông

Bà Thanh cho rằng ùn tắc giao thông đang là bức xúc lớn của cử tri Hà Nội. Do vậy, nếu không cho Hà Nội hành lang pháp lý để giúp Hà Nội làm tốt hơn công việc của mình thì rất khó. Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nói các quận nội thành Hà Nội hiện nay đã quá tải về mật độ dân số, do đó các quy định về quản lý dân cư, về nhập hộ khẩu vào khu vực này cần chặt chẽ hơn, ví dụ điều kiện nhà ở phải là nhà chính chủ có sổ đỏ chứ không thể là nhà đi thuê mướn.

Đồng tình việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành Hà Nội nên cao hơn các khu vực khác, nhưng chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị cần tránh khuynh hướng nặng về nâng cao mức xử theo kiểu “cái gì khó quản lý thì phạt cao hơn”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói dù có nâng mức phạt lên bao nhiêu cũng không giảm được ùn tắc giao thông nếu không đi kèm với các biện pháp đồng bộ khác.

“Đừng biến Hà Nội thành TP xa lạ với các TP khác” - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Văn Chiến (Bắc Ninh) nói. Ông Chiến cho rằng kẹt xe thì TP.HCM, Đà Nẵng cũng kẹt chứ đâu chỉ riêng Hà Nội; bảo tồn, tôn tạo nhà cổ thì Hội An, Huế cũng phải làm chứ đâu chỉ riêng Hà Nội... Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cũng phân tích rằng các quy định trong dự luật đã “tạo sân chơi riêng cho Hà Nội, cho chính quyền Hà Nội có thẩm quyền cao hơn các tỉnh thành khác, như vậy là không đúng với quy định của hiến pháp.

Chính sách tài chính chưa phù hợp Luật ngân sách

Dự thảo Luật thủ đô quy định cho phép UBND TP Hà Nội xây dựng, trình HĐND TP Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù. Tuy nhiên, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi lưu ý hiến pháp chưa quy định HĐND cấp tỉnh được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó ở đây nên quy định theo hướng HĐND TP kiến nghị để cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về quy định thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán hàng năm để đầu tư xây dựng, phát triển thủ đô như trong dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định này không phù hợp với quy định tại Luật ngân sách nhà nước. “Quy định Hà Nội nếu thu vượt dự toán thì được giữ lại, nếu TP.HCM cũng đề nghị và thực tế đã đề nghị rồi thì cả nước lấy đâu ra tiền?” - đại biểu Nguyễn Thanh Toàn nói.

Nói Luật thủ đô vi hiến là suy diễn

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trưởng ban soạn thảo dự án luật, trước nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật thủ đô vi hiến, cho Hà Nội nhiều quyền, tiền. Ông Cường nói: “Có ba vấn đề lớn mà nhiều ý kiến băn khoăn. Một là đã cần thiết hay chưa cần có Luật thủ đô? Hai là phạm vi điều chỉnh luật có rộng? Ba là một số chính sách ưu đãi cho thủ đô có “quá đà”? Theo tôi, cả ba vấn đề đều có thể trả lời: dự luật thủ đô hợp lý, chỉ kế thừa cái đã có”.

Ông Cường cho biết cụ thể: “Nói về cần thiết, chúng ta đã có nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Hà Nội, có nói rõ phải ban hành pháp lệnh, thể chế hóa chủ trương. Hiện ta đã có pháp lệnh. Nhưng trong chín năm qua, hệ thống pháp luật phát triển mạnh, thường không dừng lại ở cấp độ pháp lệnh mà phần lớn là luật. Nhiều quy định trong pháp lệnh thủ đô đã bị các luật sau này vô hiệu hóa”.

L.KIÊN - V.V.THÀNH - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên