TTO - Ngày 4-11, các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ vẫn tiếp tục mưa lớn, nhiều vùng vẫn còn ngập trong nước. Thêm nhiều người chết và mất tích. Nguy cơ vỡ hồ đập chứa nước trong khi các thủy điện tiếp tục xả lũ.
Phóng to |
Nhà dân xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa (Phú Yên) vẫn ngập chìm trong biển nước - Ảnh: Ngân Sơn |
Ngày 4-11, trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng nên mực nước 4 con sông lớn ở Bình Định vẫn tiếp tục dao động ở mức cao. Trong đó, sông Lại Giang và sông Hà Thanh dao động dưới báo động cấp 1. Sông Kôn tại Thạnh Hòa ở mức báo động cấp 2.
Phóng to |
Nước lũ dâng cao trở lại làm cô lập các xã khu Đông của huyện Tuy Phước - Ảnh: N.TRẦN |
Theo báo cáo của các địa phương, cả tỉnh Bình Định đã 3 người chết và mất tích. Tại huyện Tuy Phước, cháu Mai Thị Thúy Hằng (2 tuổi, ở xã Phước Hiệp) bị sụp mương và nước lũ cuốn trôi vào cống kẹt chết. Ở TP Quy Nhơn, anh Hoàng Kim Thanh Tùng (23 tuổi, ở phường Hải Cảng) bị sóng biển cuốn trôi mất tích. Ở huyện An Nhơn, ông Lê Hải (79 tuổi, ở khối Mỹ Hòa, thị trấn Đập Đá) bị mất tích từ ngày 2-11.
Trong ngày 4-11, toàn bộ vùng đồng bằng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Kôn đã bị ngập chìm trong lũ từ 1-2m. Các tuyến đường từ huyện Tuy Phước đi huyện Phù Cát và từ thị trấn Bình Định đi Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước có nhiều đoạn ngập sâu từ 0,5m đến hơn 1m, không thể đi lại được bằng các phương tiện giao thông.
Cả tỉnh Bình Định hiện có 75 hồ chứa nước nhỏ do các huyện quản lý đã tích đầy và nước chảy qua tràn. Trong đó có 14 hồ chứa nước bị xuống cấp, thẩm thấu lậu qua đập đất, cống lấy nước, có nguy cơ không an toàn. Toàn bộ hệ thống đê bảo vệ tuyến đê ngăn mặn khu đông bị sóng đánh sạt lở mái nhiều đoạn, có một số đoạn bị vỡ.
Cầu Gỗ từ thôn Huỳnh Giản đến thôn Huỳnh Kim, xã Phước Hòa có nguy cơ sập, gây ách tắc đường cứu hộ, cứu nạn ở khu vực này. Hệ thống đê sông, kè sông bị sạt lở hơn 9km có nguy cơ vỡ đê gây ngập lụt sâu cho các khu dân cư ở 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát.
Trong ngày 4-11, đoàn kiểm tra do ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Phóng to |
Nhiều hồ chứa nước thủy lợi ở Quảng Ngãi đã quan tràn |
Quảng Ngãi hiện có trên 300 hồ đập, phần lớn đều có nguy cơ bị vỡ nếu xả ra lũ lớn, trong đó đáng lo ngại nhất là hồ chứa nước Đá Bàng, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức.
Hồ chứa nước Đá Bàng có sức chứa gần 1 triệu mét khối nhưng hiện nay có nguy cơ vỡ hồ rất lớn. Nếu hồ này bị vỡ thì hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ lưu của đập sẽ ngập chìm trong biển nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi chỉ đạo các đơn vị quản lý và vận hành các hồ đập chủ động triển khai lực lượng, thường xuyên kiểm tra các hồ đập để điều tiết nước phù hợp, sẵn sàng phương tiện và con người để ứng phó với các tình huống xấu xảy ra.
Phóng to |
Sóng biển dữ dội ở vùng biển Quảng Ngãi |
UBND các huyện lên phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm nếu xảy ra vỡ đập, vùng nguy cơ sạt lở núi, ven sông, ven biển để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.
Ông Trương Ngọc Nhi cho biết UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lên phương án khi nước sông vượt mức báo động 3 sẽ triển khai di dời khoảng 1.600 hộ, nếu vượt mức báo động 3 một mét sẽ phải di dời 3.800 hộ dân ở 72 điểm ra khỏi vùng ngập lũ, vùng có nguy cơ xảy ra lở núi.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, cho biết trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 7, giật cấp 10. Trước tình hình này, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã chỉ đạo các trạm kiểm soát biên phòng khu vực liên lạc, kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng tìm nơi neo trú an toàn.
Chiều 4-11, Phó Ban PCLB&TKCN huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) Phan Văn Hiền cho biết do mưa lớn trong những ngày qua đã làm đoạn Eo Tà Mỏ thuộc xã Trà Thanh, huyện Tây Trà nằm trên tuyến đường sông Trường - Trà Bồng - Bình Long - Dung Quất bị sạt lở nên hiện nay ô tô không qua lại được. Tuyến đường Di Lăng - Trà Trung cũng bị sạt lở ở khu vực thôn Bắc Nguyên, xã Trà Thọ làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trên địa bàn huyện Sơn Tây, tại phía Nam dốc Ra Vách thuộc xã Sơn Tịnh cũng bị sạt lở nặng.
Vào lúc 12 giờ trưa nay (4-11), một góc phía Tây núi Nhạn (phường1, TP Tuy Hòa, Phú Yên) bất ngờ bị sạt lở, đất đá đổ xuống đè sập 3 nhà dân nằm trên đường Lê Trung Kiên ngay dưới chân núi.
Đó là nhà của các hộ Lê Thị Lạc (số 64A), Nguyễn Thị Anh Nhiên (số 64B) và Nguyễn Thị Học (số 64C). Trong đó, nhà bà Nhiên và bà Học bị đè sập hoàn toàn.
Phóng to |
Phòng khách nhà bà Lê Thị Lạc bị núi lở phá toang hoác - Ảnh: Ngân Sơn |
Khi núi lở, trong 3 ngôi nhà này có tổng cộng 11 người nhưng nhờ nhanh chân chạy kịp nên không có ai thương vong.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND phường 1 đã khẩn cấp khoanh vùng nguy hiểm, đưa 3 hộ nhà bị sập đến nơi an toàn. Đồng thời, cảnh báo 10 hộ dân còn đang sinh sống tại khu vực này đề phòng núi lở.
Theo người dân, mưa to liên tục nhiều ngày nay chính là nguyên nhân gây ra tai nạn trên.
Ngày 4-11, các thủy điện tiếp tục xả lũ cộng với mưa rất lớn liên tục, lũ trên các sông ở Phú Yên dâng trở lại, tiếp tục uy hiếp nhiều vùng.
Phóng to |
Các tuyến đường TP Tuy Hòa ngập nhiều giờ liền vì mưa lớn liên tục trong ngày 4-11 - Ảnh: DUY THANH |
Mưa lớn liên tục khiến TP Tuy Hòa, từ 10g-17g ngày 4-11, hàng loạt đường phố bị ngập nước từ 0,5-0,8m khiến việc đi lại hết sức khó khăn.
Trong khi đó, các thủy điện trên địa bàn Phú Yên tiếp tục xả lũ ngày thứ tư liên tiếp. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tổng lượng xả lũ lớn nhất của hai hồ thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ là 6.500m3/giây, hồ thủy điện Krông H’năng (bậc trên của hồ thủy điện Sông Ba Hạ) đã xả lũ với lưu lượng 980m3/giây.
Mưa lớn và thủy điện xả lũ khiến nước trên các sông ở Phú Yên lớn dần trở lại sau một ngày đêm rút bớt. Nhiều vùng ở các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân lũ dâng trở lại, nhiều nơi đạt bằng đỉnh lũ chiều ngày 2-11. Tình trạng chia cắt, cô lập tiếp tục diễn ra.
UBND tỉnh Phú Yên cho biết đến 11 giờ ngày 4-11, toàn tỉnh đã có 1.000 hộ với 3.500 nhân khẩu ở các vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, cửa sông di dời đến nơi an toàn.
Mưa lớn cộng với các hồ thủy điện xả lũ đã nhấn chìm hơn 2.100 ngôi nhà, 3 nhà bị sập hoàn toàn và 5 nhà hư hỏng, 850 ha lúa mùa bị ngập và có nguy cơ mất trắng, gần 1.400 ha mía, sắn bị ngập và ngã đổ. Ước tính sơ bộ thiệt hại về vật chất toàn tỉnh do mưa lũ mấy ngày qua hơn 95 tỉ đồng.
Phóng to |
Học sinh xã An Định, huyện Tuy An (Phú Yên) đến trường trong mưa lũ - Ảnh: Ngân Sơn |
Hiện ở Phú Yên trời vẫn đang mưa to, tổng xả lũ hai hồ thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ ở mức 5.200m3/s, nước các sông đang dâng cao và chảy xiết.
UBND tỉnh Phú Yên đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ chín ca nô chuyên dụng công suất lớn để phục vụ công tác di dời và tìm kiếm cứu nạn tại chỗ, trang bị cho lực lượng biên phòng tỉnh một tàu sắt công suất 2.000-3.000 CV để cứu nạn kết hợp tuần tra bảo vệ lãnh hải.
Tính đến nay xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, Phú Yên nằm trọn trong vòng rốn lũ 7 ngày đêm. Gạo, thức ăn dự trữ đã hết, nhiều gia đình ngày hôm nay chỉ còn con cá mặn làm bữa ăn cuối cùng cho cả nhà. So với các huyện khác thì huyện Đồng Xuân, Tuy An đang hứng chịu đợt lũ lớn.
Phóng to |
Nước lũ lớn nhanh trở lại khiến nhiều khu vực huyện Tuy An bị ngập sâu - Ảnh: Mạnh Hoài Nam |
Sáng 4-11, nước lũ lên nhanh, tuyến đường ĐT 641 từ thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) ngập sâu trong nước. Các khu vùng dân cư xã An Dân, An Định (huyện Tuy An); Tân Hòa, Tân Long (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) chìm trong nước lũ. Trước đó trận mưa rạng sáng 2-11, nước lũ “ngâm” hàng trăm hộ dân ở vùng dân cư này kéo dài cho đến chiều 3-11.
Nhiều cụ già ở khóm 4 (thị trấn La Hai) đã ba ngày liên tiếp tối đi trốn lũ, sáng về nhà mỏi rã rời đôi chân. Cụ Võ Thị Hồng, 73 tuổi, ở khóm 4, chống gậy đi trốn lũ than vãn: “Ở đây ban ngày trời mưa to không dám ngồi trong nhà mà ra hàng ba đứng thăm chừng, thấy nước tràn vào cánh đồng trước nhà là gánh mùng mền, chén bát “đầu treo, đầu trễ” đi tránh lũ”.
Phóng to |
Gạo, thức ăn cạn kiệt, nhiều người dân thôn Định Trung 2, xã An Định (Tuy An) ăn sắn mì trong lũ - Ảnh: Mạnh Hoài Nam |
Các thôn vùng trũng như Tân Long, xã Xuân Sơn Nam; Chợ Lùng, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động sơ tán hàng ngàn hộ dân vào UBND xã trú tạm. Riêng thôn Mỹ, Long Hòa (xã Xuân Long, Đồng Xuân), cây cầu bắc qua thôn này bị trôi nên chưa thể liên lạc được.
Khu vực Lưới Gõ, Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông và khu dân cư ốc đảo Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) khu vực thượng lưu nước rút phần nào nhưng ở đây vẫn còn mênh mông nước.
Hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) bị nước lũ bao vây cô lập nhiều ngày liên tiếp. Người dân thôn Tân Phước (Xuân Sơn Bắc) để có thức ăn cầm cự chống chọi với lũ phải đi bộ hơn 10km vượt qua đèo Cây Cưa xuống chợ xã Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu) mua thức ăn đem về.
Tuyến đường này do mưa lũ sạt lở nghiêm trọng không thể đi xe máy được. Riêng thôn Tân Bình đã bảy ngày qua nước lũ “chặn đầu, chặn đuôi”, ngược lên phía trên gặp tràn sông Cô, thị trấn La Hai (Đồng Xuân) ngập sâu 3m, xuống phía dưới thì cầu Cây Sung (ngăn cách thôn Tân Bình, Tân Phước) nước chảy xiết bọt tung trắng xóa.
Phóng to |
Mới đưa tủ thờ xuống thắp nhang, giờ phải cơi nới buộc chặt - Ảnh: Mạnh Hoài Nam |
“Nhà có bốn miệng ăn, biết trước mưa to, lũ sẽ cô lập nên nhà tôi chuẩn bị sẵn gạo, thức ăn và một số nhu yếu phẩm khác dự trữ, tuy nhiên do lũ cô lập kéo dài, đến nay thức ăn đã hết chỉ còn duy nhất con cá mặn ăn bữa trưa nay. Gạo trong nhà gần như đã cạn, lúa dự trữ đưa lên gác lửng, điện cúp, vì thế có lúa nhưng không thể xay gạo”- chị Nguyễn Thị Ánh giải bày qua điện thoại. Các hộ dân khác chúng tôi cố liên lạc chỉ ò í e vì hết pin.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc Điện lực Đồng Xuân Trần Văn Huynh giải thích: “Hiện nay khu vực xã Xuân Sơn Bắc nước lũ ngập sâu nên chưa có kế hoạch đóng điện, vì chưa kiểm tra được nên đóng điện sẽ rất nguy hiểm. Nếu tình hình tiếp tục có mưa to như thế này xã Xuân Bắc sẽ tiếp tục mất điện trong vài ngày đến”.
Các vùng dân cư khác gần cầu La Hai, cầu suối Bà Sào (xã Xuân Phước) thì chợ họp tạm hai bên bờ sông suối vì không thể qua lại được. Ông Đặng Văn Trọng, phó Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Đồng Xuân, cho biết: “Trước khi lũ đến chúng tôi đã chỉ đạo cho UBND các xã vùng trũng vận động người dân mua thức ăn, gạo dự trữ, tuy nhiên do lũ kéo dài nên đời sống người dân đang thiếu thốn. Thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện nay có 70 ngôi nhà ngập sâu trong nước”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận