02/11/2010 12:09 GMT+7

Lũ nam trung bộ: đang mở rộng

V.T.
V.T.

TTO - Đến chiều tối 2-11, người dân thôn Thành Phát (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, Khánh Hoà) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thương tâm của em Võ Ngọc Nhất (11 tuổi, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Phước Thịnh, xã Phước Đồng).

*Các tỉnh Nam Trung Bộ bị chia cắt, quốc lộ biến thành biển nước*Khánh Hòa: Một học sinh chết do lở đất, sập nhà

Bà con nơi đây cho biết khoảng 2 giờ sáng cùng ngày, trời mưa to, nhiều người trong thôn nghe một tiếng “rầm” kinh hoàng. Trước mắt họ, ngôi nhà của anh Võ Ngọc Hoà (38 tuổi) và chị Võ Thị Hồng (36 tuổi, quê Bình Định) bị vùi trong lớp đất đá của sườn núi bên cạnh đổ xuống.

ttfEdRmj.jpgPhóng to
Chị Hồng và cháu Huy tại bệnh viện. Ảnh: CHÂU TƯỜNG

Khi xảy ra tai nạn, anh Hoà đi biển chưa về. Chị Hồng đang khai thông đường ống nước nên thoát chết. Hai anh em ruột Võ Ngọc Nhất và Võ Vũ Thành Huy (3 tuổi) đang ngủ trên giường bị đất đá vùi lấp. Chị Hồng cho biết: “Hai cháu đang ngủ thì một mảng đất đá lớn đột ngột sụp, đè ập xuống bức tường sau nhà khiến tôi không kịp trở tay”.

Mưa quá to át tiếng la, chị Hồng phải nhờ hàng xóm lấy xoong, thùng ra gõ kêu gọi mọi người đến cứu hai con.

Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã cùng dân quân và người dân vật lộn với đống đất đá bùn ngổn ngang cứu người trong đêm tối. Sau hơn 2 giờ, lần lượt Huy và Nhất được kéo ra, nhưng Nhất đã chết.

S3QRRPmK.jpgPhóng to

Trong nhà anh Hòa chị Hồng hầu như không còn gì.Ảnh: CHÂU TƯỜNG

Gần 3 giờ sáng, xe cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà có mặt tại chân núi đưa hai nạn nhân đi cấp cứu. Bác sĩ Lê Hữu Hải, người có mặt trên xe cấp cứu, cho biết xe đang đi nửa chừng đã tắt máy do nước lớn ngập đường.

Trước tình thế hết sức nguy kịch, ê-kíp cấp cứu cùng người nhà đã dùng xe gắn máy đưa nạn nhân về bệnh viện.

Hiện thi hài Nhất đã được mang về quê Bình Định an táng. Còn Huy lúc mê lúc tỉnh, chấn thương sọ não, sưng nề vùng mặt, máu tụ ngoài màng cứng và dưới màng cứng trán phải, vỡ lún sọ trán phải và đang nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Trong bệnh viện, người mẹ chỉ còn biết ôm con, nước mắt dàn giụa.

Chiều 2-11, trước mắt chúng tôi, ngôi nhà mấy mẹ con nằm trong đất đá ngổn ngang. Chính quyền địa phương đã di dời 50 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở về khu thể thao Hòn Rớ. Riêng gia đình được xã hỗ trợ 6 triệu đồng, Hội chữ thập đỏ tỉnh và TP. Nha Trang cũng đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình.

Theo tổng hợp chiều 2-11 của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, do mưa lớn liên tục, ngày 2-11, hồ chứa nước Đá Bàn (46 triệu m3) đã được lệnh xả lũ, với lưu lượng bước đầu 17,5 m3/giây.

Trước đó, hồ Suối Dầu (31 triệu m3) đã tiến hành xả 3 cửa, tổng lưu lượng 250 m3/giây. Hồ Cam Ranh xả 3 cửa, tổng lưu lượng 131 m3/s. Các hồ chứa nước nhỏ hơn, lũ vượt trên mức dâng bình thường, chảy qua tràn tự do.

Quy trình xả lũ được thực hiện chính xác, trước khi xả đều có thông báo cho chính quyền và người dân tại các khu vực hạ lưu để kịp thời ứng phó, điều tiết nguồn nước xả hợp lý, chủ động phương án sơ tán dân vùng bị ảnh hưởng…

Hiện Khánh Hòa có 8 hồ chứa, với tổng dung tích 120 triệu m3.

Nước các sông trong tỉnh đang dâng trở lại. Tại sông Cái (Nha Trang) và sông Dinh (Ninh Hòa) mực nước đều vượt mức báo động 2.

Quốc lộ 27A: thông tuyến, đường 723: ách tắc

Các doanh nghiệp vận tải hành khách Thuận Thảo, Bảy Cao ở Đà Lạt cho biết tuyến Đà Lạt - Phan Rang và Đà Lạt - Nha Trang đã bắt đầu hoạt động trở lại vì quốc lộ 27A đã thông tuyến sau khi nước lũ rút từ sáng 2-11.

pUZvE7AO.jpgPhóng to
Cảnh sát giao thông địa phương hướng dẫn,giúp dỡ cho các loại xe cộ qua lại ở đoạn đường bị sạt lở mới được khắc phục

Trước đó, tối 30-10, quốc lộ 27A bị sạt lở nặng tại khu vực đèo Cậu thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận nên các doanh nghiệp vận tải đã tạm ngừng chạy trên tuyến Đà Lạt đến Phan Rang và ngược lại.

Trong khi đó, hãng xe khách Phương Trang Đà Lạt - đơn vị chuyên khai thác tuyến đường mới (723) nối Đà Lạt - Nha Trang lại đang tạm ngừng đưa đón hành khách từ Đà Lạt đến các tỉnh miền trung và ngược lại vì đường 723 vẫn còn bị ách tắc ở đoạn Khánh Vĩnh, Khánh Hòa.

Phú Yên: Nước lũ đã tràn vào thành phố Tuy Hòa

Từ 18g tối 2-11, nước lũ bắt đầu tràn vào TP Tuy Hòa (Phú Yên). Đến 21g30, đường Bạch Đằng chạy dọc bờ bắc sông Đà Rằng đã chìm hoàn toàn trong nước lũ. Nhiều con phố như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Duy Tân, Nguyễn Công Trứ… đã ngập trong nước lũ, có nơi ngập nặng đến gần 1m.

Yj6cOYmA.jpgPhóng to
Các con phố Tuy Hòa ngập trong nước lũ

Từ chiều 2-11, tiểu thương ở chợ TP Tuy Hòa đã dọn hàng hóa, đến tối, một số ngành hàng khô, trái cây, hoa quả đã dời lên nơi cao ráo là khu vực ngã năm Trần Hưng Đạo.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online lúc 21g30 tối 2-11, ông Phan Khánh, trưởng Phòng Kinh tế, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Tuy Hòa cho biết: “Theo thông báo đỉnh lũ trong đêm 2-11 trên sông Ba tại Phú Lâm vượt trên báo động cấp ba, nhưng thấp hơn 0,3m so với đỉnh lũ hồi cuối năm 2009, nên khả năng TP Tuy Hòa không bị ngập nặng như trận lũ lịch sử năm ngoái".

Ông cho biết thêm: "Tuy nhiên, chiều 2-11, TP Tuy Hòa đã họp khẩn cấp bàn biện pháp ứng phó. Chúng tôi đã chuẩn bị lực lượng xung kích cơ động của thành phố với 93 người cùng 3 ca nô, nhiều xe máy sẵn sàng tham gia cùng các đội xung kích địa phương để sơ tán, giúp dân khi có tình huống khẩn do lũ lớn gây ra”.

* Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, từ 19g tối ngày 1-11, hồ thủy điện Sông Hinh đã xả lũ với lưu lượng 1.000m3/giây. Tiếp đó, hồ thủy điện Krông H’năng (bậc trên của hồ thủy điện Sông Ba Hạ) đã phải xả lũ lưu lượng 729m3/giây và tăng dần lên 1.292m3/giây.

Vào 7g sáng nay, hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ lưu lượng 2.500m3/giây và sẽ tăng dần lên từ 4.000 - 5.000m3/giây vào khoảng 19g cùng ngày. Như vậy, trong ngày hôm nay, cả ba hồ thủy điện ở Phú Yên là Sông Hinh, Krông H’năng và Sông Ba Hạ đều xả lũ. Do vậy, dự báo lũ ở hạ du sẽ rất lớn.

Theo thông báo lũ khẩn cấp hồi 6g30 sáng của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Phú Yên, mực nước của sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng xấp xỉ mức báo động cấp ba, ba sông còn lại đều trên mức báo động cấp một và báo động cấp hai. Dự báo trong 12-24 giờ tới đạt báo động cấp hai, cấp ba, riêng hai sông Kỳ Lộ và Bàn Thạch vượt báo động ba từ 0,5-1m.

Đêm ngày 1-11 và sáng ngày 2-11, trên địa bàn Phú Yên có mưa to đến rất to. Nước thượng nguồn đổ về lớn, cộng thêm hai thủy điện xả lũ khiến nhiều vùng ở tỉnh Phú Yên chìm trong lũ.

lUSzlJlD.jpgPhóng to

Xóm nhà thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) chìm nghỉm trong biển nước - Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

2EoXlFTQ.jpgPhóng to
Lũ lớn hết chỗ tránh buộc xe máy và thành đường sắt đề phòng nước dâng trôi - Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
jwNnbWZv.jpgPhóng to
Trạm xá xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên chìm trong biển nước - Ảnh: Duy Thanh

Thông tin từ các ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Xuân và huyện Tây Hòa cho biết, trên địa bàn của hai huyện này đã có một người chết và hai người mất tích.

Khoảng 20g ngày 1-11, chị Đặng Thị Mai, 24 tuổi ở thôn Lãnh Cao, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân đi đón cha là ông Đặng Hồng Kỳ, 50 tuổi, từ tỉnh Bình Định về quê. Khi hai cha con đến cầu tràn Soi Dâu thuộc xã Xuân Lãnh thì bị nước lũ chảy xiết cuốn trôi. Xác ông Kỳ được tìm thấy vào tối ngày 1-11 tại khu bờ tràn suối Mung (xã Xuân Lãnh), còn chị Mai mất tích, đến 10g30 hôm nay (2-11) vẫn chưa tìm thấy. Hiện việc tìm kiếm thi thể nạn nhân Đặng Thị Mai rất khó khăn do trời mưa to và nước đang dâng cao.

Trước đó, lúc 16g ngày 1-11, cháu Lê Thị Thanh Thưởng, 13 tuổi, học sinh Trường THCS Tây Sơn ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, trên đường đi học về, khi dắt xe đạp qua cầu tràn Quảng Mỹ thì bị nước lũ cuốn trôi. Các lực lượng cứu hộ của xã Hòa Mỹ Tây và huyện Tây Hòa gồm 30 người tìm kiếm tung tích cháu Thưởng suốt đêm 1-11 đến trưa nay vẫn chưa thấy.

Như vậy, kể từ khi có lũ (ngày 30-10) đến nay, trên địa bàn Phú Yên đã có 2 người chết, 2 người mất tích.

MK7QrmPJ.jpgPhóng to
Đường nối từ quốc lộ 1 đến xã An Thạch, huyện Tuy An bị ngập, nơi sâu nhất gần 1.5m - Ảnh: Duy Thanh

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Xuân cho biết, từ 4g30 hôm nay, đường ĐT641 từ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân bị nước lũ tràn qua, nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước, khiến huyện miền núi này bị cô lập hoàn toàn với các địa phương đồng bằng. Sáng nay, toàn bộ huyện Đồng Xuân bị cúp điện. Tất cả các xã đã bị lũ cô lập.

Trong khi đó, tại huyện Tuy An, do lũ lớn trên sông Kỳ Lộ đổ về sông Cái vượt báo động cấp ba nên nhiều vùng ở huyện này lũ lên rất nhanh. Xã An Định, vùng “rốn lũ” của huyện Tuy An trong đợt lũ cuối năm 2009, sáng nay ngập trong nước. Tất cả các đường liên thôn của xã An Định này cũng bị ngập sâu trong nước lũ.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online trưa nay, ông Nguyễn Trọng Hùng - phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An - cho biết thêm: Từ chiều ngày 1-11, các xã An Lĩnh, An Xuân, An Nghiệp, An Định, An Thạch, An Ninh Đông, An Ninh Tây của huyện này đã bị lũ cô lập hoàn toàn.

Từ chiều tối 1-11, tại khu vực cửa biển Lễ Thịnh thuộc thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, triều cường đã làm sạt lở 209m, ăn vào đất liền 20m và khoét sâu khoảng 2m. 60 hộ dân ở khu vực này bị ảnh hưởng, trong đó có 12 hộ dân bị triều cường uy hiếp trực tiếp. UBND xã An Ninh Đông đã sơ tán ba hộ với 12 người đến nơi an toàn, tiếp tục vận động để di dời 9 hộ bị uy hiếp còn lại. Triều cường cũng đã tấn công xóm An Vũ, xã An Ninh Đông gây sạt lở một vùng dài 50m, rộng 2m, sâu 3m.

LmFDx9Fd.jpgPhóng to
Chiều 2-11, Công an tỉnh Phú Yên triển khai lực lượng tại hạ lưu sông Đà Rằng, vừa tập luyện vừa sẵn sàng cứu hộ cứu nạn - Ảnh: DUY THANH
00FwFKfl.jpgPhóng to
Lũ dâng ngập một phần khu du lịch sinh thái Thuận Thảo - Ảnh: DUY THANH

Nhiều ngày qua do trên địa bàn Tây Nguyên mưa to đến rất to và kéo dài nên lượng nước đổ về hồ thủy điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã đạt mức cho phép. Hồ phải xả và hôm nay đã đạt mức xả lũ lên 500m³/giây.

WF3B6Gev.jpgPhóng to
Vựa rau lớn nhất Lâm Đồng tại huyện Đơn Dương có nguy cơ mất trắng vì nước đã ngập lai láng vào sáng nay 2 -11 - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Với việc xả lũ với lượng nước rất lớn như vậy đã nhấn chìm, gây ngập hơn 1.000 ha rau màu, la gim của các hộ dân 6 xã và 2 thị trấn thuộc huyện Đơn Dương và một số xã của huyện Đức Trọng. Nhiều xã bị thiệt hại nặng nề nằm bên sông Đa Nhim như Lạc Lâm, Lạc Xuân, Thạch Mỹ… Nhiều hộ dân có lagim đang trong mùa thu hoạch cũng dỡ khóc, dỡ cười theo lũ.

Ông Nguyễn Ngoãn, tổ 7, TT Dran, huyện Đơn Dương nói: “Biết là phải xả nước nhưng bà con bị thiệt hại nặng nề quá, đậu ve của tôi 2 sào đang vào vụ ra trái, giờ nước ngâm xem như mất sạch”. Không chỉ riêng ông Ngoãn, hầu hết những vườn sú, cải thảo, hành…bị ngâm nước dài ngày sẽ bị hư hại toàn bộ. Người dân nơi đây đứng trước nguy cơ mất trắng trong mùa vụ này.

ayaeRiW3.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ngoãn, tổ 7 TT Dran mếu máo khi thấy 2 sào ve của mình bị ngập nước mấy hôm nay - Ảnh: Ngô Phước Tuấn
cNWk8awc.jpg
Hồ Đa Nhim xả lũ. Nước cuồn cuộn đổ về hạ lưu nhấn chìm vựa rau lớn nhất Lâm Đồng - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Với việc xả lũ như thế này, nguy cơ xảy ra lũ lớn tại hai huyện thuộc hạ lưu sông Đa Nhim là Đơn Dương và Đức Trọng vẫn tiếp tục diễn ra khá phức tạp khi thượng nguồn vẫn có mưa to.

*Nha Trang ngập nặng

Từ chiều và tối 1-11 những cơn mưa dữ dội , có cơn mưa kéo dài gần 3 giờ tiếp tục đổ xuống Nha Trang cho đến sáng ngày 2-11 khiến cho thành phố Nha Trang, Khánh Hòa lại bị ngập nước lũ, rất nhiều con đường đã bị chia cắt. Đây là lần Nha Trang bị ngập nước nhiều nhất từ trước tới nay.

P0ZjX7Ns.jpgPhóng to
Chợ Đầm (Nha Trang) ngập nước - Ảnh: Khuê Việt Trường

Ghi nhận vào lúc 8g30 ngày 2-11 cho thấy đường Phạm Văn Đồng (đường biển) ngập nặng ngay đoạn đi qua Trường ĐH Thủy sản. Tại đường 2-4, đường chính đi cánh Bắc ngập sâu theo thông báo của lực lượng cứu hộ là 0,6 m. Đường 23-10 cũng ngập sâu nhiều đoạn, có nơi lên hơn 1m, đây là đường đi Diên Khánh cánh phía Nam.

Vào lúc 16g30 ngày 2-11, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh Lương Văn Thảnh cho biết do liên tục có mưa lớn trong ngày, sân bay phải hủy bỏ hầu hết các chuyến bay đến Cam Ranh.

Duy nhất lúc 7g sáng, sân bay đón được 1 chuyến ATR72, với 37 khách từ Đà Nẵng vào. Tuy nhiên, vì đại lộ Nguyễn Tất Thành sạt lở nặng nhiều điểm, tắc từ đêm, hành khách phải thuê taxi đi vòng rất xa tới thị trấn Ninh Hòa (cách Nha Trang 30 km về phía Bắc), để vào lại Nha Trang.

Trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, từ 8g sáng 2-11, cơ quan chức năng đã điều động phương tiện và nhân lực đến khắc phục sạt lở ở đoạn đèo Cù Hin. Đến 13g30, mới giải phóng mặt đường được 1 làn xe.

Những vùng ngập lũ chia cắt các khu dân cư như đường Phong Châu chia cắt xã Vĩnh Thái với Nha Trang, đường Hương lộ 14 cô lập khu vực phường Ngọc Hiệp, Vĩnh Ngọc. Khu vực Bình Tân, phường Phước Long sáng ngày 1-11 nước rút thì đến sáng ngày 2-11 nước lại ngập nghiêm trọng trên 10 tuyến đường ở đây, xe cộ hoàn toàn không thể qua lại.

KQstOlmZ.jpgPhóng to
Đường 2-4 - cửa ngõ Nha Trang từ phía Bắc cũng mênh mông nước - Ảnh: Khuê Việt Trường
mqPcWYj2.jpgPhóng to
Đường biển Phạm Văn Đồng (Nha Trang) - Ảnh: Khuê Việt Trường

Hiện các lực lượng cứu hộ đều có mặt ở các nơi trọng điểm để sẵn sàng ứng cứu các sự cố. Tuy nhiên, trên 600 hộ dân trong vùng ngập lũ đã được di dời trong đợt lũ trước chưa trở về nhà, nên việc ứng cứu chỉ là phòng bị.

Sáng ngày 2-11, tất cả các trường trên địa bàn Nha Trang đều đã tạm thời nghỉ học vì mưa to và đi lại ở các vùng gặp khó khăn. Tuyến xe buýt Nha Trang - Cam Ranh cũng tạm ngưng hoạt động. Các chợ Đầm, Xóm Mới nhiều hộ buôn bán tự đóng cửa nghỉ do nước lũ. Các chợ cóc phục vụ người dân xuất hiện nhiều, nhưng giá cả hiện tăng lên rất cao so với trước lũ.

Mưa lớn kèm gió giật cũng đã khiến cho nhiều đoạn trên đại lộ Nguyễn Tất Thành (đường ven biển nối TP Nha Trang với sân bay quốc tế Cam Ranh) bị sạt lở đá nghiêm trọng.

Dbu1nRf6.jpgPhóng to
Đá sạt lở ở đại lộ Nguyễn Tất Thành nối TP Nha Trang đi sân bay Cam Ranh, khiến đường này bị tắc. Ảnh chụp trên địa bàn huy ện Cam Lâm, Kh ánh Hòa - Ảnh: Văn Kỳ
sSNnCQjP.jpgPhóng to
Khắc phụ tắc đường Nguyễn Tất Thành - Ảnh: Văn Kỳ

Các đoạn sạt lở khiến cho xe cộ không thể chạy trên con đường ven biển tuyệt đẹp này. Hiện các đơn vị chức năng vẫn đang khẩn trương khắc phục sự cố.

Hình ảnh Quốc lộ 1A thành biển

59KEoMPS.jpgPhóng to
Ảnh: Châu Tường, Minh Ánh
2J09R2cL.jpgPhóng to
Ảnh: Châu Tường, Minh Ánh
4BqZGuZL.jpgPhóng to
Ảnh: Châu Tường, Minh Ánh
ONMnJahr.jpgPhóng to
Ảnh: Châu Tường, Minh Ánh
B8ut8pJF.jpgPhóng to
Ảnh: Châu Tường, Minh Ánh
dKAxPBmo.jpgPhóng to
Ảnh: Châu Tường, Minh Ánh
AwbWo8Sv.jpgPhóng to
Quốc lộ 1A đoạn đi qua thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hoà) bị ngập khiến giao thông đi lại khó khăn - Ảnh: Văn Kỳ
8c7gQJ3g.jpgPhóng to
Xe xếp dài nhích từng bước trong đường ngập, nước chảy xiết (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà) - Ảnh: Văn Kỳ
rg9rYeC4.jpgPhóng to
Nhà bà Dương Thị Thu Cúc ở thôn Tân Thành bị nước chảy từ sau nhà ra Quốc Lộ 1A (đoạn qua xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà) - Ảnh: Văn Kỳ

* Bình Định: Lũ ở các triền sông

Nước lũ đã làm cô lập nhiều địa phương. Trong đó ngập sâu nhất là các xã khu đông: Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn (Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (Phù Cát), phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) bị ngập sâu từ 0,5m - 1m.

Tuyến đường ĐT 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến các xã khu đông đã có nhiều đoạn đường ngập sâu, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, người dân phải dùng sõng để đi lại.Hiện nay mực nước lũ đang dâng rất nhanh.

Zt0dnOeh.jpgPhóng to
Nhiều tuyến đường ĐT 640 bị cô lập do lũ - Ảnh: N.Trần

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Định dự báo chiều và tối nay 2-11, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung bộ nên ngày và đêm nay trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to làm cho mực nước các sông trong tỉnh sẽ lên cao, khả năng trên báo động cấp 2, cấp 3 và có nơi trên báo động cấp 3.

Trước tình hình này UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ.

* Đắc Lắc: Mưa lớn kéo dài gây thiệt hại ở nhiều địa phương

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, tính đến sáng ngày 2-11, tại huyện M’Drak đã có một số ngầm giao thông bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m gây ách tắc giao thông vào các xã Cư San, Cư Pao và Krông Á. Mực nước các hồ chứa qua tràn phổ biến từ 0,5 đến 1m. Mưa lớn đã gây xói lở một số đoạn kênh của đập Ea Lai, Buôn Um và Buôn Pao; 20 hộ dân ở buôn Lếch, xã Krông Jing đã phải sơ tán đến nơi an toàn.

Tại huyện Ea Kar, xã Ea Lang đã bị chia cắt do đường vào xã bị ngập. Còn tại huyện Krông Bông, 3 hộ dân ở thôn 3 xã Jang Kang bị ngập sâu trong nước đã phải di dời đến nơi an toàn. Hiện tại, thông Nơh Prông xã Hòa Phong đã bị chia cắt do cầu tạm qua suối đã bị nước lũ cuốn trôi. Để bảo đảm an toàn, học sinh ở các vùng ngập lũ đang phải tạm nghỉ học.

V.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên