20/10/2010 06:32 GMT+7

Đảng phải thường xuyên tự đổi mới

ĐÀ TRANG - VÕ VĂN THÀNH thực hiện
ĐÀ TRANG - VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), GS.TS Nguyễn Văn Huyên (ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, nguyên viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) nói:

vUR9nnAA.jpgPhóng to
GS.TS Nguyễn Văn Huyên - Ảnh: V.V.Thành

- Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, như vậy thì Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nếu như Đảng lãnh đạo mà không đủ tầm để nhìn ra con đường phát triển trong tình hình mới, để cho đất nước tụt hậu thì Đảng có lỗi với nhân dân.

* Dự thảo cương lĩnh đưa ra cách diễn đạt mới về xã hội XHCN khi nhấn mạnh yếu tố dân chủ trước yếu tố công bằng, văn minh. Điều này có ý nghĩa ra sao, thưa giáo sư?

- Văn kiện Đại hội X diễn đạt là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; tại một số đại hội trước đó nữa chưa có hai chữ “dân chủ”. Chúng tôi từng đề nghị đưa khái niệm “dân chủ” vào văn kiện của Đảng; và lúc đầu nội dung đó được diễn đạt là “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, chứ không phải là “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, bởi nhiều người sợ nhầm với “xã hội dân chủ”!

Dự thảo lần này viết: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy chỉ đổi vế nhưng ý nghĩa là rất lớn, nó thể hiện đúng mục tiêu, bản chất xã hội mà Đảng và nhân dân ta xây dựng - phải dân chủ rồi mới có công bằng và văn minh.

* Nhưng có ý kiến cho rằng dự thảo cương lĩnh có phần nặng về bổ sung, sửa đổi câu chữ hơn là ý tưởng, nội dung?

- Lần này Đảng ta bổ sung, phát triển một số vấn đề mới theo tinh thần Đại hội X của Đảng. Không phải không có ý kiến cho rằng việc bổ sung, phát triển cương lĩnh chỉ nặng về câu nệ câu chữ, về diễn đạt, thiếu những tư tưởng táo bạo, đột phá. Thực tế không phải như vậy. Tôi nghĩ đưa được vào cương lĩnh một chữ, một ý đều có ý nghĩa rất lớn, cần cân nhắc kỹ. Đơn cử như nội dung “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (đã có trong cương lĩnh 1991 và Đại hội X), giờ đây mệnh đề này được “gắn với phát triển kinh tế tri thức”. Đây là nội dung rất mới, thể hiện đúng bản chất của thời đại.

Dự thảo cương lĩnh cũng bổ sung một đoạn mới liên quan đến quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản, đó là “phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn”. Chúng tôi cho rằng đây là sự bổ sung nội dung rất quan trọng.

* GS muốn nói tới tám mối quan hệ lớn đã được đề cập trong dự thảo cương lĩnh?

Phải có cơ chế giám sát, phản biện

Xây dựng nền dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta. Đây là điều không mới nhưng về nhận thức đã có một bước tiến quan trọng. Thực chất phải nói ngay là trong đời sống thực tế, sự mất dân chủ vẫn còn, thậm chí trong Đảng. Chúng ta đề ra là dân chủ ở cơ sở, nhưng từ trong Đảng phải làm trước, làm thế nào để có dân chủ thật sự trong xã hội đang là vấn đề rất lớn. Trong cương lĩnh có viết về mặt chỉ đạo, tư tưởng chính trị xác định nguyên tắc tập trung dân chủ; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và cơ chế kiểm tra, giám sát.

Phải có sự giám sát và phản biện giữa các cơ quan nhà nước, giữa Quốc hội và Đảng. Đây là một nguyên tắc lãnh đạo và quản lý hiệu quả. Nhưng để giám sát, phản biện được thì cơ chế, các quy định cũng phải thực thi. Đây là vấn đề lớn trong nền chính trị và xã hội ta hiện nay.

- Đúng vậy. Thứ nhất là “quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển”. Có người nói chúng ta đặt vấn đề quá nặng về “ổn định”, cho nên phát triển chưa nhanh, giờ đây phải đặt trọng tâm ở “phát triển”.

Điều đó theo tôi là đúng, nhưng “phát triển” chỉ có được trên cơ sở “ổn định”. Vấn đề ở đây là phải làm sao giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển một cách đúng đắn, hài hòa và phù hợp với nhau.

Thứ hai là “giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị”. Theo ý kiến cá nhân tôi, nên diễn đạt là “giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”, bởi vì đổi mới hệ thống chính trị mới chỉ là một phần trong đổi mới chính trị. Nói đổi mới chính trị không phải là thay đổi đường lối mà chính là đi vào bản chất của vấn đề.

Đơn cử như việc đổi mới tư duy kinh tế, thực chất chính là bắt đầu từ đổi mới tư duy chính trị; đây chính là đổi mới chính trị trên lĩnh vực kinh tế. Thứ ba là “giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN”. Ở phần trên, cương lĩnh viết là “xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, đến đây lại đặt vấn đề là cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa “kinh tế thị trường” và “định hướng XHCN”.

Như vậy là xuất hiện hai khái niệm khác nhau: “kinh tế thị trường định hướng XHCN” và “kinh tế thị trường và định hướng XHCN”. Nên thống nhất dùng khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” hay là “kinh tế thị trường” và “định hướng XHCN” bằng các chính sách. Thứ tư là giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất.

Thứ năm là giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thứ sáu là giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Thứ bảy là giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Đó là những vấn đề ít tranh cãi. Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề thứ tám: quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - nhân dân làm chủ”.

Về mối quan hệ này, tôi muốn mượn ý của một người đã ví nó với hình ảnh chiếc đồng hồ có ba kim: kim giây, kim phút, kim giờ. Nếu những chiếc kim này chồng lên nhau thì đồng hồ sẽ bị rối. Ở đây, quyền lực giữa ba bộ phận này phải thật rạch ròi và phải có sự kiểm soát chặt chẽ.

* Nhưng lâu nay đổi mới về chính trị vẫn bị cho là không theo kịp đổi mới về kinh tế?

- Tôi đã nhiều lần nói rằng do đổi mới mạnh về kinh tế mà đến nay chúng ta có một nền kinh tế thị trường. Vậy thì trong chính trị chúng ta cũng mạnh dạn nói là “đổi mới chính trị” (chứ không chỉ hệ thống chính trị). Chúng ta có lý tưởng, mục tiêu XHCN mà toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm theo đuổi. Chúng ta có Đảng vững mạnh, có sức mạnh của nhân dân. Chúng ta không ngại đổi mới chính trị. Đổi mới chính trị, mà cái quyết định nhất là đổi mới tư duy chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao tầm lãnh đạo của Đảng.

* Dự thảo cương lĩnh tiếp tục xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, ở đây cũng có những ý kiến khác nhau, thưa giáo sư?

- Có ý kiến đặt vấn đề là khi chúng ta mở ra kinh tế tư nhân thì nó phát triển rất nhanh, còn kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước dù được ưu tiên hỗ trợ lại trì trệ, kém hiệu quả. Vậy nên chúng ta đừng bàn đến kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân, mà vấn đề là làm thế nào để điều hòa tất cả, huy động được tối đa tiềm lực để nền kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao và đạt đến CNXH.

Tôi thấy ý kiến đó là đúng ở tính mục đích của vấn đề - cuối cùng là CNXH. Tuy nhiên, theo tôi, nếu không có một lực lượng kinh tế chủ đạo với tư cách là định hướng phát triển thì khó mà điều hòa cho xã hội đi đúng mục đích đề ra. Vì vậy, đích của chúng ta là CNXH thì phải có một lực lượng kinh tế bảo đảm cho định hướng XHCN, đó là kinh tế nhà nước.

* Thưa giáo sư, đâu là vấn đề hay nội dung mà giáo sư tâm đắc trong dự thảo cương lĩnh?

- Đó là sự khẳng định và quyết tâm của Đảng ta về mục tiêu và con đường đi lên CNXH. Cương lĩnh 1991 - “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” ra đời trong bối cảnh sụp đổ của mô hình CNXH Liên Xô và các nước Đông Âu. Điều đó cho thấy Đảng ta có niềm tin tuyệt đối vào CNXH; nó không chỉ thể hiện tính kiên định mục tiêu và con đường XHCN mà còn thể hiện bản lĩnh chính trị, trí tuệ và sáng tạo trong việc lựa chọn con đường phù hợp với nguyện vọng nhân dân, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người.

ĐÀ TRANG - VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên