Phóng to |
Bệnh nhân bị thiệt thòi khi cơ quan quản lý nhà nước chưa quản lý tốt giá thuốc như luật quy định. Trong ảnh: một bệnh nhân xem bảng giá thuốc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - Ảnh: T.Đạm |
Năm năm đã qua kể từ khi Luật dược được ban hành, nhưng công tác quản lý giá thuốc vẫn đang loay hoay với hoa hồng cho bác sĩ kê toa, quản lý giá thuốc trong bệnh viện, đấu thầu thuốc, chưa có thặng số bán buôn (mức lãi trần), giá thuốc đặc trị, chuyên khoa vẫn khó quản lý...
Vẫn chưa có giá thuốc tối đa
Theo bà Trịnh Thị Lê Trâm - nguyên phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, Luật dược và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện có quy định định kỳ sáu tháng - một năm, cơ quan quản lý nhà nước phải công bố giá tối đa các loại thuốc do ngân sách nhà nước chi trả.
Thế nhưng đến nay chưa có công bố giá thuốc tối đa định kỳ sáu tháng hay một năm như quy định. Việc kê khai giá thuốc không được cao hơn các nước có cùng điều kiện kinh tế - xã hội với VN cũng chưa làm được.
“Chúng tôi khảo sát thấy Philippines có điều kiện khá giống VN nhưng đã công bố được giá tối đa năm nhóm mặt hàng dược phẩm. Việc công bố giá tối đa là khó nhưng không phải không làm được. Tại sao Luật dược đã quy định mà năm năm qua chưa làm được?”- bà Trâm đặt câu hỏi.
Một quy định không rõ ràng nữa cũng gây thiệt thòi cho người dân là việc kê khai giá thuốc bán buôn nhưng không quy định rõ là giá bán buôn nào, bán lần 1 hay lần 2?
Giá thuốc ở nhà thuốc bệnh viện có khi cao hơn thị trường vì quy định lấy giá bán buôn (có trong hóa đơn) cộng với thặng số lãi 5-10%, nhưng không quy định đó là giá bán buôn lần 1. Không quy định rõ như vậy, người ta lấy giá mua bán lòng vòng để tính thì giá thuốc bị đẩy lên cao, người bệnh lãnh đủ.
Bên cạnh đó, website của Cục Quản lý dược có công bố giá trúng thầu gần nhất để người dân và bệnh viện so sánh giá, nhưng theo bà Trâm, kiểu công bố này còn khiến người dân khó so sánh.
“Nên tập hợp thành một bảng để người dân nhìn vào thấy được trước giá bao nhiêu, nay giá mới bao nhiêu, Cục Quản lý dược có chấp nhận giá mới đề nghị không, không nên để mỗi loại giá một bảng như hiện nay”- bà Trâm nói.
Ông Đặng Như Lợi bức xúc: “Thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu, cần tuân thủ pháp lệnh giá, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa về kiểm soát chi phí sản xuất, không phải doanh nghiệp hoàn toàn có quyền định giá như Bộ Y tế nói”.
Ông Lợi đặt câu hỏi rằng có phải với các văn bản hiện hành là không thể quản lý giá thuốc và bình ổn giá thuốc chỉ là khẩu hiệu?
Nên có quy định riêng về khuyến mãi thuốc
Liên quan đến việc giải quyết nạn “hoa hồng” cho bác sĩ kê toa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết các bệnh viện đang ráo riết thực hiện bình bệnh án, bệnh án nào lạ, nhiều thuốc không phù hợp sẽ bị phát hiện ngay, nhưng bao nhiêu bệnh án được bình ở mỗi bệnh viện trong một năm, trong một tháng và có bao nhiêu đơn thuốc “lạ” đã được phát hiện thì không thấy Bộ Y tế công bố.
Có một nghịch lý trong khuyến mãi thuốc hiện nay là bệnh nhân, khách hàng quan trọng nhất của sản phẩm, lại không được hưởng khuyến mãi mà khâu trung gian phân phối sản phẩm là các nhà thuốc, thầy thuốc được hưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị Bộ Công thương sớm có quy định riêng về khuyến mãi thuốc, không nên chờ Bộ Y tế đề xuất như đề nghị của bộ này tại cuộc họp.
Theo bà Mai, Bộ Y tế đề xuất sửa Luật dược, nhưng ngay trước mắt cần tập trung hoàn thành những hướng dẫn như có quy định về thặng số bán buôn (ở Ấn Độ cho phép thặng số bằng 50% so với giá sản xuất, nhập khẩu, bao gồm cả thuế và các chi phí khác), thay cho công bố giá thuốc tối đa có vẻ khó thực hiện. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính có quy định riêng về đấu thầu thuốc, vì không thể lấy quy định đấu thầu hàng hóa nói chung áp dụng cho mặt hàng thuốc rất đặc thù. Đồng thời tập trung quản lý giá thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị, thuốc mới.
“Cũng cần quản lý giá thuốc ở khối phòng khám, bệnh viện tư”- bà Mai yêu cầu.
Theo ông Tạ Văn Bằng (Bảo hiểm xã hội VN), kể từ khi có Luật dược, quản lý giá thuốc có biến chuyển nhất định. Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng nếu không nhanh chóng có quy định về năng lực nhà thầu, tiêu chí đánh giá thuốc thành phẩm, quy chế kiểm tra giá thuốc gốc... sẽ khó kiểm soát giá thuốc.
“Cùng một hoạt chất Ginkgo Biloba viên uống 40mg, khảo sát tại TP.HCM thấy có nơi kê đơn biệt dược 500 đ/viên, có nơi kê loại biệt dược 3.500đ/viên. Hay cùng hoạt chất Cefaclor, có nơi mua thuốc 1.100đ/gói, có nơi lại mua loại 8.000đ/gói. Tổng trị giá tiền thuốc sử dụng năm 2009 là 32.000 tỉ đồng, 9.000 tỉ trong đó do bảo hiểm chi trả, nếu mua thuốc phù hợp cũng sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho thuốc”- ông Bằng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận