07/07/2004 09:06 GMT+7

"Áp lực" của những lá thư tay

                  V.C.M.
                  V.C.M.

TT - Ngày 6-7, ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đưa tin về bức thư tay của phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phạm Văn Huyến “chỉ đạo” Cục Thuế TP.HCM “làm ngay văn bản gửi Bộ Tài chính về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài” cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, Tổng cục Thuế đã có yêu cầu kiểm tra ngay sự việc báo nêu.

tKsGWP54.jpgPhóng to
Bút tích của một số thư tay
TT - Ngày 6-7, ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đưa tin về bức thư tay của phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phạm Văn Huyến “chỉ đạo” Cục Thuế TP.HCM “làm ngay văn bản gửi Bộ Tài chính về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài” cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, Tổng cục Thuế đã có yêu cầu kiểm tra ngay sự việc báo nêu.

Nhưng vấn đề đặt ra là với những kiểu thư tay như vậy, nếu gây ra hậu quả thì ai phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm sẽ được xử lý đến đâu? Thực tế đã và đang xuất hiện nhiều kiểu thư tay của cấp trên gây không ít khó khăn, phiền hà cho cấp dưới... Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với các ngành chức năng.

Ông Trần Đình Cử (phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM): “Thư tay, nhưng có giá trị chỉ đạo nên phải thực hiện”

Mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Cử cho biết sự kiện báo nêu về bức thư tay của phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phạm Văn Huyến cũng là sự kiện bình thường thôi vì đó là hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của cấp trên đối với cấp dưới. Mặc dù ông Cử cũng thừa nhận rằng về mặt nguyên tắc là không đúng, thư tay công tác không có giá trị pháp lý; chỉ mang tính chất chỉ đạo tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Một số thư tay của những người có trách nhiệm đã ảnh hưởng không nhỏ trong thời gian vừa qua:

* Trong vụ án “săn bắn bò rừng” của ông Võ Thành Long, nguyên giám đốc Sở Công nghiệp TP.HCM: sở dĩ ông Long cùng các thành viên trong đoàn đi săn bắn thú trái phép này được tự do vào khu rừng cấm (Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) cũng là nhờ vào một lá thư tay của ông bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc.

* Trong vụ án Mai Văn Huy (giám đốc Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp) cùng đồng bọn buôn lậu xăng dầu, Đào Văn Tom (nguyên trưởng hải quan cửa khẩu Thường Phước) đã cho rằng việc ký xác nhận khống hàng hóa cho Mai Văn Huy là do có hai bức thư tay, một của ông Ngô Phú Thọ (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) và một của ông Lê Văn Thôi (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) kèm theo bút phê của phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp trên lá thư này. Nội dung những lá thư này để “gửi gắm” hải quan Đồng Tháp giúp đỡ cho Công ty Thương mại dầu khí của Mai Văn Huy.

* Vì thế mà sau khi nhận được thư tay của ông Phạm Văn Huyến, Cục Thuế TP đã thực hiện theo đúng chỉ đạo là làm văn bản trình Bộ Tài chính về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài?

- Cục Thuế đã trình lên Bộ Tài chính khoảng một tuần nay, nhưng chưa thấy bộ có ý kiến gì. Như tôi vừa nói thư tay của ông Huyến mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên với cấp dưới nên phải thực hiện.

* Nhưng Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng từ năm 2000 đến nay vẫn chưa nộp thuế theo nghĩa vụ đối với Nhà nước, trong khi trước đây Bộ Tài chính đã cho tạm chuyển 10,6 triệu USD lợi nhuận ra nước ngoài?

- Đối với các doanh nghiệp khác thì cứ hoàn thành nghĩa vụ thuế là Cục Thuế TP cho phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài bình thường, nhưng Công ty Phú Mỹ Hưng khiếu nại về mức thuế suất (10% hay 25%), đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên thư tay nhưng có giá trị chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới thì chúng tôi phải chấp hành. Nên nhớ chúng tôi chỉ trình Bộ Tài chính giải quyết như một giải pháp tình thế mà thôi.

* Chúng tôi được biết quan điểm của Cục Thuế trước sau như một - vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng Công ty Phú Mỹ Hưng phải chịu 25% mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công trình xây dựng, mua bán nhà cửa?

- Đúng vậy. Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng bảo lưu ý kiến trên các văn bản có căn cứ pháp luật. Nhưng khi có hướng dẫn của cấp trên thì vẫn cứ phải chấp hành, hơn nữa trong thư tay cũng ràng buộc giữ lại 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

* Đúng là có nhiều loại “thư tay”, nhưng điều mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là những kiểu thư tay “có vấn đề” nhằm mục đích không trong sáng, không phải vì ích nước lợi dân…Theo ông, với những kiểu thư tay như vậy mà sau đó gây ra hậu quả thì có xử lý trách nhiệm được không?

- Theo tôi, tùy theo mức độ của vụ việc nhưng chắc chắn người “chỉ đạo” bằng thư tay phải chịu một phần trách nhiệm khi hậu quả đã xảy ra. Không thể nói thư tay không có giá trị pháp lý nên không có trách nhiệm gì cả, vì chính anh đã chỉ đạo hướng dẫn việc thực hiện đó.

Ông Lương Vĩnh Phúc (trưởng Phòng thi hành án dân sự TPHCM): Những chỉ đạo mang tính cá nhân không có giá trị thi hành

Theo phản ảnh của nhiều chấp hành viên trong việc thi hành các bản án dân sự, vấn đề chỉ đạo miệng, thư tay can thiệp của những người có chức vụ vào việc thi hành án là cản trở không nhỏ đối với quá trình thi hành án của các chấp hành viên.

Theo một cán bộ có trách nhiệm tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, hiện tượng thư tay với mục đích can thiệp hoặc “chạy chọt” vào một vụ việc cụ thể đã giảm rất nhiều từ năm 1995 đến nay. “Họ cũng sợ qui trách nhiệm nên không viết thư tay mà thay bằng hình thức điện thoại. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến quá trình điều tra vì cơ quan điều tra cấp dưới còn có cấp trên và các ngành tư pháp giám sát, làm theo chỉ đạo sai là bị phát hiện ngay”, cán bộ điều tra trên nói.

Đi vào vụ việc cụ thể là bút phê “giúp đỡ” của nguyên một phó chủ tịch UBND TP.HCM trong vụ xây dựng nhà trái phép ở phường 15 (quận Tân Bình), liên quan đến Công ty Ngọc Đức - theo cán bộ có trách nhiệm nói trên thì vụ việc đã khởi tố, đang điều tra làm rõ. Nhưng về thẩm quyền, thì có thể xác định bút phê của ông phó chủ tịch UBND TP là không đúng chức năng, nhiệm vụ mà ông được giao.

Tuy nhiên, cơ quan thi hành án và các chấp hành viên chỉ có nghĩa vụ tuân theo chỉ đạo của các cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành án, chẳng hạn một số quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp... tạm đình chỉ, hoãn thi hành hoặc giải thích bản án, hướng dẫn nghiệp vụ theo qui định. Còn lại tất cả những chỉ đạo mang tính cá nhân, can thiệp vào công việc của chấp hành viên đều không có giá trị thi hành.

Chúng tôi không bao giờ chấp nhận những loại thư tay, chỉ đạo theo kiểu “nhờ vả” hoặc mang tính cá nhân. Những kiểu chỉ đạo “bên lề”, can thiệp như thế này chúng tôi đều trả lại và cương quyết không thi hành.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp một số cơ quan, đoàn thể không có chức năng, thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành án nhưng có công văn, chỉ đạo miệng liên quan đến một số vấn đề nhạy cảm của thi hành án thì cũng được xem xét. Chẳng hạn như việc chỉ đạo mang tính chất nhắc nhở, đôn đốc cơ quan thi hành án đẩy nhanh tiến độ công việc, lưu ý chấp hành viên khi cưỡng chế thi hành án xem xét trường hợp liên quan vấn đề tôn giáo, người bị cưỡng chế là bà mẹ VN anh hùng, người có công, neo đơn...

Ông Đào Anh Kiệt (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường): “Phải đấu tranh với những loại thư tay không đúng pháp luật”

“Cấp dưới phải nghe lệnh cấp trên, đó là nguyên tắc nhưng phải theo đúng pháp luật. Trong thực tế điều hành, tôi thấy có nhiều chỉ đạo không bằng văn bản như yêu cầu bằng miệng, bút phê hoặc thư tay..., riêng tôi đã nhận nhiều loại chỉ đạo như vậy, nhiều lắm...” - ông Đào Anh Kiệt bộc bạch.

* Đối với các trường hợp thư tay có tính chất lạm quyền vì một mục đích cá nhân nào đó, ông xử lý ra sao?

- Có những chỉ đạo qua điện thoại hoặc bằng bút phê vì mục đích chung, ích nước lợi dân thì tôi linh hoạt yêu cầu anh em thực hiện ngay, không đợi văn bản. Và trong thực tế anh em làm rất chạy việc. Nhưng với trường hợp cụ thể như thư tay của ông phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chỉ đạo về việc Công ty Phú Mỹ Hưng thì nói thật tôi không dám thực hiện, mà phải có văn bản hẳn hoi. Vì thuế là vấn đề hệ trọng, nên dù tuân thủ cấp trên vẫn phải theo đúng pháp luật.

* Nếu thực hiện, hậu quả xảy ra thì ông là người phải chịu trách nhiệm trước tiên còn thư tay đâu có giá trị pháp lý?

- Nói vậy sao được. Chữ ký quan trọng lắm, ở nước ngoài người ta chỉ căn cứ trên chữ ký, khi anh ký tên là anh phải chịu trách nhiệm chứ. Tất nhiên, chúng tôi ủng hộ việc đấu tranh với những loại thư tay không đúng pháp luật, những loại thư tay vì lợi ích trục lợi cá nhân của cấp trên, hơn thế nó đang gây khó khăn cho cấp dưới dữ lắm!

Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM):Văn bản chỉ đạo phải tuân theo hình thức qui định

Theo qui định của pháp luật, việc chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới trong các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới hình thức văn bản. Hình thức văn bản này phải tuân theo một số qui định nhất định như: có ngày tháng ban hành, người ký có đủ thẩm quyền, văn bản phải có dấu mộc, số công văn và phải được lưu trữ theo qui định.

Trong trường hợp phải xem xét trách nhiệm của những người có liên quan: cấp dưới làm sai thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không thể đổ lỗi cho việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên (thông qua hình thức thư tay, bút phê, chỉ đạo miệng...) bởi sự chỉ đạo của cấp trên là không đúng theo qui định, không có giá trị bắt buộc cấp dưới phải thi hành.

Tuy nhiên, người cấp trên cũng vẫn phải bị xem xét trách nhiệm liên quan đến chỉ đạo của mình.

Theo luật sư Phan Trung Hoài: bức thư tay của ông phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế không có giá trị pháp lý. Nếu cho đó là một lá thư của cá nhân, không mang tính chất chỉ đạo với cấp dưới thì thông thường người viết chỉ ký tên mình, không ghi chức vụ. Còn nếu là văn bản mang tính chất chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới của tổng cục phó thì hình thức văn bản phải tuân theo đúng qui định của nhà nước, có con dấu, số công văn, ngày tháng...

                  V.C.M.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên