13/10/2010 13:51 GMT+7

Hạn chế bắt giữ ngư dân

H.GIANG - L.T.ANH ghi
H.GIANG - L.T.ANH ghi

TT - Tại cuộc họp giữa bộ trưởng bộ quốc phòng các nước Asean với tám nước đối tác đối thoại (ADMM+) tại Hà Nội ngày 12-10, một số nước Asean, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã nêu ra vấn đề biển Đông và an ninh biển. Trả lời báo chí bên lề cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - đại tướng Phùng Quang Thanh - khẳng định chủ trương hạn chế bắt giữ ngư dân.

YRqRVdUU.jpgPhóng to

Đại tướng Phùng Quang Thanh - bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - trả lời báo chí trong và ngoài nước bên lề Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng ngày 12-10 tại Hà Nội - Ảnh: AFP

- Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: Bộ trưởng quốc phòng các nước đã trình bày chính sách quốc phòng, an ninh của nước mình và đưa ra năm lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM+.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Bước phát triển mới trong hợp tác quốc phòng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá hội nghị này là một bước phát triển mới, quan trọng trong hợp tác quốc phòng của ASEAN và cũng là một trong những sự kiện quan trọng trong năm chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam. Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi hi vọng rằng hội nghị sẽ bàn bạc và thống nhất những định hướng phát triển của diễn đàn này, nhất là về các lĩnh vực và nội dung hợp tác cũng như các nguyên tắc hoạt động phù hợp để góp phần thiết thực vào nỗ lực chung xử lý những vấn đề an ninh ở khu vực, kể cả các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố, an ninh và an toàn trên biển, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa thiên tai...”.

Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực là nguyện vọng và lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

Vấn đề an ninh trên biển được hầu hết các bộ trưởng đặt ra. Khu vực Asean có thương mại hai chiều giữa các nước nội khối là 1.700 tỉ USD/năm. Nếu an ninh hàng hải không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế tất cả các nước trong và ngoài khu vực Asean.

Trong phần trao đổi chính sách an ninh mỗi nước, nhiều quốc gia quan tâm vấn đề này, trong đó có Hoa Kỳ, và đề cập vấn đề biển Đông theo tinh thần đảm bảo an ninh hàng hải, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở công ước Luật biển 1982, tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC).

Các bộ trưởng sẽ giao cho các quan chức quốc phòng cấp cao làm việc để bàn biện pháp duy trì ổn định trên biển Đông, không phương hại đến an ninh chung và hoạt động phát triển kinh tế của mỗi nước. Hội nghị này bàn về hợp tác, không phải là một khối quân sự, không phải là liên minh quân sự nên không dùng biện pháp quân sự để giải quyết những tranh chấp trên vùng biển. Chúng ta chỉ bàn về hợp tác với nhau.

Riêng việc 18 vị bộ trưởng quốc phòng lần đầu ngồi lại với nhau, bàn về biện pháp các vấn đề an ninh chung đã là điều kiện thuận lợi và có ý nghĩa lịch sử.

* Hướng giải quyết của các bộ trưởng quốc phòng về việc bắt giữ ngư dân?

- Chúng tôi không bàn cụ thể. Nhưng về việc này, ta nhiều lần bàn với Malaysia và Indonesia là không bắt ngư dân vào vùng biển các nước, nếu có thì xử lý theo luật pháp và nhân đạo vì hiện nay vẫn có lúc ngư dân ta bị bắt và bị xử lý nặng. Muốn giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn của ta nên hợp tác với bộ thủy sản các nước, ví dụ như ký hiệp định hợp tác nghề cá.

Khi hải quân của bạn bắt ngư dân ta, ta đề nghị họ đẩy đuổi và về phần mình tuyên truyền để ngư dân không vi phạm vùng biển, rất hạn chế việc bắt giữ. Nếu có bắt thì xử lý nhanh chóng, tôn trọng nhân phẩm, quyền con người và không tịch thu ngư cụ vì đây là phương tiện kiếm sống của ngư dân.

BCT3Dlrd.jpgPhóng to
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt bên lề Hội nghị ADMM+ ngày 12-10 tại Hà Nội - Ảnh: Reuters

* Chủ quyền lãnh thổ trên biển còn chưa rõ ràng. Vậy ngư dân cần dựa vào đâu để tránh vi phạm?

- Ta với Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã được phân định rồi. Với một vài chỗ chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia thì hai bên đang khai thác chung. Chúng tôi đã giao biên phòng và hải quân in bản đồ, tọa độ và phổ biến, phát tờ rơi cho nhân dân để nhân dân biết mà không vi phạm.

Trên biển Đông, hiện nay chưa phân định được và nhiều nước và vùng lãnh thổ đang tuyên bố chủ quyền, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Brunei. Do đó các bên phải tiến hành đàm phán. Ta với Trung Quốc đang có đàm phán ở cấp chuyên viên để nghiên cứu đàm phán nguyên tắc từng việc, sau đó tiến tới đàm phán từng bước.

* Bộ trưởng nói về các biện pháp nhẹ nhàng như đẩy đuổi ngư dân nếu có vi phạm vùng biển của nhau. Theo báo chí Mỹ, có rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Vậy Việt Nam có đủ lực lượng để đẩy đuổi được không?

- Hiện nay phương tiện của ta còn hạn chế. Khi từng bước nền kinh tế phát triển, Đảng và Nhà nước sẽ tạo điều kiện đóng thêm tàu cho hải quân, cảnh sát biển, lực lượng biên phòng và các lực lượng khác để có năng lực quản lý vùng biển của chúng ta. Hiện nay, Việt Nam có diện tích biển 1 triệu km2, bờ biển dài trên 3.200km, lực lượng của ta còn mỏng nên dù làm hết sức tích cực, không loại trừ có chỗ, có thời điểm tàu cá nước ngoài vẫn xâm phạm vùng biển của ta.

Phương châm của ta là giữ chủ quyền, lãnh thổ, quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng; tuyên truyền, đẩy đuổi, ngăn chặn là chính; khi tái phạm nhiều lần ta bắt giữ, xử lý theo luật pháp Việt Nam, giao chính quyền địa phương xử lý nhanh chóng, không xâm phạm thân thể và ngư cụ của ngư dân các nước.

Phải giải quyết tranh chấp bằng đối thoại

Các câu hỏi về biển Đông nhiều lần được báo chí trong nước và quốc tế đặt ra cho các đại biểu của Hội nghị bộ trưởng quốc phòng Asean mở rộng (ADMM+) trong suốt quá trình họp hẹp và họp mở rộng. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh vấn đề biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự nhưng trong quá trình thảo luận, từng bộ trưởng trình bày chính sách quốc phòng và đánh giá tình hình an ninh của nước mình, trong đó một số nước có nêu lên vấn đề biển Đông.

“Hội nghị thống nhất phải giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình, đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước quốc tế về Luật biển, bộ quy tắc ứng xử và sắp tới Việt Nam đề xuất cố gắng tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông” - ông Phùng Quang Thanh nói.

Đóng góp thiết thực cho hòa bình

ADMM+ gồm 10 nước Asean và tám nước đối tác đối thoại kết thúc hôm 12-10 đã hình thành bộ khung của một cơ chế an ninh khu vực mới khi tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ: “ADMM+ là cơ chế hợp tác và tham vấn về quốc phòng và an ninh cao nhất cấp bộ trưởng về các vấn đề an ninh khu vực giữa các nước thành viên Asean và tám nước đối tác.

“Lịch sử thế giới hiện đại ít khi chứng kiến việc bộ trưởng, đại diện bộ trưởng quốc phòng của 18 quốc gia trên thế giới cùng ngồi lại với nhau không phải bàn về chiến tranh mà để cùng nhau chia sẻ và bàn thảo về hợp tác quốc phòng an ninh thiết thực vì hòa bình, ổn định và phát triển, như chúng ta đang chứng kiến ở đây” - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói tại lễ khai mạc ADMM+.

Tuy có khác biệt về trình độ phát triển và sức mạnh quân sự, bộ trưởng khẳng định đây là sân chơi bình đẳng và có lợi cho tất cả các bên tham gia, đồng thời có vai trò hài hòa quan hệ, xây dựng năng lực và tăng cường quan hệ, tương tác giữa quân đội các nước.

Sự hình thành cơ chế hợp tác mới này được cả 10 nước Asean lẫn tám nước đối tác đối thoại chào đón. Từ chỗ đi sau các lĩnh vực khác, hợp tác quốc phòng an ninh Asean được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đánh giá là đã trở thành lĩnh vực đột phá trên con đường xây dựng cộng đồng. “Chắc chắn việc thiết lập thành công ADMM+ đã là một đóng góp sáng tạo, cụ thể và thiết thực của hiệp hội cho hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực và thế giới” - ông Phùng Quang Thanh khẳng định.

Không chỉ đưa các lãnh đạo quốc phòng của 18 nước lớn nhỏ ngồi lại với nhau, ADMM+ cũng tạo một lý do tốt để các nước xúc tiến hoạt động ngoại giao quân sự. Dịp này, hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương giữa các bộ trưởng quốc phòng Việt - Mỹ, Việt - Trung, Việt - Ấn, Mỹ - Trung, Trung - Nhật... cũng được tiến hành dày đặc bên lề cuộc họp chính của ADMM+, góp phần tăng cường hiểu biết và giải quyết vướng mắc trong quan hệ giữa các cặp song phương.

Hiện thực hóa các ưu tiên

ADMM+ lần thứ nhất đã kết thúc với sự đồng thuận của 18 nước thành viên tham dự về các lĩnh vực hợp tác ưu tiên mà Việt Nam đề xuất. Đó là hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh biển, chống khủng bố, quân y và hoạt động gìn giữ hòa bình.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị chiều 12-10, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thay mặt 18 thành viên ADMM+, thông báo hội nghị đã giao cho Việt Nam tổ chức nhóm làm việc quan chức quốc phòng cấp cao các nước Asean mở rộng (ADSOM+WG) vào tháng 12 để bắt tay triển khai quyết định của các bộ trưởng, duy trì động lực của tiến trình ADMM+.

Một số nước đã đề xuất Trung Quốc và Việt Nam đồng chủ trì tổ chức nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; Úc và Malaysia chủ trì tổ chức nhóm chuyên gia về an ninh biển; Hoa Kỳ đề xuất tổ chức đối thoại an ninh biển và phối hợp tuần tra chung chống cướp biển...

______________________

Thảo luận hữu ích, giảm căng thẳng

Kênh Channel News Asia cho biết các bộ trưởng quốc phòng tham dự ADMM+ đã ký tuyên bố chung tái khẳng định sự thống nhất thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Teo Chee Hean cho rằng việc hình thành ADMM+ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN và giúp các nước thành viên hợp tác để tăng cường hòa bình và ổn định khu vực.

Ông nói: “Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận hữu ích và trao đổi các vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Tôi rất hài lòng khi biết các thành viên ADMM+ đã ủng hộ ASEAN tiếp tục có vai trò trung tâm trong hoạt động của ADMM+ và dĩ nhiên của cả các diễn đàn khác của ASEAN”.

Trang Indian Express dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony cảnh báo khủng bố và cướp biển đang trở thành vấn đề xuyên quốc gia và là những thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh và thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Antony bày tỏ quyết tâm của Ấn Độ hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới để xử lý cả hai thách thức và kêu gọi các bên “có cách tiếp cận hợp tác” để đảm bảo an ninh đường biển trên khu vực.

Hãng DPA (Đức) đưa tin các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông không nằm trong nghị trình chính thức tại ADMM+ nhưng các thành viên tham gia hội nghị cho rằng sự có mặt của họ giúp giảm những căng thẳng xung quanh vấn đề này.

Phóng viên của tờ Washington Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates tái khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do đi lại trên các con đường hàng hải trong khu vực. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có những căng thẳng xung quanh chính sách an ninh. Chính quyền Bắc Kinh đã cắt quan hệ quân sự với Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 1-2010 sau khi chính quyền của Tổng thống Obama thông báo thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD với Đài Loan.

Trong những tuần gần đây, quan hệ đang bắt đầu nồng ấm trở lại. Ông Lương Quang Liệt đã mời ông Gates tới thăm Bắc Kinh vào đầu năm 2011.

H.GIANG - L.T.ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên