22/09/2010 12:26 GMT+7

Các phương tiện giao thông không được phép hoạt động

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Trong thời gian cấm đường, mọi phương tiện của người dân, đơn vị trên các tuyến phố bị cấm đều phải ngừng hoạt động. Mọi sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực bảo vệ, cấm đường vẫn diễn ra bình thường.

Phó giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định cho biết với người dân khi đi lại chỉ cần mang theo chứng minh thư để phục vụ kiểm tra khi cần thiết. Còn với cán bộ, công nhân viên có trụ sở làm việc thuộc khu vực bảo vệ, cấm đường cũng cần mang theo giấy tờ tùy thân hoặc thẻ cán bộ công nhân viên của cơ quan.

Thời gian cấm đường mong người dân chia sẻ

vyXXeg8v.jpgPhóng to
Hà Nội liệu có tránh được ùn tắc khi du khách khắp mọi nơi đổ về trong dịp đại lễ? (ảnh chụp tại công viên Bách Thảo trong dịp 2-9) - Ảnh: Xuân Long

Theo giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Quốc Hùng, việc cấm đường trong thời gian diễn ra các sự kiện chính của đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội như lễ khai mạc sáng 1-10, ngày tập duyệt diễu binh, diễu hành 7-10, ngày mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành tại quảng trường Ba Đình 10-10, được xem là căng thẳng nhất trong kế hoạch phân luồng giao thông.

Ông Hùng cũng cho rằng việc cấm đường sẽ tạo ra những xáo trộn trong cuộc sống, sinh hoạt, đi lại của người dân, đơn vị đóng trên địa bàn những tuyến phố cấm. Tuy nhiên, để bố trí và đảm bảo cho giao thông thông suốt việc cấm đường, cấm các phương tiện là điều bắt buộc phải thực hiện.

Về thời gian cấm đường phục vụ tập duyệt từ 20g ngày 6-10 đến 23g ngày 7-10 và ngày mít tinh diễu binh, diễu hành từ 20g ngày 9-10 đến 23g ngày 10-10 ngày, nhiều ý kiến cho rằng thời gian cấm đường như vậy là quá dài, ông Hùng khẳng định theo kế hoạch việc cấm đường sẽ được thực hiện đúng theo giời gian đã thông báo như trên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vào các ngày tập duyệt và mittinh chính thức, thời gian diễn ra các sự kiện này có thể chỉ quá trưa đã hoàn tất mọi công việc. Do vậy, tùy theo tình hình thực tế, thời gian cấm đường sẽ được rút xuống, khi đó Sở GTVT và các lực lượng thực hiện công tác phân luồng sẽ thông báo và hướng dẫn để các người tham gia giao thông nắm bắt sớm.

“Chúng tôi cũng biết ít nhiều việc cấm đường sẽ cản trở việc đi lại, nhưng trong suốt thời gian cấm đường, mọi phương tiện bên ngoài và của cả người dân trong các tuyến phố cấm đường đều phải ngừng hoạt động. Có thể sẽ có những lý do khác nhau, nhưng trong suốt thời gian cấm đường, việc đưa xe ra ngoài hoặc mang xe vào trong những tuyến phố cấm sẽ không được giải quyết. Chúng tôi rất mong người dân và các đơn vị chia sẻ, chủ động phương án đi lại vì thành công chung của đại lễ” - ông Hùng nói.

Cấm đường nhưng không cấm người dân đi bộ

Trong số những khu vực, tuyến phố cấm đường phục vụ đại lễ, phó giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định cho biết chỉ có tiểu khu A, tức toàn bộ khu quảng trường Ba Đình bao gồm các tuyến đường Hùng Vương-Độc Lập, Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Cảnh Chân-Bắc Sơn-Bà Huyện Thanh Quan-chùa Một Cột-Ông Ích Khiêm-Phủ Chủ tịch và toàn bộ công viên Bách Thảo sẽ cấm không cho người dân vào. Theo ông Định, đây là khu vực diễu binh, diễu hành, dự kiến khoảng 4 vạn người tham gia, do vậy chỉ những người có nhiệm vụ mới được lui tới.

Để người dân có thể xem được toàn bộ cuộc míttinh diễu binh, diễu hành, ông Định cũng cho biết TP sẽ bố trí lắp đặt 20 màn hình cỡ lớn tại 20 điểm trên địa bàn TP để người dân theo dõi từ xa. Riêng đối với các tuyến phố cấm đường khác có đoàn diễu binh, diễu hành tập kết, đi qua, người dân vẫn đi lại bình thường trên vỉa hè, không có chuyện ngăn cấm qua lại.

Đối với những tuyến phố cấm đường, ông Định cho hay bắt buộc tại đây đều phải có những chốt kiểm soát. Mật độ bố trí các chốt có thể khoảng 5-10m theo dọc tuyến phố sẽ có một chốt, hoặc một cảnh sát, một quân nhân, một bảo vệ dân phố hoặc một dân phòng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự hai bên đường. “Người dân thoải mái đi lại trên vỉa hè. Các lực lượng sẽ làm nhiệm vụ không cho người dân tràn xuống lòng đường làm ách tắc cuộc diễu binh, diễu hành”-ông Định nói.

Trước thông tin sẽ kiểm tra hộ khẩu đối với những người đi lại tại những tuyến phố cấm đường, phó giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định nói hoàn toàn không có quy định như vậy. Theo ông Định, từ trước tới nay đều đã có quy định công dân ra đường phải mang theo giấy chứng minh thư, vì vậy trong những ngày đại lễ và thời gian cấm đường, việc kiểm tra khi cần thiết cũng chỉ cần có chứng minh thư là đủ.

“Có thể khi cấm đường sẽ có những vấn đề phát sinh, vì vậy tất cả mọi lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn đều được quán triệt phải giải thích cặn cẽ để người dân hiểu, thông cảm và ủng hộ. Chỉ những trường hợp đặc biệt như cấp cứu người bệnh, người bị thương mới được giải quyết cho đưa người bằng phương tiện nhưng vẫn có sự hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng giữ trật tự”-ông Định nói.

Bạn đọc quan tâm có thể xem chi tiết kế hoạch cấm đường, phân luồng giao thông dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long trên Tuổi Trẻ Online tại đây.

Sở GT-VT Hà Nội vừa đề nghị UBND TP Hà Nội giao UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ và huyện Từ Liêm khảo sát, lập phương án cụ thể, bố trí các điểm trông giữ xe máy, xe đạp trên vỉa hè, các điểm đỗ xe ô tô cho nhân tham gia lễ hội miễn phí. Đồng thời giao nhiệm vụ cho UBND các phường trong khu vực, tuyên truyền trên loa phát thanh của phường về kế hoạch cấm đường, phân luồng tổ chức giao thông trong thời gian diễn ra đại lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên