13/08/2010 23:41 GMT+7

Phòng chống dịch heo tai xanh: Mỗi nơi mỗi kiểu

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Dù đã có những cơ chế, chính sách cụ thể trong công tác phòng chống dịch heo tai xanh, nhưng do việc triển khai thiếu nhất quán của các địa phương dẫn đến tình trạng dịch bệnh lan rộng, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

80EtlvW7.jpgPhóng to
Bộ trưởng Cao Đức Phát cắt thịt heo quay ăn tại hội nghị để chứng minh thịt heo sạch an toàn cho người sử dụng - Ảnh: Trần Mạnh

Nhận định trên được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tại hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch heo tai xanh chiều 13-8 tại TP.HCM. Sáng cùng ngày, đoàn công tác do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch heo tai xanh tại Đồng Nai, “thủ phủ” nuôi heo của miền Nam.

Mỗi địa phương xử lý một kiểu

Báo cáo của Cục Thú y cho thấy từ nửa cuối tháng 6 đến ngày 12-8, đã có 20 tỉnh, thành phố công bố dịch heo tai xanh với 121.115 con mắc bệnh, trong đó số heo chết và tiêu hủy là 35.657 con (đến hôm nay dịch đã xảy ra ở 21 tỉnh thành). Có 4.725 hộ chăn nuôi thuộc 448 xã có heo mắc dịch bệnh này. Theo đánh giá của Cục Thú y, dịch heo tai xanh đang có xu hướng lan rộng với nhiều yếu tố nguy hiểm hơn so với các năm trước.

"Phải giao trách nhiệm kiểm soát dịch tới từng xóm, ấp. Cán bộ địa phương để xảy ra dịch mà không báo cáo phải chịu trách nhiệm"

Bộ trưởng Bộ NN&PTNTCao Đức Phát

Ông Hoàng Văn Năm, cục trưởng Cục Thú y, cho rằng dịch heo tai xanh đang bùng phát ở các tỉnh thành miền Nam có thể do việc vận chuyển heo giống từ miền Bắc và miền Trung vào phía Nam để tiêu thụ. Tuy nhiên, chính công tác giám sát, phát hiện dịch và báo cáo dịch còn nhiều bất cập, mỗi nơi mỗi khác càng làm tình trạng dịch bệnh phức tạp và lan rộng. Khi có dịch xảy ra, nhiều người chăn nuôi và thú y cơ sở mua thuốc điều trị và không khai báo dịch, đến khi dịch lan rộng không kiểm soát được mới báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Còn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp đã lúng túng, bị động khi dịch xảy ra do lâu nay không có dịch.

Làm việc tại tỉnh Đồng Nai, ông Cao Đức Phát đánh giá cao công tác phát hiện và xử lý kịp thời của xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom). Địa phương này khi phát hiện heo bệnh đã chủ động tiêu hủy 472 con (từ 29-7 đến 2-8) trước khi UBND tỉnh công bố dịch tại địa phương vào ngày 6-8. Nhờ vậy nên từ ngày 2-8 đến nay, xã Bắc Sơn không phát hiện thêm heo chết, số heo mắc bệnh được chăm sóc cũng đang phục hồi tốt.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo địa phương chi tiền hỗ trợ ngay cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy, tránh tình trạng người dân hoang mang không biết có được hỗ trợ hay không và tìm cách đem heo bệnh đi nơi khác tiêu thụ. “Chính vì các địa phương không kịp thời hỗ trợ, mỗi nơi hỗ trợ một kiểu nên người dân tìm cách tẩu tán heo bệnh, đem mầm bệnh đi các khu vực khác” - ông Phát nhận định.

Nguy cơ xuất hiện đợt dịch mới tại Nam bộ

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT công bố thông tin mới giải mã gen loại virut heo tai xanh ở miền Nam. Theo đó, đây là chủng virut có độc lực cao giống với nhóm virut đã gây ra đợt dịch bệnh hồi đầu năm ở miền Bắc. Dự báo khả năng xuất hiện một đợt dịch mới tại khu vực Nam bộ là rất lớn.

Theo Cục Thú y, thời gian qua ở miền Bắc, Hà Nội, Hưng Yên hỗ trợ 25.000 đồng/kg heo hơi; Thái Nguyên 20.000 đồng/kg; Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh 18.000 đồng/kg; Bắc Giang 15.000 đồng/kg. Chính sách hỗ trợ không thống nhất dẫn tới trường hợp tư thương, người dân chuyển heo từ nơi hỗ trợ thấp đến nơi có hỗ trợ cao làm dịch bệnh lây lan.

Đại diện tỉnh Hậu Giang cho biết hiện mới phát hiện bệnh heo tai xanh ở hai huyện nhưng với tốc độ lây lan nhanh như những ngày qua thì chỉ vài ngày tới Hậu Giang phải công bố dịch toàn tỉnh.

Theo ông Hoàng Văn Năm, hiện nay diễn biến dịch heo tai xanh tại các tỉnh Nam bộ hết sức phức tạp. Tại Sóc Trăng, Tiền Giang, Đắk Lắk dịch đã xuất hiện ở diện rộng. Các tỉnh khác như Long An, Bình Dương cũng đã phát dịch. Nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rộng trong các tỉnh có dịch và xuất hiện ở các tỉnh khác trong cùng khu vực là rất cao.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Cơ quan thú y vùng VI, đối với virut heo tai xanh thì việc tiêm phòng văcxin không mang lại hiệu quả như mong muốn, tốt lắm cũng chỉ ở mức giảm số heo chết chứ không ngăn được heo mắc bệnh. Do vậy, quan trọng nhất là thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tại trại nuôi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: do độc lực của virut hiện nay cao hơn rất nhiều so với năm trước nên công tác phòng chống và kiểm soát dịch ở các địa phương cần phải quyết liệt hơn rất nhiều.

_______________

Chưa ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thịt heo sạch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết dù dịch bệnh lan rộng nhưng số heo mắc bệnh và tiêu hủy còn khá nhỏ so với tổng đàn nên chưa ảnh hưởng gì đến nguồn cung cấp thịt trong thời gian tới. Trước việc người dân muốn đem heo ra khỏi vùng dịch tiêu thụ phải lấy mẫu phân tích với chi phí 305.000 đồng/mẫu, ông Phát cho biết sẽ xem xét để giải quyết linh động hơn. Ngoài ra, ông Phát cũng cho biết các địa phương nên chủ động hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ để khôi phục đàn heo sau dịch.

* Chiều 13-8, Cục Thú y cho biết dịch heo tai xanh ở các tỉnh phía Nam và Tây nguyên vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, không có dấu hiệu dừng mà có chiều hướng lây lan thêm.

Tại Đắk Lắk, ngày 12-8 UBND tỉnh đã công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Trong ba ngày qua (10 đến 12-8) đã phát hiện thêm dịch heo tai xanh ở 29 xã, phường, thị trấn thuộc thị xã Buôn Hồ và các huyện M’Drăk, Cư Kuin, Krông Buk, Cư Mgar, Ea Súp, Krông Năng. Từ cuối tháng 7-2010 đến nay, dịch tai xanh đã xảy ra tại 69 xã, phường, thị trấn thuộc 10/14 huyện, thị của tỉnh Đắk Lắk với gần 50.000 con heo mắc bệnh, số heo chết và tiêu hủy hơn 6.700 con.

Tại Tây Ninh, dịch tai xanh đã phát sinh thêm ở tám xã thuộc các huyện Tân Châu, Bến Cầu và Dương Minh Châu. Trước đó, chỉ từ ngày 7 đến 12-8 dịch đã xảy ra ở 29 xã, thị trấn khác của năm huyện. Tổng số heo mắc bệnh gần 4.500 con, số chết và tiêu hủy là hơn 850 con.

Tại Bình Dương, dịch tai xanh tiếp tục được phát hiện trong ngày 12-8 ở chín xã mới, nâng tổng số xã trong tỉnh có dịch lên 32 xã (thuộc sáu huyện, thị xã là Phú Giáo, Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và thị xã Thủ Dầu Một). Tổng số heo mắc bệnh gần 5.500 con, trong đó có gần 2.200 con bị chết và tiêu hủy...

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên