09/08/2010 03:40 GMT+7

Bệnh heo tai xanh: Chưa có thuốc đặc trị

ĐỨC TUYÊN
ĐỨC TUYÊN

TT - Tại Long An, Lâm Đồng đang rộ lên chuyện có thuốc trị được bệnh heo tai xanh hay gọi theo chuyên môn là bệnh rối loạn sinh sản và hô hấp cấp ở heo (PRRS). Thực hư ra sao?

tURaRmwN.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Dùm (khu phố 4, P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) mới tiêu hủy hết đàn heo 45 con do bệnh tai xanh - Ảnh: Đức Tuyên

Virus Lelystad thuộc họ Togaviridae gây ra bệnh PRRS và thường làm heo bị suy giảm miễn dịch nên bị bội nhiễm với các bệnh như: dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn, bệnh do xoắn khuẩn Leptospira spp, bệnh do liên cầu khuẩn Streptococcus spp, Mycoplasma spp, E.Coli... Đây là một trong những nguyên nhân chính gây chết đàn heo hàng loạt.

Một số bạn đọc thông tin có vài hộ chăn nuôi heo tại Long An và Lâm Đồng sử dụng một loại thuốc của Mỹ có tên BVR-402a để chữa bệnh heo tai xanh và cho kết quả rất khả quan. Như chủ hộ N.T.V. (ngụ TP Tân An, Long An) nuôi 110 con heo thịt và 12 heo con, cho biết đã sử dụng loại thuốc có tên BVR-402a (sản xuất tại Mỹ) trên đàn heo của mình.

“Hộp thuốc dạng bột, nặng 1kg, do một người nói đem từ Mỹ về và cho tui dùng thử. Nói chung đàn heo vẫn bình thường, chỉ có khoảng bốn con khật khừ bỏ ăn mấy bữa rày” - bà V. nói.

Khi được hỏi về vấn đề này, chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An Đinh Văn Thế cho rằng có biết đến vụ “quảng cáo” về loại “thuốc” ấy.

Ông Thế nói thêm: “Đó là loại “thuốc” do một Việt kiều đem từ Mỹ về. Khi gặp, thấy họ nhiệt tình quá tôi mới cử một cán bộ thú y đưa ông Việt kiều đến các hộ chăn nuôi để tặng “thuốc” cho dân xài thử. Tôi xin khẳng định đây là một dạng chế phẩm chỉ có tính tiêu độc khử trùng (như dạng chloramine, Han-lodine, Crezil, vôi bột... - PV) mà người dân thường dùng chứ không có tính năng chữa bệnh cho heo tai xanh như mọi người lầm tưởng”.

Khi tra tìm trên mạng chúng tôi cũng tìm được thông tin về loại “thuốc” BVR-402a do Công ty Stanford Technology Network (San Jose, California, Mỹ) sản xuất. Công ty này do ông Trần Văn Nguyên, Việt kiều Mỹ, làm chủ tịch.

Trong năm 2006, ông Nguyên từng đem loại “thuốc” - thực chất là một dạng chế phẩm sinh học - này đến Lâm Đồng và Vĩnh Long cho người chăn nuôi sử dụng thử nhưng để trị bệnh... lở mồm long móng trên gia súc chứ không phải trị bệnh heo tai xanh như bây giờ.

Và những lần phát “thuốc” cho người chăn nuôi mang tính “thử nghiệm” như thế cũng mới cho những kết quả đánh giá qua cảm quan chứ chưa có cơ quan chuyên môn nào của VN công nhận về tính năng thật sự của thuốc.

TS Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6, khẳng định: hiện trên thế giới chưa có loại thuốc nào đặc trị được bệnh PRRS. Hiện trên thế giới cũng như tại VN chỉ có một số loại sản phẩm dùng để phòng bệnh, phun xịt tiêu độc khử trùng... nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan.

“Tháng 5-2009 tôi có sang làm việc và tham quan bên Mỹ. Trong dịp đó người chăn nuôi Mỹ cũng gặp phải tình trạng heo chết vì PRRS hoành hành rất dữ nhưng các cơ quan liên quan của họ cũng bó tay. Họ cũng không có thuốc chữa trị được bệnh PRRS này...”.

Thậm chí khi chúng tôi tra tìm trên danh mục (mới nhất) thuốc thú y cũng như các loại chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được Bộ NN&PTNT cấp phép cho nhập khẩu, lưu hành tại VN cũng không thấy tên sản phẩm BVR-402a, ngay tên Công ty Stanford Technology Network (Mỹ) cũng không thấy xuất hiện trong danh mục này.

Thêm tỉnh Hậu Giang có dịch heo tai xanh

Ngày 8-8, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông báo đã có thêm một địa phương có dịch heo tai xanh, nâng tổng số địa phương có dịch từ cuối tháng 7 đến nay lên 17 tỉnh, TP. Trong đó, địa phương mới nhất được xác định có dịch là tỉnh Hậu Giang.

Cũng theo Cục Thú y, hiện còn một số địa phương đã có mẫu heo dương tính với bệnh tai xanh (như trường hợp TP.HCM), tuy nhiên Cục Thú y đang chờ kết quả xét nghiệm của Trung tâm Thú y vùng để có thông báo chính thức.

Cục Thú y cho biết đợt dịch heo tai xanh này là đợt dịch thứ ba tính từ đầu năm 2010, đến nay đã có 56.810 heo mắc bệnh, hơn 27.000 con heo đã bị tiêu hủy.

Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng vận chuyển heo bệnh từ vùng có mức đền bù thấp sang vùng có mức đền bù cao, do nhiều địa phương áp dụng mức đền bù 25.000 đồng/kg heo hơi cho người dân, nhưng giá heo hơi thị trường có khi lại dưới mức này.

L.ANH

ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên