23/06/2010 07:30 GMT+7

Cầu cứu máy phát điện

C.V.K. - V.H.
C.V.K. - V.H.

TT - Trước tình hình cung ứng điện vẫn tiếp tục căng thẳng sau ngày 21-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lại có chỉ thị yêu cầu tiết kiệm điện, đồng thời đề nghị doanh nghiệp tăng cường dùng máy phát điện.

* Cắt điện không thông báo: phạt 3-7 triệu đồng * Cắt điện làm bể hợp đồng

Trời không chiều lời hứa

Trong khi đó, được xem như “bảo bối” để xử lý các vi phạm trong cung cấp, sử dụng điện nhưng nghị định mới Chính phủ vừa ban hành lại không đề cập gì khả năng các công ty điện phải đền bù thiệt hại nếu cắt điện sai phép.

3PVT6gqH.jpgPhóng to
Nhân viên cửa hàng bán máy phát điện trên đường Lý Thường Kiệt, P.8, Q.Tân Bình, TP.HCM chuẩn bị giao cho khách hàng. Tình trạng cúp điện kéo dài khiến người dân và các doanh nghiệp đổ xô đi mua và thuê máy phát điện - Ảnh: Xuân Trường

Còn cắt điện nhiều hơn nữa

Chưa rõ cơ chế bắt lỗi “ông điện”

Mặc dù có nhiều bước tiến so với nghị định 74/2003 nhưng theo một số chuyên gia về điện, nghị định 68/2010 vẫn cần phải hướng dẫn rất nhiều mới có thể thực hiện được, đặc biệt là cơ chế để “bắt lỗi” các đơn vị phân phối, bán lẻ điện cắt, giảm cung cấp điện mà không thông báo trước, gây thiệt hại.

Đặc biệt, mức xử phạt đối với các đơn vị bán điện cao nhất 30-40 triệu đồng, theo nhiều chuyên gia, là không tương xứng với mức độ của hành vi và đối tượng vi phạm.

* Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết đến nay chưa có trường hợp nào được ngành điện bồi thường thiệt hại do ngành điện gây ra như bị cắt điện không báo trước mà người dân hoặc doanh nghiệp xác định được mức thiệt hại. Ngành điện mới chỉ bồi thường một số trường hợp thiệt hại hư hỏng thiết bị điện do tăng điện áp, do đóng mở điện không đúng quy định gây cháy thiết bị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-6, một cán bộ có trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết do các hồ thủy điện đã về sát mực nước chết trong khi các tổ máy sự cố chưa kịp thời hòa lưới, nên khả năng cung ứng điện của hệ thống đang ở mức thấp hơn cả một số ngày trước 20-6. Việc phân bổ sản lượng điện được tiêu thụ cho các tổng công ty điện lực miền, các công ty điện lực cũng sẽ phải giảm nên nhiều nơi mất cân đối không còn ở mức 5-10% nữa mà tăng đến trên 20%. Vì vậy, nhiều địa phương sẽ còn phải cắt điện mạnh hơn nếu thời tiết nóng trở lại và mưa vẫn chưa về.

Trước tình hình căng thẳng điện, ngày 21-6 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ban hành tiếp chỉ thị thứ ba trong năm nay về vấn đề cung ứng, tiết kiệm điện. Theo chỉ thị trên, do thời tiết liên tục nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng rất cao. Tình hình thủy văn vẫn chưa được cải thiện, nhiều hồ thủy điện đã xuống gần mực nước chết, việc cung ứng của hệ thống điện quốc gia khó khăn nên vẫn phải tiết giảm tiêu dùng điện trên diện rộng trong cả nước.

Trong chỉ thị này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng công bố cần tiếp tục khắc phục khó khăn và ngay cả sau thời điểm 20-6, các nguồn điện có được tăng cường “một phần” thì EVN vẫn phải tập trung lực lượng phát điện tối đa để nâng khả năng cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Đặc biệt trong chỉ thị, ông Hoàng yêu cầu EVN chỉ đạo các tổng công ty điện lực chủ động trao đổi với các doanh nghiệp có máy phát điện diesel dự phòng, nhất là hộ tiêu thụ điện lớn để các đơn vị này tự phát điện nhằm làm giảm khó khăn cho ngành điện. Dù điện đã bị cắt nhiều nơi, nhiều thời điểm nhưng Bộ Công thương cũng chỉ thị EVN tiếp tục tăng tuyên truyền về tiết kiệm điện. Các tập đoàn Dầu khí, Công nghiệp than - khoáng sản cũng được yêu cầu chủ động tăng tối đa phát điện, khắc phục sự cố các nhà máy.

Trong động thái “mạnh mẽ” nhất từ trước đến nay, ông Hoàng chỉ thị các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc ngành nếu có nguồn điện dự phòng phải “có trách nhiệm huy động các nguồn phát điện trên nhằm giảm khó khăn trong cung ứng điện hiện nay”.

Phạt đơn vị điện: cao nhất 40 triệu đồng

Một động thái được nhiều chuyên gia chờ đợi trong giai đoạn điện bị cắt trên diện rộng là Chính phủ vừa ban hành nghị định số 68/2010 quy định các mức xử phạt trong lĩnh vực điện lực. Tuy nhiên, theo nghị định này, các đơn vị phân phối điện sẽ chỉ bị phạt 3-4 triệu đồng nếu ngừng cung cấp điện hoặc giảm mức cung cấp không như thông báo. Nếu không thông báo trước việc ngừng hay giảm mức cung cấp theo quy định hoặc cắt điện các đơn vị không thuộc diện hạn chế khi thiếu điện, đơn vị phân phối điện cũng chỉ bị phạt 4-5 triệu đồng.

Với lý do “cắt điện do sự cố kỹ thuật” vẫn được các công ty điện lực đưa ra, nghị định 68 có nêu rõ vẫn phạt các đơn vị phân phối điện từ 10-20 triệu đồng nếu sự cố đó phát sinh do lỗi vận hành của các nhà phân phối hoặc do thiết bị không được kiểm định, thí nghiệm theo quy định. Điều đặc biệt, nghị định 68 lại quy định các đơn vị phân phối điện chỉ phải đền bù toàn bộ thiệt hại phát sinh do ngừng, giảm cung cấp điện khi sử dụng thiết bị đo đếm chưa được kiểm định, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, không phù hợp với tiêu chuẩn VN...

Việc cắt điện không báo trước gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân nhưng không phải do các thiết bị “có vấn đề” đã không được đề cập. Với hành vi khá “nặng” là các đơn vị bán buôn điện bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định, theo nghị định 68 cũng chỉ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Các đơn vị bán lẻ điện cũng có thể bị phạt 5-7 triệu đồng nếu ngừng, giảm cung cấp điện không báo trước. Bị phạt 10-15 triệu đồng nếu bán sai giá do cơ quan thẩm quyền quy định.

Trong nghị định 68, mức xử phạt cao nhất là 30-40 triệu đồng. Mức phạt này được áp dụng cho các hành vi mua điện của đơn vị không có giấy phép phát điện, xuất nhập khẩu điện mà không có giấy phép và trộm cắp điện...

Việc xử phạt được giao cho UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương, sở công thương, chánh thanh tra Bộ Công thương, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, lực lượng công an.

Ông Nguyễn Văn Dậu (giám đốc Công ty may Đạt Minh Thịnh, 36B An Dương Vương, P.16, Q.8, TP.HCM):

5Uiz4Wtv.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Dậu và tờ thông báo của ngành điện sẽ cắt điện trong những ngày cuối tháng 6 - Ảnh: T.T.DŨNG

Cuối tháng 5-2010 có tuần chúng tôi bị cắt điện đến ba ngày (27, 29 và 30-5), trong đó có ngày không báo trước khiến trễ đơn hàng đi Anh và Mỹ. Hàng xuất đi không được, việc vận chuyển hàng bằng đường thủy phải chuyển sang bằng máy bay nhưng vẫn không kịp. Chúng tôi khiếu nại về việc bị cắt điện nhiều ngày và có ngày không báo trước gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Sau đó Công ty Điện lực Chợ Lớn có đến làm biên bản ghi nhận thông tin và giải thích rằng do thiếu điện nên phải cắt điện khẩn cấp và hứa sẽ hỗ trợ chúng tôi bằng giải pháp... thông báo trước lịch cắt điện mỗi tuần. Từ đó đến nay, tuần nào chúng tôi cũng được “hỗ trợ” bằng thông báo cắt điện hai ngày mỗi tuần vào thứ hai và thứ năm. Thử nghĩ, một tháng công nhân có 26 ngày làm việc để nhận lương, cắt điện 8 ngày/tháng tức bị giảm 1/3 ngày công, đời sống công nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thu nhập giảm đi. Chúng tôi khổ sở vì hợp đồng, đơn hàng từ tháng 4 đến nay “bể” liên tục, thiệt hại uy tín rất lớn. Phía bạn hàng nước ngoài rất khó hiểu cụm từ “bị cúp điện thường xuyên” của tôi.

Tôi không trách Công ty Điện lực Chợ Lớn vì tôi hiểu tình hình thiếu điện của cả nước. Trách nhiệm là của EVN là phải lường trước sự thiếu hụt và phải đảm bảo được việc cung cấp điện cho nhân dân.

Tình trạng cắt điện đang ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân Phú Yên, nhất là khi Điện lực Phú Yên thông báo: Liên tục từ ngày 21 đến 30-6, tất cả địa bàn trong tỉnh bị cắt điện từ 4-7 giờ. Bên cạnh đó, nâng việc cắt điện từ ba ngày một tuần (5g30-19g) lên cắt xen kẽ cách ngày và ngày có lịch cắt điện sẽ kéo dài đến 21g mới đóng điện lại. Công ty đưa ra lý do nâng giờ cắt điện vì phải điều tiết để trả lại lượng điện đã vượt định mức phân phối vào các tháng trước. Theo ông Đào Tấn Cam - giám đốc Sở Công thương Phú Yên, đây là lý do không thuyết phục. Bởi điện nằm trên lưới, không có chuyện cắt điện tháng này để trả nợ tháng trước. Thực tế việc cúp điện thời gian qua đã gây quá nhiều tổn thất cho Phú Yên, trong đó không chỉ đời sống nhân dân bị đảo lộn mà sản xuất hầu như bị đình trệ. Hàng trăm cơ sở nhỏ của Phú Yên gần như tê liệt do không thể hoạt động trong điều kiện điện cúp cách nhật như hiện nay, nhất là các cơ sở thu mua chế biến thủy sản, cơ khí...

Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là tình trạng bùng phát các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Trần Văn Thọ, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Sông Cầu, nhận định: số ca mắc tuy không nhiều như năm ngoái nhưng lo ngại nhất là độc lực virut rất mạnh, tỉ lệ ca dương tính cao nhất từ trước đến nay khoảng 50% và rất nhiều ca sốt xuất huyết bị choáng, nhất là trẻ em. Chính thời tiết nóng trong khi điện cắt liên tục đã làm giảm sức đề kháng của trẻ, thêm vào đó do áp lực thiếu nước, người dân trữ nước trong các chum vại để dùng phòng khi điện cúp đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển. Khi trong vùng có người bệnh sốt, ngay lập tức muỗi truyền bệnh khiến dịch bùng phát.

Chiều 22-6, chúng tôi có mặt tại khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa trung tâm Phú Yên, trong các phòng điều trị nóng hầm hập, mỗi giường có hai bệnh nhân nằm thiêm thiếp. Nhiều cháu bé vì không chịu đựng được cơn sốt đã khóc lịm. Một số bệnh nhân vì không chịu được nóng đành ra hành lang nằm. Ông Đoàn Văn Thảo - cha của cháu Đoàn Thanh An, 10 tuổi, ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa - cho biết sau khi đi học về, cháu sốt cao và chuyển sang mê man ngay trong đêm. Gia đình chuyển ngay cháu đến viện điều trị nhưng mấy ngày nay phòng điều trị như “lò bát quái”, quá nóng cháu không chịu đựng nổi, không ăn uống được gì nên bệnh tình thuyên giảm rất chậm.

C.V.K. - V.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên