08/06/2010 16:00 GMT+7

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: cần thiết nhưng chưa cấp thiết

Đại biểu Sùng Thị Chư - Yên Bái
Đại biểu Sùng Thị Chư - Yên Bái

TTO - Hôm nay (8-6), Quốc hội dành cả ngày thảo luận việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhiều đại biểu đã chính thức đề nghị: chưa nên thông qua ngay tại kỳ họp này, thậm chí, do quy mô của dự án, có đại biểu đề nghị phải để hai khóa Quốc hội quyết định…

Ba câu hỏi trước khi “bấm nút”Làm rõ phương án chỉ chở khách với tốc độ 300 km/giờ

KlgPmUGv.jpgPhóng to
Tàu cao tốc ở Nhật Bản - Ảnh tư liệu

Không phục vụ đa số người dân

Theo đại biểu Sùng Thị Chư - Yên Bái, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM lớn, được nhân dân và dư luận xã hội rất quan tâm. Ngoài ý kiến đồng tình, theo bà Chư, có nhiều ý kiến còn rất lo lắng và băn khoăn do sẽ phải tốn nhiều tiền của, vốn xây dựng chủ yếu đi vay nước ngoài cho nên “chúng ta phải liệu cơm gắp mắm. Nếu không đời con cháu mai sau sẽ nai lưng ra để trả nợ”.

Theo đại biểu Chư, nguồn vốn đầu tư cho dự án này quá lớn, đến 65 tỷ USD - chiếm đến 2/3 GDP của Việt Nam mà hiện nay tỷ lệ nợ đọng Chính phủ đã lên tới 42% GDP - đang dần đến tiệm cận sát đến ngưỡng an toàn. Đặc biệt, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM có thời gian đầu tư dài, thu hồi vốn lại kéo dài đến 45 năm, bà Chư cho rằng hiệu quả kinh tế như vậy là quá thấp.

Tổng kinh phí xây dựng đường cao tốc đoạn Tokyo - Osaka chỉ chiếm 2,4% GDP của Nhật, còn Việt Nam đến 65 tỷ USD - chiếm đến 2/3 GDP của Việt Nam mà hiện nay tỷ lệ nợ đọng Chính phủ đã lên tới 42% GDP - đang dần đến tiệm cận sát đến ngưỡng an toàn

Bà Sùng Thị Chư cho rằng việc đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM là cần thiết nhưng chưa phải là cấp thiết trong thời điểm này. Vì vậy, bà Chư đề nghị tại kỳ họp này và cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII chưa nên quyết định chủ trương đầu tư!

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn cho rằng đọc Báo cáo của Chính phủ, các tờ trình và những văn bản kèm theo, ông có nhận thức là âm hưởng chủ đạo của tất cả văn bản ấy là bác bỏ mọi giải pháp phát triển giao thông khác để độc tôn vị trí dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhưng lập luận lại thiếu sự thuyết phục.

Ông Thuyết nêu thực tế đồng bào ở nhiều nơi còn gặp rất nhiều khó khăn về giao thông đường bộ, trong đó có đồng bào Kon Tum còn phải đánh đu qua sông để đi qua con sông Pôkô chảy siết rất nguy hiểm. Vì vậy, ông Thuyết bình luận không biết những người viết báo cáo và tờ trình Chính phủ ngồi ở đâu, sống ở đâu, mà nhận định là "chúng ta đã quá tập trung về phát triển đường bộ".

Về thủ tục thẩm tra thẩm định dự án, ông Thuyết cho rằng không đảm bảo khách quan vì lập dự án là liên doanh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản, thẩm định dự án cũng là liên doanh tư vấn Nhật Bản - Việt Nam. Theo ông đó là điều "rất khôi hài"!

Đầu tư cho nông dân mới là ưu tiên số một

Vấn đề vay ODA không phải lúc nào cũng tốt, các nước như Thái Lan, Philippines đã quyết định dừng ODA khá sớm, vì thấy rằng dòng vốn này đắt hơn đáng kể so với vốn vay thương mại. Vay thương mại có thể mua, chọn đấu thầu, còn ODA phải ràng buộc một số điều rất bất lợi.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng ai cũng mơ ước dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM thành hiện thực. Song với điều kiện kinh tế của nước ta, ông Vinh đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh tại sao một số nước phát triển trong nhóm G7 cũng chưa xây dựng đường sắt cao tốc. Ông Vinh băn khoăn: “Chúng ta có thực sự cần xây dựng đường sắt cao tốc chưa, trong khi điều kiện ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp và còn cần phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác. Trong khi chúng ta đang triển khai một loạt các dự án lớn như thủy điện, điện hạt nhân, chủ yếu bằng nguồn vốn đi vay, bây giờ thêm dự án này liệu ngân sách có gánh vác nổi không?".

Theo ông Trần Ngọc Vinh, có ý kiến cho rằng đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước mắt không phải là dự án ưu tiên hàng đầu, mà ưu tiên số 1 cần là đầu tư cho nông nghiệp để 70% nông dân được hưởng lợi và cần ưu tiên đầu tư một số ngành công nghiệp và dịch vụ khác để làm cho nền kinh tế đi lên một cách vững chắc.

Cũng theo ông Vinh, vấn đề vay ODA không phải lúc nào cũng tốt, các nước như Thái Lan, Philippines đã quyết định dừng ODA khá sớm, vì thấy rằng dòng vốn này đắt hơn đáng kể so với vốn vay thương mại. Vay thương mại có thể mua, chọn đấu thầu, còn ODA phải ràng buộc một số điều rất bất lợi.

Đại biểu Trần Hồng Việt - Hậu Giang đề nghị: đường sắt cao tốc là ý tưởng đẹp cần có thời gian khảo sát, phân tích kỹ hơn. Cần có thời gian mời chào các nhà đầu tư tham gia, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng ngân sách để đầu tư. “Tôi đề nghị giao cho Quốc hội khóa XIII xem xét quyết định đầu tư” - ông Việt nói.

Đại biểu Sùng Thị Chư - Yên Bái
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên