08/06/2010 08:00 GMT+7

Ba câu hỏi trước khi "bấm nút"

GS PHẠM PHỤ
GS PHẠM PHỤ

TT - Không bao lâu nữa Quốc hội sẽ đặt tay “bấm nút” quyết định cho các “siêu dự án” (trong đó có đường sắt cao tốc Bắc - Nam) mà mỗi dự án đều có tầm ảnh hưởng hết sức lớn đến quốc kế dân sinh và có vốn đầu tư lên đến năm, bảy chục tỉ USD. Những con số chưa từng có trong lịch sử đầu tư công ở VN.

Tôi còn nhớ mới cách đây chỉ hơn mười năm, VN cũng có một dự án đầu tư công lớn, đó là thủy điện Sơn La. Khi ấy việc lựa chọn phương án quy mô lớn hay nhỏ cho Sơn La có vốn đầu tư chỉ từ 2,4-3,6 tỉ USD mà cả nước, kể cả Quốc hội và Chính phủ, đã phải “quần quật” đến gần mười năm trời từ 1992-2001 để có thể đi đến quyết định cuối cùng. Trong quá trình đó, đã có hàng chục cuộc hội thảo để tranh luận trên cả hai miền Nam - Bắc với hàng trăm cán bộ khoa học phản biện, có vai trò là “nhân vật thứ ba”. Và cũng có đến ba tổ chức tư vấn độc lập của nước ngoài.

Nay thông tin về các “siêu dự án” thực tế mới đến được với công chúng và các nhà khoa học nhiều lắm cũng chỉ được tính bằng số tháng. Có lẽ vì vậy mà công chúng đang rất lo lắng về việc “bấm nút” của Quốc hội, lo lắng về, ít ra là ba câu hỏi mà họ đang còn “lờ mờ”.

Thứ nhất, “bấm nút” cho cái gì, cho chủ trương hay cho quyết định lựa chọn phương án, kể cả việc phân đoạn đầu tư? Khi còn ở mức chủ trương đầu tư, các vấn đề quyết định thường chỉ là định hướng có tính chất mục tiêu chiến lược, ví dụ như đến năm 2030 phải hình thành cho được tuyến đường sắt Bắc - Nam tương đối hoàn chỉnh sao cho: (1) Tạo được điều kiện để nền kinh tế phát triển, đảm bảo lưu thông cho cả hành khách và hàng hóa suốt trên trục Bắc - Nam đến tận đồng bằng sông Cửu Long; (2) Tạo việc làm và tạo điều kiện để phát triển cân đối giữa các vùng miền; (3) Có hiệu quả kinh tế cao, thu hồi được vốn để trả nợ vốn vay...

Nếu chỉ với những định hướng chiến lược như vậy, có lẽ Quốc hội sẽ cân nhắc và “bấm nút” thì công chúng không đến nỗi lo lắng. Nhưng nếu “bấm nút” để lựa chọn phương án, như phải “là đường sắt cao tốc 300km/giờ”, thì trước hết thiết nghĩ “cao tốc” đâu có phải là “mục tiêu của chúng ta” mà VN phải phấn đấu (!) như lời ông Nguyễn Hữu Bằng - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN - trên Tuổi Trẻ ngày 6-6. Nhưng điều quan trọng hơn là khi đó các đại biểu Quốc hội “có trách nhiệm, có bản lĩnh, có lương tâm...” càng cao thì lại càng khó có thể “bấm nút” (!). Từng là đại biểu Quốc hội, tôi cũng từng gặp phải tâm trạng đó. Vì vậy, nảy sinh câu hỏi tiếp theo liên quan đến “quy trình dự án”.

Thứ hai, soạn thảo và trình dự án như thế nào để Quốc hội có thể “bấm nút” về việc lựa chọn phương án? Đường sắt Bắc - Nam là loại dự án có nhiều mục tiêu và từ đó có thể hình thành nhiều tiêu chí (không có cùng độ đo) để lựa chọn phương án, ở dạng thủ tục “ra quyết định đa tiêu chí”. Khi đó việc xây dựng các phương án, kể cả cách thức phân đoạn đầu tư, sao cho các cứ liệu có độ tin cậy cao, có khả năng thực thi, “định giá” các tiêu chí, phân tích rủi ro, đánh giá tác động môi trường... là trách nhiệm của tổ soạn thảo và các chuyên gia phản biện. Với phần lớn đại biểu Quốc hội, khó có thể có chuyên môn đủ để phán xét và “bấm nút” về những vấn đề như vậy.

Để Quốc hội có thể “bấm nút”, Chính phủ, sau khi “sàng lọc” các phương án, ít ra là phải trình Quốc hội vài ba phương án tốt, gọi là phương án “không bị trội” (non-dominated) cùng các “độ đánh đổi” (trade-offs) giữa các phương án đó. Ví dụ, có hai tiêu chí là A và B, và hai phương án trình Quốc hội là I và II. Hai phương án I và II được gọi là “không bị trội” vì không thể có một phương án nào khác tốt hơn I và II trên cả hai tiêu chí.

Còn giữa I và II, I tốt hơn II về tiêu chí A nhưng II lại tốt hơn I về tiêu chí B. Nếu không chọn I mà chọn II thì A giảm bớt đi bao nhiêu và B tăng thêm được bao nhiêu, tỉ lệ các phần thêm và bớt này gọi là “độ đánh đổi”. Các đại biểu Quốc hội khi đó, trên cơ sở này sẽ cân nhắc “độ đánh đổi” giữa thêm và bớt để “bấm nút” lựa chọn I hay II.

Quốc hội Phần Lan khi lựa chọn giữa ba phương án: (I) Không có nhà máy điện lớn, (II) Nhà máy điện đốt than, (III) Nhà máy điện nguyên tử đã dựa trên ba tiêu chí: (A) Kinh tế quốc gia, (B) Sức khỏe và môi trường an toàn, (C) Các yếu tố chính trị, trong đó có vấn đề độc lập và quan hệ quốc tế, cũng đã lựa chọn phương án theo thủ tục tương tự như vậy. Từ bối cảnh nói trên, lại xuất hiện một câu hỏi khác.

Thứ ba, có nên “bấm nút” theo cách chỉ là hoặc “có” hoặc “không”? Dự án Tam Hiệp ở Trung Quốc, khi có nhiều ý kiến không đồng tình, chính phủ đã dừng lại để tổ chức dự án một cách “dân chủ hơn và khoa học hơn”. Từ đó họ đã thành lập một tổ lãnh đạo gồm 13 người do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh làm tổ trưởng, làm cố vấn có 21 chuyên gia nổi tiếng từ 12 bộ và hai tỉnh, lập ra 14 tổ chuyên đề tập trung 412 chuyên gia giỏi của 17 bộ, 12 viện thuộc Viện Hàn lâm khoa học và 28 trường đại học. Cách làm việc là công khai, không ai được áp đặt gò bó, ai đồng ý đều có ký tên chịu trách nhiệm cho từng vấn đề.

Vậy phải chăng còn có “nút bấm thứ ba”, nút “tạm dừng lại việc quyết định” để tiếp tục tổ chức dự án một cách tốt hơn?

GS PHẠM PHỤ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên