Dù khẳng định thời điểm năm 2009, cơ bản các hồ thủy điện vận hành đúng quy trình nhưng Bộ Công thương cũng thừa nhận nhiều vấn đề về chất lượng xây dựng các DATĐ, trong đó có lỗi chất lượng xây dựng đập đến cách vận hành hồ thủy điện. Những lỗi này đang khiến giới chuyên gia giật mình vì chỉ một lỗi đã có thể khiến nguy cơ biến đập thủy điện thành quả bom nổ chậm, đe dọa cuộc sống cả vạn hộ dân.
Về chất lượng, báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ: “chất lượng cả thiết kế và thi công một số DATĐ nhỏ chưa thật sự đáp ứng yêu cầu”, “một số dự án chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn đập”, “trong quá trình vận hành chống lũ, một số công trình đã bộc lộ những khiếm khuyết trong thiết kế, thi công nhưng chưa kịp thời có giải pháp khắc phục”.
Trong khi đó, “công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về đảm bảo chất lượng công trình chưa được cơ quan chức năng các tỉnh chủ động phối hợp thực hiện đầy đủ và thường xuyên”... Chưa hết, việc vận hành hồ cũng có vấn đề: “Tại một số công trình, kể cả các công trình lớn, đang thiếu cán bộ vận hành được trang bị đầy đủ kiến thức nên có lúc chưa tuân thủ hoàn toàn quy trình đã được phê duyệt, chưa lập được kế hoạch vận hành chi tiết trên cơ sở các số liệu thủy văn”.
Đặc biệt hơn, Bộ Công thương cho biết: “Một số ít công trình đã đưa vào khai thác nhưng chưa lập quy trình vận hành hồ chứa để thực hiện”. Việc đăng ký và báo cáo hiện trạng an toàn đập thủy điện, tính đến tháng 12-2009, quá thời hạn đăng ký hơn một năm nhưng mới chỉ nhận được 15 công văn, báo cáo của các tỉnh. Điều này, theo một chuyên gia về thủy điện, là rất đáng báo động, vì như thế có nghĩa DATĐ đó thích xả thì xả mà không có nguyên tắc nào...
Bộ Công thương cũng nêu rõ theo quy định của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ được góp ý kiến về thiết kế cơ sở của DATĐ. “Như vậy, chủ đầu tư dự án có thể không tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu đảm bảo an toàn nhằm tiết kiệm chi phí, gây nguy cơ đối với tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trong khu vực”.
Báo cáo của Bộ Công thương còn đưa ra một sự thật: “việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và công tác quản lý đầu tư xây dựng các DATĐ tại một số tỉnh thiếu chặt chẽ, thậm chí chưa tuân thủ các quy định hiện hành”, “việc thẩm định, xem xét về quy hoạch thủy điện nhỏ đã được UBND các tỉnh giao sở công thương phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, sở công thương các tỉnh đều thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn thủy điện, ngân sách cho nghiên cứu quy hoạch hạn chế nên chất lượng quy hoạch và thiết kế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu”...
38 dự án thủy điện phải bãi bỏ, 35 dự án khác phải điều chỉnh vì ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội. Một quan chức Bộ Công thương cảnh báo có thể một số tỉnh sẽ phản đối nhưng đoàn công tác sẽ kiên trì bảo vệ vì có căn cứ khoa học. Như vậy, đề xuất bãi bỏ, điều chỉnh những DATĐ này có thể sẽ là một kết quả đáng mừng cho bà con sinh sống quanh các hồ thủy điện, nó cũng là hồi chuông báo động vì tất cả các dự án phải bãi bỏ, điều chỉnh đều đã qua các khâu thẩm định, xét duyệt “nghiêm ngặt” của nhiều cấp, nhiều ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận