Phóng to |
Ông Ba Bình (nông dân ở xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, Sóc Trăng) buồn bã bên ruộng lúa lép hạt vì nhiễm mặn - Ảnh: Duy Khang |
Dọc sông Hậu, nông dân huyện Trần Đề và Long Phú (Sóc Trăng) tất bật bơm nước cứu lúa vì hạn gay gắt nhưng nước bơm vào ruộng đã mặn đắng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đã chỉ đạo địa phương phải tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích nghi với ảnh hưởng mặn gay gắt.
Lúa lép vì mặn
Ngồi thẫn thờ bên bờ ruộng, nhìn lúa trổ nghẹn bông, ông Ba Bình ở xã Đại Ngãi (huyện Long Phú, Sóc Trăng) cho biết phải thuê ruộng trồng lúa tới 12 triệu đồng/ha nhưng bây giờ lúa chết hơn một nửa. Ông kể tuần trước bơm nước cứu lúa nhưng hai ngày sau thấy lá lúa héo vàng vì nước nhiễm mặn. Lúa trổ toàn hạt lép nên nhìn đàn bò xông vào ăn ông cũng không buồn đuổi ra.
Ông Bình than vãn: “Cùng thời điểm này năm ngoái nước dưới kênh chỉ mới lờ lợ, nông dân bơm nước vô ruộng bình thường nên lúa đạt năng suất gần 9 tấn/ha. Năm nay lúa nhiễm mặn héo hết, chắc chỉ còn được 2-3 tấn/ha, chỉ mong lấy lại tiền đã mua phân”.
Theo giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng Đặng Văn Dũng, so với cùng kỳ năm ngoái mặn đã xâm nhập sâu thêm vào nội đồng tỉnh này 15-20km. Ở khu vực Đại Ngãi (huyện Long Phú), do mặn xâm nhập từ cửa Trần Đề lấn sâu vào sông Hậu nên hiện nay độ mặn lên đến 11,6‰ trong khi năm trước chỉ 4,6‰. Nghiêm trọng hơn là độ mặn 4‰ đã vượt qua khỏi Đại Ngãi khoảng 15km lên đến gần giáp ranh xã An Lạc Thôn và nơi giáp ranh với TP Cần Thơ nước đã mặn 2,7‰ (năm trước chỉ có 0,1‰). |
Ngược về hướng Long Đức, lúa hai bên quốc lộ Nam Sông Hậu tuy chưa chín nhưng vẫn nhuốm vàng vì cháy khô dưới nắng hạn và mặn.
Bên phía huyện Trần Đề, nông dân xã Đại Ân 2 cũng nhấp nhổm lo thiếu ăn khi lúa trổ toàn hạt lép. Ở ấp Tú Điềm, dù nước hệ thống kênh thủy lợi đã bị nhiễm mặn nhưng nông dân vẫn phải bơm vào ruộng để mong “kiếm được hạt nào hay hạt đó chứ không nỡ nhìn ruộng lúa chết khô vì thiếu nước gần một tháng nay”.
Theo ông Võ Quốc Việt - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, dù rất cố gắng điều tiết nước ngọt vào hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật những lúc thủy triều rút mặn về biển nhưng vẫn không đẩy hết mặn ra sông Hậu vì nước ngọt trên thượng nguồn cũng đang cạn kiệt.
Hiện ngành nông nghiệp đang hướng dẫn nông dân tranh thủ bơm lượng nước ngọt ít ỏi được dẫn về mỗi khi nước ròng rút mặn ra biển, để cố gắng cứu lúa đông xuân muộn đang vào giai đoạn cuối vụ.
Cá, tôm... chịu không thấu
Tại Bến Tre, nhiều vùng cư dân cũng đang khốn khổ vì nước mặn xâm nhập sâu, độ mặn cao, nước ngọt thành hàng hiếm. Ở huyện Bình Đại, nhiều hộ dân vùng xa lộ phải đăng ký xe bồn chở nước 3-4 ngày trước mới mua được nước ngọt với giá thấp nhất là 50.000 đồng/m3. Nguồn nước cung cấp cho TP Bến Tre và các huyện lân cận cũng không uống được vì mặn.
Mặc dù Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước đã đặt trạm bơm nước thô ở xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, cách Nhà máy nước Sơn Đông 10km, nhưng cũng không đủ nước ngọt như năm ngoái.
Toàn tỉnh có 22.200 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Nước mặn không chỉ gây khó cho sinh hoạt của dân cư mà còn gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi.
Theo báo cáo sơ bộ của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 26.900ha cây ăn trái, 4.000ha ca cao, 450ha hoa màu, 500ha lúa đông xuân ảnh hưởng nước mặn giảm năng suất. Tôm, cá, nghêu nuôi cũng đang bị chết vì nắng nóng và độ mặn cao.
Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bến Tre, từ ngày 1 đến 10-4 độ mặn 4‰ đã xâm nhập các vùng cách các cửa sông ở Bến Tre 50km, riêng sông Hàm Luông độ mặn 4‰ xâm nhập rất sâu (khoảng 60km), khả năng đến cuối tháng 4 mặn còn xâm nhập sâu hơn nữa.
Còn ở Cà Mau, hiện nước sông Ông Đốc và nhiều tuyến kênh vùng lân cận đã bị nhiễm mặn 5-28‰.
Nguyên nhân mặn xâm nhập sâu là do một số hộ dân ở xã Khánh Lâm (U Minh) phá đập đưa nước mặn vào vuông tôm. Một số hộ dân trong lâm phần thuộc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ phá đập để đi lại, làm toàn bộ các tuyến kênh thông với kênh 29 bị nhiễm mặn lấn sâu vào nội đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận