08/04/2010 08:21 GMT+7

Thế mới của VN trong ngoại giao đa phương

TÔN NỮ THỊ NINH - Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (Thanh Tuấn ghi)
TÔN NỮ THỊ NINH - Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (Thanh Tuấn ghi)

TT - Năm 1995, khi VN gia nhập ASEAN, các nước thành viên, đặc biệt là Singapore, rất lo ngại. Một là, sự chênh lệch về kinh tế sẽ kéo lùi tốc độ phát triển chung của khu vực. Hai là, họ sợ mất tính đồng thuận của sáu nước ban đầu vốn có cùng một chế độ chính trị trong khi VN có chế độ chính trị khác.

15 năm qua, thực tế đã chứng minh cho thấy VN không hề kéo lùi sự phát triển chung và cũng chẳng làm mất tính đồng thuận của ASEAN. Ngược lại, sự xuất hiện của VN đã giúp tăng sự đồng thuận, sự gắn kết của ASEAN.

Sự phát triển kinh tế của VN, dù còn thua Thái Lan, Singapore, lại đã rút ngắn được khoảng cách giữa các nước và không là cản trở đối với bước tiến của khu vực. VN đã chứng minh mình có thể thực hiện tốt nghĩa vụ của một thành viên: biết hướng tới và đóng góp cho cái chung. Điển hình là khi thông qua hiến chương chung, nhiều chuyên gia và bản thân tôi đều nghĩ VN sẽ nằm trong số những nước cuối cùng thông qua.

Thế nhưng, VN lại là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn. VN, từ chỗ tham gia thận trọng, dè dặt, quan sát giờ đã trở thành tác nhân chủ động, tích cực. Đến nay có thể nói VN đã là thành viên đáng tin cậy của khối.

Mấy năm trở lại đây, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ, tương quan trong khu vực đã thay đổi. Nhiều nước muốn ASEAN có đường lối, chủ trương rõ nét, mạnh mẽ hơn. Và để đạt được điều này, nhiều nước muốn thúc đẩy hơn nữa vai trò của VN. Những nhà ngoại giao, học giả Nhật, Mỹ tôi gặp đều nói muốn VN có vai trò nổi trội hơn. Như vậy, liên quan đến sự sắp xếp lại lực lượng trong khu vực, họ nhìn thấy ở VN một nhân tố vững chãi, có thể dự báo được, tin cậy được.

Một số phân tích cho rằng VN đã hội đủ khá nhiều nhân tố, đặc biệt là sự ổn định cùng sự phát triển kinh tế. Nói cách khác, uy tín của VN trong ASEAN đã vững chắc. Về phía VN, theo tôi, chúng ta không thể hiện ý đồ lợi ích nào riêng, chúng ta luôn biết chăm lo đến mẫu số chung, lợi ích chung của toàn khối ASEAN.

Việc Nhật, Úc mới đây đưa ra tầm nhìn cộng đồng Đông Á - Thái Bình Dương đều lấy ASEAN làm trung tâm, một lần nữa cho thấy vai trò chủ chốt của ASEAN. ASEAN là tổ chức tiểu khu vực duy nhất có thể mời, triệu tập các nước lớn trong khu vực đến cùng bàn thảo qua các diễn đàn như diễn đàn an ninh khu vực (ARF), ASEAN+3... Có thể nói ASEAN đã chứng tỏ có một vai trò nhất định trong quan hệ với tất cả các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga.

Về lộ trình hội nhập ASEAN, có thể nói nhu cầu tiến tới một cộng đồng là xu thế của thời đại. Mỗi khu vực sẽ có một định nghĩa khu vực khác nhau. Đối với cộng đồng ASEAN, chữ cộng đồng ở đây để nói lên mong muốn gắn kết với nhau. Nhưng gắn kết trên góc độ nào, cấp độ, khoảng cách ra sao thì mỗi khu vực sẽ có những trả lời khác nhau.

Có thể nói kể từ khi gia nhập ASEAN, chúng ta có một sân chơi vừa tầm trước khi ra sân lớn của thế giới, một khuôn khổ để dựa vào, để tham khảo. Nếu đặt bản thân mình trong biển cả gần 200 quốc gia ở LHQ thì sẽ rất đơn lẻ. Chúng ta cần tập hợp đầu tiên để dựa vào và đó chính là tập hợp ASEAN. Đó chính là đường bao bọc đầu tiên cho chính chúng ta.

Nếu tóm lược 15 năm VN gia nhập ASEAN, tôi sẽ nói ASEAN là minh chứng thuyết phục nhất về thế mà VN đã tạo được trong ngoại giao đa phương.

TÔN NỮ THỊ NINH - Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (Thanh Tuấn ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên