31/03/2010 09:36 GMT+7

Tìm ngay biện pháp bảo vệ ngư dân

CHI MAI
CHI MAI

TT - Tại hội nghị bàn về giải pháp cho vấn đề tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 30-3, giải pháp được nhiều đại biểu đưa ra là cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành chức năng để bảo vệ ngư dân.

GI76E529.jpgPhóng to
Tàu cá của ngư dân xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi chuẩn bị ra khơi (ảnh chụp chiều 30-3) - Ảnh: ĐỨC THẢO

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, số vụ tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ngày càng tăng (đặc biệt là trong các năm 2007 và 2009), trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân và mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Vụ bắt giữ mới đây nhất gây bức xúc dư luận là việc tàu cá QNg 50362 bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2006 đến nay tổng cộng có 641 vụ với 1.186 tàu cá (7.045 ngư dân) bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt.

Chỉ tính riêng năm 2009 đã có 161 vụ với 304 tàu cá, 2.472 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử phạt.

Cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện vẫn còn 751 ngư dân Việt Nam đang bị nước ngoài tạm giữ.

Tại hội nghị, ông Bùi Quốc Thành - cục phó Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam - cho biết trong năm 2009, Trung Quốc đã bắt giữ 8 vụ, 18 tàu cá, 209 ngư dân. Hiện đã thả 14 tàu, toàn bộ ngư dân nhưng còn giữ 4 tàu cùng tài sản của ngư dân. Ước tính số tài sản trên 4 tàu còn giữ khoảng 8 tỉ đồng.

“Lâu nay, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì đấu tranh đối ngoại để bảo vệ ngư dân. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp rất bị động, khi tàu cá bị bắt, chúng tôi không nắm được thông tin chính thức. Ví dụ như vụ tàu QNg-50362 mới đây, chúng tôi chỉ nhận được thông tin khi báo chí đăng, chúng tôi mới có công hàm chính thức gửi phía Trung Quốc đề nghị thả công dân Việt Nam”. Ông Thành đề nghị cần xây dựng một cơ chế phối hợp xử lý thông tin chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng.

Thiếu tướng Nguyễn Phước Lợi, phó tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho rằng cần phối hợp kiểm tra trên các vùng biển và cần có mặt kịp thời hỗ trợ khi ngư dân bị nước ngoài đuổi bắt.

Theo ông Trương Ngọc Nhi - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân Quảng Ngãi gần đây liên tục bị phía Trung Quốc bắt giữ vì cho rằng họ xâm phạm lãnh hải Hoàng Sa, trong khi Nhà nước ta đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này. Nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân bị tàu lạ đâm chìm rồi bỏ chạy.

Ông Nhi đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân nói chung, đặc biệt là ngư dân đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Việc có chính sách hỗ trợ ngư dân vừa để họ yên tâm khai thác, làm ăn vừa là biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đã vận dụng quyết định 118 của Chính phủ về hỗ trợ đối với ngư dân bị tai nạn trên biển, vận dụng quy định hỗ trợ đối với thiên tai dịch bệnh để ra chính sách hỗ trợ cho bà con.

Theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, mỗi tàu bị bắt giữ được hỗ trợ từ 45-120 triệu đồng tùy theo công suất. Ông Nhi kiến nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể về việc hỗ trợ: thuyền viên bị bắt giữ, người thân mà thuyền viên đó phải nuôi dưỡng, hỗ trợ chủ tàu các chính sách khoanh nợ, giảm nợ, ưu đãi vay vốn ngân hàng... Ngoài ra theo ông Nhi, các địa phương cũng cần hỗ trợ ngư dân trang bị các thiết bị, hệ thống máy thông tin liên lạc có khả năng định vị tọa độ, giúp ngư dân xác định được tọa độ của mình.

Một vấn đề nữa liên quan chuyện hỗ trợ ngư dân là việc cần có cơ chế giúp đỡ ngư dân hợp tác khai thác thủy hải sản với nước ngoài. Hiện nay, do điều kiện vùng biển của chúng ta nguồn lợi thủy sản không nhiều bằng phía bạn, trong khi ngư dân có kinh nghiệm, phương tiện khai thác hiện đại nên rất cần sự hợp tác với nước bạn để khai thác. Vừa qua cũng có nhiều chủ tàu, ngư dân hợp tác với nước bạn để khai thác nhưng do chưa có cơ chế hợp tác rõ ràng nên có một số trường hợp chủ tàu bị thiệt hại, mất tàu.

Chế tài chưa nghiêm đối với tàu nước ngoài

Nỗi bức xúc của nhiều cơ quan chức năng: cảnh sát biển, biên phòng... cũng liên quan về quy định chế tài đối với hành vi xâm phạm lãnh hải của các nước. Hiện chính sách xử lý của chúng ta đối với một số trường hợp tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh thổ Việt Nam còn tỏ ra nhân nhượng.

Khi phát hiện có tàu vi phạm, lực lượng chức năng chỉ lập biên bản (trước đây có xử phạt) rồi “xua” tàu ra khỏi biên giới lãnh hải. Tuy nhiên, do nắm được cách xử lý của chúng ta, nhiều tàu nước ngoài đã không chấp hành, khi lực lượng đuổi tàu vừa quay đi là họ quay vào vùng biển của chúng ta khai thác tiếp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, liên quan vấn đề hỗ trợ ngư dân, hiện chúng ta đã có hai cơ quan chính thức. Một là Ủy ban liên hiệp nghề cá vịnh Bắc bộ. Đối với việc khai thác hải sản tại vịnh Bắc bộ đã có cơ chế và sự phối hợp chặt chẽ. Những tàu thuyền nào bị bắt, có liên quan đến hiệp định đã ký giữa hai nước thì cứ theo cơ chế ấy mà thực hiện. Thứ hai là có Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương (các tàu thuyền nếu gặp nạn, bão tố).

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đồng ý với các ý kiến của đại biểu, kiến nghị Chính phủ một số giải pháp về vấn đề hỗ trợ ngư dân. Trước hết, Chính phủ cần ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết vấn đề ngư dân bị bắt giữ, thành lập một tổ công tác chuyên trách giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là thường trực của tổ công tác.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách, cơ chế bảo vệ, hỗ trợ ngư dân. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang triển khai dự án về đầu tư, hướng tới hoàn thiện hệ thống thông tin cho tàu cá, cung cấp trang thiết bị ưu việt kể cả nối mạng với cơ quan trung ương.

Dự kiến, một trung tâm thông tin tàu cá sẽ được thành lập, đặt tại Cục Khai thác bảo vệ quyền lợi thủy sản. Trên cơ sở chính sách hiện hành của trung ương và địa phương, hiện các cơ quan chức năng đã trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là ngư dân đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Một số biện pháp khác sẽ được triển khai như phát triển quỹ “nhân đạo nghề cá”, quỹ bảo hiểm...

Ngoài ra tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khai thác viễn dương các nước xung quanh.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tìm cách hạn chế xung đột trên biểnĐẩy đuổi 130 tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển miền Trung Phát hiện gần 20 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển miền... Kiến nghị tìm giải pháp bảo vệ ngư dân Trung Quốc phải trả tài sản cho ngư dân Việt Nam Phản đối Trung Quốc bắt giữ ngư dân VN Đề nghị Trung Quốc chấm dứt bắt giữ ngư dân Việt Nam Tàu của ngư dân Quảng Ngãi lại bị tịch thu tại Hoàng Sa Yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay, vô điều kiện ngư dânTàu cá ngư dân lại bị bắt giữ tại Hoàng Sa

__________________

Yêu cầu thả vô điều kiện tàu cá và ngư dân Việt Nam

* Vận động thành lập đội tự quản tàu thuyền

sL0kaNoe.jpgPhóng to
Thân nhân của các ngư dân trên tàu QNg-50362 bị Trung Quốc bắt giữ ngày 20-3 hiện vẫn đang ngóng chờ tin người thân - Ảnh: V.Q.C.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-3, ông Trần Cao Mưu - tổng thư ký Hội Nghề cá VN - cho biết đến thời điểm này do chưa nhận được báo cáo vụ việc từ phía Hội Nghề cá Quảng Ngãi (dù đã yêu cầu từ ngày 28-3), nên T.Ư Hội Nghề cá VN chưa có công văn chính thức gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại VN để phản đối hành động bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân VN.

Theo ông Mưu, tuy chưa nhận được báo cáo nhưng qua báo chí, Hội Nghề cá VN cũng đã biết vụ việc tàu cá và 12 ngư dân Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc bắt giữ trái phép khi đang đánh bắt cá trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tổng thư ký Hội Nghề cá VN khẳng định vụ việc này cũng như hàng loạt vụ bắt giữ, ngược đãi ngư dân VN trước đây của phía Trung Quốc là hết sức vô lý. VN luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, và ngư dân VN đánh bắt cá trên lãnh hải của mình là điều đương nhiên. Hội lên án hành động bắt giữ này và yêu cầu thả vô điều kiện tàu cá và các ngư dân VN.

Ông Mưu cho biết tất cả những lần bắt giữ trước đây và vụ việc lần này, Hội Nghề cá đã và sẽ có công văn gửi đến sứ quán các nước liên quan yêu cầu thả ngay ngư dân VN bị bắt giữ trái phép. Về lâu dài, để bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, ngư dân, hội sẽ có kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách thiết thực để cùng với hội bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân khai thác trên biển.

* Theo ông Nguyễn Xuân Huyện - chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), từ năm 2002 đến tháng 8-2009, Trung Quốc đã bắt 45 tàu với 577 lao động, trong đó có bảy tàu bị tịch thu, thiệt hại gần 3,3 tỉ đồng.

Trước tình trạng ngư dân bị Trung Quốc bắt ngày càng nhiều, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã An Vĩnh, An Hải và An Bình phổ biến cho bà con ngư dân khi có người thân báo bị Trung Quốc hoặc nước ngoài bắt phải báo ngay UBND xã, bộ đội biên phòng (vì đây là đơn vị xuất phương tiện cho ngư dân đi đánh cá ngoài biển) và phòng kinh tế huyện biết để báo cáo UBND huyện, báo cáo lãnh đạo tỉnh.

Tuy vậy, thực tế có tàu của ngư dân huyện đảo Lý Sơn đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hoặc vào núp bão ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt thu hết phương tiện liên lạc nên ngư dân không báo về cho người thân được. Sau đó, khi Trung Quốc cho gọi điện về báo đem tiền chuộc thì người thân mới biết.

Để khắc phục tình trạng này, theo chỉ đạo của tỉnh, huyện vận động dân thành lập đội tự quản tàu thuyền để khi có tàu bị bắt có tàu chạy thoát thì kịp thời báo về đất liền và đội tự quản này cũng sẽ giúp nhau trên biển khi có bão tố. Đồng thời ngư dân đi đánh cá trên biển phải thường xuyên liên lạc về đất liền. Nếu mất liên lạc người thân phải báo ngay.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên