28/03/2010 10:38 GMT+7

Mong manh quả thận

NGỌC HÀ - THUẬN THẮNG
NGỌC HÀ - THUẬN THẮNG

TT - Câu chuyện quả thận trở thành đề tài nóng khi có khá nhiều lời rao mua bán thận. Trong khi đó, một trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia vẫn chưa được thành lập(*).

Người bệnh thận vẫn cứ chờ một quả thận... với niềm hi vọng mong manh.

aTxYNkPy.jpgPhóng to
Nhiều máy chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) luôn quá tải nên thường bị lỗi. Khi máy báo lỗi, phải có người ấn nhanh vào nút khởi động lại. Bệnh nhân Phạm Thị Thanh luôn mang sẵn theo một chiếc quạt giấy để cố với ngược lên ấn nút khi máy lỗi - Ảnh: NGỌC HÀ

Ở phòng chạy thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, Phạm Thị Thanh (Ứng Hòa, Hà Nội) nằm điều trị chơ vơ một mình. Gia đình phát hiện Thanh bị suy thận khi bệnh đã ở giai đoạn cuối vào tháng 5-2009, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đầy 10 ngày. Gần một năm điều trị, năm tháng đầu không có bảo hiểm người nghèo, gia đình đã phải chạy vạy đủ nơi, nợ nần lên đến 30-40 triệu đồng.

tSM4KA2I.jpgPhóng to
Gần một năm nay, Phạm Thị Thanh phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào những đường truyền lọc máu ngoằn ngoèo tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Thanh sống cùng người chị gái làm thợ may trong một phòng trọ tối tăm, ẩm thấp cuối đường Trương Định (Hà Nội). Người chị gái tần tảo ấy đành bỏ lại con nhỏ ở quê cho mẹ già nuôi để có thể tận tâm chăm người em ốm yếu. Nhưng chi phí điều trị cho bệnh nhân chạy thận quá lớn, một người chị gái khác của Thanh, học Cao đẳng Y Hưng Yên, đành phải nghỉ học đi làm may để kiếm thêm thu nhập, cho dù chỉ vài tháng nữa sẽ hoàn thành khóa học.

PjEVUTof.jpgPhóng to
Cánh tay gầy guộc của Thanh chi chít dấu vết những đường chọc kim truyền, lấy cầu tay để lọc máu - Ảnh: Ngọc Hà
c3SThy0r.jpgPhóng to
Bệnh suy thận giai đoạn cuối làm cô gái 19 tuổi kiệt sức, Thanh sụt từ 45kg xuống còn 35kg. Người chị gái gầy gò chỉ 38kg đều đặn dìu em đến bệnh viện Ảnh: Ngọc Hà
1XvIShKr.jpgPhóng to
Hai chị em Thanh phải giấu thân phận của mình để có thể dễ thuê nhà. Toàn bộ đồ dùng luôn được đặt sẵn trong các thùng cactông để lúc cần là chuyển đi ngay
1OWQNtqw.jpgPhóng to
Hằng ngày, Thanh vẫn gấp những ngôi sao gửi ước mơ thầm lặng của mình vào đó. Cô chỉ có ước muốn duy nhất là khỏi bệnh để dự kỳ thi tốt nghiệp THPT còn dang dở, thực hiện khát vọng trở thành sinh viên ngành mỹ thuật - Ảnh: Ngọc Hà

Khốn khó chồng lên nhau khi cơ thể cô gái 19 tuổi không đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, dăm bảy ngày lại phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Trước Tết Nguyên đán, khi chi phí điều trị quá tải, hai chị em sống trong căn phòng trọ chật hẹp không còn một đồng trong túi. Người chị gái làm may cũng chỉ nhận lương theo định kỳ, chẳng thể xoay xở thêm. “Đói thì đầu gối phải bò”, người chị đã có những ngày lặng lẽ đi nhặt ve chai để kiếm chút tiền mua rau.

Nỗi cùng cực không thể kể hết khi hai chị em đi thuê trọ ở đâu cũng phải giấu thân phận của mình. Nhiều chủ nhà khó tính lúc biết chuyện vội vàng đuổi hai chị em ra khỏi nhà. Chưa đầy tám tháng ở Hà Nội, hai chị em đã phải chuyển chỗ ở đến bảy lần!

IAOrcHUV.jpgPhóng to
Sau mười năm chạy thận nhân tạo, do việc hút máu ra để lọc rồi lại truyền vào khiến những mạch máu ở cánh tay trái của anh Hải phù to nhiều lần so với bình thường. Lượng máu chảy qua những mạch máu này rất lớn, nên một vết thương nhỏ ở đây cũng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng - Ảnh: Thuận Thắng
g0u8DhOJ.jpgPhóng to
Anh Hải sinh năm 1961, quê ở Cần Giuộc, Long An. Trước kia anh là quân y, đến năm 1997 anh nghỉ việc, về nhà mở cửa hàng kinh doanh đồ thể dục thể thao ở TP Biên Hòa, Đồng Nai. Cửa hàng của anh đang ăn nên làm ra thì anh mắc phải căn bệnh suy thận mãn. Những lúc có tâm trạng anh đàn vọng cổ trên căn gác nhỏ mà mẹ vợ cho gia đình anh ở nhờ - Ảnh: Thuận Thắng
RFFEIgCb.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thái Ngọc mười năm qua gắn chặt với chồng. Anh Hải đi viện, chị đi viện, anh đi bỏ hàng chị cũng theo. Chị đi theo để chăm lo, bảo vệ chồng, bởi căn bệnh suy thận mãn phải kiêng nhiều thứ và dễ bị sốc đột ngột - Ảnh: Thuận Thắng
kCLoBVgj.jpgPhóng to
Mười năm qua, hình ảnh của vợ chồng chạy thận anh Hải - chị Ngọc như là biểu tượng của sự lạc quan, kiên trì chống chọi ở khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
9EfpIHFm.jpgPhóng to
Với những người nghèo như anh Hải, quả thận nhân tạo (ống màng lọc) này phải dùng đi dùng lại sáu lần so với tiêu chuẩn chỉ dùng một lần. Một tháng, những người chạy thận nhân tạo trung bình chạy 13 lần, mỗi lần bốn giờ, tức họ có 52 giờ lọc chất thải ra ngoài so với người bình thường là 720 giờ -Ảnh: Thuận Thắng

Bệnh lâu năm hơn Thanh, anh Nguyễn Văn Hải (Biên Hòa, Đồng Nai) đã chạy thận 10 năm qua (từ năm 2000-2010). Để chống chọi suốt mười năm ấy bên cạnh anh luôn có vợ là chị Nguyễn Thái Ngọc. Họ sát cánh bên nhau, “anh đi một bước, chị theo một bước” để cùng chiến đấu, cùng lạc quan, vui sống từng ngày với căn bệnh suy thận mãn. Mười năm chạy thận đã khiến gia đình họ từ có của ăn của để trở về với số 0, phải lo từng chiếc vé xe buýt đi chạy thận. Số tiền cho những lần chạy thận họ phải chạy vay, gom góp từng ngày.

Anh Hải nói: “Căn bệnh của tôi cái chết luôn rình rập, nhưng tôi không nghĩ nhiều tới nó. Tôi hạnh phúc sau mỗi lần chạy thận lại được ngồi trên xe buýt về với gia đình và biết rằng mình có thêm một ngày nữa để ở bên vợ và chăm lo cho con”.

(*) Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia thành lập để có thể tổ chức vận động hiến tặng và đẩy nhanh tiến độ áp dụng kỹ thuật ghép nội tạng bao gồm cả ghép thận.

NGỌC HÀ - THUẬN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên