Đây là giải pháp đã được thống nhất giữa UBND tỉnh An Giang, Khu quản lý đường bộ 7 (KQLĐB7) và các ban ngành liên quan tại cuộc họp khẩn cấp chiều tối 23-3, bàn giải pháp giải quyết nhanh vấn đề lưu thông sau sự cố đứt quốc lộ 91.
Phóng to |
Ngoài hơn 70m đã sụp xuống sông Hậu, quốc lộ 91 tiếp tục sạt lở lan rộng - Ảnh: Đức Vịnh |
Lở bờ sông Hậu, đứt quốc lộ 91Bờ sông Hậu sạt lở đe dọa quốc lộ 91
Mặc dù đã phân luồng điều tiết lưu thông nhưng do các tuyến tránh này đều nhỏ hẹp, cầu yếu, tải trọng thấp nên tình trạng ách tắc giao thông dây chuyền trong ngày 23-3 càng thêm trầm trọng. Người dân đi lại khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản bị đình trệ. Giờ đây, vấn đề triển khai các giải pháp đảm bảo lưu thông là cực kỳ cấp bách, nhưng xem ra các cơ quan chức năng còn khá lúng túng.
"Quốc lộ 91 giống như một trục xương sống giao thông. Một khi tuyến đường này bị tắc thì việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của địa phương và của một số tỉnh có nhu cầu qua lại An Giang, qua Campuchia gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng rất lớn. Tỉnh và Bộ GTVT đều thấy mức độ ảnh hưởng này, do đó đều rất quyết tâm phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo giao thông thông suốt được nhanh nhất. Trước mắt là giải quyết vấn đề ách tắc, thứ hai là phải có phương án lâu dài phục hồi đoạn quốc lộ bị sạt lở..." Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Minh Chiếu |
Như Tuổi Trẻ ngày 23-3 đã thông tin, tại cuộc họp chiều 22-3, Cục Đường bộ VN, KQLĐB7 và các ban ngành liên quan thống nhất chọn giải pháp làm cầu tạm vượt qua đoạn quốc lộ bị đứt, kết hợp mở đường tạm sâu vào bên trong để đảm bảo cho phương tiện lưu thông trước ngày 26-3.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc làm cầu tạm này khó thực hiện. Bởi theo dự tính khi làm cầu phải đóng trụ, mỗi trụ cần ít nhất bốn cây cọc dài 36m, còn để đảm bảo cho phương tiện tải trọng 30 tấn qua được thì cần 6-8 cọc. “Việc vận chuyển, thi công đóng các cọc này là cả vấn đề. Liệu có huy động được loại cần cẩu nào để có thể đóng cọc dài 36m” - một cán bộ ngành giao thông nói.
Theo phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường An Giang Trần Anh Thư, báo cáo của kết quả khảo sát mới nhất cho thấy trong thời gian tới, phạm vi sạt lở sẽ tiếp tục lan rộng và kéo dài tương ứng với các hố xoáy dưới lòng sông. Cụ thể sạt lở sẽ tấn công vào đất liền khoảng 50m, kéo dài khoảng 370m. “Khu vực hai bên đoạn quốc lộ hoàn toàn có khả năng sụp lở tiếp về phía thượng nguồn 120m, phía hạ nguồn 180m. Do đó, việc xây dựng cầu tạm ngay trên vùng có khả năng sạt lở đất là điều cực kỳ nguy hiểm” - ông Thư nhận định.
Từ những khuyến cáo này, tổng giám đốc KQLĐB7 Nguyễn Thuận Phương quyết định phải chờ báo cáo cụ thể của Sở Tài nguyên - môi trường An Giang về phạm vi sạt lở, khảo sát địa chất, xác định chỉ giới an toàn mới dám chọn phương án làm cầu tạm hay không và có làm thì phải thiết kế xây dựng thế nào để đảm bảo lưu thông cũng như đảm bảo an toàn...
Phóng to |
Quốc lộ 91 tiếp tục bị sạt lở lan rộng - Ảnh: Đức Vịnh |
Đường tránh cách lề tuyến đường cũ 50m
Sáng 23-3, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Minh Chiếu đã đến hiện trường khảo sát và họp bàn về phương án giải quyết cụ thể thêm với các cơ quan chức năng. Một cách giải quyết ách tắc lưu thông được nêu ra là đưa xe tải qua khu vực sạt lở bằng phà. Thế nhưng phương án này cũng khó khả thi, bất tiện và giải quyết lượng phương tiện qua lại chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn gây ùn tắc giao thông cục bộ.
Mãi tới chiều tối qua, sau khi có các kết quả nghiên cứu cụ thể, UBND tỉnh An Giang, KQLĐB7 cùng các ban ngành liên quan mới tổ chức cuộc họp khẩn để thống nhất giải pháp thực hiện.
Theo đó, để giải quyết nhanh vấn đề lưu thông, KQLĐB7 quyết định mở tuyến đường tránh mới đảm bảo hai làn xe lưu thông, dài 400m, cách lề tuyến đường cũ khoảng 50m. Như vậy có hơn 100 nhà dân cần phải giải phóng mặt bằng để làm đường. Khối lượng giải phóng mặt bằng khá lớn, tiến độ thi công khó đảm bảo việc thông xe trong tháng 3 này.
Song song đó, KQLĐB7 vẫn triển khai thi công cầu tạm. Còn cầu có chiều dài bao nhiêu, thiết kế thế nào thì vẫn phải chờ. Và giải pháp làm cầu chỉ là phương án dự trù...
Công bố tình trạng khẩn cấp cảnh báo sạt lở Liên quan vấn đề sạt lở bờ sông Hậu làm đứt quốc lộ 91, chiều 23-3, UBND tỉnh An Giang ra quyết định số 502/QĐ-UBND ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo đó, phạm vi cảnh báo sạt lở có chiều dài 450m, sâu vào 40m nên tỉnh yêu cầu phải di dời ngay 27 hộ dân trên đoạn 70m đang sạt lở và những hộ trong vùng cảnh báo. Tỉnh cũng yêu cầu các ban ngành liên quan hỗ trợ KQLĐB7 trong việc thiết kế, thi công khẩn cấp lấp ngay các hố xoáy, hố sâu dưới đáy sông nhằm khắc phục triệt để, ngăn chặn phạm vi sạt lở lan rộng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận