Phóng to
Phóng to |
Rạng sáng 22-3, hơn 70m quốc lộ (QL) 91 tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, Châu Phú (An Giang) bất ngờ bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu. Giao thông giữa các tỉnh trong vùng phải qua QL91 bị ách tắc, ảnh hưởng dây chuyền. Hàng chục ngôi nhà phải tháo dỡ di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Nguyễn Thuận Phương - tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7 (Bộ GTVT) - cho rằng QL91 là tuyến giao thông huyết mạch của nhiều tỉnh trong khu vực. Tình trạng sạt lở khiến việc lưu thông vận chuyển hành khách, hàng hóa qua tuyến đường này bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Ách tắc dây chuyền
Phải thông xe trước ngày 26-3 Chiều 22-3, Cục Đường bộ VN đã đưa ra phương án khắc phục là chọn giải pháp lắp dầm Bailey 2/1, đóng trụ bằng cọc thép hình vượt qua khu vực sạt lở (dự kiến chiều dài nhịp khoảng 120m), kết hợp mở đường tạm sâu vào phía bên trong để thông xe. Cục giao Khu Quản lý đường bộ 7 trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo thông xe trước ngày 26-3-2010. Đồng thời giao cho một công ty đủ năng lực làm tư vấn thiết kế những hạng mục để khắc phục triệt để tình trạng sạt lở. Cục cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng, phối hợp phân luồng giao thông, chống ùn tắc trên quốc lộ 91. |
Trong khi đó lượng xe cộ từ TP.HCM, các tỉnh đổ lên và ở các huyện, thị xã phía bắc đổ dồn về mỗi lúc càng đông. Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh An Giang phải lập các chốt hướng dẫn, phân luồng giao thông (tại Kinh Đào, ở ngã ba Lộ Tẻ).
Các xe từ hướng thị xã Châu Đốc và các huyện Châu Phú, An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên (An Giang) về phải rẽ qua theo hướng tỉnh lộ 948, rồi tỉnh lộ 941 để xuống Long Xuyên. Các xe qua ngã ba Lộ Tẻ muốn lên các địa phương phía trên thì đi theo chiều ngược lại. Một tuyến khác là đi theo hướng QL91 - phà Năng Gù - Phú Tân - Tân Châu - phà Châu Giang (An Giang) để giải quyết ách tắc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Tâm - giám đốc Sở GTVT An Giang - cho biết các tỉnh lộ thuộc mấy tuyến theo phân luồng mới kể trên vốn nhỏ hẹp lại có nhiều cây cầu tải trọng chỉ 8-10 tấn, trong đó trên tỉnh lộ 941 có tới ba cây cầu tạm, nên chỉ có xe trọng tải nhỏ và xe khách loại nhỏ mới được qua lại. Nhưng để giải tỏa lượng xe chở du khách đi lễ hội vía Bà đang kẹt cứng tại Châu Đốc, CSGT đành cho phép xe khách loại trên 45 chỗ tạm thời lưu thông qua tỉnh lộ 941 bằng cách khi qua cầu yếu phải cho toàn bộ khách xuống xe đi bộ.
QL91 bị tắc nên tuyến xe buýt Thốt Nốt (Cần Thơ) - Tịnh Biên chỉ đưa khách đến khu vực sạt lở rồi quay đầu lại. Vì vậy, nhiều học sinh không thể đến trường bằng xe buýt như mọi khi, hành khách đi lại cũng hết sức khó khăn.
Tương tự, nhiều xe khách liên tỉnh về cũng phải cho khách xuống đi bộ vòng qua khu vực sạt lở rồi đón xe ôm đi tiếp. Các nhà xe liên tỉnh chỉ sử dụng được loại xe 16 chỗ để chở khách. Xe loại 45 chỗ trở lên phải đậu tại ngã ba Lộ Tẻ để nhận đón hành khách được trung chuyển đến. Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải nói: “Giá xăng dầu tăng cao. Xe đi đường vòng lộ trình xa hơn gấp 2-3 lần, lại tốn thêm khoản đưa rước nên chi phí của doanh nghiệp phải chịu cao hơn”.
Bà Nguyễn Thị Mai, kinh doanh dịch vụ vận tải tuyến Châu Đốc - TP.HCM, cho biết ngay sau sự cố, đội xe tải của bà cũng như của nhiều doanh nghiệp khác phải ngưng các hợp đồng nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản bị ách tắc, vì: “Xe trọng tải từ 8 tấn không thể lưu thông qua các lộ trình như hướng dẫn của ngành giao thông”.
Di dời hàng trăm nhà dân
Tình trạng sạt lở sông Hậu đã diễn ra và đe dọa QL91 từ cuối tháng 2-2010 đến nay (Tuổi Trẻ đã thông tin). Sau khi kiểm tra, Khu Quản lý đường bộ 7 cho mở rộng lòng đường vào phía trong thêm 3m để đảm bảo lưu thông, đồng thời cho đóng trụ chắn, thả rọ đá xuống dọc bờ sông nhằm bảo vệ đường. Thế nhưng trong lúc đang thi công khắc phục thì sáng 22-3 tiếp tục xảy ra sụp đất, khiến toàn bộ mặt đường cùng 51 trụ chắn và hàng trăm rọ đá biến mất dưới dòng sông. Bờ sông bị khoét sâu vào thành hàm ếch rồi đổ sụp ăn sâu vào, làm nứt tới cả bên kia đường vào sát khu dân cư...
Chiều 22-3, ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở QL91, Vụ Kết cấu hạ tầng Cục Đường bộ VN, Khu Quản lý đường bộ 7 đã đến kiểm tra thực tế và đánh giá tình hình sạt lở đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng lan rộng.
Ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, cho biết kết quả khảo sát cho thấy lòng sông Hậu cạnh vị trí sạt lở có hai hố sâu 19-21m. Còn ngay nơi đang sạt lở cũng có một hố xoáy sâu tương tự.
Theo ông Thư, sắp tới các đoạn đường ở hai đầu khu vực sạt lở sẽ còn tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. “Ngoài 70m đã bị sụp, khả năng phạm vi sạt lở tiếp tục lan rộng thêm khoảng 180m nữa. Dãy nhà gần đường rất nguy hiểm, cần di dời cấp tốc. Đồng thời cần có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ 300m bờ sông vừa là tuyến quốc lộ” - ông Thư cảnh báo.
Ngay sau khi có ý kiến này, chủ tịch UBND huyện Châu Phú Võ Thanh Tráng đã huy động lực lượng hỗ trợ dân di dời nhà cửa. “Trước mắt có thể phải di dời 100 nhà dân ra khỏi nơi nguy hiểm, vừa tạo mặt bằng để nắn lại đường. Kinh phí ước tính lên hàng chục tỉ đồng, ngoài khả năng của địa phương” - ông Tráng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận