Phóng to |
Bà Trish Summerfield - Ảnh: Minh Đức |
Ngày xưa học trò "uýnh" nhau ra sao? Báo động bạo lực học đường
* Thưa bà, vì sao chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều hơn những vụ việc có liên quan đến sự vô cảm của con người?
- Tôi cho rằng thực tế này không chỉ diễn ra ở VN, đây là vấn đề toàn cầu và ngày càng gia tăng.
Có một số nguyên nhân dẫn đến điều này. Trước hết, con người đang trở nên quá tập trung vào thỏa mãn vật chất. Nếu sự nhận biết và các giá trị của chúng ta chỉ dựa vào các giá trị vật chất thì suy nghĩ và cảm xúc sẽ hướng theo như vậy.
Nếu chỉ chăm chăm vào phát triển vật chất, chúng ta sẽ khó tăng cường các giá trị tích cực trong cuộc đời mình. Dần dần, mục đích tiền bạc sẽ là ưu tiên và chúng ta trở nên không quan tâm tới những người xung quanh, không dành thời gian và công sức hỗ trợ họ ngay cả khi họ rất cần.
Khi vòng tròn tình yêu trở nên nhỏ hẹp, chúng ta trở nên hẹp hòi, chỉ quan tâm tới gia đình của bản thân mình, thậm chí không thèm quan tâm tới môi trường xung quanh. Nếu chúng ta có sự cân bằng, tức là vừa có mục tiêu vật chất, vừa phát triển các mối quan hệ và sống với những giá trị tích cực thì mọi điều sẽ hòa hợp.
"Biết yêu, biết chia sẻ, quan tâm không phải là thứ chúng ta có thể áp đặt cho trẻ em từ bên ngoài. Đó là những sắc thái tình cảm nảy nở từ bên trong tâm hồn mà chúng ta phải giúp các em nuôi dưỡng và thể hiện" Bà Trish Summerfield |
Thứ hai, trên thế giới trong những thập kỷ qua người ta đã quá chú ý đến việc giành lấy bằng cấp học thuật, ít dành thời gian cho giáo dục đạo đức và các giá trị sống. VN phát triển sau, hiện có thể gọi là đang ở đỉnh của sự “chú trọng bằng cấp học thuật”.
Cha mẹ bị áp lực do thấy mọi nơi đều đánh giá qua bảng điểm nên muốn con mình học giỏi, vô tình đưa chuyện học giỏi trở thành ưu tiên trong giáo dục con.
Với trẻ nhỏ, đặc biệt từ 1-8 tuổi, các em đều muốn nhận tình yêu và sự khen tặng. Nếu các em thấy mình chỉ được khen khi có điểm cao ở trường hay thi đỗ, tất nhiên các em sẽ coi đó là ưu tiên và dần dần lấn át thái độ thể hiện các giá trị tích cực như tình yêu thương cũng như quan tâm tới người khác.
Nhưng nếu đứa trẻ được khen khi chúng thể hiện sự chia sẻ với mọi người hoặc tốt bụng, thật thà, kính trên nhường dưới, tôn trọng người khác thì các em sẽ coi đó là điều rất quan trọng, chúng ta rất cần phát triển các giá trị đó song song với việc học hành.
Chỉ cần cha mẹ dành thời gian cho con, ít nhất 15 phút mỗi ngày, tôi tin mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.
Cuối cùng, những người trẻ có thể chưa được tham gia các sự kiện, chương trình giúp các em hiểu hơn về các giá trị sống, về sự tôn trọng của những người cùng trang lứa hay ở xung quanh. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm.
* Sống và làm việc ở VN hơn 10 năm qua, bà có cho rằng sự vô cảm trong xã hội đang ở mức báo động?
- Tôi cảm giác căng thẳng trong xã hội đang ngày càng tăng lên. Tôi nghĩ những vụ việc gần đây là cơ hội tốt để chúng ta cùng thảo luận về đề tài này, cùng nhắc nhở nhau rằng đây là vấn đề quan trọng.
Ở VN, thầy cô giáo nhận xét về đạo đức của học sinh và nhận xét này có thể ảnh hưởng tới kết quả học tập. Đây là điều cho thấy VN quan tâm tới vấn đề đạo đức và giá trị sống. Tuy nhiên, cách đánh giá này cũng chủ quan và tôi không muốn bình luận về vấn đề đó.
Nhưng tôi nhận thấy giáo viên ở VN là nghề rất căng thẳng, nếu họ học được cách kiểm soát cảm xúc của mình, tạo ra được môi trường học tập tích cực, khích lệ học sinh thì sẽ rất tốt và mọi việc sẽ bắt đầu thay đổi.
Tôi biết nhiều giáo viên phải làm việc từ 6g sáng nên tôi không muốn đòi hỏi ở họ nhiều hơn, tôi cảm thấy rất quan ngại cho công việc quá nhiều của họ. Bản thân họ đã có quá nhiều áp lực.
* Sau mỗi sự việc khiến dư luận xã hội bức xúc, ai cũng tức giận, các cơ quan công quyền vào cuộc. Dưới con mắt của nhà giáo dục, bà có cho rằng đây là cách tiếp cận đúng?
- Theo tôi, chuyện bạo lực học đường, vô cảm với người khác chỉ là kết quả của những suy nghĩ và cảm xúc. Có thể hành vi tra tấn, đánh đập người khác sẽ bị trừng phạt hoặc chịu trách nhiệm, nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải trở lại nguồn gốc, mầm mống tạo ra tình trạng bạo lực này.
Thông thường nếu tôi làm đau đớn người khác có nghĩa là trong tôi cũng đang cảm thấy đau đớn. Nếu tôi cảm thấy vui, cảm thấy tốt về bản thân, tôi không có lý do gì lại khiến người khác đau đớn.
Một lý do khiến tôi tham gia các chương trình giáo dục các giá trị sống là thời còn đi học, cả lớp tôi không thèm đếm xỉa đến một bạn học, không ai trêu chọc gì, không ai chơi với bạn đó. Cuối năm, bạn đó tự tử.
Điều này khiến tôi nhận ra thái độ của chúng ta có ảnh hưởng rất lớn tới những người xung quanh. Nhưng thời đó, chúng tôi không được dạy về cách cư xử và quan tâm tới người khác. Chúng tôi chỉ là những người trẻ, thể hiện cảm xúc của mình theo cách của mình.
Vì vậy ngay từ nhỏ, tốt nhất là từ 1-8 tuổi, chúng ta cần giúp đỡ các em hiểu được chia sẻ với người khác, tôn trọng sự độc đáo của mỗi cá nhân, yêu quý bản thân mình và yêu quý người khác, đồng thời quan tâm tới môi trường thiên nhiên.
Với những người có cách cư xử tàn nhẫn, lòng tự trọng của họ rất thấp, họ dựng lên hàng rào cho rằng họ không quan tâm, bất cần. Thật ra họ có quan tâm, nhưng họ bị tổn thương ở bên trong tâm hồn.
Nói chung, bạn không thể làm người khác tổn thương mà không cảm thấy tổn thương. Buộc tội và bắt ai đó chịu trách nhiệm thì dễ, nhưng chúng ta cũng phải hiểu gốc gác của hành động đó.
* Như vậy, nếu mỗi con người cảm thấy tình yêu thương, chứng kiến những điều tốt đẹp, cảm nhận được cái đẹp, yêu quý, tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác thì sẽ không có những cảnh bạo lực và vô cảm?
- Đúng vậy. Chúng ta nhìn và trân trọng điều tốt trong chính con người mình thì sẽ học cách tìm kiếm điều tốt đẹp ở người khác, thay vì chỉ tìm ra điều xấu. Nếu bạn tức giận hay không quan tâm tới người khác, bạn có nguy cơ chết vì đau tim gấp năm lần bình thường. Tức giận khô khan, thiếu tình yêu là điều không tự nhiên, không tốt cho sức khỏe.
Yêu thương và quan tâm tới người khác là bản tính của con người. Với các học sinh, họ cần các chương trình giáo dục giá trị sống, lý tưởng, nhất là cha mẹ cùng tham gia để hiểu và quan tâm tới những diễn biến tâm lý của con cái.
Chương trình giáo dục các giá trị sống đưa ra một loạt hoạt động mang tính trải nghiệm và các phương pháp thực hành giúp con người khám phá trở lại và phát triển 12 giá trị căn bản của cá nhân như: hợp tác, tự do, hạnh phúc, trung thực, khiêm tốn, yêu thương, hòa bình, tôn trọng, trách nhiệm, giản dị, khoan dung và đoàn kết. Chương trình giáo dục các giá trị sống đang được tập huấn hoàn toàn miễn phí ở VN, dành cho rất nhiều đối tượng cả người lớn và trẻ em. Địa chỉ liên hệ: 649/36/34 Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM (F9A cư xá Tân Cảng). Điện thoại: 08-38991627 (gặp chị Sen hoặc anh Tùng), http://giatricuocsong.org. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận