Tình người của các em để đâu? Sao không nghĩ mình là học sinh một lớp, một trường chẳng thương yêu, giúp đỡ nhau thì thôi, có đâu lại hành hạ nhau như thế?
Thời chúng tôi còn đi học, không phải là không có những chuyện xích mích với nhau. Nhưng cách giải quyết của chúng tôi lúc đó rất là vô tư và trẻ con – dù đã học lên trung học – cứ xích mích nhau về chuyện gì đó thì hai đứa rủ nhau ra một chỗ nào đó vắng người "thử tài" cao thấp – vì sợ có người lớn quen biết nhìn thấy, về mách lại với cha mẹ thì có mà no đòn. Đôi khi cũng có vài bạn bè đi theo làm… trọng tài.
Phóng to |
Yêu thương tuổi học trò (Ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: M.C |
Hai thằng vờn nhau, thủ thế như hai con gà chọi sắp sửa đá nhau, coi vậy chứ xem ra chẳng đi đến đâu. Cứ thằng này nói: “Mầy ngon, đụng tao trước đi!”, thằng kia cũng nói lại y chang như vậy. Rốt cuộc chẳng đứa nào đụng tới đứa nào, cho dù đám bạn bè quỷ sứ đứng bên ngoài khích bác: “Thằng nào “oánh” trước làm cha! Thằng nào “uýnh” sau làm con!”.
Gầm ghè nhau một hồi không ai chịu “đụng” ai trước thì rồi mạnh ai nấy đi về. Còn nếu như mà không giải quyết trong “hòa bình” được, một trong hai thằng quá hăng máu thì thằng kia sẽ bước lại, lấy tay đụng vô mình thằng này và nói: “Đó! Tao đụng mày đó!” và hai đứa lăn xả vào nhau, cùng thụi, cùng đấm… Nhưng rốt cuộc xem ra cũng chẳng chết ai.
Xong trận “thư hùng” mạnh đứa nào, đứa ấy đứng dậy, phủi bụi trên quần áo rồi ôm cặp biến; cũng chẳng đến nổi bị xé áo, xé quần như thế. Rồi qua ngày hôm sau, vào lớp cứ nói chuyện bình thường, thậm chí còn mua đồ cho nhau ăn, chẳng có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra để mất đi tình huynh đệ đồng môn.
Không phải là hồi xưa không có những đứa ở những “xóm” giang hồ, dựa vào đám đàn anh có “số má” tính tình du côn hay ăn hiếp bạn bè, nhưng chẳng qua chỉ hù dọa để “đối tượng” sợ mà cho mình cóp-py bài tập, hoặc mua cho que kem, miếng ổi… Vậy thôi. Chứ đâu đến nổi kéo bè, kéo lũ vây đánh bạn bè như bây giờ.
Nói như thế, không phải là tôi muốn bênh vực cho nền giáo dục xưa, chê bai nền giáo dục bây giờ. Nhưng cũng nên xem lại cách dạy dỗ của thầy cô, nhất là cha mẹ của học sinh hiện nay.
Thời buổi kinh tế thị trường, mạnh ai nấy lao vào cuộc mưu sinh kiếm sống, kiếm miếng ăn nuôi gia đình không quan tâm tới việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Ai có con đi học cũng tin tưởng vào nền giáo dục của nhà trường, cứ nghĩ là con mình vào lớp, vào trường đã có thầy, cô dạy bảo nên việc giáo dục nhân cách, lễ nghĩa cho con bị buôn lỏng.
Khẩu hiệu “Tiên học lễ - Hậu học văn” một thời bị quên lãng, nay được khôi phục lại và được kẻ, vẽ, treo trang trọng trước mỗi cổng trường, liệu có đem lại cho các em một sự giáo dục về chữ lễ không, hay chỉ là hình thức?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận