19/11/2009 13:51 GMT+7

"Vụ PCI phải xử đúng người, không bỏ sót tội"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

TTO - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi đăng đàn trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội trong sáng nay 19-11. Thủ tướng đã có 75 phút trả lời thẳng thắn các câu hỏi chất vấn liên quan đến nhiều vấn đề dư luận quan tâm.

"Vụ PCI phải xử đúng người, không bỏ sót tội"

TTO - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi đăng đàn trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội trong sáng nay 19-11. Thủ tướng đã có 75 phút trả lời thẳng thắn các câu hỏi chất vấn liên quan đến nhiều vấn đề dư luận quan tâm.

>> Toàn văn nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

ImageView.aspx?ThumbnailID=376080
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay 19-11 - Ảnh: TTXVN 
Xem video phần giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Xem video phần chất vấn và trả lời chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tổng cộng có 22 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn trực tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội trường sáng 19-11. Trong 75 phút trả lời chất vấn, Thủ tướng đã trả lời luợt 11 đại biểu, tập trung vào 15 vấn đề lớn đang được dư luận quan tâm.

Trước lúc trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo dài 24 trang giải trình trước Quốc hội ba nhóm vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn và cũng là ba nhóm vấn đề Chính phủ chỉ đạo thực hiện.

Báo cáo do Thủ tướng trình bày trong 90 phút tập trung ba nhóm vấn đề: Các giải pháp nhằm phục hồi tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Tập trung chỉ đạo giải quyết một số vấn đề bức xúc về xã hội; Làm tốt công tác chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện.

>> Toàn văn báo cáo giải trình của Thủ tướng

Ba đại biểu đầu tiên đăng đàn chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) và Lê Như Tiến (Quảng Trị).

Vụ PCI: đảm bảo đúng người, không bỏ sót tội

Đại biểu Lê Văn Cuông đặt vấn đề: Tình hình phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua không những chưa được đẩy lùi mà còn có chiều hướng gia tăng, có biểu hiện phức tạp, "đầu voi đuôi chuột", Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng không còn quyết liệt như thời gian đầu, gây thất vọng với nhiều người; Trong thời gian qua Thủ tướng có ban hành, chỉ đạo nhiều vấn đề đến các chủ tịch UBND các tỉnh, nhưng có chủ tịch tỉnh không chấp hành những chỉ đạo của thủ tướng, cá biệt có vị chủ tịch UBND tỉnh năm lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng mà không bị xử lý.

ImageView.aspx?ThumbnailID=376081
Đại biểu Lê Văn Cuông: Tình hình phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua có biểu hiện phức tạp, "đầu voi đuôi chuột" - Ảnh: TTXVN

Trả lời chất vấn của đại biểu Cuông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết vấn đề tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng đã được Hội nghị trung ương 3 ra chủ trương, giải pháp để đấu tranh phòng chống tham nhũng. "Có thể nói bằng sự nỗ lực kiên quyết của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả bước đầu như nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, hoàn thiện thể chế công khai minh bạch theo kinh tế thị trường để nhân dân kiểm soát, quan tâm", Thủ tướng nói.

Trả lời đại biểu Cuông về việc trao quyền cho chủ tịch UBND tình đồng thời là trưởng ban chỉ đạo tham nhũng địa phương như vậy có rơi vào tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" hay không, Thủ tướng cho rằng việc giao quyền này đã được thảo luận kỹ ở trung ương và cả Quốc hội nên việc áp dụng cần theo dõi thêm. Còn thế nào là "đá bóng", thế nào là "thổi còi" thì cần trao đổi thêm. Về việc vị chủ tịch UBND tỉnh năm lần không chấp hành chỉ đạo (đại biểu Cuông nêu đích danh chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về vụ việc liên quan đến Công ty Sông Lô), Thủ tướng nói sẽ cho kiểm tra lại.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề qua vụ việc PCI lộ diện dần những vụ hối lộ của cá nhân nước ngoài, rửa tiền ở nước ngoài, vậy biện pháp của Chính phủ như thế nào trước vấn đề này và sắp tới Chính phủ sẽ có biện pháp ra sao với những vụ việc này.

ImageView.aspx?ThumbnailID=376083
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Vụ việc PCI lộ diện dần những vụ hối lộ của cá nhân nước ngoài, rửa tiền ở nước ngoài - Ảnh: Việt Dũng

"Thái độ của Đảng và Nhà nước, của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương là làm một cách quyết liệt, khách quan, đầy đủ, nghiêm túc theo pháp luật Việt Nam, không sót một người nào và cũng không oan một người nào"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đã trực tiếp yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu, phối hợp với cơ quan chức năng của Nhật Bản. "Tinh thần là những gì chúng ta có chứng cứ thì sẽ xử lý theo chứng cứ tư pháp Việt Nam có được, đồng thời sẽ yêu cầu Nhật Bản cung cấp những chứng cứ nào mà Nhật Bản có được. Tôi nghe nói hàng ngàn trang tài liệu tiếng Nhật đang được dịch thuật ra tiếng Việt cho chuẩn xác và phải xem xét trên cơ sở đúng theo luật pháp Việt Nam, đảm bảo không bỏ sót tội", Thủ tướng nói.

Trước việc có ý kiến cho rằng tại sao không lấy những chứng cứ của phía Nhật cung cấp để xét xử, Thủ tướng nói pháp luật Việt Nam không cho phép làm như vậy. "Thái độ của Đảng và Nhà nước, của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương là làm một cách quyết liệt, khách quan, đầy đủ, nghiêm túc theo pháp luật Việt Nam, không sót một người nào và cũng không oan một người nào", Thủ tướng nhấn mạnh.

Qua thực tiễn này sẽ rà soát lại pháp luật Việt Nam có khiếm khuyết gì thì phải hoàn thiện. Đối với những việc có thông tin từ bên ngoài như đưa hối lộ, Chính phủ quan tâm phối hợp với các nước để xem xét xử lý đúng người, đúng tội. Như vụ việc báo chí Úc đưa tin về vụ việc in tiền, Chính phủ cũng đã phối hợp điều tra cùng cơ quan chức năng Úc; và được biết khi nào có kết luận sẽ đưa cho Việt Nam xử lý. Trước mọi biểu hiện đều làm đúng trên cơ sở pháp luật Việt Nam và tinh thần là không bỏ sót tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu thực tế theo thống kê, vừa qua 80% vụ khiếu kiện của nhân dân phần lớn liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng, tuy nhiên phần lớn giải quyết chưa triệt để, cấp này đùn đẩy cấp kia. Người đứng đầu Chính phủ nói 80% khiếu kiện liên quan đến đất đai là một thực tế, trong đó chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất tái định cư. Chính phủ cũng đã khẩn trương sơ kết, tổng kết về luật, đảm bảo cái gì chưa phù hợp sẽ sửa đổi, như Luật đất đai chẳng hạn. Nghị định 69 vừa ban hành bước đầu triển khai cơ bản được đồng tình.

Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện và áp dụng thực tế cho hợp lý. Nếu cơ quan chức năng xử lý không đúng phải kịp thời sửa chữa, bên cạnh đó phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân để người dân và Chính phủ cùng đồng hành trong việc giảm bớt các khiếu nại, khiếu kiện.

Rà soát, điều chỉnh qui trình vận hành của hồ thủy điện

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) chất vấn thẳng hai vấn đề. Thứ nhất là Chính phủ từng chủ trương nếu địa phương nào để mất rừng, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng trong năm qua chúng ta mất rất 51.000ha rừng, vì sao chưa có ai bị kỷ luật?

Thứ hai là vấn đề liên quan đến thủy điện A Vương (Quảng Nam) xả lũ "chồng" lên lũ, đại biểu Xuân cho rằng rõ ràng thủy điện có lỗi. Trong phiên chất vấn giải trình trước Quốc hội ngày 18-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng "thủy điện vô tội". Ông Xuân đề nghị có điều tra rõ ràng và kết luận rõ ràng về vấn đề này.

ImageView.aspx?ThumbnailID=376089
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đặt vấn đề về mất rừng và xả lũ "chồng" lên lũ - Ảnh: TTXVN 

"Chúng ta có rất nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau, vừa muốn giữ rừng, lại vừa muốn trồng cà phê, cao su, vừa muốn làm thủy điện… Vậy theo Thủ tướng, chúng ta nên chọn mục tiêu ưu tiên nào chứ không thể xem các mục tiêu đều như nhau được?"

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân

Trả lời đại biểu Xuân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần phát huy, khai thác tối đa hệ thống thủy điện, nhưng khi quy hoạch cần đảm bảo yêu cầu cấp nước, giải lũ cho hạ lưu. Thực tế biến đổi khí hậu và thiên tai đã phát sinh những vấn đề chưa lường trước được. Như các trạm quan trắc thủy văn, khi thiết kế ta đặt ở mức là lũ lịch sử trước kia chưa tới. Thiên tai có cái chúng ta chưa dự báo được. Qua đây, Chính phủ chỉ đạo ba việc:

Thứ nhất, rà soát lại quy hoạch, xem thủy điện trên các sông, cái nào hợp, cái nào không. Căn cứ vào kịch bản mới nhất của biến đổi khí hậu và diễn biến bão  lũ phức tạp vừa qua để điều chỉnh phù hợp, bổ sung cái cần thiết sao cho thích nghi với thiên nhiên, hạn chế thiệt hại. Bộ Công thương lập đoàn kiểm tra, Chính phủ đánh giá nghiêm túc.

Thứ hai, một công trình thủy điện gồm bốn yếu tố: cung cấp điện, nước, chặn lũ và phát triển kinh tế xã hội vùng hạ lưu. Từ các yêu cầu này, Bộ Công thương đã ban hành một bộ tiêu chí để xem xét, thẩm định phê duyệt từng dự án thủy điện qua thực tiễn rà soát lại để đem lại lợi ích tổng hợp cao nhất.

Thứ ba, đối với một dự án thủy điện, hồ chứa thủy điện, thủy lợi đều có quy trình vận hành. Chính phủ giao cho Bộ Công thương căn cứ thực tiễn diễn biến phức tạp bão lũ vừa rồi, kịch bản biến đổi khi hậu để rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy điện, yêu cầu đánh giá lại tác động khi vận hành. Phải làm chặt chẽ về qui trình vận hành.

Ông Nguyễn Đình Xuân tiếp tục chất vấn Thủ tướng: Chúng ta có rất nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau, vừa muốn giữ rừng lại vừa muốn trồng cà phê, cao su, vừa muốn làm thủy điện… Vậy theo Thủ tướng, chúng ta nên chọn mục tiêu ưu tiên nào chứ không thể xem các mục tiêu đều như nhau được?

Trả lời đại biểu Xuân, Thủ tướng cho rằng Chính phủ luôn chọn những mục tiêu có lợi ích tổng hợp nhất. Việc giữ rừng và phát triển cây cà phê, cao su là mục tiêu quan trọng. Chúng ta cần rừng để đảm bảo có tỉ lệ cây che phủ. Hiện tỉ lệ che phủ rừng là hơn 39%, chưa kể diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, phấn đấu năm 2020 chúng ta có độ che phủ đạt 45% để phòng chống thiên tai, tạo môi tường sinh thái. Tỉ lệ này nước ta đã đạt được từ năm 1945, giờ phục hồi.

Thế nhưng, quy hoạch rừng như thế nào để đạt được chỉ tiêu đó? Người đứng đầu Chính phủ chú trọng ba mục tiêu: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và kinh tế, nhưng quy hoạch phải tính đến các quy hoạch trọng điểm khác. Rừng đặt ở đâu là theo quy hoạch. Cũng rừng đó nhưng trồng cây cao su hiệu quả hơn thì nên lựa chọn cây này, vì thu nhập của công nhân tăng lên và hiệu quả kinh tế được các nhà khoa học đưa ra cho thấy loại cây này thành công đa mục tiêu.

Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá lại và diện tích cao su là 700.000ha, nay đã trồng hơn 600.000ha. Điều tiết diện tích cao su phù hợp ở Tây Bắc, miền Trung - Tây nguyên và Đông Nam bộ.

Khắc phục yếu kém trong quản lý mở trường ĐH, CĐ

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cũng đặt vấn đề thành lập các trường ĐH, CĐ ngoài công lập gần đây có nhiều điều phức tạp và tiêu cực. Vừa qua, đại biểu Cuông có gửi thư đến Thủ tướng đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo và hiệu trưởng của Trường dự bị ĐH Sầm Sơn nhưng không biết lý do gì đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời của Thủ tướng.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mặt được và chưa được của giáo dục đại học chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và không nên nhìn vào một trường sai phạm nào đó để phủ nhận toàn bộ công sức ngành. Việc yếu kém đây đó trong quản lý về quy chế mở trường chưa hoàn thiện cần bổ sung, thiếu sót cần khắc phục. Tinh thần chung là phát triển số lượng trường ĐH theo quy định, nhưng đảm bảo chất lượng, từng bước được nâng cao. Hiện còn 12 trường (chiếm hơn 20%) chưa thực hiện đúng điều kiện để đảm bảo chất lượng, Chính phủ đã thấy và đã báo cáo.

Về việc xử lý bộ trưởng và trường ĐH sai phạm, Thủ tướng cho biết đã giao Tổng thanh tra Chính phủ thanh tra báo cáo, tuy nhiên việc xử lý cần hết sức bình tĩnh để hiểu rõ bản chất vụ việc.

Đại biểu Lê Như Tiến chất vấn về việc trong báo cáo hằng năm của Chính phủ có nói đến vấn đề rà soát quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm, kinh tế biên giới, kinh tế cửa khẩu, vậy trách nhiệm của Thủ tướng đối với các vùng kinh tế này như thế nào, làm thế nào thúc đẩy phát triển ở các vùng kinh tế này.

Gói hỗ trợ nông dân gây khó cho nông dân?

Đại biểu Nguyễn Thị Dung (An Giang) chất vấn: Quyết định 497 được coi là gói hỗ trợ lãi suất dành cho nông dân. Nhưng với điều kiện cho vay, mua máy móc hết sức khắc nghiệt, ngân hàng và cán bộ ngân hàng cũng bức xúc khi bị dân cho là làm khó. Người dân kêu hãy chỉ máy nội ở đâu để mua thì chỉ không được. Mấy tháng sau thì Bộ Công thương mới ra hướng dẫn và đến cuối tháng 5, phải nói ngân hàng chưa được triển khai giải ngân này. Mấy tháng sau, Bộ Công thương mới ra hướng dẫn nhưng chỉ ký tên, không đóng dấu.

Bà Dung hỏi: Thủ tướng suy nghĩ gì về vai trò, trách nhiệm của các bộ trong tham mưu, điều hành, tổ chức thực hiện. Vì sao nông dân tiếp tục chịu thiệt thòi khi những điều kiện để nông dân được hưởng ưu đãi lãi suất lại nhắm đến lợi ích của doanh nghiệp sản xuất máy móc nhiều hơn và không khả thi trong thực tế? Sắp tới tiếp tục thực hiện quyết định 497, người nông dân có thật sự là người được thụ hưởng?

ImageView.aspx?ThumbnailID=376097

Đại biểu Lê Thị Dung: nông dân có thật sự là người được thụ hưởng gói hỗ trợ cho nông dân? - Ảnh: TTXVN 

"Quyết định 497 được coi là gói hỗ trợ lãi suất dành cho nông dân. Nhưng với điều kiện cho vay, mua máy móc hết sức khắc nghiệt, ngân hàng và cán bộ ngân hàng cũng bị bức xúc khi bị dân cho là làm khó".

Đại biểu Nguyễn Thị Dung

Trả lời đại  biểu Dung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết các chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tổng hợp vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các chính sách tạo nguồn lực tổng hợp để đảm bảo mục tiêu đề ra của năm 2009.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng trong nội dung và tổ chức thực hiện có một số nội dung chưa phù hợp, chưa tốt, Chính phủ đã nhìn nhận việc này và tiếp tục thúc đẩy để hoàn thiện.

Về quyết định 497 của Thủ tướng hỗ trợ nông dân, Thủ tướng thừa nhận: Từ đầu năm 2009 chưa tính đến quyết định này. Qua hai quyết định 131 và 443, và đặc biệt là sau chuyến làm việc ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, tôi mới thấy rằng nên có quyết định hỗ trợ máy móc cho nông dân (quyết định 497). Cuối tháng 4-2009 ban hành do còn chờ hướng dẫn của các bộ. Đến cuối tháng 8-2009 Bộ Công thương mới có hướng dẫn cụ thể. Tháng 10-2009 triển khai, đến tháng 11 thì Quốc hội họp, quyết định vẫn chưa đi vào thực tế bao nhiêu.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng tôi yêu cầu sửa đổi bổ sung để việc hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc nông nghiệp nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch là một mục tiêu cụ thể. Chính phủ tiến hành đồng thời hai việc: vừa sửa đổi bổ sung những điều cụ thể trong quyết định 497, vừa sửa đổi bổ sung kịp thời những gì không phù hợp, vừa giao cho thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng một nghị định về chính sách hỗ trợ tín dụng để nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Khi nghị định ra đời sẽ giải quyết các vướng mắc trong vấn đề này và sẽ triển khai tốt hơn. Trong khi chờ nghị định đó, Chính phủ sẽ điều chỉnh bổ sung sửa đổi cần thiết để quyết định 497 của Thủ tướng được triển khai có kết quả tốt hơn".

Chất vấn và hậu chất vấn tạo cú hích tốt hơn cho hành động

Đánh giá hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói phiên chất vấn lần này thu hút sự chú ý của cử tri, dư luận xã hội, hơn 95% đại biểu Quốc hội đã có mặt trong phiên chất vấn. Đặc biệt các nguyên phó thủ tướng, các bộ trưởng không phải là đại biểu Quốc hội cũng có mặt trong phiên chất vấn.

Có 260 chất vấn bằng văn bản gửi đến Thủ tướng và 122 lượt đại biểu đăng ký chất vấn tại hội trường. Phiên chất vấn có sức thu hút và hấp dẫn nhất định dựa trên nhiều yếu tố, nội dung chất vấn đề cập các vấn đề thời sự mà xã hội rất bức xúc và quan tâm như: diễn biến thị trường vàng, lũ lụt liên quan đến vấn đề thủy điện miền Trung, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý Internet…

Nhìn chung nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thật sự dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm. Hỏi và trả lời tập trung, đi sâu vào vấn đề được quan tâm, có trao đi đổi lại.

Tuy nhiên phải tính cả việc hậu chất vấn mới làm nên hiệu quả của những phiên chất vấn. Hậu chất vấn sẽ được triển khai và giám sát rõ ràng. Và Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa sau chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng thời gian qua việc thực hiện các lời hứa của các thành viên Chính phủ là khá tốt như việc Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kiên quyết, khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo phát điện tổ máy số 1 thủy điện Sơn La vào năm 2010 như phó thủ tướng đã phát biểu tại phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay như số lượng sân golf đăng ký triển khai đã giảm đáng kể sau khi có chất vấn của các đại biểu Quốc hội…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá điều này cho thấy chất vấn và hậu chất vấn đã tạo cú hích tốt hơn cho hành động.

Tuổi Trẻ Online 

=====================================================================

Ý kiến bạn đọc

* Những đại biểu như ông Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông, Danh Út, Dương Trung Quốc, Nguyễn Đình Xuân xứng đáng là những đại biểu của dân.

Cảm ơn những đại biểu trên.

NGUYỄN VĂN AN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên