28/08/2009 08:25 GMT+7

Khu xử lý rác Đa Phước: Làm rõ hiệu quả từ tiền ngân sách

N.TRIỀU ghi
N.TRIỀU ghi

TT - Tại kỳ họp HĐND mới đây, nhiều đại biểu chất vấn một số vấn đề liên quan đến khu xử lý rác Đa Phước, trong đó nổi bật là tính hợp lý của đơn giá xử lý rác và kỹ thuật công nghệ. Lần theo ý kiến của các đại biểu, PV Tuổi Trẻ đi tìm những chuyện xung quanh khu xử lý rác này...

lTF9ovAo.jpgPhóng to
Một góc bãi rác Đa Phước - Ảnh: T.T.D.

Chủ đầu tư kêu không có lãi

Khu xử lý rác Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - gọi tắt là bãi rác Đa Phước) có diện tích dành cho chôn lấp rác 100ha, do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn VN (VWS) làm chủ đầu tư.

Công suất thiết kế tiếp nhận xử lý 21 triệu tấn rác trong 21 năm và có khả năng nâng công suất lên 30 triệu tấn. Mỗi ngày lượng rác bắt buộc phải đưa về bãi rác này thấp nhất là 3.000 tấn, chiếm gần một nửa lượng rác phát sinh mỗi ngày ở TP. Tính từ lúc mở bãi vào đầu tháng 11-2007 đến nay, bãi rác Đa Phước đã tiếp nhận xử lý hơn 1,7 triệu tấn rác.

Được ứng trước 9 triệu USD

Ngoài khu chôn rác với công nghệ “chôn lấp hợp vệ sinh”, theo cam kết, bãi rác Đa Phước còn phải xây dựng nhà máy chế biến phân compost, nhà máy phân loại tái chế.

Nếu tính trên lượng rác thấp nhất phải giao, hiện ngân sách TP.HCM mỗi ngày phải trả tiền xử lý rác cho Công ty VWS là 49.200 USD hay gần 18 triệu USD/năm.

Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP cho biết đơn giá xử lý rác của Công ty VWS được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí. Mức giá thanh toán thực tế hiện nay là 16,4 USD/tấn. Theo hợp đồng được ký kết, với mức giá này thì lượng rác tối thiểu phải giao là 3.000 tấn/ngày, nếu thấp hơn cũng phải trả tiền cho đủ, cao hơn phải trả thêm. Sở TN-MT TP khẳng định mức giá mà ngân sách TP đang trả cho bãi rác Đa Phước là “tương đối hợp lý và có thể chấp nhận được”.

Sở TN-MT TP cho rằng việc chấp thuận giá của bãi rác Đa Phước có liên quan đến khoản 9 triệu USD ứng trước. Theo đó, “bản chất đây là chi phí xử lý rác được TP ứng trước cho nhà đầu tư, đồng thời để giảm chi phí xử lý rác”. Sở TN-MT TP cũng khẳng định đây không phải là tiền hỗ trợ cho nhà đầu tư và việc ứng tiền được thực hiện theo lộ trình tương ứng với kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời việc ứng tiền này còn nhằm mục đích để nhà đầu tư tin tưởng vào quyết tâm của TP trong việc thực hiện dự án.

Tuy nhiên, các tài liệu thu thập được cho thấy câu chuyện giá xử lý rác không chỉ đơn giản ở mức như đã nêu. Trong dịp Tết Kỷ Sửu 2009, khi TP đưa ra yêu cầu bãi rác Đa Phước phải tiếp nhận rác liên tục 24 giờ thay vì chỉ tiếp nhận rác ban đêm như bình thường, Công ty VWS đã đưa ra hai điều kiện: một là đảm bảo tổng lượng rác đạt 4.000 tấn/ngày, hai là nếu không đảm bảo mức này thì phải tăng giá xử lý thêm 5 USD/tấn rác.

Dù mức giá xử lý rác chôn lấp trả cho bãi rác Đa Phước đang có không ít ý kiến cho là quá cao, song thực tế cho thấy dường như mức giá này chưa dừng lại mà còn có thể tăng cao hơn nữa. Đầu năm nay, Sở TN-MT TP trình UBND TP xem xét đề nghị của chủ đầu tư bãi rác Đa Phước tăng 3% giá xử lý rác.

Giá cao nhất

Tại TP.HCM có một số khu xử lý rác chôn lấp hoặc làm phân compost, có khu xử lý rác được đầu tư bằng nguồn ngân sách, cũng có khu xử lý rác sử dụng vốn vay và vốn tự có. Theo báo cáo của Sở TN-MT TP, đơn giá xử lý rác ở mỗi nơi mỗi khác.

Tại bãi Gò Cát (quận Bình Tân) trên 13 USD/tấn (làm tròn số), dự án chế biến rác làm phân compost của Công ty Tâm Sinh Nghĩa tại khu xử lý rác Phước Hiệp (Củ Chi), giá xử lý rác ký hợp đồng là 7 USD/tấn, dự án làm phân compost của Công ty Vietstar cũng tại khu Phước Hiệp giá ký hợp đồng 5 USD/tấn... Như vậy, đến thời điểm này không bãi rác và dự án làm phân compost nào có giá cao như bãi rác Đa Phước.

Đặc biệt, hiện bãi chôn rác số 2 khu Phước Hiệp (huyện Củ Chi, gọi tắt là bãi rác số 2) được coi là tương tự như dự án bãi rác Đa Phước về phương thức đầu tư cũng như cách tính toán các chi phí. Bãi rác này do Công ty Môi trường đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư với nguồn vốn tự có và vốn vay, giá thành xử lý rác cũng tính đúng, tính đủ như dự án bãi rác Đa Phước.

Bãi rác số 2 đang tiếp nhận hơn 2.000 tấn rác/ngày, đơn giá tính toán của công ty là 12,32 USD/tấn. Thế nhưng tại báo cáo lãnh đạo TP và một số đại biểu HĐND TP vào ngày 22-7, Sở TN-MT TP cho biết chủ đầu tư đang trình định mức đơn giá xử lý rác đối với bãi rác số 2 là 15,67 USD/tấn.

Điều bất ngờ, trong văn bản sau đó hơn mười ngày, Công ty Môi trường đô thị TP vẫn khẳng định đơn giá xử lý rác ở bãi rác số 2 là 12,32 USD/tấn, chứ không phải như báo cáo của Sở TN-MT TP. Công ty còn nêu rõ với đơn giá này đã bao gồm 4,5% lãi định mức (đây là mức lãi thấp nhất).

Nhiều đại biểu HĐND còn cho rằng trong đơn giá 16,4 USD/tấn ở bãi rác Đa Phước đã có tính cả chi phí đầu tư, vận hành nhà máy tái chế và nhà máy phân compost. Trong khi hai nhà máy này chưa xuất hiện nhưng Nhà nước vẫn phải trả tiền.

Vì sao chưa thấy phân compost?

Trả lời câu hỏi vì sao chưa thấy hoạt động của các nhà máy tái chế và nhà máy làm phân compost, ông David Dương - giám đốc Công ty VWS - cho rằng TP chưa giao cho công ty loại rác đã phân loại tại nguồn. Ông Dương nói thêm đã làm thử một lượng phân từ rác “thập cẩm” và gửi mẫu phân đó sang Mỹ để phân tích, đánh giá chất lượng. Kết quả cho thấy chất lượng phân tốt nhưng họ khuyến cáo không nên sử dụng loại phân này cho cây trồng làm thực phẩm. “Đầu ra (phân compost) không đạt tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe con người” - ông Dương nói.

Trong khi đó, một cán bộ của Sở TN-MT TP nói rằng không hề có chuyện phải giao rác đã phân loại tại nguồn mà chỉ đặt vấn đề ưu tiên cho Công ty VWS nếu có chương trình này. Cán bộ này còn cho biết chương trình phân loại rác tại nguồn đối với TP.HCM không thể làm ngày một ngày hai là xong.

Tại TP.HCM cũng có một số dự án làm phân compost từ rác. Nhưng những dự án này hoàn toàn không yêu cầu phải giao rác “sạch” như dự án ở Đa Phước, họ tự đầu tư dây chuyền phân loại tại nhà máy. Ông Dương nói: “Tôi nghĩ mình có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Nếu sản xuất phân là chỉ chạy theo kinh tế thôi...”.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng nếu chi ngân sách rất lớn chỉ để chôn lấp rác thì cần phải làm rõ tính hiệu quả của dự án.

* Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH TÀI:

Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng hạ tầng

Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP (tháng 7-2009) ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - nói:

- Các đại biểu có hỏi ai chịu trách nhiệm ký duyệt giá xử lý rác ở bãi rác Đa Phước trên 16 USD/tấn. Xin nói rằng lúc đó TP có nhu cầu giải quyết một lượng rác rất lớn hằng ngày, trong khi hai bãi rác Đông Thạnh và Gò Cát không thể tiếp tục duy trì. TP mời gọi các nhà đầu tư, có cả những nhà đầu tư nước ngoài. Thời điểm này, không phải ai cũng có thể bỏ vốn của mình ra để đầu tư xử lý rác, vì thị trường địa ốc vẫn là hấp dẫn nhất để người ta đầu tư.

Chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường lúc đó là TP sẽ dùng tiền ngân sách để đầu tư hạ tầng như đường sá, điện, nước đến tận hàng rào cho nhà đầu tư. Riêng với bãi rác Đa Phước, toàn bộ những hạng mục này là nhà đầu tư bỏ ra chứ không phải Nhà nước. Còn bãi rác Phước Hiệp là Nhà nước bỏ tiền đầu tư hạ tầng cho đến tận hàng rào. Vì thế, giá thành xử lý giữa hai bãi rác có chênh lệch nhau...

* Ông LÊ THƯỢNG MÃN (đại biểu HĐND TP.HCM):

Trả tiền cho những khoản chưa đầu tư

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Lê Thượng Mãn - đại biểu HĐND TP - nói sau gần hai năm hoạt động, dự án bãi rác Đa Phước vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu khâu phân loại rác, sàn trung chuyển, nhà máy sản xuất phân compost... Trong khi đó ngân sách vẫn phải trả đủ các khoản chi phí cho các hạng mục này.

Nếu trừ các khoản chưa đầu tư, đơn giá xử lý rác chỉ còn chừng 12 USD/tấn, không phải 16,4 USD/tấn, khoản chênh lệch là 4,4 USD/tấn. Đem số tiền chênh lệch nhân với 3.000 tấn/ngày sẽ thấy ngân sách tốn không ít tiền cho các hạng mục chưa hề được đưa vào hoạt động.

Ông Mãn cũng nói đã nghe lãnh đạo UBND TP giải trình tại kỳ họp HĐND TP cho rằng toàn bộ các hạng mục như đường, điện, nước... đều do chủ đầu tư bỏ ra nên giá xử lý rác mới lên tới trên 16 USD/tấn. Theo ông Mãn, giải trình này chưa thuyết phục bởi cơ cấu chi phí đầu tư chỉ chiếm hơn 25% giá thành, còn lại là chi phí vận hành của bãi rác Đa Phước (hơn 12 USD cho một tấn rác).

Ông Mãn nhấn mạnh với một dự án mới chỉ chôn lấp rác thì tỉ lệ vận hành chiếm tới trên 74% cơ cấu giá thành là không hợp lý, đồng thời cho biết đã tham khảo nhiều nguồn thông tin và thấy rằng đơn giá xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp không thể vượt quá 12 USD/tấn.

* Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA (đại biểu hđnd TP.HCM):

Đề nghị tính toán lại đơn giá

Tôi đồng tình với các ý kiến đề nghị xem xét, tính toán lại việc thanh toán chi phí cho hai hạng mục chưa hoạt động là phân loại tái chế rác và sản xuất phân compost. Nếu thấy việc chi này không hợp lý thì phải quyết liệt thu lại các khoản đã thanh toán. Tôi cũng đề nghị cần giữ quan điểm xử lý cứng rắn nếu chủ đầu tư bãi rác Đa Phước tiếp tục chỉ chôn lấp rác 100%. Ngoài ra, cần nhanh chóng xem xét lại đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn đang trả cho bãi rác Đa Phước có xứng đồng tiền hay không...

“Tôi biết ở TP có nhiều dự án làm phân compost từ rác đang triển khai, có dự án sắp đưa phân rác ra thị trường với công suất hàng trăm tấn/ngày. Nhưng nhiều chủ đầu tư dự án trong số này không yêu cầu phải giao rác đã phân loại tại nguồn để làm phân compost, mà họ đầu tư các dây chuyền phân loại tại chỗ khá hiện đại. Những dự án này có ưu điểm là đơn giá xử lý rác hiện nay khá thấp, tỉ lệ rác còn lại sau khi làm phân phải mang đi chôn lấp cũng rất thấp, cao nhất khoảng 20%...

N.TRIỀU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên