13/06/2009 16:53 GMT+7

Hệ thống chính trị ủng hộ dự án bôxit

P.VŨ - H.NHỰT 
P.VŨ - H.NHỰT 

TTO - Sáng 13-6, trước lúc kết thúc phiên chấn vấn, nghị trường Quốc hội lại nóng lên với câu chuyện dài về dự án khai thác bôxit và những biến động ngoài ranh giới biển Đông. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng báo cáo: đã có những dấu hiệu khả quan sau suy giảm kinh tế...

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo giải trình và trả lời chất vấn chung về 5 nhóm vấn đề liên quan đến trách nhiệm điều hành chính phủ mà Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm: về đánh giá tình hình, về chính sách kích thích kinh tế, các gói kích cầu, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo, về các dự án bôxít Tây Nguyên và về việc chuẩn bị các giải pháp cho thời kỳ phát triển sau suy giảm.

loR5byFQ.jpgPhóng to
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng: "Giai đoạn suy giảm kinh tế khó khăn nhất đã qua..." - Ảnh: Việt Dũng

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm đã cải thiện, có dấu hiệu chứng tỏ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nền kinh tế nước ta tuy chưa rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng mức suy giảm là khá nặng và vẫn còn nguy cơ tái lạm phát, phải chấp nhận tăng bội chi ngân sách để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế và tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp sau.

Phó Thủ tướng cho rằng giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5% là hợp lý. Cũng có đại biểu còn phân vân, nhưng để đạt được mức tăng này cũng đòi hỏi phải có sự phấn đấu cao, hơn nữa nếu giảm thấp hơn sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của nước ta.

Về bội chi ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng cho rằng tổng mức chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định đầu năm là rất cần thiết và đã được tính toán chặt chẽ nên cần cố gắng bảo đảm, không cắt giảm, mức bội chi khoảng 7% GDP là đủ để phấn đấu. Để bù đắp thiếu hụt ngân sách do sụt giảm sản xuất, giảm giá dầu thô, do chính sách giảm thuế và để tăng chi đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội thì cần thiết phải tăng bội chi ngân sách. Trên cơ sở phấn đấu tăng thu, Chính phủ đề nghị 3 phương án bội chi tương ứng với 3 mức giảm giá dầu thô.

Phó Thủ tướng cũng cam kết: Chính phủ sẽ điều hành mức bội chi thấp nhất căn cứ tình hình thực tế, diễn biến giá dầu thô, các biện pháp tăng cường quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế... và giảm dần trong các năm tiếp theo.

ĐB Phạm Xuân Thưởng (Thái Bình) nhắc lại: năm 2008, Chính phủ đã cam kết sẽ giữ mức bội chi không quá 5%, và giải thích rằng mức này sẽ không gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Năm nay Chính phủ lại đề nghị tăng bội chi lên 7%, cộng thêm gói kích cầu trên 9% GDP nữa thì sẽ tăng khả năng tái lạm phát. ĐB đề nghị Phó Thủ tướng phân tích lại xem mức như thế có nguy hiểm cho kinh tế hay không.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời: Đã có bội chi là nguy hiểm, là mất cân đối, nên Chính phủ đã cam kết là sẽ hết sức tiết kiệm. Nhưng bội chi cũng có mặt tích cực, nên vấn đề là phải xác định và là bội chi để phát triển hay bội chi để ăn tiêu. Tình hình nào thì chủ chương nấy. Năm ngoái bội chi 5% là vừa, năm nay kinh tế thế giới thay đổi thì chỉ số cũng sẽ phải thay đổi theo. Chúng ta nhận thức rõ có bội chi là có nguy hiểm nên phải kiềm chế ở mức hợp lý có thể chấp nhận được. Phải giữ vững những mục tiêu cơ bản: ngăn chặn suy giảm, phòng ngừa lạm phát, phát triển hợp lý.

Về kích cầu, Phó Thủ tướng báo cáo đã triển khai các nhóm giải pháp (gói) kích thích kinh tế với tổng trị giá khoảng 145 nghìn tỷ đồng (tương đương 9% GDP): (1) Miễn, giảm, giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng cá nhân; (2) Hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng phục vụ đầu tư, sản xuất, kinh doanh và giải quyết khó khăn phát sinh do suy giảm kinh tế; (3) Tăng đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; (4) Bổ sung các khoản chi ngân sách nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo.

Theo Phó Thủ tướng, các biện pháp kích thích kinh tế bước đầu phát huy tác dụng, được người dân và doanh nghiệp đón nhận tích cực. Việc còn lại chỉ là giám sát chặt chẽ để các giải pháp này phát huy hiệu quả, ngăn chặn những tiêu cực, lãng phí có thể diễn ra.

Phó Thủ tướng cũng trình bày thêm về một số ý kiến băn khoăn về hiệu quả của chính sách bù lãi suất. Theo Phó Thủ tướng, nước ta kích cầu để chống suy giảm kinh tế trong điều kiện năng lực nền kinh tế hạn hẹp, nhập siêu, lãi suất tín dụng, tỷ lệ bội chi ngân sách và lạm phát còn ở mức cao.

Chính phủ chọn giải pháp hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng với mục tiêu trước hết là giải quyết khó khăn về vốn lưu động để bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm; mặt khác cũng hỗ trợ vay vốn đầu tư để đổi mới tài sản cố định, góp phần tái cơ cấu lại nền kinh tế. Do khoản hỗ trợ này không nhiều, nên được dành ưu tiên cho các hộ sản xuất, kinh doanh, các hộ nghèo, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt thành phần kinh tế. Đây là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và sử dụng nhiều lao động.

ĐB Vũ Thị Tuyết (Nghệ An) nêu ý kiến: Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp kích cầu nhưng đồng thời lại cho tăng giá xăng, giá điện, ra Quốc hội lại đề nghị thêm đề án tăng học phí. Chính phủ luôn giải thích rằng việc tăng giá này là tất yếu, là hợp lý, nhưng với người dân thì tăng giá cái gì cũng bất hợp lý cả.

Phó Thủ tướng giải thích lại: giá cả những mặt hàng như xăng dầu phải theo thị trường quốc tế về chúng ta nhập, xuất đều theo giá quốc tế, ngân sách không thể chụi nổi nếu phải bù lỗ mãi. Hội nhập quốc tế mà không theo nguyên tắc thị trường thì nền kinh tế sẽ bị méo mó, bà con phải chia sẻ với Chính phủ điều đó. Phó Thủ tướng cũng khẳng định: nền kinh tế của chúng ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tất cả công việc điều hành của Chính phủ đều nhằm đến mục đích tối hậu này.

Bôxit: "Các ý kiến đều đồng ý về chủ trương"

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng điểm lại: Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ hơn chục năm nay nhằm xây dựng ngành công nghiệp bôxit, alumin, nhôm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng cả trước mắt và lâu dài.

Việt Nam có trữ lượng bôxit lớn, khoảng 5,5 tỷ tấn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Nếu khai thác theo quy hoạch sẽ được trong 100 năm; nếu chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước có thể khai thác đến vài trăm năm năm. Chính phủ đã xây dựng Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cam kết: trong quy hoạch, Chính phủ đã quan tâm đến tất cả các yêu cầu về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như môi trường văn hóa, xã hội và hợp tác đầu tư với nước ngoài của các dự án, đặc biệt quan tâm bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Khi có ý kiến của một số đồng chí lão thành cách mạng và nhà khoa học, Chính phủ đã tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tổng hợp các ý kiến một cách nghiêm túc, trung thực, minh bạch, trong sáng, cầu thị và có trách nhiệm, đúng pháp luật, đúng nguyên tắc và đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng cho biết: Các dự án Tân Rai và Nhân Cơ do nước ta tự đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Việc thiết kế và xây dựng được thực hiện thông qua đấu thầu quốc tế công khai, đơn vị trúng thầu là một công ty Trung Quốc có uy tín. Tính đến ngày 1-6-2009, trên cả 2 dự án có 667 người lao động nước ngoài (gồm 4 công dân Úc và 663 công dân Trung Quốc) làm việc được quản lý theo pháp luật của Việt Nam. Số lao động này sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía Việt Nam, sẽ trở về nước.

Đồng thời với việc triển khai 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, Chính phủ sẽ từng bước rút kinh nghiệm, tổng kết, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng giải thích: Theo các quy định hiện hành, Quốc hội không yêu cầu Chính phủ báo cáo về các quy hoạch.

EMEMgtAg.jpgPhóng to
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): "Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc không đưa các dự án bôxit ra trình Quốc hội là lỗi do Quốc hội không yêu cầu?" - Ảnh: Việt Dũng

Nêu câu hỏi chất vấn, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) yêu cầu Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giải thích lại quan điểm khi cho rằng việc không đưa các dự án bôxit ra trình Quốc hội là lỗi do Quốc hội không yêu cầu? Ông Dương Trung Quốc nhắc lại ý kiến của nhiều ĐB đã phát biểu nhiều lần trước Quốc hội: Chính phủ cố ý chia nhỏ dự án để không phải trình Quốc hội, quan điểm của Phó Thủ tướng thế nào trước ý kiến này?

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nêu băn khoăn: vì sao gần đây có nhiều dự án của Chính phủ, của địa phương không nhận được sự đồng tình của người dân, phải chăng là do chủ quan và thiếu công khai thông tin?

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nói không đồng thuận là không chính xác, chỉ là nhiều dự án còn một số ý kiến đóng góp. Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các chủ trương đưa ra càng ngày càng rõ. Các ý kiến càng ngày càng đồng thuận.

Phó Thủ tướng nhận xét rằng các ý kiến đóng góp rất đúng, rất có tính xây dựng và luôn được hoan nghênh, tiếp thu, điều đó góp phần cho một sự đồng thuận bền vững hơn. Có dự án sai thì tỉnh và Chính phủ phải sửa. Phó Thủ tướng khẳng định: đồng thuận xã hội, ổn định chính trị là mục tiêu mà chúng ta luôn hướng tới và xây dựng.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn: Việc quy hoạch nói chung được Quốc hội phân cấp Chính phủ quy hoạch ngành, vùng, lãnh thổ, trong đó có việc phân cấp cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác bôxit là ngành kinh tế hẹp trong ngành công nghiệp thuộc thẩm quyền Chính phủ. "Tôi không dùng từ nào là đổ lỗi cho Quốc hội", Phó Thủ tướng nhấn giọng. Theo Phó Thủ tướng, dự án đầu tư khai thác bôxit là qui họach chung, khi thực hiện thì làm từng dự án một, qua 5 bước: khảo sát, thăm dò, lập dự án, khai thác và hoàn thổ như Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã trình bày trong buổi chất vấn trước đó.

Đại biểu Dương Trung Quốc không bằng lòng với câu trả lời này. ĐB lặp lại: Phó Thủ tướng vẫn chưa trả lời thẳng vào câu hỏi tôi là có phải cắt nhỏ dự án để không phải trình Quốc hội hay không? Nếu nói là dự án độc lập, sắp tới khai thác xong sẽ vận chuyển bôxít bằng con đường nào, Quốc lộ 20 đã quá chật chội rồi. Nếu không có một giải pháp tổng thể thì làm sao thực hiện được một ý tưởng lớn như vậy?...

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết việc lập dự án bôxit Tây Nguyên đảm bảo tuân theo quy định của pháp luật. Mỗi dự án đều được xác định một nguyên tắc là chỉ có thể lập quy hoạch chung, trên cơ sở đó mà lập dự án, lên quy trình bảo đảm chất lượng dự án, bảo đảm các vấn đề liên quan đến môi trường, an ninh quốc phòng...

Một vấn đề khác mà ĐB Dương Trung Quốc chất vấn là vấn đề biển Đông. ĐB yêu cầu Phó Thủ tướng cho biết tình hình biển Đông hiện nay ra sao, nội dung báo cáo mà Chính phủ trình lên Liên Hiệp Quốc về vùng lãnh hải cụ thể như thế nào? ĐB thông tin rằng vấn đề này đang gây nhiều lo lắng cho cử tri, đặc biệt là bà con ngư dân.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Việt Nam cơ bản đã giải quyết xong đường biên giới trên bộ ở phía Bắc và phía Tây. Việc giải quyết tốt vấn đề biên giới trên bộ theo đúng đường lối độc lập tự chủ và theo đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế. Riêng về ranh giới trên biển thì Việt Nam đã bàn xong khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng còn lại vẫn còn đang tiếp tục hợp tác, đấu tranh trên cơ sở bảo vệ, giữ vững chủ quyền Việt Nam. Chính phủ cũng đã gửi báo cáo lên Liên Hiệp Quốc, công khai minh bạch với thế giới về pháp luật biển.

TqgKjIzL.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: "Về vấn đề thăm dò, khai thác và chế biến bô-xít ở Tây Nguyên, tất cả các ý kiến đều đồng ý về chủ trương, các ý kiến đóng góp đều có tính xây dựng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao..." - Ảnh: Việt Dũng

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt dành một khoảng thời gian để nhận xét về vấn đề thăm dò, khai thác và chế biến bôxit ở Tây nguyên.

Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, vấn đề này rất lớn, nhạy cảm và được nhiều cử tri đại biểu quan tâm và tất cả các ý kiến đều đồng ý về chủ trương chứng tỏ có sự đồng thuận lớn. Nhiều đại biểu đã góp ý cho dự án về nhiều mặt: kinh tế, môi trường, an ninh, công nghệ, bản sắc văn hóa dân tộc... Chủ tịch Quốc hội nhận định các ý kiến đều có tính xây dựng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và Chính phủ nên lắng nghe, cập nhật thông tin, sẵn sàng thay đổi nếu có sai sót để dự án có thể đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát dự án này trên cơ sở của sự đồng thuận và ủng hộ, "bảo đảm làm sao cùng Chính phủ, cùng với các cơ quan khác trong toàn hệ thống chính trị thúc đẩy thực hiện cho được chủ trương mang tính chiến lược rất quan trọng này".

Chủ tịch cũng nói thêm: trong góp ý không nên mơ hồ, tránh sự lợi dụng, kích động của nhiều thế lực sẽ làm hại đến sự đồng thuận trong Đảng, Chính phủ, nhân dân và ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao.

P.VŨ - H.NHỰT 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên