01/05/2009 16:01 GMT+7

Nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh qua đời

P.VŨ
P.VŨ

TTO - Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh, nhà xã hội học quen thuộc, cộng tác viên thân thiết của báo Tuổi Trẻ vừa qua đời lúc 12g50ph ngày hôm nay (01-5-2009, nhằm ngày 7 tháng 4 năm Kỷ Sửu) tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, hưởng thọ 79 tuổi.

9jBTJ0fX.jpgPhóng to
Ảnh: Thanh Đạm

Cái tên Nguyễn Thị Oanh luôn xuất hiện trên mặt báo với những nỗi đau đáu về chuyện giáo dục, chuyện gia đình, về giá trị sống, những lệch lạc hành vi của giới trẻ. Mái đầu bạc và nụ cười thơ trẻ của cô luôn xuất hiện tại các buổi tọa đàm, các buổi thảo luận, các nhóm hoạt động xã hội... Và luôn luôn là những câu chuyện dí dỏm, những lời khuyên chân tình, những ngọn lửa cháy bỏng được truyền sang người đọc, người nghe, "để từng người, từng nhóm lớn lên, và cộng đồng phát triển".

Những tâm huyết ấy của cô đang được các học trò, các đồng sự tiếp bước.

Một số bài viết của cô Oanh trên Tuổi Trẻ:

Cai nghiện phải bằng liệu pháp tâm lý “Đừng tước mất cơ hội của trẻ”Đói tình cảm đáng sợ hơn đói cơmNếp sống văn minh đô thị phải bắt đầu từ giáo dục nhân cáchDạy con ý thức cộng đồng: Cha mẹ phải là “người mẫu”Tái hòa nhập sau cai nghiện: Cánh cửa chỉ mới hé mởGiáo dục kỹ năng sống, chuyện không dễ!Quí trọng bản thân để tận hưởng cuộc sống Công tác xã hội, một ngành học cần thiết Bắt đầu từ người thầy Chất lượng giáo dục bắt đầu từ người thầy thật Biết mình để truyền thông có hiệu quả Nhốt người chứ không thể nhốt tư tưởng Những chàng trai “quên” lớn lên Thà ít mà tốt Một lối sống văn minh Từ từ thiện đến công bằng Tạo sức đề kháng cho giới trẻ VN Bài học làm người bị bỏ quên Lập kế hoạch cho cuộc đờiGiá trị sống Ai cũng có 24g/ngày Phong trào tình nguyện Tuổi mới lớn - Để dây diều không đứt Sống vì cộng đồng: Đồng hành bằng những trái tim Nét đẹp nhất của người phụ nữ Đừng để họ “sống cô đơn giữa đám đông” "Tôi" và "chúng ta"

Lễ nhập quan lúc 8g sáng ngày 02-5-2009.

Lễ viếng bắt đầu lúc 9g sáng ngày 02-5-2009 tại tư gia số 40/10A tổ 8, ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Thánh lễ an táng tổ chức tại tư gia lúc 8g sáng thứ Ba, ngày 05-5-2009.

Lễ truy điệu lúc 9g sáng thứ Ba, ngày 05-5-2009, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Theo di nguyện của cô Nguyễn Thị Oanh, tất cả số tiền phúng điếu trong tang lễ sẽ được dùng để gây quỹ học bổng.

.....................................................

Cô Oanh ơi,

Con vẫn thường thưa với các bậc bề trên đáng kính của mình bằng từ “kính”. Nhưng với cô, con lại quen thưa cô với chữ “ơi” thật chân thành, giản dị nhưng với tất cả sự tôn kính của con. Cô là người thầy vĩ đại của con và của bao nhiêu người dấn thân vào các công tác cộng đồng. Trong các buổi tập huấn, hội thảo về cộng đồng, cô đã truyền ngọn lửa tin yêu vào lòng mọi người. Cô không dạy cho tham dự viên những điều to lớn, mới lạ nhưng đã dẫn tham dự viên tìm thấy các kiến thức ở trong chính cuộc đời từng người. Cô giúp mọi người biết khai thác kiến thức ấy để làm giàu cho cộng đồng để xây dựng một xã hội đẹp hơn, chan chứa tình người hơn. Từ ấy, các thế hệ làm cộng đồng yêu cô và kính cô theo một cách giản dị như khi cô đến với họ.

6ntmLsuh.jpgPhóng to
Ảnh: Thanh Đạm

Với giới khuyết tật VN, cô luôn dành cho người khuyết tật những giúp đỡ chân thành nhất. Cô chỉ vẽ cho nhóm lãnh đạo phong trào những gì nên hoặc không nên làm. Sau đó, cô không ép buộc mà lắng nghe chúng con hồi đáp. Người nghe hoàn toàn tự do thích hoặc không thích áp dụng các kiến thức ấy. Nhờ vậy tụi con nhận ra tính cách thoáng mở trong kiến thức xã hội. Nếu bạn nghe mà chưa làm được có khi vì bạn chưa đủ kỹ năng, chưa đủ nguồn lực. Chỉ cần bạn nhận ra điều gì là cần làm và chỉ cần thay đổi được thái độ. Cô luôn tạo xúc tác để người nghe thay đổi thái độ. Khi có thái độ tích cực, mỗi cá nhân sẽ tạo ra thay đổi xã hội theo cách riêng của họ.

Cô Oanh ơi, vậy là từ nay con gọi cô và không còn nghe tiếng cô trả lời nữa. Thực ra, cô mới là người thường gọi con trước. Có lần con đang ngồi một mình trong phòng chờ ở sân bay Nội Bài, bỗng có ai đến gọi tên mình và nắm tay con thật chân thành. Con mừng rỡ nhận ra cô. Cô luôn đến với con trước theo cách thức chân tình và lịch sự như thế mỗi khi gặp con trong các hội thảo, tập huấn. Mặc dù, con chỉ là một tham dự viên và cô là báo cáo viên. Việc được cô hỏi thăm khiến con cảm thấy tự tin hơn và mạnh dạn nói lên những điều mình suy nghĩ. Cô ơi, từ nay khi nhắc đến tên cô, con chỉ nghe tiếng đáp lại của cô trong trí tưởng tượng của con mà thôi.

Cô xa tụi con rồi. Tụi con sẽ ghi nhớ mãi mãi lời dạy của cô. Lời ấy không viết bằng chữ, không nói bằng lời, mà sẽ được giãi bày bằng chính cách sống, bằng tâm huyết và bằng sự thấu hiểu nhau. Cô mãi mãi là ngọn hải đăng cho chúng con noi theo.

Một người biết "sát nút" với cộng đồng

Tôi không phải là người có quá nhiều cơ hội làm việc với cô nhưng có thể nói rằng mỗi lần gặp nhau thì cả hai có thể chia sẻ - chuyện trò. Tôi rất quý cô nên gọi cô bằng cô một cách rất ngọt từ những cảm xúc rất thật ấy vậy mà cô cứ gọi tôi bằng tên và khẳng định một cách rất vui là tôi là bạn của cô.

Quả thật là như thế, dù chỉ gặp nhau một vài lần ở những buổi họp báo hay những buổi góp ý chuyên môn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, dù chỉ dăm ba lần cùng xuất hiện trong một vài chương trình truyền thông và cũng ngần ấy lần cùng nhau tham dự những hội thảo khoa học nhưng nếu đã cùng làm việc với nhau thì cơ hội làm cho những mối quan tâm được khai thác một cách sâu sắc đến mức "đình đám" hiểu theo nghĩa tích cực của nó xuất hiện...

Tôi nhớ như in về cách làm việc của cô trong những lần tôi là người tổ chức hội thảo khao học hoặc là chủ tọa. Có vài điều cô rất "mới" nếu như không nói rằng cô rất "trẻ" và quá ư hiện đại. Đó là lần đầu tiên tôi quy ước trong một hội tahỏ rằng không được đọc bài tham luận mà phải phát biểu bằng ý và lời thì chính cô là người xung phong lên phát biểu đầu tiên.

Cũng một lần khác khi tôi quy ước rằng mỗi người phát biểu chỉ phát biểu không quá ba phút và nếu vượt quá thời gian quy định thì sẽ bị chủ tọa "rung chuông". Chính cô lại cũng là người ủng hộ một cách nhiệt thành những điều như thế. Có thể nói rằng cô không chỉ là người đi trước mà cô đã "rước" biết bao nhiêu người đi sau như một người chị, một người bạn vong niên là thế.

Chưa khi nào cô thôi quan tâm về những vấn đề xã hội nên cứ mỗi lần gặp tôi cô lại chia sẻ những trăn trở và nghĩ suy của mình. Nói như thể vừa sẻ chia, vừa đồng cảm và vừa giao nhiệm vụ, cô bảo: "có lẽ có khá ít người thực sự quan tâm và dấn thân nghiên cứu về những vấn đề xã hội - cộng đồng - tâm lý con người một cách thực hành nên chính chúng ta phải càng cố gằng nhiều hơn nữa". Tôi hiểu hơn về nhân cách của một người biết "sát nút" với cộng đồng, hiểu rõ hơn về sự kỳ công của con người biết dấn thân vì những nghiên cứu xã hội rất thật tâm không phải là ngồi "viện" hay ngồi "thiền" như một vài người khác...

Người bạn của chúng tôi viết rất thật, có thể nói cô viết bằng những rung cảm rất thật từ trái tim, viết bằng những nhịp đập rất nhẹ nhàng nhưng cũng cực kỳ mãnh liệt của một tâm hồn lạc quan. Có lần cô bảo rằng hãy làm sao để cái "hàn lâm" trở thành hay "trở về" với cái đời thường của cuộc sống, đó chính là điều mà cô trăn trở nhiều nhất cho từng lời phát biểu hay từng trang viết hôm nay...

Mới đây thôi, khoảng đầu năm 2009, khi tôi tổ chức hội thảo khoa học "Sinh viên và sự lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn trong nếp sống văn minh đô thị", cô vẫn rất say sưa chia sẻ về nhật ký đi đường của một người "thất thập cổ lai hy". Cô bảo: Dù có khó khăn và mệt mỏi nhưng cô vẫn đến với những người bạn rất quan tâm đến sinh viên, quan tâm đến thế hệ trẻ và quan tâm đến con người - đến đạo đức và nhân văn... Cô tiếp tục chia sẻ với cá nhân tôi rằng cô và em cùng quan tâm đến những gì rất con người - rất nhân văn vì có lẽ chúng ta quan tâm nhiều hơn về lẽ sống, lối sống hơn là mức sống - cái mà nhiều người đang hướng đến... Dường như cô luôn là bạn theo đúng cách như thế!

Thế là một người bạn lớn của tôi đã ra đi - chúng ta lại mất thêm một người tâm huyết với giáo dục công đồng - với những vấn đề xã hội - con người... Tôi cảm thấy lòng cảm trống trải... Tôi sẽ mất cơ hội cộng tác với một chuyên gia tham vấn học đường vẫn luôn rất "trẻ", tôi sẽ thấy thiếu thiếu khi tham dự một hội thảo bàn luận về đình hướng giá trị, về lối sống con người, tôi cũng sẽ thấy thiếu thiếu những bài báo rất "con người" mà mỗi lần xuất hiện đã làm lay động cảm xúc và cả nhận thức của những người biết sống và có trách nhiệm...

Tôi cảm nhận ra ở người cô - người bạn vong niên ấy một thái độ rất khoa học nhưng rất có "kỹ năng sống" mà hơn hết là kỹ năng biết chấp nhận người khác và hợp tác. Mỗi lần đọc bài báo nào đó về vấn đề xã hội mà cô cũng quan tâm, cô bảo: "Bài viết hônm nay của em rất "tới" nhưng không biết hiệu ứng nó như thế nào... Cô mong rằng...". Tôi cho rằng đó chính là lúc dường như cô chia sẻ đích thực với tôi như một người cộng sự, như những người bạn đích thức động viên - đồng cảm... Điều này không thể dễ tìm khi mà những cái tôi của các nhà khoa học đôi lúc quá "sắc - nhọn" để tìm đến sự tương khớp giữa những chiếc răng cưa bản lĩnh...

Tạm biệt cô mà không phải vĩnh biệt vì những gì cô đã để lại thông qua trang viết, thông qua ý hướng và cả những quan tâm đang trăn trở sẽ còn những người bạn tâm huyết tiếp nối - thực thi....

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên