23/09/2008 07:58 GMT+7

Đầu tư xây dựng cơ bản: Thủ tục rườm rà, gây lãng phí lớn!

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT (HÀ NỘI) - 400 triệu USD có thể được tiết kiệm chỉ riêng với dự án Nhà máy đạm Cà Mau, nếu các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sử dụng vốn nhà nước không quá phức tạp và mất thời gian như hiện nay.

EW6t4gwv.jpgPhóng to
Dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) có giá trị xây lắp 68 tỉ đồng, trong khi giá đền bù giải phóng mặt bằng là 654 tỉ đồng. Dự án này bị chậm trễ kéo dài, hiện nay chưa hoàn thành và đang bị nhiều “lô cốt” của các dự án khác án ngữ - Ảnh: T.T.D.
TT (HÀ NỘI) - 400 triệu USD có thể được tiết kiệm chỉ riêng với dự án Nhà máy đạm Cà Mau, nếu các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sử dụng vốn nhà nước không quá phức tạp và mất thời gian như hiện nay.

Đó là một trong những nội dung của báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư XDCB sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005-2007” được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận hôm 22-9.

“Mê hồn trận” thủ tục đầu tư XDCB

Báo cáo nêu rõ quy trình thủ tục đấu thầu chiếm nhiều thời gian, việc áp dụng chỉ định thầu còn rườm rà, nhiều thủ tục. Hầu hết công trình ở địa phương là công trình quy mô nhỏ, nhưng yêu cầu về thủ tục, hồ sơ như công trình có quy mô lớn. Cụ thể như dự án Nhà máy đạm Cà Mau, nếu được chỉ định thầu sẽ chọn được nhà thầu với mức vốn đầu tư 500 triệu USD và thiết bị công nghệ cao, nhưng do phải đấu thầu nên thời gian hoàn thành chậm hai năm, mức vốn đầu tư tăng lên 900 triệu USD, công nghệ thấp hơn.

Một số địa phương còn tự đặt ra các thủ tục trái với quy định của Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, qua rà soát thủ tục của ba loại dự án là dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cho thấy một số địa phương đã tự đặt ra khoảng tám loại thủ tục khác nhau cần phải bãi bỏ. Trong đó, một số dự án khu đô thị tại Hà Nội và TP.HCM để có được giấy phép cần trải qua 33 thủ tục hành chính, thời gian chuẩn bị cho một dự án trung bình kéo dài ba năm (gần đây mới đang xem xét, sửa đổi giảm còn tám thủ tục và kéo dài trung bình một năm).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng do thủ tục quá rườm rà, tình trạng kéo dài thời gian tiến hành các khâu của dự án đang gây lãng phí lớn. Ông Hiển dẫn chứng thống kê ở các địa phương cho biết tổng cộng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình đối với dự án nhóm A là 42 tháng, nhóm B là 29 tháng và nhóm C là 23 tháng. “Nếu tính cả thời gian thi công thì mỗi dự án thuộc các nhóm A, B, C phải mất thêm khoảng thời gian tương đương với thời gian làm thủ tục mới có thể đưa vào hoạt động được”.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vốn đã khó thực hiện do cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu nhất quán giữa các loại dự án, giữa các địa phương và giữa các thời điểm thực hiện, lại càng khó khăn hơn do “mê hồn trận” các loại thủ tục. Báo cáo của một ban quản ý dự án thuộc Bộ GTVT cho hay để làm thủ tục đền bù GPMB một dự án cần hơn 40 loại văn bản, công văn giấy tờ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết giá trị đền bù GPMB một số công trình bằng hoặc lớn hơn rất nhiều so với giá trị xây lắp, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án, chẳng hạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) giá trị xây lắp chỉ 68 tỉ đồng, trong khi đó giá trị đền bù GPMB là 654 tỉ đồng; đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) giá trị xây lắp 222 tỉ đồng, giá trị đền bù GPMB là 667 tỉ đồng; cầu Thủ Thiêm (TP.HCM) giá trị xây lắp 575,3 tỉ đồng , giá trị đền bù GPMB là 576,91 tỉ đồng…

Số lượng dự án vi phạm tăng

Về việc giám sát và đánh giá đầu tư, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ sự lo ngại trước xu hướng số lượng và tỉ lệ các cơ quan có báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư đang giảm dần (nếu như năm 2005 có 90/121 cơ quan thực hiện thì đến năm 2007 chỉ có 84/121 cơ quan thực hiện). Trong khi đó, số lượng dự án có vi phạm các quy định về quản lý đầu tư lại có xu hướng tăng (năm 2005 có 1.822 dự án vi phạm, năm 2006 có 3.173 dự án và năm 2007 có 4.763 dự án vi phạm). Các dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện cũng có xu hướng tăng về số lượng (năm 2005 có 3.192 dự án phải điều chỉnh, năm 2006 có 4.927 dự án, năm 2007 có 6.267 dự án)… Bà Mai nói: “Những diễn biến nêu trên phải chăng cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đang có vấn đề? Trách nhiệm này thuộc về ai cũng chưa được báo cáo giám sát nêu rõ?”.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho rằng thất thoát, lãng phí trong XDCB là vô cùng lớn, cần có những giải pháp cụ thể chứ không chỉ báo động chung chung. Ông Bình nói: “Có những địa phương vì coi tăng trưởng GDP là thành tích nên cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư XDCB. Nên chăng tới đây không giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho các địa phương, đồng thời áp dụng cơ chế tiền kiểm đối với những dự án nhất định”.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất thoát, lãng phí trong XDCB là do những điểm chưa thống nhất, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật có liên quan (Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật xây dựng…). Hiện nay chưa thấy Chính phủ có đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật đó. Ông Lưu đặt vấn đề việc đẩy mạnh phân cấp trong XDCB mặc dù tạo ra sự chủ động cho địa phương, nhưng khi phân cấp mà trung ương không quản lý được thì càng rối rắm hơn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án năng lực hạn chế, thiếu chuyên môn về quản lý XDCB. Mới đây, ĐHQG TP.HCM đã có ý kiến không muốn làm chủ đầu tư dự án mà đề nghị nên áp dụng hình thức “chìa khóa trao tay”, đây là cơ chế nên được áp dụng phổ biến hơn nữa.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên