Phóng to |
Ông Trương Hòa Bình (chánh án TANDTC), tổ trưởng tổ kiểm tra: “Vẫn còn một bộ phận lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, ăn tiền của dân” - Ảnh: H.K. |
Báo cáo với tổ kiểm tra, ông Nguyễn Thanh Long - phó bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh - cho biết từ năm 2006 đến nay ngành thanh tra đã triển khai 203 cuộc thanh tra (kết thúc 193 cuộc), phát hiện số tiền sai phạm chế độ chính sách trên 9,3 tỉ đồng (đã kiến nghị thu hồi trên 1,7 tỉ đồng), trong đó tài sản thiệt hại do tham nhũng trên 800 triệu đồng và 2.040m2 đất.
Thanh tra chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ, đề nghị kiểm điểm 33 cá nhân, 10 tập thể có dấu hiệu sai phạm. Cơ quan điều tra đã khởi tố 11 vụ án về chức vụ (tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...), thu hồi 99 triệu đồng và 215ha đất. Về xử lý nội bộ, thanh tra Công an Tây Ninh phát hiện 13 cán bộ, chiến sĩ có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã xử lý bảy đảng viên có hành vi tham ô, hối lộ, lãng phí...
Ông Nguyễn Văn Nên, chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, thừa nhận một vài nơi còn sơ hở trong quản lý, kiểm tra nên để xảy ra tham nhũng nhưng không lớn. Việc kê khai tài sản trong cán bộ đảng viên chấp hành tốt và chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu sai phạm. Theo ông Nên, nhiều cán bộ có đất, thậm chí có rất nhiều đất, nhưng chủ yếu là tự khai phá.
Trong khi đó, đánh giá thực trạng tham nhũng ở địa phương, ông Nguyễn Văn Lên, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tây Ninh, cho biết: "Vẫn còn tồn tại tình trạng một bộ phận cán bộ địa chính, tư pháp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, qua kiểm tra có nhiều sai phạm về thiết kế, thi công nhưng mức độ không lớn. Về công tác chống lãng phí, ông Lên cho rằng chưa có đơn vị nào xây dựng cơ chế chi tiêu nội bộ, sử dụng tài sản công. Một số cán bộ thiếu gương mẫu trong chi tiêu, sử dụng tài sản công vô tội vạ gây lãng phí nhưng không bị xử lý. Theo ông Lên, nhức nhối nhất là tình trạng quan liêu hành chính trong các cơ quan công quyền còn tồn tại khắp nơi. Nhiều cán bộ đặt người dân là người bị quản lý chứ không phải là người được phục vụ. Do đó khi dân đến cầu cạnh thì cán bộ tỏ thái độ ban phát, dễ phát sinh tiêu cực.
Đại tá Ngô Quang Long, giám đốc Công an Tây Ninh, cho rằng một số vụ liên quan hoạt động tư pháp như chạy án hoặc trong quá trình điều tra có một số thông tin liên quan tiêu cực "nhưng các đồng chí trong đội cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng không làm được vì bản thân sợ đụng chạm". Theo ông Long, có vụ việc liên quan đến hành vi tiêu cực của cán bộ cơ quan tố tụng nhưng cơ quan điều tra lấn cấn không biết nên chuyển cơ quan chủ quản xử lý hay chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra cấp trên.
Ông Trương Hòa Bình, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ủy viên Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - tổ trưởng tổ kiểm tra, đánh giá cao kết quả thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở địa phương. Tuy nhiên, theo ông, "vẫn còn một bộ phận cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhũng nhiễu để ăn tiền của dân". Ông Bình nhắc nhở những vụ việc nổi cộm mà báo chí quan tâm (dự án 327 Bàu Rã, sai phạm đất đai tại Nhà máy đường Nước Trong, dự án Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài…) đã xử lý chưa, xử lý đến đâu? Có tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao chiếm đất đai hay không?...
Ngoài 11 nhiệm vụ trọng tâm mà Ban thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh đề ra trong thời gian tới, ông Bình đề nghị các cấp ủy Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo để tạo ra bước đột phá trong hoạt động phòng chống tham nhũng; tăng cường hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động các cơ quan tư pháp, đặc biệt công tác điều tra, xử lý vụ án tham nhũng; tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng nổi cộm mà dư luận quan tâm; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng…
Thành lập chín tổ kiểm tra tại các địa phương Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, phó Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đã ký quyết định thành lập chín tổ kiểm tra việc thực hiện nghị quyết trung ương 3 tại các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Nam Định, Tiền Giang, Hải Dương, An Giang, Kiên Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Tây Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận. Ngoài ra, có chín ban cán sự Đảng của chín bộ cũng được kiểm tra trong đợt này: Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - thương binh & xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giao thông - vận tải, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên & môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục - đào tạo. Thời gian kiểm tra đến hết tháng tám. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Hòa Bình cho biết mục đích của đợt kiểm tra lần này là đánh giá sự tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương chứ không xem xét, kiểm tra hoạt động tố tụng từng vụ việc cụ thể. Kết quả kiểm tra của các tổ công tác sẽ được tập hợp để Ban chỉ đạo trung ương báo cáo Bộ Chính trị triển khai thành nghị quyết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tăng cường sự giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng và lãng phí. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận