12/10/2007 04:25 GMT+7

Cần xây dựng Luật trưng cầu dân ý

K.HƯNG
K.HƯNG

TT (HÀ NỘI) - Tại ngày khai mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11-10, một số ý kiến đại biểu cho rằng cần đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011) những luật qui định cụ thể về một số quyền cơ bản của công dân đã được qui định trong hiến pháp.

Ông Phạm Quốc Anh, chủ tịch Hội Luật gia VN, kiến nghị cần xây dựng Luật trưng cầu dân ý và Luật về biểu tình. Theo ông Anh, đây là những vấn đề cơ bản đã được qui định từ Hiến pháp năm 1946 nhưng đến nay chưa được luật hóa. Ông Anh nói: "Trưng cầu dân ý thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với vai trò của nhân dân nhưng hiện nay người dân được quyết định những vấn đề gì thì không rõ. Chúng ta ngại không làm trong khi Thụy Sĩ đã thực hiện trưng cầu dân ý từ 100 năm nay". Ông Anh cho rằng để "đảm bảo không vượt quá giới hạn kiểm soát", các vấn đề đưa ra trưng cầu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và có thể chỉ trưng cầu tại một số khu vực. Đối với quyền biểu tình, ông Anh khẳng định thực tế tại VN đã có biểu tình dưới dạng khiếu kiện đông người tại một số nơi như TP.HCM vừa qua. Ông Anh cho rằng khi những vấn đề bức xúc của dân không còn là đơn lẻ thì cần có luật để xử lý.

Vấn đề sửa đổi hiến pháp cũng tiếp tục được các đại biểu kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội XII nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Tại phiên họp lần thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng chín vừa qua, Ủy ban Pháp luật đã đề xuất ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 trong nhiệm kỳ Quốc hội này song dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đưa ra thảo luận trong ngày làm việc hôm qua đã không có nội dung này.

* Chiều 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Theo đó, qua năm năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tổng số vốn đầu tư cho chương trình là 859 tỉ đồng, riêng cho mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là hơn 208 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm ngoái đã có gần 39% xã phường và 36% thôn, ấp, bản xây dựng được nhà văn hóa. Cả nước có 644 thư viện xã, 7.000 điểm bưu điện văn hóa xã, hơn 10.000 tủ sách pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa cơ sở không cao. Tiến độ phát triển thiết chế văn hóa thông tin cơ sở chậm. Hầu hết doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu công nghiệp mới là "vùng trắng" về thiết chế văn hóa thông tin cơ sở.

K.HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên