Phóng to |
Thung lũng chùa và tam quan chùa Bái Đính nhìn từ Pháp chủ điện |
Công trường đang ngổn ngang xây dựng, chưa thể hình dung được vẻ đẹp cũng như sự trang nghiêm trầm mặc của một ngôi chùa theo đúng nghĩa xưa nay nhưng sự bề thế, hoành tráng của nó thì bất cứ ai dù chỉ ghé qua nhìn cũng có thể cảm nhận được. Dựa lưng vào núi Bái Đính cao 200m nhìn ra thung lũng chùa rộng chừng 3ha, khu vực chùa Bái Đính đang xây dựng rộng đến 80ha nằm trong quần thể khu “văn hóa tâm linh chùa Bái Đính” thuộc khu du lịch Tràng An do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Trường là chủ đầu tư kiêm thi công. Hiện tại, quần thể này đang thi công nhiều hạng mục của ngôi chùa như: điện thờ Tam thế, điện thờ và tượng Quan Âm Bồ Tát, điện thờ Pháp chủ, gác chuông, tam quan, khu nhà tăng... Thung lũng chùa ở đằng trước cũng đang được gần 100 chiếc máy đào, máy ủi, máy xúc cùng lúc gấp rút đào đất, be bờ để tạo thành một khoảng hồ bán nguyệt khổng lồ, lấy nước từ dòng sông đào chảy ngang để tạo nên một cảnh “trên bến dưới thuyền” như suối Yến chảy dưới chân chùa Hương Tích.
Điểm nhấn quan trọng nhất của công trình tôn giáo khổng lồ này vẫn là điện thờ Tam thế và điện thờ Pháp chủ vừa dựng xong phần thô. Diện tích hai ngôi điện này lên đến trên 1.000m2 (diện tích các điện thờ chính của các ngôi chùa truyền thống tối đa chỉ thường khoảng 150m2 do bị hạn chế bởi các bước gian - được qui định bằng chiều dài của cây gỗ dùng làm xà nhà). Chiều cao của Pháp chủ điện lên đến 22m, chứa được bốn pho tượng kỷ lục bên trong.
Bốn pho tượng - ba pho Tam thế và một pho Phật tổ Như Lai - thật sự là niềm tự hào của các “ông chủ” chùa Bái Đính. Mỗi pho Tam thế nặng đến 50 tấn, cao 12m, pho Phật tổ Như Lai cao 16m, nặng 100 tấn, đúc bằng đồng nguyên chất mua từ Nga về, do các nghệ nhân đúc đồng lừng danh ở Ý Yên, Nam Định đúc và lắp đặt.
Một “đại hồng chung” nặng tới 60 tấn cũng đã được đúc và ngự trên đỉnh một quả đồi ngay trên đường lên đại điện. Quả chuông lớn đến độ người ta đã dự tính nếu muốn gióng chuông phải cần một cây gỗ lớn và bốn người kéo cây gỗ để thúc chuông.
Gây sửng sốt không kém là sự “tập kết” của 500 pho tượng La Hán trên quả đồi phía bên phải Pháp điện. 500 La Hán cao lừng lững 2,3m, tạc bằng đá Ninh Bình. Theo người đang giám sát thi công tại công trường, ông Nguyễn Xuân Trường - chủ đầu tư - đã cùng cộng sự sang Trung Quốc tìm hiểu, lấy bản vẽ mẫu tranh sự tích 500 vị La Hán rồi mang về nước để các họa sĩ, nhà điêu khắc làm mẫu bằng thạch cao, sau đó các nghệ nhân tác lại bằng đá xanh nguyên khối. Dân ở phố huyện Gia Viễn nói đùa: chỉ riêng việc tạc đủ 500 tượng La Hán này, dân ở làng chạm khắc đá Ninh Văn, Hoa Lư (huyện bên cạnh) đã đủ công ăn việc làm trong suốt gần hai năm qua.
Sau khu vực Pháp chủ điện là một khu xưởng mộc đang tập trung hàng trăm nghệ nhân và thợ khéo. Hàng ngàn cây gỗ lim xanh, gỗ mít, nghiến... trong đó có hàng trăm cây dài hơn 15m, đường kính gần 1m nằm chờ bàn tay chế tác của những người thợ lành nghề. Tuy xà và cột chính được làm bằng bêtông, nhưng còn hàng trăm cột con và hàng ngàn chi tiết phụ thì cần đến những cây gỗ lớn và quí hiếm không biết kiếm ở đâu ra này!
Tuy chưa hoàn thành nhưng danh tiếng chùa Bái Đính mới đã vang khá xa. Các đoàn khách được những thông tin hậu trường “rỉ tai” đã về đây thắp hương trước những pho tượng đồng còn đang bị giàn giáo vây quanh. Trong khi đó, cách khu công trường bề thế chừng 2km, nếu tinh mắt, người đi đường sẽ nhìn thấy một tam quan khiêm nhường nằm nép bên đường. Qua cổng tam quan, rẽ vào con đường nhỏ hơi cheo leo, lên đỉnh một ngọn núi thấp sẽ gặp ngôi chùa Bái Đính (cũ), rêu phong, trầm mặc như không biết đến một “đại Phật tự” sắp lập kỷ lục Đông Nam Á đang thi công ngay ngoài kia.
Chùa xây không phép
Núi Bái Đính cách thị xã Ninh Bình chừng 15km, nằm trên độ cao 200m. Từ chân núi đi hết 300 bậc đá là đến núi Voi Phục thờ Đức ông, tiếp đến là động Sáng thờ Phật. Tương truyền, thiền sư Nguyễn Minh Không đời Lý khi đến núi Bái Đính tìm thuốc đã phát hiện động này và biến thành chùa thờ Phật. Đối diện động Sáng là động Tối gồm bảy hang nhỏ thông nhau thờ Mẫu thượng ngàn. Một vị tướng Tây Sơn từng làm lễ tế cờ ở núi Bái Đính trước khi xuất quân ra Thăng Long trong chiến dịch mùa xuân Kỷ Dậu. Trong kháng chiến chống Pháp, núi Bái Đính cũng là trụ sở của những người kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ là nơi chứa vũ khí lương thực của bộ đội. Vì vậy, núi - chùa Bái Đính (cũ) đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1997. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận