11/04/2007 02:01 GMT+7

Trách nhiệm và lương tâm

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Qua bến đò Tứ Phước là đến địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nơi gia đình em Huỳnh Thị Ngọc Trâm cư ngụ. Trâm là học trò lớp 5 Trường tiểu học An Hiệp 2, cách đây hơn ba tuần bị tổng phụ trách Đội áp giải đến công an xã để lấy khẩu cung do bị nghi lấy cắp 47.800 đồng quĩ lớp.

EJi2HHsn.jpgPhóng to
Sợ hãi...
TT - Qua bến đò Tứ Phước là đến địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nơi gia đình em Huỳnh Thị Ngọc Trâm cư ngụ. Trâm là học trò lớp 5 Trường tiểu học An Hiệp 2, cách đây hơn ba tuần bị tổng phụ trách Đội áp giải đến công an xã để lấy khẩu cung do bị nghi lấy cắp 47.800 đồng quĩ lớp.

Bà nội của bé Trâm buồn bã cho biết: “Sau vụ đó, Trâm có biểu hiện tâm thần, hiện đang nằm ở khoa nhi Bệnh viện Sa Đéc”.

Vừa thấy người lạ (là tôi), Trâm đã co rúm người lại, giật lùi nép người vào cuối giường, chụp con búp bê che mặt. Tôi nhẹ nhàng dỗ dành, Trâm càng sợ hãi, hết chúi nhủi vào góc giường lại vơ bất cứ thứ gì để che mặt lại, từ giỏ xách đến chăn, mền... Chị Nguyễn Thị Nga - mẹ bé Trâm - thì thào dỗ dành con thì bỗng “bốp”, con bé điên loạn giáng vào mặt mẹ rồi hét toáng lên nhói óc, mắt nhìn trừng trừng rồi kêu ư ử...

Các y, bác sĩ đến chăm sóc, khám bệnh cho em, Trâm cũng vùng vẫy, trốn chui nhủi hoặc xông vào đánh, tát. Rồi em chui xuống gầm giường. Một tay cho lên miệng cắn, tay còn lại chống đất bò loanh quanh. Những lúc không kích động, Trâm ngồi thu mình, đưa hết tay phải rồi tay trái lên miệng cắn. Hai tay em đầy những vết răng cắn sâu. Tôi nhìn cảnh đó mà không cầm lòng nổi... Trâm cũng bằng tuổi con gái tôi.

7CUCORNJ.jpgPhóng to
...và trốn chui nhủi khi hoảng loạn. Rất đau lòng! - Ảnh: L.TH.H.
Chị Nga kể trưa 14-3, các bạn của bé Trâm đi học về ngang nhà nói với chị là bé Trâm đã ra khỏi lớp từ lúc hơn 8g. Không thấy con về, chị lo lắng chạy lên trường. Hỏi, thầy hiệu trưởng Lưu Văn Ca lạnh lùng bảo thầy tổng phụ trách Đội Lê Văn Xem đã đưa Trâm lên công an xã để làm rõ vụ mất quĩ lớp 47.800 đồng. Hơn 11g, bé Trâm về tới nhà trong trạng thái hoảng loạn: “Ba mẹ ơi cứu con với”. Vừa thấy mẹ, Trâm đã òa khóc nức nở và sau đó cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Mẹ cho con nghỉ học đi. Con không đi học đâu”. Chị Nga dỗ thế nào Trâm cũng không nín. An ủi, vỗ về mãi Trâm mới kể cho mẹ nghe...

Do nghi bé Trâm và bé Thư (học sinh lớp 5/2, là cháu một giáo viên ở Trường tiểu học An Hiệp 2) lấy 47.800 đồng quĩ lớp, thầy Xem đã đưa hai em lên Công an xã An Hiệp. Theo lời Trâm kể với mẹ, trên đường đi thầy Xem dừng xe mấy lần dọa hai em nếu không nhận thì lên công an xã sẽ bị tra tấn. Cả hai vẫn nói không lấy số tiền này.

Đến nơi, Trâm bị tách ra đưa vào một phòng riêng. “Trong phòng có hai chú công an (theo một nguồn tin là ông Lê Văn Thanh - anh ruột thầy Lê Văn Xem, và ông Võ Thanh Phương là trưởng và phó Công an xã An Hiệp - PV). Một chú cầm cây giống như cảnh sát đập đập lên bàn, một chú hỏi có lấy tiền không và đưa ra một tờ giấy bảo ghi lời khai”. Bé Trâm vẫn bảo không lấy.

Một chú công an khẳng định: “Nhìn nét chữ này là biết ngay nét chữ lấy tiền rồi”. Trâm vẫn không nhận, lại bị dọa tiếp: “Không nhận thì kêu người nhà đem cơm đi. Mày không nhận tao nhốt trong đó luôn, không cho cha mẹ mày lãnh”. Sau đó, thầy Xem bước vào phòng dọa tiếp: “Không nhận thì ban đêm bị nhốt trong tù, ban ngày đem ra phơi nắng”. Quá sợ hãi, Trâm đã nhận. Rồi Trâm nức nở với mẹ: “Con không có lấy. Con nói với mẹ rồi, con không lấy. Tiền đó có phần con đóng góp nữa mà. Con sợ lắm. Con nhận để được về với ba mẹ...”.

Đêm ấy, bé Trâm đã liên tục lảm nhảm kêu: “Con không lấy mà, mấy chú công an đừng có bắt con...”. Sáng ra, cứ nghe tiếng xe là Trâm lại hoảng sợ, chui vào góc nhà... Tình trạng kéo dài cho đến bốn ngày sau chị Nga mới đưa con đi khám bệnh. Dù đã hai lần lên Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM khám bệnh, uống thuốc nhưng bé Trâm vẫn không khá hơn. Mẹ bé Trâm chỉ còn biết nuốt nước mắt: “Cha nó không biết chữ, chỉ biết ký mỗi cái tên. Thấy con học giỏi, ổng cưng lắm, hi vọng vào nó nhiều lắm...”.

Tôi chẳng biết chia sẻ với mẹ và đứa con bất hạnh ấy như thế nào. Lòng tôi nặng trĩu. Chẳng biết tương lai của em sẽ ra sao. Có người phẫn nộ bảo phải xử lý những người lớn đã hành xử thô bạo với một đứa trẻ. Có thể, nhưng những người gián tiếp gây ra căn bệnh cho em dù có bị xử lý như thế nào, xử lý sớm hay muộn, thì với em không có ý nghĩa gì, bởi khó có thể giúp bé Trâm trở lại thành người bình thường sau chấn thương tâm lý nghiêm trọng này. Bé Trâm bây giờ không thể nhớ những gì mà các thầy, các anh công an đã đối xử với em, nhưng tôi tin chắc rằng lương tâm các thầy, các anh công an sẽ không thôi ám ảnh, day dứt bởi những hành xử thiếu trách nhiệm, lương tâm với một đứa trẻ chỉ mới hơn 10 tuổi đầu.

Ý kiến của bạn:

Chúng tôi phẫn nộ

Đồng cảm...

Cách đây 28 năm, tôi còn nhỏ lắm. Thời ấy việc đi xem phim vô cùng khó khăn, một giấy mời đi xem phim là một phần thưởng lớn. Hôm đó 4 chị em chúng tôi (đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa nhỏ nhất 10 tuổi) được một bác quen ba mẹ cho vé mời xem một bộ phim thiếu nhi tại rạp Khải Hoàn. Nhà chúng tôi ở Cao Thắng, Q.10, để đi xem chúng tôi phải đi xe buýt và bố mẹ tôi không đi cùng.

Trên chuyến xe buýt hôm ấy, một ông khách đứng cạnh em trai tôi tự nhiên níu lấy nó và kêu lên rằng em tôi móc túi ông. Ông ta lôi mấy chị em tôi vào công an phường, tôi còn nhớ là ở đường Bùi Thị Xuân. Cả bốn chị em tôi giải thích hết lời. Đã có địa chỉ nhà tôi, thay vì liên lạc với gia đình để tìm hiểu, các anh công an đã quát nạt và đập bàn trong suốt 3 giờ đồng hồ buộc chúng tôi nhận tội. Em tôi nhất quyết không nhận, cuối cùng họ cho chị em tôi về. Mấy chị em tôi không đến nỗi điên loạn, nhưng đó là câu chuyện không thể nào quên...

Không ngờ sau 28 năm lại tái diễn điều này. Đáng lên án là cả phía nhà trường cũng tiếp tay cho việc đau lòng này xảy ra. Trình độ yếu kém hay sự thờ ơ, vô cảm đã làm mất đi tình cảm giữa thầy và trò?

Đọc bài viết này tôi rất buồn. Không chỉ buồn cho em Trâm, cho gia đình em mà còn buồn cho cách ứng xử của những người mang trách nhiệm ươm mầm cho tương lai. Tôi cảm nhận rất rõ nỗi sợ hãi của em Trâm, chính tôi cũng đã từng phải trải qua một hoàn cảnh tương tự.

May mắn là lúc đó tôi lớn hơn em vài tuổi và lại là con trai. Tôi đã vượt qua cơn ác mộng đó bằng chính nỗ lực của mình. Tôi luôn tự nhủ rằng mình không có tội thì mình sẽ không sợ, nhưng thật sự tôi rất sợ. Đó là một nỗi sợ kinh khủng. Tôi không còn biết tin vào ai. Dưới ánh mắt của một đứa trẻ, tôi lạc vào tuyệt vọng. Lần đó tôi được cha mẹ khuyên giải rất nhiều, sự quan tâm của gia đình đã phần nào giúp tôi lấy lại thăng bằng và trở lại bình thường.

Qua vụ việc của bé Trâm nhắc người lớn chúng ta nên thận trọng trong cách hành xử, tránh tình trạng làm ức chế tâm lý của các em. Các em quá nhỏ để phải chịu đựng những cú sốc như vậy. Một lần nữa tôi rất mong các cơ quan chức năng và gia đình bé Trâm cố gắng giúp bé vượt qua nỗi sợ hãi. Tôi tin rồi tâm lý của em sẽ ổn định khi được mọi người và được xã hội quan tâm.

Trường hợp của em Trâm rất giống với tôi cách đây 15 năm. Hôm đó tôi đang chơi cùng các bạn bỗng có rất đông công an và du kích xã đến bắt, hăm dọa, đánh đập và bắt buộc tôi nhận tội đã xé tranh cổ động bầu cử. Tôi rất sợ hãi, không biết mình đã phạm tội gì nhưng họ cứ đập bàn, lấy còng và còng tay, hăm doạ nhốt cho muỗi cắn và không cho về nhà. Thế rồi tôi chỉ biết khai nhận là có xé giấy để được về. Suốt cả tháng trời tôi bị ám ảnh không dám đi ra đường, không dám gặp người lạ. Tôi đã vượt qua được nỗi sợ hãi đó nhưng nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi đến ngày hôm nay.

Với em Trâm hiện giờ, điều quan trọng nhất là làm sao để em trở lại bình thường. Điều quan trọng không kém là những người có liên quan phải chịu trách nhiệm về hành động không có lương tâm của mình, những người như "thầy Xem" có xứng đáng làm thầy Tổng phụ trách Đội hay không? Tôi mong rằng người lớn nên xem lại những hành động của mình, vì chỉ một sai lầm nhỏ của chúng ta cũng có thể gây nên tai họa...

... và phẫn nộ

"Thầy", tiếng gọi đó thiêng liêng đối với tôi biết bao thì sáng nay, tôi lại thấy đau nhói về nó bấy nhiêu khi đọc bài báo này... Trời ơi, 47.800đ. 47.800đ đã khiến cho một cô bé lớp 5 trở nên hoảng loạn. Một cô học trò ngoan giỏi 10 tuổi đầu, chỉ vì một sự hoài nghi của một người về 47.800đ bị mất, đã bị đàn áp về tinh thần đến nỗi trở thành người bệnh tâm thần. Mà người đó là ai? Một tên bất lương? Không! Một tên tội phạm? Không! Một thằng lưu manh đầu đường xó chợ? Cũng không! Đau lòng lắm... Một người thầy!

Tôi không đủ can đảm để đọc hết bài báo. Vừa đọc vài dòng... hai hình ảnh thương tâm đủ để tôi phải gấp tờ báo lại.

Thầy ơi! Sao lại thế này? Một tỉ, vài trăm triệu? Số tiền đó có thể đủ lớn để phải nhờ đến công an. Thế mà, 47.800đ đã khiến một người thầy lôi học trò mình đến đồn công an. 47.800đ làm thay đổi cuộc đời một con người. Lại còn những con người mang cán cân công lý trên vai mà hành xử ngược với luật pháp, dẫm dạp lên Quyền trẻ em trang trọng ghi trong Công ước quốc tế...

Đau quá! Tôi chợt ước. Ước sao người thầy đó đích thân đến nhà em, nhẹ nhàng từ tốn mà hỏi em, mà nói chuyện với gia đình em rằng em có lấy tiền hay không... Ước sao 47.800đ không khiến người ta phải mù quáng như thế. Và hơn thế, sâu thẳm trong tôi là ước sao người đó không phải là Thầy!

Thật không thể tin nổi là vì mất và nghi ngờ hai em học sinh lớp 5 lấy số tiền chưa đầy 50.000đ mà nhà trường đã "huy động" đến lực lượng công an xã, dùng cây đập lên bàn, bắt viết khẩu cung, đe dọa bắt nhốt và lại có một "thầy" phụ trách Đội tên Lê Văn Xem đã đe dọa "Không nhận thì ban đêm bị nhốt trong tù, ban ngày thì đem phơi nắng". Tất cả đã được đưa ra để đe dọa một bé gái 11 tuổi học lớp 5!

Em Trâm có đáng bị như thế không? Nếu muốn tìm xem ai đã lấy tiền quỹ thì nên làm việc này trong nhà trường, tại sao lại vì 47.800 đồng mà ép một bé gái đến mức tinh thần rối loạn?! Và tôi cũng không hiểu rõ tại sao lại có những công an, thầy phụ trách sẵn sàng đe dọa một đứa bé bằng tuổi con cháu mình mà không dùng lời lẽ êm dịu mà hỏi? Chuyện này phải được xử lý thật nghiêm túc để trả lại công bằng cho em Trâm.

Tôi đến cơ quan trong tâm trạng nặng trĩu bởi bài báo “Trách nhiệm và lương tâm” của tác giả Lê Thanh Hà mà tôi đọc trên chuyến xe buýt sáng nay. Bé Trâm đang trong tình trạng rối loạn tâm lý bởi cách hành xử thiếu lương tâm và trách nhiệm của các thầy giáo và cán bộ xã. Dư luận xã hội phẫn nộ, lên án hành động của những người lớn thiển cận, đồng thời cũng đặt câu hỏi về tư cách của những người có chức quyền này.

Báo chí từng phản ánh sự giảm sút về chất lượng giáo dục và học tập trong nhà trường, sự giảm sút về đạo đức, trong đó có lễ phép của học sinh. Nhưng thực tế cũng đã phản ánh ngay trong môi trường giáo dục, cũng có những người không đủ tư cách để dạy dỗ người khác. Dư luận vẫn còn đang phẫn nộ về vụ hai cô giáo ở tỉnh Hà Nam chỉ vì mục đích đánh tụt thành tích thi đua của trường bạn đã tự ý sửa kết quả thi của 11 học sinh trong khi làm nhiệm vụ coi thi chéo. Trường hợp bé Trâm lại còn đau lòng hơn: em bị chính thầy tổng phụ trách đội - những tấm gương mà em tiếp xúc hàng ngày - làm tổn thương bởi những cư xử thiếu chuẩn mực của một người làm công tác giáo dục.

Lâu nay chúng ta đã không chú ý đến một việc mà theo tôi nếu không quy định rõ ràng trong trường học thì những sự việc đáng tiếc như sự việc của em Trâm sẽ còn diễn ra, thậm chí còn tệ hơn nữa: đó là cần quy định khi nào giáo viên được đưa học sinh ra khỏi lớp và trường học, ai sẽ giám sát giáo viên đưa học sinh đi đâu và làm gì.

Một khi phụ huynh đem con em mình giao đến trường là họ tin tưởng tuyệt đối vào môi trường sư phạm sẽ bảo vệ con em họ, nhưng trong môi trường sư phạm hiện nay không ít giáo viên đã thoái hoá về tư cách đạo đức như trường hợp giám thị một trường học ở Đà Nẵng gạ tình nữ sinh. May mà học sinh này đã báo kịp thời cho gia đình, nếu không, không biết bây giờ học sinh ấy sẽ ra sao...

Tôi đã theo dõi vụ việc này ngay từ đầu và rất phẫn nộ với cách hành xử của người lớn trong chuyện này. Tôi đã nhiều đêm không ngủ khi nghĩ đến tình cảnh của bé. Nếu bé Trâm không khỏi (mong điều này không xảy ra) thì mấy người lớn đó đã làm hỏng cuộc sống của một con người. Tôi viết những dòng này cầu mong những người có kinh nghiệm là bác sĩ hoặc những nhà tâm lý học hãy ra tay cứu chữa cho cháu. Bên cạnh đó, tôi mong chính quyền tỉnh Đồng Tháp nghiêm trị những kẻ đã gây ra hậu quả thật đau đớn này.

Nhìn khuôn mặt của bé, tôi thật sự phẫn nộ. Pháp luật cần có những biện pháp thật mạnh để trừng trị những con người vô lương tâm, không thể để cho những con người như thế nắm giữ những chức vụ quan trọng. Rồi cuộc đời của em Trâm sẽ như thế nào, ba mẹ em sẽ sống ra sao khi mà em Trâm lại la niềm hãnh diện của gia đình.

Số tiền đó đâu phải là con số lớn, một thoáng nghi ngờ về một số tiền rất nhỏ đổi lấy cả cuộc đời của bé hay sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bé?

Đọc bài báo về bé Ngọc Trâm mà thấy thương tâm quá, chợt nghĩ nếu rơi vào trường hợp của con gái minh thì sẽ ra sao? Tôi không đề cập đến vấn đề lương tâm và trách nhiệm của những nguời được gọi là "có quyền thực thi pháp luật" (một vấn đề nhức nhối mà người dân gần đây đã nói đến rã lòng), không biết rồi họ có phải nhận một hình phạt nào không trước hậu quả đau lòng mà họ đã gây ra.

Tôi chỉ cảm thấy trăn trở rất nhiều về vấn đề kiến thức và trình độ xử lý một vấn đề của những người có thể được xem là có học thức trong xã hội (là thầy giáo phụ trách Đội, là những Công an Xã, là thầy Hiệu Trưởng trường .. trong trường hợp này), và băn khoăn liệu còn bao nhiêu người như vậy nữa trong xã hội này của chúng ta?... Không cần thiết tí nào để trả lời câu hỏi liệu bé Trâm có thực sự lấy cắp số tiền ấy hay không, mà chỉ cần biết rằng sẽ có rất nhiều đáp án cho cách xử lý vụ việc trên. Nấp sau mỗi cách xử lý hay sẽ đều để lại một bài học, không chỉ cho bé Trâm, mà còn cho các bạn cùng lớp, cùng trường .... Thật đáng tiếc và cũng thật đau lòng, mong rằng những người lớn khác sẽ dùng hết trách nhiệm và lương tâm của mình để giúp đỡ bé Trâm sớm hồi phục, mong lắm thay

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên