09/02/2007 05:57 GMT+7

"Thuyền trưởng" của đổi mới

QUANG THIỆN
QUANG THIỆN

TT - Các nhà nghiên cứu cho rằng đổi mới ở VN là sáng tạo từ cơ sở được tổng hợp và đúc kết thành đường lối vĩ mô. Và cố tổng bí thư Trường Chinh được xem như vị thuyền trưởng của đổi mới.

7DQFBmZE.jpgPhóng to

Đồng chí Trường Chính (bìa phải) thăm hỏi, chúc Tết và lắng nghe ý của CBCNV Nhà máy dệt Thành Công, nơi xé rào đột phá về công nghiệp - nhân dịp đồng chí vào thăm vào thăm và làm việc với TPHCM từ 16 đến 23-1-1985 - Ảnh N.C.T

TT - Các nhà nghiên cứu cho rằng đổi mới ở VN là sáng tạo từ cơ sở được tổng hợp và đúc kết thành đường lối vĩ mô. Và cố tổng bí thư Trường Chinh được xem như vị thuyền trưởng của đổi mới.

Cuộc cách mạng chính mình

Ông Trần Đức Nguyên nay đã tuổi thất thập chợt lanh lợi và sôi nổi khác thường khi ôm trong tay tập văn bản đánh máy giấy than tuy đã ố vàng. Ông nói đây là những bài phát biểu và văn bản mang tính quyết định nhất vận mệnh cuộc đổi mới ở VN do đồng chí Trường Chinh trình tại Bộ Chính trị, Ban bí thư hoặc Ban chấp hành T.Ư.

Nội dung đều nhằm thay đổi tư duy, chiến lược về phát triển kinh tế theo hướng: nhiều thành phần, thừa nhận giá thị trường, xóa bỏ chỉ tiêu kế hoạch, không đốt cháy giai đoạn, vận hành theo qui luật khách quan... Đây là nền tảng lý luận và quan điểm chính trị cho toàn bộ chủ trương lớn sau này: phát triển kinh tế thị trường... Điều đáng kinh ngạc là tác giả của tư tưởng này trước đó đã phê bình những quan điểm trên một cách nghiêm khắc.

Tiến sĩ Từ Thị Loan, phó Ban lý luận và lịch sử văn hóa (Viện VH-TT, Bộ Văn hóa) cho rằng: đồng chí Trường Chinh tiến hành công cuộc đổi mới với ba lĩnh vực quan trọng. Thứ nhất là đổi mới tư duy kinh tế. Từ nắm bắt thực tiễn, đổi mới quan niệm, nhận thức và bắt đầu cải cách từ phương thức quản lý. Thứ hai là đổi mới tư duy lý luận. Ông phản đối khuynh hướng chính trị hóa khoa học và khuyến cáo cần phải khoa học hóa chính trị. Và thứ ba là đổi mới tư duy chính trị, bắt đầu từ việc chỉnh đốn Đảng.

Ông Nguyên kể: Năm 1980, ông Lê Thanh Nghị (ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng) chỉ đạo ông chuẩn bị bài phát biểu về động lực phát triển sản xuất tại một hội nghị các tỉnh phía Nam. Nội dung: trước đây ta chỉ đặt lợi ích nhà nước lên hàng đầu. Nhưng nay đổi lại: sản xuất cần ba động lực lợi ích tương đương nhau: nhà nước, tập thể và cá nhân. Bài này được chuyển đến ông Trường Chinh. Bút đỏ của ông đã gạch đậm dưới dòng chữ “ba lợi ích” và đặt dấu chấm hỏi lớn...

Các nhà nghiên cứu, cộng sự và đồng chí của Trường Chinh đều nhận xét: ông là con người nghiêm cẩn, rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc. Trước những quan điểm “chệch hướng” trái đường lối như trên, ông thẳng thắn phê bình. Trong khi đó, đổi mới ở VN là “xé rào” và tưởng chừng ông sẽ là lực lượng bảo thủ... Nhưng không! Là nhà cách mạng luôn đặt quyền lợi của dân lên hàng đầu, trong ông đã có cuộc tự đổi mới tư duy. Từ một người phê “khoán”, cảnh giác “ba lợi ích” ông đã trở thành người đặt nền móng cho công cuộc đại cách mạng “xé rào” mang lại những thành quả hôm nay. Chính ông sau này đã “bật đèn xanh” cho khoán, ông giương cao ngọn cờ tiên phong về kinh tế nhiều thành phần, ủng hộ kinh tế tư nhân. Nhà cách mạng đã có cuộc cách mạng chính mình.

Người “thuyền trưởng” trong bão táp

kuxcOnuv.jpgPhóng to
Đồng chí Trường Chinh đọc báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI của Đảng - đại hội đánh dấu mốc sự nghiệp đổi mới. Ảnh tư liệu
Ông Đào Xuân Sâm, thành viên nhóm cố vấn của đồng chí Trường Chinh, nhớ: giữa năm 1986, cả nước thiếu đói trầm trọng. Các dự án kinh tế đầu tư khổng lồ đều không phát huy tác dụng. Nguyên vật liệu khan hiếm khiến các nhà máy sống thoi thóp. Lạm phát lên 300, 400, 500 và 700%... Lòng người từ trong đến ngoài Đảng, từ cơ sở đến trung ương hoang mang và loay hoay không biết lối ra. Tư tưởng chia hai hướng: xé rào để khắc phục khủng hoảng hoặc kiên định, triệt để áp dụng cơ chế kế hoạch, bao cấp. Tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn qua đời. Đại hội Đảng lần VI chỉ còn tính từng ngày. Thế nhưng báo cáo chính trị gửi xuống đơn vị, cơ sở bị phản đối dữ dội vì mọi quan điểm, đường lối vẫn không có gì mới. Tức là hướng thoát khủng hoảng vẫn mịt mờ... Đồng chí Trường Chinh lúc đó được Đảng giao tạm thời giữ chức TBT. Ông đi đến một quyết định táo bạo, quyết đoán chưa từng có: viết lại toàn bộ báo cáo chính trị theo quan điểm: quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối mới. Chấp nhận hi sinh, mất mát để khắc phục những hậu quả sai lầm.

Ông Trần Đức Nguyên nhớ: giữa lúc những lý luận CNXH trong phát triển kinh tế là kế hoạch tập trung, tự cung tự cấp, quốc doanh tập thể... đang là kim chỉ nam bất biến thì đồng chí Trường Chinh tổ chức hội nghị “Ba quan điểm”. Ba luận điểm quan trọng đi ngược lại đường lối cũ là: phát triển kinh tế nhiều thành phần (thay vì chỉ có quốc doanh và tập thể); chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư (tập trung làm hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng thay vì hàng công nghiệp; bỏ, hoãn các dự án lớn nhưng không hiệu quả...) và đổi mới quản lý (thay vì tập trung quan liêu bao cấp bằng tự chủ và cơ cấu mở). Hội nghị này trở thành “linh hồn” văn kiện Đại hội VI. Ông Đặng Việt Bích, con trai cố TBT Trường Chinh, nhớ: “Thời đó cha tôi chịu rất nhiều chỉ trích, chống đối, qui chụp của tư tưởng bảo thủ. Nhưng ông rất quyết đoán. Một buổi tối hai cha con ngồi xem tivi, một cán bộ Chính phủ xuất hiện bày tỏ quan điểm chống lại đổi mới. Ông nói ngay: phải thay vị trí này! Và lập tức ông thuyên chuyển công tác của vị đó, kèm theo hàng loạt nhân vật bảo thủ khác”. Tranh luận, thuyết phục và kể cả thuyên chuyển... là cuộc đấu tranh hết sức cam go, mạo hiểm. Nhưng người “thuyền trưởng” đó đã lái con thuyền đất nước thoát khỏi khủng hoảng nhập vào dòng chảy đổi mới.

Thực tiễn, lắng nghe và dũng cảm

Ông Bích kể: “Năm 1984, cha tôi nhận thấy đó là thời điểm bắt buộc phải có những quyết sách tháo gỡ khủng hoảng”. Các chuyến đi Hải Phòng, Tây nguyên, Quảng Nam - Đà Nẵng, ĐBSCL, Sơn La, Lâm Đồng... đã cho ông thấy rất nhiều màu sắc của sự thật đời sống hiện tại. Lắng nghe thực tiễn và lắng nghe các ý kiến chuyên gia, đồng sự là một phẩm chất tuyệt vời của ông.

TS Lê Văn Viện - thành viên nhóm cố vấn TBT - nói: “Lần đầu tiên gặp tôi, một cán bộ trẻ không nổi tiếng nhưng ông có thể ngồi nghe hàng giờ không hỏi một câu, chăm chú ghi chép, gạch chân, đánh dấu, sau đó mới hỏi lại”. Ông Nguyên nói: sự biết lắng nghe, cầu thị của ông đã thể hiện ở việc thành lập nhóm cố vấn cho riêng mình. Nhóm này là các trí thức, cán bộ có tư tưởng đổi mới, chuyên môn cao, kiến thức sâu rộng; gồm các ông Hà Nghiệp, Nguyễn Thiệu, Trần Đức Nguyên, Lê Văn Viện, Đào Xuân Sâm, Trần Nhâm, Võ Đại Lược, Dương Phú Hiệp... Nhóm này không có quyết định thành lập, không thù lao, không trụ sở riêng nhưng chỉ thảo luận về các vấn đề trọng đại của đất nước như một giá hay hai giá, kinh tế nhiều thành phần, quan điểm cơ cấu đầu tư... một cách dân chủ thoải mái nhất. Chủ đề được TBT nêu và anh em tranh luận. Nhóm có thể đưa ra những nhận định, đánh giá quan điểm trái ngược chủ trương, không sợ “phạm húy”. TBT chỉ ngồi lắng nghe và chăm chú ghi chép từng chi tiết.

Nếu như sau thời cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm nhận sai lầm của cá nhân thì đến năm 1986, với tư cách TBT, đồng chí đã thừa nhận những sai lầm trong đường lối của Đảng, thi hành của Chính phủ về lãnh đạo phát triển kinh tế. Tinh thần dũng cảm, không né tránh đó của nhà lãnh đạo thiên tài không chỉ góp phần làm nên thắng lợi của cuộc đổi mới 20 năm trước mà vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay...

“Cứng” nhưng đổi mới

Sau giải phóng, tôi làm chủ tịch Ủy ban nhân dân, bí thư Thành ủy TP.HCM. Khó khăn chồng chất, vướng mắc đủ bề, chúng tôi ngược xuôi mò mẫm đủ cách để tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Phạm Văn Đồng hay gọi đùa tôi là “chủ tịch gạo, chủ tịch heo”. Có đồng chí gán cho tôi cái tên “Tướng vượt rào”.

Mỗi năm vài lần tôi ra Hà Nội báo cáo công việc. Trong những cuộc hội nghị như vậy, không ít đồng chí không đồng tình với những giải pháp do thành phố đề xuất.

Đồng chí Trường Chinh thường lắng nghe rất chăm chú. Những câu hỏi, ánh mắt của đồng chí mách bảo tôi rằng đồng chí ý thức được có nhiều vấn đề mới mà thực tiễn đang đặt ra, dù có điều trái ngược với những gì vẫn được coi là đúng và chính thống từ trước tới nay.

Đối với chủ trương cải cách công thương nghiệp miền Nam, đồng chí Trường Chinh cũng không bộc lộ thái độ quyết liệt như một số đồng chí khác. Thái độ của đồng chí Trường Chinh khi đó động viên, khích lệ tôi rất nhiều vì tôi hiểu rằng đồng chí vốn là “cây lý luận” và là người hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc (ngay với vấn đề khoán nông nghiệp, dù đã quyết như đa số, đồng chí vẫn bảo lưu ý kiến không đồng tình của mình).

Lần nào vào TP.HCM, đồng chí cũng hỏi thăm, tìm hiểu những cơ sở đi đầu trong tháo gỡ khó khăn. Một kỳ hè, đồng chí tới Đà Lạt và cho tìm lãnh đạo các điển hình dệt, bột giặt, thuốc lá... của thành phố đến trình bày kỹ tình hình. Khi đó, tôi cảm nhận là đồng chí đã bắt trúng mạch, bước đầu dò ra con bệnh và đang suy ngẫm tìm thuốc trị. Cũng từ đó, dù đồng chí vẫn luôn nguyên tắc, nghiêm khắc như vậy, nhưng dường như tôi thấy đồng chí gần gũi hơn.

Năm 1982, tôi ra Hà Nội phụ trách Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Những lần Bộ Chính trị họp bàn về kinh tế, đồng chí Trường Chinh thường khuyến khích tôi phát biểu, và tôi thấy càng về sau đồng chí càng quan tâm tới những ý kiến khác nhau.

Đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh được Ban chấp hành Trung ương bầu làm tổng bí thư và bắt tay chuẩn bị Đại hội VI. Phải nói rằng, vào thời điểm đó, chỉ có đồng chí Trường Chinh với hiểu biết sâu sắc về lý luận và hình ảnh một đồng chí hết sức nguyên tắc, có phần cứng theo kiểu chính thống mới có thể chỉ đạo thành công Đại hội VI - đại hội của đổi mới.

Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả” - nói chính xác hơn là chủ biên của đổi mới - lại là một người được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh. Tôi hiểu rằng đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía, và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi sự việc và theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, đủ cơ sở.

Võ Văn Kiệt (trích từ tài liệu tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố TBT Trường Chinh)

QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên