10/01/2006 10:32 GMT+7

Quảng Ninh: Tàu 4 vạn tấn không thể vào cảng Cái Lân

ĐỖ HỮU LỰC
ĐỖ HỮU LỰC

TTO - Sau gần ba năm xây dựng, dự án mở rộng cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2004 với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng (vốn ODA của chính phủ Nhật Bản.

Ud3wJD4p.jpgPhóng to
Tàu 4 vạn tấn không vào được cảng Cái Lân. Ảnh chụp vào lúc 15 giờ ngày 7-1-2006 tại Cửa Lục, đoạn bị “thắt nghẽn” - Đỗ Hữu Lực
TTO - Sau gần ba năm xây dựng, dự án mở rộng cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2004 với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng (vốn ODA của chính phủ Nhật Bản.

Theo thiết kế dự án xây dựng và mở rộng cảng Cái Lân - cảng nước sâu nhất miền Bắc giai đoạn 1, cảng gồm có ba cầu tàu 5,6,7 với tổng chiều dài 680m có thể tiếp nhận cho các tàu 4 vạn tấn cập cảng. Thế nhưng từ ngày cảng đi vào hoạt động, các tàu 4 vạn tấn không cập cảng nổi vì luồng lạch chưa thông!

Mỗi năm lãng phí trên chục triệu USD

Với tâm trạng bức xúc, giám đốc cảng Quảng Ninh Vũ Khắc Từ cho hay: “Nếu tàu 4 vạn tấn cập cảng Cái Lân sẽ bớt chi phí của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do các tàu 4 vạn tấn không vào cảng được nên phải dùng biện pháp chuyển tải bằng tàu 1,5 vạn tấn nên chi phí “đội lên” 7 USD/ một tấn hàng. Năm qua, ước khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng, ước tính lãng phí khoảng 10,5 triệu USD!”

“Vì sao tàu 4 vạn tấn không thể cập cảng Cái Lân?” - Trả lời câu hỏi chúng tôi, giám đốc Từ cho biết: “ Do đoạn luồng dài gần 50 km từ phao số 0 vào cầu bến có một đoạn khoảng 7,5km từ Hòn Một đến Cửa Lục đã bị “thắt nghẽn”. Trong khi các đoạn khác đều có độ sâu từ 10m-30m và rộng 130m để tàu 4 vạn tấn dễ dàng đi qua, thì đoạn luồng này chỉ sâu 8,1m và rộng 80m, “bịt” không cho tàu 4 vạn tấn đi qua. Nếu muốn đi qua phải chờ thủy triều dâng lên với mức cao nhất thì tàu mới vào được, nhưng thời gian chờ con nước dâng cao có khi đến 4, 5 ngày mà nhiều khi không có cho nên các tàu lớn buộc phải dùng biện pháp chuyền tải.

Ông Từ cho rằng, đoạn “thắt nghẽn” bị cạn do nguyên nhân từ những luồng bùn đổ về tích tụ lâu năm. Bên cạnh đó, các dự án lấn biển, việc chuyền tải than… trên vịnh Hạ Long cũng góp phần đáng kể cho đoạn luồng này đã thắt nghẽn lại càng ngày càng được bồi dày thêm!

Chưa đầu tư nạo vét luồng lạch

iUTiMNyN.jpgPhóng to
Tàu 4 vạn tấn không vào được cảng Cái Lân “ăn than” nên phải áp dụng biện pháp chuyền tải bằng các tàu nhỏ. Ảnh: Đỗ Hữu Lực
Theo giám đốc cảng Quảng Ninh Vũ Khắc Từ, dự án xây dựng mở rộng cảng Cái Lân giai đoạn 1 do Cục hàng hải VN làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ODA như đã nêu ở trên. Khi dự án hoàn thành đã bàn giao cho cảng Quảng Ninh quản lý, khai thác theo phương thức “Nhà nước cho thuê hạ tầng cảng biển”.

Về khai thác cảng Cái Lân, cảng Quảng Ninh đã phát huy tốt lợi thế của cảng nước sâu, trong năm qua đã có hơn 2 triệu tấn hàng được thông qua, trong đó hàng container là 118.000 teus; gấp ba lần so với năm 2004. Đáng lẽ cảng Cái Lân còn có thể vượt năng suất nhiều hơn nữa nhưng do luồng lạch hẹp, những tàu lớn của các châu lục đến Quảng Ninh đều ngập ngừng.

“Ngay từ khi thiết kế xây dựng và mở rộng cảng Cái Lân, luồng cảng cũng được ghi vào danh mục đầu tư nhưng phía chính phủ Nhật Bản không đồng ý, do vậy việc nạo vét luồng cảng sẽ dùng tiền ngân sách” - ông Từ nói.

Theo thiết kế, đoạn luồng bị thắt nghẽn từ Hòn Một đến Cửa Lục cần kinh phí khoảng 280 tỉ VNĐ. “Về vấn đề này, cảng Quảng Ninh và UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển vọng gì” - ông Từ cho biết.

Cảng Cái Lân có vị trí hết sức quan trọng trong tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, chính vì vậy sản lượng hàng hóa thông qua cảng Cái Lân trong những năm qua luôn có mức gia tăng lớn.

Dự báo đến năm 2010, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 10 triệu tấn/năm, đó là chưa kể đến việc khai thác tuyến hàng từ Vân Nam (Trung Quốc) khi tuyến đường sắt Vân Nam - Lạng Sơn - Cái Lân hoàn thành.

Do vậy, việc ưu tiên đầu tư nạo vét luồng lạch để những tàu 4 vạn tấn và trên 4 vạn tấn cập cảng Cái Lân là việc khẩn thiết cần làm ngay để góp phần giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên