25/04/2014 00:01 GMT+7

Chưa có sự thay đổi về độc lực của virus sởi

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Không có sự thay đổi nào về độc lực của virus sởi. Ở miền Bắc vẫn là chủng virus H1, miền Nam là chủng D8.

Tại hội nghị tập huấn tăng cường công tác điều trị sởi và phân tích các nguyên nhân bệnh nhân tử vong vì sởi do Bộ Y tế tổ chức mới đây, một số chuyên gia y tế cho rằng, một đặc điểm bất thường của dịch bệnh sởi năm nay là virus sởi tấn công thẳng và mạnh vào phổi. Virus có thể làm suy giảm miễn dịch trầm trọng và có thể tấn công ngay từ những ngày đầu hoặc sau 2-3 tuần phát bệnh.

Lúc này, miễn dịch của trẻ bị suy giảm mạnh, thậm chí có trẻ đã điều trị khỏi bệnh sởi, ra viện nhưng sau 1 - 2 tuần lại phải nhập viện trở lại vì viêm phổi. Một điều nữa là các năm trước đây, mặc dù nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng... nhưng năm nay dịch sởi diễn biến hơi khác thường khi có nhiều ca mắc sởi bị biến chứng viêm phổi rất nặng. Dù các bác sĩ đã điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn không tiến triển.

Trước những thông tin trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, đến nay chưa phát hiện có biến đổi gene và các tuýp sởi lưu hành tại Việt Nam. Ông Kính khẳng định, không có sự thay đổi nào về độc lực của virus sởi. Ở miền Bắc vẫn là chủng virus H1, miền Nam là chủng D8.

Đối với các trường hợp bị biến chứng như trên là do trẻ bị trùng lặp ngẫu nhiên giữa sởi với các bệnh đường hô hấp do các vi khuẩn và virus khác tấn công, từ đó làm tăng nguy cơ tử vong trên trẻ mắc sởi. PGS.TS Nguyễn Văn Kính lo ngại “Có thể do việc nhiễm vi khuẩn đa kháng sinh tại bệnh viện, khiến “vũ khí” kháng sinh bị vô hiệu hóa, không thể cứu chữa cho trẻ”.

tz3eavL4.jpg

Để đối phó với sự suy giảm miễn dịch nhanh chóng, đồng nhiễm nhiều virus một cách bất thường của bệnh nhi mắc sởi, ông Kính cho biết, hội đồng chuyên môn phòng chống dịch đã họp bàn và bổ sung phác đồ điều trị bệnh sởi cho phù hợp. Đó là sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch cho trẻ mắc sởi khi trẻ có các biểu hiện suy hô hấp, nhằm “vực” nhanh sức đề kháng của trẻ.

Các bác sĩ điều trị bệnh sởi cho trẻ cần phải luôn theo dõi liên tục diễn biến bất thường của trẻ, kịp thời cho trẻ thở máy đúng thời điểm. Đối với các bậc phụ huynh, sau khi con trẻ bị sởi, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là đủ nước và chất đạm. Đồng thời, cha mẹ cũng cần phải để ý những biểu hiện bất thường ở trẻ sau khi mắc sởi như khó thở, ho, sốt… để đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế, để được khám và điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia, đến nay tiêm vaccine phòng sởi vẫn là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn nhất. Nó không chỉ có lợi cho cá nhân người được tiêm, mà còn cho cả cộng đồng.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên