09/02/2014 08:21 GMT+7

Lưu giữ lễ hội để bảo vệ bản sắc

Nghệ sĩ GEORGE BURCHETT (*) - H.GIANG ghi
Nghệ sĩ GEORGE BURCHETT (*) - H.GIANG ghi

TT - Tôi hiện đang sống ở làng Yên Phụ (Hà Nội). Đó là một nơi vẫn còn giữ những nếp sinh hoạt làng, cộng đồng truyền thống.

Ở đây mọi người sống với nhau như một gia đình mở rộng. Người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được cảm xúc ấm áp và sự liên hệ, gắn kết với nhau chứ không như ở nhiều thành phố lớn khác trên thế giới với phần lớn mọi người chỉ sống trong căn hộ hay ngôi nhà của riêng mình rồi xem tivi và đang đánh mất dần mối gắn kết gia đình, làng xóm.

gifv9dFV.jpgPhóng to
Nhiều người hứng nước thạch nhũ để cầu may ở động Hương Tích tại lễ hội chùa Hương 2014 - Ảnh: Tiến Thành

"Tôi biết có một số ý kiến cho rằng cần phải chú trọng khâu tổ chức hơn. Điều đó có thể là cần thiết, nhưng chúng ta phải thận trọng để sao cho không biến các lễ hội dân gian mang tính tự nhiên và truyền thống thành các buổi trình diễn cho du khách xem. Bởi vì khi đó ý nghĩa và sức hút của lễ hội đó sẽ không còn, bản sắc của địa phương và của từng dân tộc cũng dần phai nhạt"

George Burchett

Mỗi năm người VN ở khắp nơi trên cả nước tổ chức hàng ngàn lễ hội dân gian. Ở làng Yên Phụ cũng có lễ hội riêng. Điều này gần như không còn diễn ra nhiều như vậy ở các nước phương Tây hiện đại khi người dân sống ngày càng xa cách nhau hơn. Tết Nguyên đán của người Việt chính là dịp lễ hội quan trọng để mọi người củng cố mối gắn kết trong gia đình, bè bạn với nhau, để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn tổ tiên. Tôi thấy người lớn, trẻ con đều đóng bộ thật đẹp để thăm nhau trong những ngày đầu năm mới. Đó là một truyền thống đẹp đẽ.

Tôi từng có dịp tình cờ tham dự lễ hội cầu mưa của người Lô Lô, lễ hội đua ngựa của người Mông ở Hà Giang và đến đền Ba Vua (Tam Cốc, Ninh Bình)... Điều tôi cảm nhận từ các lễ hội ấy là các bạn có một nền văn hóa dân gian vô cùng giàu có và phong phú. Các lễ hội chính là cách người dân ở những vùng khác nhau kỷ niệm và tôn vinh văn hóa của mình.

Nhiều nét văn hóa Việt nổi tiếng với bạn bè thế giới lại có nguồn gốc từ chính các lễ hội dân gian, truyền đời như vậy, ví dụ như múa rối nước. Bản thân tôi không phải là người nghiên cứu về tôn giáo nên tôi nhìn những lễ hội này dưới con mắt văn hóa. Tôi rất thích tham gia các ngày lễ ở chùa chiền vì vừa có thể tìm hiểu về kiến trúc đền chùa, mặt khác giúp tôi cảm nhận được mối liên hệ của mọi người với nhau, của mọi người với cội nguồn tinh thần, với ông cha và giúp chính tôi hình thành sợi dây liên kết với những người khác...

L9V6v3qB.jpg
Nghệ sĩ George Burchett
Tôi biết có một số người thường cầu tiền tài một cách thái quá như rải tiền lẻ khắp nơi, nhét tiền cả vào tay thần thánh. Báo chí VN cũng phản ánh chuyện người dân nhét tiền lẻ ở mọi nơi trong đền chùa, thắng cảnh... và đa số người Việt không đồng tình với điều đó. Tôi nghĩ tự thân điều ấy cũng cho thấy những hành vi không đẹp ở lễ hội đang bị lên án. Hi vọng rằng cùng với thời gian và ý thức của từng người, những lễ hội đó sẽ dần loại bỏ được những điều chướng tai gai mắt. Điều quan trọng là tất cả chúng ta - không riêng gì chính quyền - phải có ý thức trân trọng giá trị tinh thần và truyền thống của lễ hội. Lễ hội phải là tài sản chung của mọi người.

Tôi có nghe thấy một số thông tin về tình trạng quá tải, móc túi... trong các lễ hội lớn. Nhưng khách quan mà nói, chuyện này không chỉ xảy ra ở VN. Một số nước như Ý, Tây Ban Nha còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống và ở đó cũng không tránh khỏi những điều như các bạn đang gặp phải. Mặc dù có những chuyện không hay như vậy nhưng tôi cho rằng đó không phải là văn hóa của người Việt, không mang tính phổ biến và đặc trưng. Điều quan trọng là chúng ta giữ sao cho các lễ hội thể hiện và củng cố bản sắc, giúp con người hiện đại kết nối được với quá khứ và truyền thống, đồng thời tạo không khí vui tươi và tưng bừng để mọi người cùng được thưởng thức cả phần lễ lẫn phần hội một cách trọn vẹn.

Ông Philippe Bouler (nhà sản xuất nghệ thuật người Pháp):

Lễ hội truyền thống ngày càng bị thương mại hóa

Tôi đã có 15 năm gắn bó với việc tổ chức Festival Huế. Tôi thấy việc các lễ hội truyền thống ngày càng bị thương mại hóa không chỉ diễn ra ở VN. Chẳng hạn ở phương Tây, lễ Giáng sinh ngày càng bị biến thành một sô diễn thương mại khổng lồ trong khi gốc gác của nó là một ngày lễ tôn giáo. Điều chúng ta cần lưu ý ở những lễ hội này là các gia đình nghèo và trẻ em các nơi phải cùng được tận hưởng những lễ hội đó như những người có điều kiện vật chất tốt hơn và các lễ hội phải giữ được đúng ý nghĩa tinh thần sâu sắc như vốn có.

Tôi có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm hơn với các lễ hội nghệ thuật. Bởi thế, khi nghĩ tới các lễ hội ở VN, điều đầu tiên hiện lên trong trí óc tôi chính là những tháng ngày tổ chức Festival Huế lần đầu vào năm 1999 để chuẩn bị cho festival đầu tiên diễn ra năm 2000. Một lễ hội quy mô như vậy, lại diễn ra ở một thành phố cỡ như Huế, có tác động rất sâu sắc đến người dân cũng như kinh tế thành phố. Nó có vai trò như một yếu tố gắn kết người dân. Để làm được điều đó, chúng tôi phải dự tính hàng chục thông số khác nhau như tính nghệ thuật, kỹ thuật, ngân sách, hậu cần, lễ tân, đi lại, đỗ xe, quan hệ công chúng, bán vé, truyền thông, tài trợ... và đòi hỏi phải lập kế hoạch rất kỹ lưỡng. Nhưng tôi nghĩ rằng đôi lúc chúng ta quên mất mục đích của một lễ hội nghệ thuật là để gặp gỡ nghệ sĩ và khán giả. Việc gặp gỡ, giao lưu với nhau mới chính là điều thiết yếu trong các lễ hội như vậy.

(* ) George Burchett là con trai của cố nhà báo Wilfred Burchett người Úc, một trong những phóng viên phương Tây có mặt đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc. Từ năm 2011, George Burchett cùng vợ chuyển hẳn về Hà Nội - nơi ông ra đời năm 1955 - để sinh sống và sáng tác.

Nghệ sĩ GEORGE BURCHETT (*) - H.GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên