Tiếng Anh sẽ theo học sinh đi suốt cuộc đời
Phóng to |
Nhóm học sinh, sinh viên ở TP.HCM trao đổi với người nước ngoài tại công viên 23-9 vào những ngày cuối tuần. Đây là dịp để các bạn trau dồi kỹ năng nghe, nói - Ảnh: Như Hùng |
"Khi cần mẫn điền từ vào chỗ trống, đánh dấu tích vào ô trắc nghiệm... học sinh ngày càng rời xa mục đích chủ yếu của việc học ngoại ngữ là giao tiếp" Janak Vadgama |
Tôi có thể hiểu tại sao nhiều người lo ngại nếu không đưa môn ngoại ngữ vào thi chính thức sẽ không khuyến khích học sinh cải thiện trình độ ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề như vậy thì chúng ta mới chỉ nhìn đỉnh của tảng băng. Hãy thành thật với nhau: với cách dạy và học tiếng Anh (tôi xin lấy ví dụ môn tiếng Anh cho dễ) như hiện nay, việc đưa ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc hay khuyến khích đều không có gì khác nhau lắm.
Chúng ta đều biết tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu cho thương mại, đầu tư, giao tiếp, nghệ thuật... Trong khi đó tại Việt Nam, tôi không phải là người duy nhất nhận ra rằng nhiều bạn rất giỏi làm các bài tập trắc nghiệm khi đi thi tiếng Anh, nhưng lại không thể giao tiếp hiệu quả với những người nói tiếng Anh trên thế giới. Tôi cũng nhiều lần thấy báo chí trong nước phản ánh các công ty thường phàn nàn nhân viên của họ thiếu các kỹ năng mềm và gần như phải đào tạo lại từ đầu. Chuyện này không chỉ liên quan đến tiếng Anh mà là toàn bộ hệ thống giáo dục.
Để biến tiếng Anh trở thành một công cụ hữu ích, hiệu quả cho thanh niên Việt Nam nhằm giúp họ hội nhập và cạnh tranh, tôi nghĩ cần đồng thời làm một số việc liên quan đến cách thức dạy tiếng Anh trong trường học và cách thiết kế các bài kiểm tra tiếng Anh. Khi cần mẫn điền từ vào chỗ trống, đánh dấu tích vào ô trắc nghiệm..., học sinh ngày càng rời xa mục đích chủ yếu của việc học ngoại ngữ là giao tiếp. Cách dạy và thi tiếng Anh trong nhà trường khiến nhiều học sinh không biết cách biểu đạt bản thân, giải thích suy nghĩ của họ. Tôi đã gặp nhiều học sinh như vậy ở đất nước các bạn. Báo chí Việt Nam đưa tin lãnh đạo ngành giáo dục nói việc dạy ngoại ngữ sẽ thay đổi theo hướng nhấn mạnh kỹ năng giao tiếp. Đó thật sự là tin tốt lành và tôi mong điều này sẽ sớm thành hiện thực.
Tiếp theo, việc dạy học tiếng Anh phải tạo ra được động lực cho học sinh. Các em phải thấy mối liên hệ khi học. Ví dụ: nhờ việc hiểu tiếng Anh, các em có thể xem phim, nghe nhạc hay đào bới Internet; bằng cách biểu đạt bản thân tốt hơn bằng tiếng Anh, các em có thể được điểm thi IELTS cao hơn và nhờ đó nâng cao cơ hội tìm việc làm tốt hoặc học bổng nước ngoài. Động lực cũng có thể được tạo ra nhờ không khí tham gia học hành sôi nổi trong lớp. Các bài học tiếng Anh phải là các hoạt động, chứ không phải người học ngồi một chỗ gắng học thuộc lòng các cụm từ.
Tôi hi vọng được thấy học sinh ở nông thôn, những vùng nghèo hơn có thêm cơ hội được học ít nhất một ngoại ngữ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bất kể đấy là tiếng Anh, tiếng Nhật hay tiếng Đức... Hiện nay chỉ có các bậc phụ huynh nhiều tiền hơn mới có thể cho con em học thêm ngoại ngữ ở các trung tâm đắt tiền hay thuê giáo viên dạy riêng. Nếu ngoại ngữ được dạy hiệu quả hơn trong trường học thì học sinh nghèo cũng có cơ hội bình đẳng hơn so với các bạn học giàu có.
Châu Á nỗ lực cải thiện tiếng Anh cho học sinh, sinh viên Tháng 12-2013, Nhật Bản đã bắt đầu chương trình cải cách việc dạy và học tiếng Anh trong trường học. Theo đó, các giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp THCS phải có khả năng đứng lớp bằng tiếng Anh và được kiểm tra trình độ định kỳ. Đồng thời Nhật Bản sẽ đưa thêm giáo viên trợ giảng vào các lớp học từ cấp tiểu học tới THPT. Các bài giảng sẽ chú trọng hơn tới phần nói và nghe. Mục tiêu là giúp học sinh có trình độ tiếng Anh để có thể hiểu được các khái niệm trừu tượng của nhiều chủ đề khác nhau và trao đổi được với người nói tiếng Anh ở mức thuần thục. Hàn Quốc cũng thay đổi giáo trình theo hướng chú trọng hơn tới các kỹ năng nói, nghe thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp. Các trường đại học yêu cầu tất cả sinh viên năm 1 phải tham gia lớp hội thoại tiếng Anh. Theo xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh của Tổ chức Education First, tại châu Á trong vòng năm năm (từ năm 2007 đến hết 2012) các nước như Indonesia và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách. Trình độ tiếng Anh của người lớn ở châu Á trong giai đoạn này được xếp hạng theo thứ tự giảm dần: Malaysia, Singapore, Ấn Độ, đặc khu hành chính Hong Kong, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan. H.G. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận