08/05/2011 02:30 GMT+7

Còn nhiều người tốt trên đường

BRIAN LETWIN (người Mỹ, biên tập viên báo điện tử tiếng Anh) - PHƯƠNG THÙY ghi
BRIAN LETWIN (người Mỹ, biên tập viên báo điện tử tiếng Anh) - PHƯƠNG THÙY ghi

TT - Tôi là một người Mỹ đến từ New York, nơi tôi làm miệt mài hơn mười giờ mỗi ngày trong một tập đoàn quảng cáo. Sau năm năm chìm đắm trong công việc, tôi muốn kiếm tìm một nơi mà nhịp sống chậm rãi hơn, con người dành sự quan tâm đến nhau hơn và VN là một lựa chọn lý tưởng. Tôi đến TP.HCM năm ngoái và nhanh chóng yêu quý sự thân thiện của con người nơi đây, từ bạn bè, đồng nghiệp đến những người tôi không quen biết.

Sống ở đô thị lớn khó mà tránh khỏi những tệ nạn như rải đinh, cướp giật, lừa gạt trên đường. Tuy nhiên, có trải qua những tình huống khó khăn nhất mới nhận ra ngoài những kẻ gian lợi dụng cơ hội để trục lợi thì còn có nhiều “Lục Vân Tiên” sẵn sàng ra tay giúp đỡ người hoạn nạn trên đường.

Đơn cử là vài tuần trước, khi đang lái xe trên đường thì bánh xe tôi cán phải đinh. Vì là lần đầu tiên nên tôi không biết xử lý thế nào. Hoang mang, tôi dắt xe trên đường, băng qua các ngã tư và cố tìm một chỗ sửa xe một cách vô vọng. Bỗng dưng có một thanh niên đến nói chuyện và ngỏ lời đẩy xe giúp.

Ban đầu tôi hơi lo ngại nhưng sự nhiệt tình của anh ấy làm tôi không thể từ chối. Không chỉ giúp đẩy xe, anh còn chỉ cho tôi đường gần nhất đến tiệm sửa xe. Tôi cứ nghĩ hôm ấy mình may mắn gặp người tốt giúp đỡ. Nhưng đến khi bị bể lốp xe lần thứ hai trong tuần tôi vẫn được một người xa lạ khác giúp đỡ. Tôi bắt đầu suy nghĩ về sự tương trợ lẫn nhau của những người không quen biết.

Tôi chợt nhớ đến những lần do không rành đường sá đã bị lạc ở những ngõ cụt, hẻm hóc hay những con đường một chiều. Những lúc ấy tôi thường dừng lại để hỏi thăm bác xe ôm hay người đậu xe kế bên tôi ở các trục giao thông. Những gì tôi nhận được là sự chỉ dẫn tận tường. Không những thế, có những người không quen biết còn đi kè theo để dẫn đường cho tôi đến nơi an toàn.

Thêm nữa, khi mới đến tôi cũng nhiều lần ngạc nhiên khi thấy một người lái xe chạy gần một người khác, í ới nói gì rồi phóng đi mất. Sau tôi hỏi bạn người Việt mới biết là họ nhắc nhở nhau gạt chân chống xe hay bật đèn vào ban đêm. Tôi bất ngờ vì mọi người làm một cách tự nhiên, cứ như đã trở thành thói quen trên đường.

Khi hỏi bạn bè đã từng được người lạ giúp đỡ chưa, tôi đều đón nhận những cái gật đầu. Trường hợp lạ nhất tôi từng nghe là một nhóm bạn đi chơi và ăn tại một quán nhỏ bán món Huế. Sau khi ăn xong và rời quán, bạn tôi chợt nhận ra ví tiền của mình đã rơi ở đâu mất. Anh cùng nhóm bạn trở lại quán ăn ấy tìm nhưng không thấy đành lủi thủi ra về. Bác chủ quán thương tình liền gửi anh ít tiền xem như lộ phí. Vì có bạn bè theo cùng, anh từ chối nhận tiền nhưng rất xúc động vì tấm lòng của người chủ quán mà anh mới đến lần đầu tiên.

Những tình huống trên đã làm tôi cảm thấy như ở nhà dù tôi đến VN chưa đầy một năm. Tôi nghĩ ít có nền văn hóa mà con người bước ra khỏi vùng an toàn của mình và không ngại ngùng chìa một bàn tay để giúp đỡ người xa lạ như thế. Ở Mỹ, mọi người cũng giúp đỡ lẫn nhau nhưng còn dè dặt và chỉ khi được nhờ đến. Có lẽ tình cộng đồng ở VN vẫn còn tồn tại từ xa xưa và mọi người ít e dè, lo ngại khi tiếp xúc với nhau, thậm chí là những người không quen biết. VN đang phát triển kinh tế nhưng tôi hi vọng những giá trị văn hóa lâu đời này sẽ không mai một.

BRIAN LETWIN (người Mỹ, biên tập viên báo điện tử tiếng Anh) - PHƯƠNG THÙY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên