19/04/2014 07:00 GMT+7

Hơn 60 năm không giấy tờ tùy thân

VŨ HẢI ĐĂNG (hiện ngụ tại H.Bình Chánh, TP.HCM) - GIA MINH ghi
VŨ HẢI ĐĂNG (hiện ngụ tại H.Bình Chánh, TP.HCM) - GIA MINH ghi

TT - Tôi sinh năm 1949 tại xã Phú Lão, H.Lạc Thủy, Hòa Bình. Thời điểm này đang trong thời chiến tranh chống Pháp nên không làm được giấy khai sinh. Tới nay tôi vẫn không có một giấy tờ gì chứng minh tôi là ai.

QYIO5CyS.jpg
Ông Đăng với tập hồ sơ xác nhận nhân thân để thực hiện ước mơ cuối đời - Ảnh: G.Minh

Thời đi học, tôi chỉ có tên gọi Vũ Hải Đăng. Năm 1969, tôi đang đi làm thủy lợi, nghỉ phép về nhà thì đúng dịp tuyển quân. Dù thuộc diện được hoãn nghĩa vụ quân sự (làm thủy lợi thì được hoãn nghĩa vụ quân sự 3 năm), nhưng tôi chủ động xin khám tuyển nghĩa vụ quân sự để được tòng quân vào Nam chiến đấu. Tôi đã trải qua nhiều đơn vị, tham gia nhiều trận đánh, nhiều lần bị thương trước khi được bổ sung vào một đơn vị thuộc Quân đoàn 4 - đơn vị cuối cùng trước khi xuất ngũ.

Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, tôi là cán bộ quân quản tại Q.8, TP.HCM. Thời gian này tôi gặp và chung sống với vợ tôi (nhà ở đường Nguyễn Duy, P.2, Q.8), rồi rời quân ngũ. Do những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, điều kiện kinh tế khó khăn và đường sá xa xôi, tôi đã không về quê nhập hộ khẩu, làm các thủ tục để hưởng chế độ thương binh.

Cuối những năm 1980, ba vợ tôi mất, nhiều biến cố xảy ra khiến điều kiện kinh tế gia đình khó khăn hơn nữa. Chúng tôi phải bán căn nhà của gia đình vợ, bắt đầu cuộc sống lang thang nay đây mai đó, khi thì ở nhà trọ, lúc phải vạ vật ngoài đường. Đầu năm 2000, tôi được một người cháu thương tình bán rẻ cho miếng đất tại ấp 1, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh và về đây sống tới nay, nhưng miếng đất này nằm trong khu quy hoạch, tới nay cũng chưa được cấp số nhà hay giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Suốt từ năm 1979, tôi làm thợ sửa xe đạp ở ven đường Tháp Mười (P.2, Q.6, TP.HCM). Càng về sau này, xe đạp ít đi thì cuộc mưu sinh càng khó khăn hơn. Nhiều năm trôi qua, có những đêm nằm không ngủ được vì nghĩ về cuộc sống khó khăn, số phận “vô danh” từ khi lọt lòng tới lúc bạc đầu, gần đất xa trời mà không có một miếng giấy tùy thân để chứng minh bản thân mình là ai. Tủi phận mình, tôi quyết định lặn lội về quê, về lại đơn vị cũ để xin xác nhận nhân thân của mình. Chính quyền quê tôi đã xác nhận nguồn gốc bản thân tôi cùng thân nhân gia đình tôi hiện còn ở quê, lãnh đạo đơn vị cũ của tôi cũng xác nhận cho tôi. Tuy nhiên, về địa phương tôi đang sống thì không có cơ sở gì để tôi có thể nhập hộ khẩu vì nhà tôi không có giấy chủ quyền, hộ khẩu của vợ, con tôi thì ở Q.8, mà ở đó nhà đã bán, làm sao nhập hộ khẩu được? Không nhập được hộ khẩu, làm sao tôi làm được chứng minh nhân dân cho mình?

Tôi chỉ ước mong làm được giấy tờ tùy thân cho mình, được hưởng chút tiếng thơm đã cống hiến cho đất nước trong những năm tháng chiến tranh để không chạnh lòng khi nhắm mắt xuôi tay.

Ông Đăng có thể được cấp hộ khẩu

Trao đổi với Tuổi Trẻ về trường hợp của ông Đăng, thượng tá Cao Văn Đen, phó trưởng phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, cho biết: Theo quy định, ông Đăng có thể được cấp hộ khẩu theo con. Dù các con ông Đăng không có nhà, nhưng trường hợp này có thể xin với chủ nhà hiện tại của ngôi nhà gia đình vợ ông Đăng đã bán chấp thuận cho ông Đăng nhập hộ khẩu theo hộ khẩu cũ. Ông Đăng và vợ không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nhưng theo trình bày thì giấy khai sinh của các con ông có ghi tên ông Đăng là cha, do đó có thể nhập hộ khẩu theo diện nhập khẩu theo con, hồ sơ nộp tại Công an Q.8 để được giải quyết.

VŨ HẢI ĐĂNG (hiện ngụ tại H.Bình Chánh, TP.HCM) - GIA MINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên