22/01/2014 08:11 GMT+7

Tôi phải tự xoay xở để cứu mạng mình

Q.TR.
Q.TR.

TT - Thông qua một tài xế taxi, anh Francis Bungin (người Malaysia), hành khách trên chiếc tàu cánh ngầm bị cháy ngày 20-1, đã bày tỏ những bức xúc dưới đây với Tuổi Trẻ khi nghĩ rằng mình bị bỏ rơi trong và sau vụ tai nạn...

Tôi đón tàu đi Vũng Tàu với một người bạn VN. Khi tàu khởi hành không lâu thì máy tàu đột nhiên ngừng hoạt động và tôi thấy khói bốc ra dữ dội từ phía sau. Thoạt đầu nhìn thấy các thuyền viên vội chạy vào xem khoang máy phía sau, tôi nghĩ chắc họ tìm cách sửa máy. Nhưng sau đó họ lại hốt hoảng chạy ra khỏi khoang máy và lúc đó tôi cũng chưa biết chuyện gì đang xảy ra.

VhRoWdZA.jpgPhóng toAnh Francis Bungin (người Malaysia) - Ảnh do nhân vật cung cấp

"Điều tôi không hài lòng là khi hãng tàu cho người đưa được chúng tôi về đến bến Bạch Đằng thì để chúng tôi đứng chờ đó mà không có ai hỏi han hay hướng dẫn gì tiếp. Bản thân tôi đã phải đứng chờ khoảng nửa tiếng, tôi cảm thấy như bị bỏ rơi vậy"

Theo những gì tôi thấy có vẻ máy tàu đã hư hỏng nặng và họ không thể sửa nó cũng như không tiếp cận phòng máy được nữa. Họ nhanh chóng tìm các bình chữa cháy để dập lửa vì lúc đó có lửa lớn bùng phát từ khoang máy. Do lửa lớn quá nên họ không dập được mà buộc phải tìm cách đóng hết các cửa khoang máy lại để không cho khói thoát ra ngoài.

Tất cả hành khách bắt đầu hoảng loạn và nghĩ tới tình huống xấu nhất. Vài phút sau, thuyền trưởng bắt đầu thông báo bằng tiếng Việt với hành khách về tình hình hỏa hoạn trên tàu, nhiều hành khách nước ngoài như tôi không hiểu do không có ai phiên dịch vào lúc đó cả. Chúng tôi không hề nghe thấy yêu cầu phải rời khỏi tàu bằng tiếng Anh. Khi lửa bùng phát lớn hơn tôi vội đứng dậy, tiến về phía cửa rồi thò đầu ra ngoài nhìn thì thấy khói đen nghịt bốc ra từ phía sau khoang máy. Lúc ấy tôi mới biết rằng mình phải nhanh chóng xoay xở để cứu mạng mình.

Lửa bùng phát từ phía sau nên tôi không rõ những hành khách tại đó xoay xở thế nào, nhưng riêng tôi ở khoang giữa thì nghĩ rằng mình phải rời khỏi tàu khi thấy những hành khách khác bắt đầu tìm áo phao mặc vào. Khi thấy mọi người bắt đầu tìm áo phao thì các thuyền viên tiếp tục hướng dẫn gì đó bằng tiếng Việt mà người nước ngoài như tôi không hiểu được, rồi họ cũng bắt đầu cố gắng chuyển áo phao cho tất cả hành khách.

Tôi tự tìm cho mình áo phao, gom tư trang, balô và hành lý rồi xếp hàng ở cửa ra vào như những hành khách khác để rời khỏi tàu. Cũng không trật tự gì lắm vì không ai hướng dẫn chúng tôi phải làm gì nên mọi người cứ thế đẩy nhau nhanh chóng rời khỏi tàu. Tôi thấy thương cho những người già và phụ nữ có con nhỏ phải chật vật tìm cách thoát khỏi tàu lúc ấy. Tôi thấy không phải ai cũng mặc áo phao. Nhiều người cứ thế nhảy xuống nước để thoát thân...

Khi hành khách vừa nhảy xuống nước thì có vài tàu cá đến cứu, lực lượng cứu hộ cũng có mặt, rồi chúng tôi được vớt lên và chờ một tàu khác của hãng ra đón. Khi ngồi trên tàu cứu hộ của hãng, tôi có đặt vấn đề là chúng tôi phải về khách sạn thế nào với bộ dạng dơ dáy và nhiều người bị mất giày dép khi nhảy xuống nước, hãng có hỗ trợ việc đi lại không hay chúng tôi phải tắm rửa ở đâu sau khi về đến bến Bạch Đằng.

“Thấy Francis Bungin bức xúc, tôi gọi cho Tuổi Trẻ”

Anh Quách Minh Dũng - tài xế của Hãng taxi Saigontourist, người làm cầu nối cho anh Francis Bungin cung cấp thông tin, hình ảnh về vụ cháy tàu cánh ngầm - cho biết như vậy. Anh Dũng kể sau vụ cháy, Francis Bungin (khách quen của taxi Saigontourist) đã gọi điện thoại cho anh đến đón tại bến Bạch Đằng. Tối 20-1, khi chở Francis Bungin ra Vũng Tàu, nghe Francis Bungin kể mình không được hãng tàu trợ giúp, anh nghĩ ngay đến Tuổi Trẻ và gọi vào đường dây nóng của báo xin địa chỉ email của tòa soạn để Francis Bungin cung cấp thông tin.

Thế nhưng khi về đến bến Bạch Đằng tôi và bạn tôi cũng như nhiều người khác không hề nhận được hỗ trợ gì cả mà chúng tôi phải tự đón taxi và tự xoay xở. Tôi quay lại khách sạn ở Q.1 mà tôi đã trả phòng tìm một phòng mới để tắm rửa nhưng khách sạn không cho tôi thuê phòng với bộ dạng lấm bùn. Tôi phải gọi cho một người bạn ở TP.HCM để anh dắt tôi về nhà tắm gội sau đó.

Tôi nghĩ vấn đề bất đồng ngôn ngữ khiến công tác hỗ trợ hành khách gặp nhiều khó khăn. Điều tôi không hài lòng là khi hãng tàu cho người đưa được chúng tôi về đến bến Bạch Đằng thì để chúng tôi đứng chờ đó mà không có ai hỏi han hay hướng dẫn gì tiếp.

Bản thân tôi đã phải đứng chờ khoảng nửa tiếng, tôi cảm thấy như bị bỏ rơi vậy. May là điện thoại của tôi không bị hỏng vì tôi để trong túi nilông nên một số hành khách đã mượn để gọi điện cho người thân đến giúp. Vấn đề ở đây là giả sử điện thoại của tôi lúc đó không sử dụng được thì tôi không biết phải nhờ vả ai nữa. Ít nhất hãng tàu phải lo được cho tôi chuyện phòng ốc hay khách sạn nào đó để tôi tắm rửa, rồi từ đó tôi có thể tự lo phần còn lại. Nếu như tôi không có bạn ở TP.HCM thì không biết sẽ phải nhờ ai bây giờ.

Hiện giờ hành lý tôi bị bùn lầy bám đầy, tôi chỉ lấy lại được một số quần áo, còn lại không dùng được nữa. Một số thiết bị điện tử của tôi cũng bị hư hỏng, giấy tờ và hộ chiếu thì bị ướt hoặc mất, laptop bị hỏng. Giờ tôi cần hãng tàu phải có đền bù thiệt hại gì đó cho tôi, như laptop chẳng hạn. Khi trở về bến Bạch Đằng, hãng tàu có ghi lại tên, số điện thoại và địa chỉ của các hành khách hứa sẽ liên lạc lại để giải quyết bồi thường và xử lý những vấn đề khác. Nhưng đến trưa 21-1 vẫn chưa có ai liên hệ lại với tôi.

Công ty bảo hiểm đang xác minh để bồi thường

Ngày 21-1, ông Bùi Công Trùng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina - cho biết ngay sau khi xảy ra sự cố cháy tàu cánh ngầm, đơn vị đã đưa khoảng 70 hành khách và nhân viên tàu về bến Bạch Đằng bằng một tàu cao tốc khác. Một số hành khách còn lại được nhiều canô cứu hộ đưa về bến Bạch Đằng. Tại bến tàu, Vina đã ghi nhận các thiệt hại của hành khách, sau đó đưa một số hành khách đến khách sạn Hương Sen để tắm rửa... Vina cũng đã hỗ trợ bước đầu cho mỗi hành khách bị nạn 500.000 đồng, thay vì trả lại tiền vé 200.000 đồng/người.

“Chúng tôi không hiểu vì sao vẫn còn hành khách người Malaysia chưa được ghi nhận. Đối với vị khách Malaysia hoặc những hành khách đi tàu bị thiệt hại đề nghị liên hệ với văn phòng của hãng tàu ở 91 Lê Quốc Hưng (Q.4, TP.HCM). Hiện nay công ty chúng tôi đang kết hợp với công ty bảo hiểm xác minh để bồi thường cho những hành khách bị thiệt hại”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Vẫn chưa trục vớt tàu cánh ngầm bị cháyGiây phút tàu cánh ngầm bốc cháy qua lời kể hành khách Tàu cánh ngầm chở 85 khách cháy dữ dội trên sông Sài GònTạm ngưng hoạt động tàu cánh ngầmTừ 22-1, không cấp phép tàu cao tốc cánh ngầm rời cảng

Q.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên