18/11/2013 03:54 GMT+7

Giảm tội phạm không thể chỉ bằng "chiến dịch"

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Như chúng ta đều đã thấy, việc phòng chống tội phạm trong thời gian dài vừa qua hình như không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Nói theo cách nói của ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, thì ta đánh chỗ này tội phạm dạt về chỗ khác, tức có nghĩa là cách “đánh” tội phạm của chúng ta lâu nay chỉ có tác dụng làm “dịch chuyển” tội phạm từ địa bàn này sang địa bàn khác chứ “tổng số tội phạm” trên thực tế không hề giảm.

Như vậy cũng có nghĩa là khi ta tung ra chiến dịch truy quét tội phạm trên một địa bàn nào đó thì có thể địa bàn đó sẽ giảm tội phạm, nhưng đồng thời địa bàn khác sẽ phải “gánh vác” số tội phạm do bị truy quét từ địa bàn kia. Rốt cuộc tình hình tội phạm thực tế cũng không được cải thiện.

Có ý kiến cho rằng phải quy trách nhiệm cho ngành công an trước tình hình phức tạp của tội phạm hiện nay, nhưng thực tế một mình ngành công an chắc chắn không thể giải quyết được tình trạng tội phạm, bởi dù lực lượng công an có mạnh đến đâu thì họ cũng chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề tội phạm đó là chỉ trấn áp tội phạm sau khi hành vi đó đã xảy ra, trong khi những “nguyên nhân gốc rễ” của tội phạm thì làm sao ngành công an có thể giải quyết được.

Vậy nguyên nhân gốc rễ của tội phạm là gì? Các nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân khác nhau của tội phạm từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất đó là tình hình kinh tế suy thoái do khủng hoảng. Quả vậy, một nghiên cứu mới đây của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc về tác động của khủng hoảng kinh tế đối với tội phạm tại 15 quốc gia khác nhau cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế, khủng hoảng kinh tế là một nguyên nhân làm gia tăng của ít nhất một loại tội phạm tại 12/15 nước được cơ quan này khảo sát. Số liệu thu thập được trong giai đoạn 1962-2009 tại Canada cho thấy có mối quan hệ thuận giữa tội trộm cắp tài sản và tỉ lệ thất nghiệp tại quốc gia này, tức khi tỉ lệ thất nghiệp tăng cao do kinh tế suy thoái cũng kéo theo sự gia tăng trong tội trộm cắp tài sản.

Như vậy, tình hình tội phạm phức tạp của nước ta thời gian qua phải được đặt trong bối cảnh của sự suy giảm kinh tế, bởi khi suy giảm kinh tế xảy ra khiến tiêu dùng sụt giảm, sản xuất bị ngưng trệ, doanh nghiệp đóng cửa khiến tình trạng mất việc làm gia tăng. Và khi không có công ăn việc làm để có thể sống và tồn tại thì người ta sẽ viện dẫn đến hành vi tội phạm như là một giải pháp thay thế để tồn tại. Vì vậy nếu tình hình kinh tế còn trì trệ thì thật khó để nói đến việc cải thiện tình hình an ninh trật tự như mong đợi.

Như vậy, để giải quyết gốc rễ của tình trạng tội phạm thì phải làm sao khôi phục sự tăng trưởng kinh tế chứ không phải là gia tăng việc trấn áp tội phạm, và điều này rõ ràng là một mình ngành công an không thể giải quyết được mà phải là nỗ lực của cả hệ thống Đảng, Nhà nước và nhất là của Chính phủ.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên