18/03/2014 08:29 GMT+7

Gạc Ma cần vào sách giáo khoa

NGỌC HÀ ghi
NGỌC HÀ ghi

TT - Bên cạnh những công trình đang được kêu gọi thực hiện để tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh trong trận Gạc Ma (1988), đã có ý kiến cho rằng cần đưa sự kiện lịch sử này vào sách giáo khoa.

Dồn trí tuệ cho đền tưởng niệm Gạc MaTưởng niệm đồng đội hi sinh ở Gạc MaGạc Ma, 26 năm chờ đợi

O9RI8c1P.jpgPhóng to
Các sinh viên đến thắp hương bia tưởng niệm tại Khánh Hòa khắc tên 64 liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma - Ảnh: văn kỲ

* PGS.TS ĐỖ BANG(phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN):

Phải tôn vinh xứng đáng

WQTHaTlr.jpg

PGS.TS Đỗ Bang - Ảnh nhân vật cung cấp

Đây là lần đầu tiên có một chương trình xã hội được phát động để mọi người cùng hướng về những chiến sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma năm 1988. Đến bây giờ điều cần bàn là chúng ta nên làm gì để tưởng nhớ những liệt sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma? Phải có một hình thức gì đó như một biểu tượng cho sự kiện này. Tượng đài chỉ gắn với chiến thắng. Còn nơi mất đảo, mất đất, nơi lưu giữ một khoảng đau thương của dân tộc thì phải có cách làm cho thật phù hợp. Tôi nghĩ ý tưởng xây đền tưởng niệm là hợp lý, nhưng phải kèm theo bia để ghi lại một cách chính thức, đầy đủ về sự kiện và ghi lại tên các anh hùng liệt sĩ đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền.

Điều cần làm hơn thế chính là phải có một chính sách thật tốt cho gia đình những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma. Có phải vì chúng ta chưa có chính sách hoặc có chính sách mà chưa chu đáo lắm nên mới có nhiều hoàn cảnh đáng thương của gia đình những người lính đảo ấy?

Xét góc nhìn lịch sử thì bài học đã quá rõ. Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, bằng mọi giá phải giữ biên cương, giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Gạc Ma là một trong những sự kiện lịch sử lớn, phải đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Những người đã hi sinh cho đất nước phải được tôn vinh xứng đáng.

Ở các nước, thông thường sau khoảng 30 năm của một sự kiện, các dữ kiện lịch sử đã được công khai, minh bạch để các nhà sử học tiếp cận đầy đủ. Sự kiện này đã trải qua gần 30 năm, rất cần được đưa ra mổ xẻ để tất cả các bên đều đánh giá được bản chất, hậu quả của sự kiện một cách đúng đắn, đa chiều. Đây không phải trách nhiệm của nhà sử học mà là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo đối với nhân dân.

* GS.TS ĐỖ THANH BÌNH(giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tác giả sách giáo khoa môn lịch sử)

Cơ hội giáo dục về biển đảo

bkFgKGiD.jpg
Ông Đỗ Thanh Bình - Ảnh: M.Vinh
Hiện tại, trong giảng dạy phổ thông cũng có lồng vào một chút về chủ quyền biển đảo nhưng chưa có được chủ đề riêng. Với Gạc Ma, cũng có nhắc đến nhưng mới chỉ là liệt kê chứ chưa đưa vào chương trình phổ thông. Trong chương trình đổi mới sách giáo khoa sắp tới, vấn đề chủ quyền biển đảo chắc chắn sẽ được đưa vào để giảng dạy cho học sinh phổ thông. Đây là nguyện vọng của cả xã hội, của các nhà sử học và cũng chính là chỉ đạo của Thủ tướng. Nội dung đưa vào cụ thể thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện tại, đội ngũ viết sách giáo khoa mới chưa được định hình. Nhưng đội ngũ viết sách chúng tôi đang có ý tưởng kết hợp giữa môn lịch sử và môn địa lý để có nội dung giảng dạy về biển đảo hấp dẫn, gây hứng thú cho học sinh. Địa lý sẽ nói về tài nguyên thiên nhiên, về tiềm năng biển đảo của VN, còn môn lịch sử gánh trách nhiệm giáo dục cho các em về chủ quyền biển đảo dưới dạng các chuyên đề. Ở từng cấp học, phạm vi nội dung và cách thức giảng dạy sẽ khác nhau, phù hợp với năng lực tiếp nhận của từng lứa tuổi.

Ở thời điểm hiện tại, khi chương trình sách giáo khoa chưa có được những chuyên đề lớn như thế về biển đảo thì chính phong trào phát động của Tổng liên đoàn Lao động VN là cơ hội giáo dục rất tốt cho học sinh hiểu về biển đảo và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thực tế, mỗi nhà trường đều là thành viên của Tổng liên đoàn Lao động VN, nên sự hưởng ứng của các nhà trường sẽ tạo cầu nối thông tin đến với học sinh để các em hiểu về lịch sử và hiểu hơn nữa về giá trị của cuộc phát động quy mô này.

Trường Sa luôn trong lòng mình

Sáng sớm 14-3, TS Hồ Thiệu Hùng đã có mặt ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ để trao 12 triệu đồng cho chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng liên đoàn Lao động VN phát động. Được biết, đây là số tiền chắt chiu, vận động gom góp được từ tập thể giáo viên, học viên Trường Sư phạm Tây Nam bộ (hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ). Ngay khi thông tin về chương trình được phát động trên báo Tuổi Trẻ, mọi người tuy nay hầu hết tuổi đã cao, về hưu nhưng ai cũng gọi nhau góp lại chút tiền. TS Hùng trầm ngâm cho biết: “Trường Sa lúc nào cũng trong lòng mỗi người mình rồi. Nhiều lần đọc báo, tôi thấy các chiến sĩ hi sinh không có chỗ thờ mà xót xa. Nay có chương trình ý nghĩa này, anh em chúng tôi lập tức đóng góp ngay”. Được biết năm 2011, TS Hùng cũng đã dành toàn bộ nhuận bút viết cuốn sách Suy tư về giáo dục để ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Ka, cựu tù Côn Đảo nay đã 75 tuổi, việc đóng góp này còn chất chứa cả nghĩa tình đồng đội: “Xây đền tưởng nhớ vong linh các chiến sĩ đã hi sinh trong trận chiến Gạc Ma cũng là một cách để chúng ta ghi sử sách về sự hi sinh của các anh, những đồng đội của chúng tôi. Trang sử ấy sẽ thấm sâu và lan tỏa mạnh mẽ hơn khi người dân cả nước góp sức mình vào đền thờ ấy”.

Là một trong những người đầu tiên tới báo Tuổi Trẻ tham gia chương trình, nhà thơ Ngô Liêm Khoan, một cây bút thường xuyên cộng tác với báo Tuổi Trẻ, còn khệ nệ mang theo hai chồng sách khá nặng. Hôm nay anh nhận được hơn 1 triệu đồng tiền “nhuận thơ” đăng trên Tuổi Trẻ và góp hết cho chương trình, còn chồng sách cũng là những bài thơ do chính anh sáng tác về Trường Sa dành gửi tặng các chiến sĩ. Anh nói: “Không phải chỉ hôm nay, mà lúc nào tôi cũng quan tâm đến những gì về Trường Sa, Hoàng Sa. Từ chương trình “Thắp sáng nhà giàn” đến “Góp đá xây Trường Sa” tôi đều đóng góp ít nhiều. Với biển đảo, chúng ta không được phép chểnh mảng bất cứ lúc nào”.

NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên