16/09/2010 04:03 GMT+7

Bánh trung thu và thói quen làm nhái

NGÔ MINH TRÍ
NGÔ MINH TRÍ

TT - Đến hẹn lại lên, những điểm bán bánh trung thu luôn xuất hiện khá sớm trên đường phố Sài Gòn. Và rồi năm nào cũng như năm nào, xuất hiện kèm theo các điểm kinh doanh bánh trung thu chính là tình trạng “copy” thương hiệu bằng các loại bánh nhái, có nhãn mác từa tựa các thương hiệu lớn.

Nhiều năm trước, khi tình trạng nhái thương hiệu còn khá mới mẻ thì người tiêu dùng còn bỡ ngỡ, bị lừa. Nhưng lâu ngày thành quen, nay có lẽ khách hàng không còn xa lạ gì với kiểu nhái, giả như thế nữa. Cứ thế, các loại bánh nhái vẫn tồn tại và chúng cạnh tranh nhờ giá cả rẻ hơn so với các loại bánh “chính hãng”.

Ai cũng hiểu bất cứ mặt hàng nào cũng luôn cần những sản phẩm giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách hàng không có nhiều tiền. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ biết bán rẻ và nương theo các thương hiệu danh tiếng.

Việc nhái thương hiệu rõ ràng không thể chấp nhận được với bất cứ lý do gì. Bởi để có được một thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp đã phải đầu tư lâu dài về tiền bạc lẫn công sức, trí tuệ. Hơn thế, việc nhái thương hiệu vẫn là một dấu hiệu kinh doanh có tính chất lừa đảo người tiêu dùng.

Trong số nhóm thương hiệu “nhái”, có cả những thương hiệu có thâm niên lâu năm mà ai cũng biết. Tại sao những đơn vị này không ý thức mình phải tự xây dựng và phát triển thương hiệu thay vì cứ phải nhái từ năm này qua năm kia. Lẽ ra khoảng thời gian nhiều năm vừa qua đã đủ để các đơn vị nhỏ này có thể xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh bằng ưu thế giá rẻ. Nhưng họ vẫn không làm thế mà chỉ chăm chăm vào việc bắt chước và đánh cắp sự sáng tạo cũng như thành quả của người khác.

Nếu các doanh nghiệp này cứ giữ mãi tư duy chỉ biết làm nhái thì làm sao có một hoạt động kinh doanh lành mạnh, tiếc hơn là họ đã vô tình tự hủy hoại công sức của mình. Bằng chứng là dù những thương hiệu này đã có nhiều người biết, nhưng họ vẫn mãi bị xem như một thương hiệu thiếu đẳng cấp. Như thế, vô tình những thương hiệu này đã tự làm giảm giá trị của mình, dù thực tế cho thấy họ đủ thực lực để có riêng một thương hiệu bài bản.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, lẽ ra các cơ quan này phải làm việc triệt để hơn trong việc bảo vệ thương hiệu cho những đơn vị kinh doanh chân chính. Dẫu rằng rất khó có thể kiểm soát toàn bộ những người kinh doanh, nhưng không hề khó để những thương hiệu nhái không còn vô tư xuất hiện nhan nhản khắp nơi.

Sự tồn tại ngang nhiên của các thương hiệu nhái là một hình ảnh rất xấu đối với môi trường kinh doanh. Xa hơn, thói quen nhái, giả sẽ đe dọa nền kinh tế và sức cạnh tranh của một quốc gia.

NGÔ MINH TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên