Chuyện bếp núc nghề báo:
Giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ: vui, buồn tác nghiệp
Phóng to |
PV Thanh Hà đang tiếp cận với GS Ngô Bảo Châu, tác giả bức ảnh này là PV Hoài Linh |
Sự kiện diễn ra khá lâu, và những câu hỏi của bạn đọc gửi về giao lưu cũng đã có một thời gian trước đó, nhưng đến hôm nay, hai nhà báo Thanh Hà, Hoài Linh mới có thể dành thời gian để "sống lại" với những khoảnh khắc đáng nhớ tại Hyderabad (Ấn Độ).
* Chào chị Thanh Hà. Có nhiều phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại sự kiện này không? Chị thấy phóng viên Việt Nam mình đủ sức cạnh tranh với phóng viên nước ngoài chưa? So sánh giữa những tin, bài của Tuổi Trẻ và các báo khác (trong lẫn ngoài nước) đăng về sự kiện Ngô Bảo Châu, chị thấy Tuổi Trẻ hơn/ thua được điều gì? (Đoàn Lan An Nhiên, 23 tuổi, annhien.doan@)
- PV Thanh Hà: Tại đại hội toán học Thế giới (ICM2010) tổ chức ở thành phố Hyderabad có rất nhiều phòng viên nước ngoài đến tác nghiệp. Con số cụ thể thì tôi không có điều kiện tìm hiểu nhưng căn cứ vào số phóng viên, bao gồm tất cả các loại hình từ báo viết, truyền hình, phát thanh, các hãng thông tấn… thường xuyên có mặt tại khu vực Trung tâm hội nghị quốc tế Hyderabad, thì con số này phải lên tới vài trăm người.
Phòng dành cho báo chí của trung tâm luôn trong tình trạng quá tải về chỗ ngồi và đường truyền internet. Không chỉ có phóng viên của các hãng thông tấn, các nhật báo, tại ICM 2010 còn có rất nhiều nhà báo - nhà khoa học, họ là biên tập viên của các tờ tạp chí khoa học, toán học của các trường ĐH, viện nghiên cứu lớn trên khắp thế giới.
Tất nhiên đông nhất là các phóng viên của nước chủ nhà. Sau đó là đến các nhà báo Hàn Quốc. Hàn Quốc sẽ là nước chủ nhà của kỳ ICM2014 sắp tới, vì vậy họ đã cử một đội ngũ hùng hậu nhà báo đến ICM, trong đó đông nhất là các nhà báo của các tờ tạp chí khoa học, các phóng viên, nhà sản xuất chương trình truyền hình… Họ ghi lại không sót một hoạt động nào của ICM. Trao đổi với tôi, các đồng nghiệp Hàn Quốc cho biết ngoài nhiệm vụ tường thuật thông tin về ICM2010, họ còn có mục đích ghi hình làm tư liệu cho công tác tổ chức ICM2014.
Góp mặt với một số lượng phóng viên đáng kể là Pháp. Đó cũng là điều dễ hiểu khi Pháp có tới hai công dân được nhận giải thưởng Fields tại ICM2010: nhà toán học Villani và GS Ngô Bảo Châu (mang hai quốc tịch Việt và Pháp).
Chỉ tiếc rằng trong số vài trăm nhà báo hiện diện ở ICM2010, có quá ít nhà báo Việt Nam. Ngoài hai phóng viên của Tuổi Trẻ, chỉ có thêm hai phóng viên thường trú của TTXVN tại Ấn Độ. Vì thế, tôi cảm thấy may mắn vì nằm trong số rất ít các nhà báo VN được chứng kiến trực tiếp giây phút đặc biệt GS Ngô Bảo Châu được vinh danh, mang lại vinh quang cho Tổ quốc.
Theo đánh giá của tôi, ICM2010 chưa phải là một kiểu sự kiện để có thể đánh giá chính xác năng lực cạnh tranh của phóng viên VN so với phóng viên các nước. Vì mục đích khai thác thông tin của chúng tôi và nhiều đồng nghiệp nước ngoài không thật sự giống nhau.
Chúng tôi tới Hyderabad, tới ICM với một mục tiêu rõ ràng là GS Ngô Bảo Châu và giải thưởng Fields. GS Châu là người VN đầu tiên giành được giải thưởng này vì thế mức độ quan trọng của sự kiện này đối với công chúng, bạn đọc VN khác với các nước. Và chúng tôi cũng tập trung vào nhiệm vụ chuyển tải tới bạn đọc những thông tin liên quan đến GS Ngô Bảo Châu là chính, tất nhiên bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua các thông tin khác.
Xét dưới góc độ này, thì chúng tôi đánh giá là mình đã thành công hơn nhiều đồng nghiệp các nước trong việc tiếp cận và khai thác các thông tin về GS Ngô Bảo Châu. Có lẽ là do chúng tôi có thuận lợi là những nhà báo duy nhất từ VN đến và đã được GS Ngô Bảo Châu tạo điều kiện tối đa để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ…
Có lẽ để đánh giá về sự hơn/thua trong những thông tin về sự kiện này trên Tuổi Trẻ so với các báo khác, tôi xin dành cho bạn đọc của Tuổi Trẻ - trong đó có bạn - đó mới là những nhận xét xác đáng và khách quan nhất.
Nhưng tôi thật sự tự hào vì phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở trung tâm của sự kiện, bên cạnh “nhân vật chính” và tờ báo của chúng tôi có được những thông tin, hình ảnh độc quyền.
Về phía bản thân, tôi tự nhận thấy vẫn còn một số điểm phải rút kinh nghiệm. Và nếu tôi xử lý được những “vấn đề” đó trong thời gian ở Hyderabad tốt hơn, có lẽ tôi đã mang đến cho bạn đọc được nhiều thông tin kịp thời và thú vị hơn.
* Làm thế nào để xin được visa nhanh nhất để đi cho kịp thời gian trao giải? Tiếp cận GS Châu có dễ dàng khi xung quanh anh, chị luôn có nhiều PV Quốc tế luôn vây quanh. Xin cám ơn. (Trần Cao Trường, 35 tuổi, truongtrancao75@)
Phóng toPV Thanh Hà tại ICM2010
- PV Thanh Hà: Để được cấp visa đi Ấn Độ không phải là quá khó khăn nhưng cái khó với chúng tôi là thời gian cấp bách, có thể không kịp để giải quyết các thủ tục cần thiết. Cuối cùng mọi việc đã diễn ra tốt đẹp và… may mắn, chúng tôi đã có trong tay visa chỉ một ngày trước khi lên đường.
Để làm được điều này, tôi rất cảm ơn sự quyết tâm cử phóng viên đi của toà soạn, sự nỗ lực của các anh chị ở bộ phận văn phòng đã hoàn tất những thủ tục cần thiết về phía cơ quan trong thời gian ngắn nhất có thể. Đặc biệt, chúng tôi đã không thể có visa kịp thời nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, trong đó có cá nhân ngài Rupin Rarattan - bí thư thứ nhất đại sứ quán.
Một trong những lý do quan trọng nhất để chúng tôi thuyết phục được Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Ấn Độ giúp đỡ chính là mức độ quan trọng của sự kiện sẽ diễn ra tại Hyderabad đối với đông đảo người dân VN, trong đó có bạn đọc của chúng tôi, mong muốn có mặt tại ICM 2010 của Tuổi Trẻ…
Vấn đề thứ hai còn khó khăn hơn chính là thủ tục đăng ký tác nghiệp tại ICM2010 khi thời hạn đăng ký vào thời điểm đó đã kết thúc từ lâu. Vì những lý do an ninh, nếu không đăng ký được với ban tổ chức và được cấp thẻ Media, chúng tôi sẽ không thể được ra vào, làm việc tại ICM2010.
Những nỗ lực liên hệ với Ban tổ chức phía Ấn Độ, từ vị GS toán học trưởng ban tổ chức đến người phụ trách tiểu ban thông tin báo chí, Đại sứ quán VN tại Ấn Độ, phân xã TTXVN… của chúng tôi đã được đền đáp. Đại sứ quán VN, đồng nghiệp tại phân xã TTXVN tại New Delhi đã cho chúng tôi những hướng dẫn, tư vấn kịp thời.
Ban Tổ chức tuy trước đó đã gửi thư từ chối vì đã quá hạn và không thể có ngoại lệ vì nhiều lý do, nhưng khi tôi gửi đi email cuối cùng kèm theo ảnh và bản scan hộ chiếu bày tỏ mong muốn tha thiết được có mặt tại ICM2010, tôi cũng nói vẫn sẽ lên đường bay đến Hyderabad với hi vọng sẽ được tác nghiệp tại ICM…
Trong tám tiếng đồng hồ transit ở sân bay Bangkok, tôi đã hồi hộp mở email và vui mừng đến nghẹn thở khi nhận được hồi âm của ban tổ chức trong đó viết họ thật sự đánh giá cao, cảm kích trước nỗ lực của chúng tôi và đã đưa chúng tôi vào danh sách cấp thẻ nhà báo tác nghiệp tại ICM2010, một người của Ban tổ chức sẽ đón chúng tôi tại trung tâm Hội nghị quốc tế Hyderabad vào buổi sáng ngày khai mạc ICM để nhận thẻ.
Cũng nhờ sự hỗ trợ của Ban tổ chức, chúng tôi đã đặt được khách sạn với giá dành cho đại biểu chính thức của ICM khi tất cả khách sạn của thành phố đều quá tải với một lượng khách đột biến đổ về Hyderabad trong những ngày đó… Nhờ vậy mà chi phí cho chuyện chỗ ở đã giảm được một phần tốn kém… Phần lớn nhất trong chi phí của chuyến đi là tiền vé máy bay, chiếm hơn 50% tổng chi phí.
Khi đăng ký tác nghiệp và khách sạn với ban tổ chức vào phút chót, chúng tôi đã được đặt phòng tại khách sạn Westin - cùng nơi ở với GS Ngô Bảo Châu. Chính vì vậy, cơ hội tiếp cận GS của chúng tôi được dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Không phải chờ đến khi đến Trung tâm Hội nghị quốc tế mà ngay từ sáng sớm ngày 19-8, vài giờ trước khi diễn ra lễ khai mạc và trao giải thưởng Fields, chúng tôi đã được gặp GS Châu. Và trong những ngày tiếp theo, không chỉ gặp GS ở hội nghị, ngay từ… bữa ăn sáng, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và ghi lại những hình ảnh độc quyền mà không bị cạnh tranh bởi các phóng viên quốc tế khác.
Thêm một ưu thế là chúng tôi là những nhà báo đến từ VN và có thể dễ dàng nhận ra GS Ngô Bảo Châu giữa bất kỳ đám đông nào trong số hơn 4.000 nhà toán học có mặt tại ICM…Và GS thì luôn dành cho chũng tôi cơ hội tốt nhất…
* Chào anh Hoài Linh và chị Thanh Hà. Rất ghen tị với anh chị khi cả hai anh chị đã được có mặt ở một thời khắc có thể nói là rất xúc động đối với mỗi người dân Việt Nam. Cảm xúc của các anh chị ở thời khắc ấy là như thế nào, hay mải mê tác nghiệp, anh chị không kịp nhận ra mình đã có cảm xúc gì? Tác nghiệp với một đề tài được nhiều bạn đọc quan tâm, chờ đợi, anh chị có những áp lực gì không? và anh chị giải quyết áp lực ấy như thế nào?(Lê Thị Phong Thu, 24 tuổi, phongthu@)
Phóng toPV Hoài Linh tại ICM 2010
- PV Thanh Hà: Cảm ơn bạn. Đúng như bạn nhận xét, chúng tôi thấy mình thật may mắn vì đã có mặt và được trực tiếp chứng kiến giây phút GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields. Là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng trong thời khắc đấy, tôi thật sự xúc động và kể từ khi tên GS Ngô Bảo Châu được xướng lên cùng hình ảnh xuất hiện trên màn hình lớn, tôi đã bị cuốn trong niềm vui đến trào nước mắt. Trong lòng tràn ngập một cảm giác lẫn lộn giữa mừng vui, tự hào, ngưỡng mộ và cả biết ơn GS đã mang đến cho đất nước, cho những người VN một niềm vinh dự to lớn đến như vậy. Chính cảm xúc là một trong những yếu tố giúp tôi có thể hào hứng hoàn thành bài viết của mình trong ngày hôm đó.
* Xin chào anh Hoài Linh. Theo dõi sự kiện Ngô Bảo Châu, thấy cả phim lẫn ảnh. Anh đã tác nghiệp như thế nào để có được cả hai sản phẩm này. Có trường hợp nào anh mãi quay phim nên mất những shot ảnh đẹp không?(Huỳnh Ngọc Hân, 22 tuổi, ngochan134@) - PV Hoài Linh: Thực chất không có ai có thể làm tốt cùng một lúc hai việc được. Với sự kiện này, tôi đã tập trung vào chụp ảnh theo sát sự kiện, còn máy quay phim thì tôi để sẵn góc máy để khuôn hình toàn cảnh, thỉnh thoảng mới thay đổi khuôn hình những khi có điều kiện. Ngoài ra tôi đã khai thác thêm, nhờ vào người nhà anh Ngô Bảo Châu đi dự quay phim giúp và gửi về tòa soạn biên tập lại. Là nhiếp ảnh chuyên nghiệp với tôi áp lực lớn nhất là phải bám sự kiện, chụp được những khoảnh khắc đắt giá nhất và cạnh tranh thông tin. Vì bên cạnh tôi còn có các hãng thông tấn lớn như AFP, Reuters... nên tôi phải nhanh chóng chọn ảnh và gửi ngay về tòa soạn đáp ứng kịp nhu cầu thông tin của bạn đọc.Tôi không nhớ được cảm xúc mình lúc ấy thế nào chỉ nhớ rằng tất cả tinh thần tôi đã tập trung vào sự kiện bằng một cái đầu lạnh để không bị lọt những khoảnh khắc vàng. |
Kể từ khi được cử đi Ấn Độ, tôi luôn cảm thấy áp lực vì tôi biết đó là một sự kiện được đông đảo bạn đọc đặc biệt quan tâm, áp lực trước yêu cầu và kỳ vọng của toà soạn trong khi thời gian để chuẩn bị lại gấp gáp…
Ngày 18-8, ngay sau khi có visa, chúng tôi lên đường nhưng thời gian transit ở Bangkok quá dài, khi đến sân bay Hyderabad đã là hơn 1 giờ sáng giờ địa phương ngày 19-8. Phải gần hai tiếng sau chúng tôi mới rời được sân bay về thành phố trên một chiếc taxi mà người lái không… nói được tiếng Anh và không thuộc đường về khách sạn của chúng tôi. Vì thế hơn 5 giờ sáng, chúng tôi mới đến khách sạn, khi người lễ tân khách sạn chào “Good morning”, tôi mới chợt nhận ra đã là sáng sớm của ngày 19-8 trọng đại.
Vào lúc đó, áp lực, cảm giác lo lắng lại tràn ngập trong lòng tôi, tôi đặt chân đến thành phố xa lạ này khi chỉ còn vài tiếng nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc và lễ trao giải thưởng mà tôi phải ghi nhận, tường thuật, phải tiếp cận với nhân vật chính, phải giữ liên lạc với toà soạn…
Nhưng như tôi đã viết sau này, chính vào lúc sáng sớm ngày 19-8, khi chúng tôi đang uống ly café thật đặc để có thể tỉnh táo sau gần một ngày dài trên đường và lo lắng về công việc thì chúng tôi nhìn thấy GS Ngô Bảo Châu bước vào phòng ăn với phong thái bình thản, trầm tĩnh của anh, thấy anh vui vẻ trò chuyện với các đồng nghiệp…, điều đó đã giúp chúng tôi bình tĩnh hơn và áp lực giảm dần để bắt tay vào công việc với cuộc trò chuyện đầu tiên với GS Ngô Bảo Châu, những tấm hình đầu tiên tại Ấn Độ trước giờ trao giải…
Trong những ngày tiếp theo, ở nhiều thời điểm, tôi cũng vẫn cảm nhận áp lực từ nhu cầu thông tin của bạn đọc và toà soạn, cũng phải lo lắng xem hôm này mình sẽ viết gì khi sự kiện càng lúc càng trở nên nóng bỏng trên mặt báo, sôi động trên các trang mạng cũng như trong dư luận xã hội.
Thời đại của thông tin và internet nên nhiều báo bạn không cần có phóng viên có mặt tại chỗ vẫn có thể cập nhật các thông tin đa dạng. Vì vậy áp lực đối với chúng tôi là phải cung cấp được những thông tin và hình ảnh của riêng Tuổi Trẻ, thể hiện Tuổi trẻ đã có mặt tại trung tâm của sự kiện.
Mời bạn đón tiếp phần hai trên Tuổi Trẻ Online ngày mai, với phần trả lời tiếp theo của hai PV Thanh Hà - Hoài Linh, cùng phần giao lưu của PV Viễn Sự với sự kiện tác nghiệp tiếp cận bò tót tại xã Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận