23/07/2010 04:10 GMT+7

Giúp giới trẻ tìm thấy cơ hội

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Lý do nào dẫn đến nạn thanh niên đua xe, đắm mình trong thế giới game online không thuyên giảm? Phải chăng thanh thiếu niên không ý thức được tác hại của những loại hình giải trí đó? Câu trả lời có lẽ là “không” vì những cảnh báo về tác hại đã được cung cấp một cách đầy đủ, ít nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

RLVYu7EV.jpgPhóng to
Một “quái xế” bị lập biên bản - Ảnh: Minh Luận

Vì vậy việc thanh thiếu niên dù biết những hệ quả tiêu cực của các loại hình giải trí như đua xe, game online nhưng vẫn “cắm đầu cắm cổ” lao vào trước hết cho thấy họ đang bế tắc trong cuộc sống. Sự bế tắc ấy là gì? Có phải là bế tắc về mục tiêu sống?

Quả vậy, chỉ khi nào con người xác định được mục tiêu của cuộc đời mình thì họ mới có thiết kế cần làm và phải làm trong từng chặng đường, biết mình nên và không nên làm gì để đi đến mục tiêu cuối cùng đã định.

Nếu con người ta không biết tương lai mình sẽ ra sao, sẽ trở thành người như thế nào thì họ gần như rơi vào tình trạng mất phương hướng và từ đó việc ngã theo những ham muốn bản năng nhất thời là điều đương nhiên.

Hãy hỏi những bạn trẻ đang ngày đêm “đi bão” hoặc dán mình vào màn hình vi tính với những trò chơi bắn giết nhau xem mục tiêu cuộc đời họ là gì, họ muốn trở thành người thế nào trong tương lai? Chắc chắn phần lớn câu trả lời sẽ là “chẳng có gì cả”.

Bên cạnh đó, việc giới trẻ đua xe, chơi game online để nhận được sự kính nể của “đồng nghiệp” về sự liều lĩnh, bạt mạng hay “đẳng cấp” của mình còn thể hiện căn bệnh háo danh đang hết sức phổ biến.

Quả vậy, xét về bản chất, việc họ đua xe hay chơi game online để được tung hô cũng không khác gì một ông quan dốt nhưng thích mua bằng cấp để khoe khoang hay một cô ca sĩ kém tài nhưng sẵn sàng “khoe thân” để được nổi tiếng. Mỗi tầng lớp, mỗi nhóm đều muốn được mọi người biết đến, mọi người tung hô nên sẽ tìm cách riêng để đạt mục tiêu.

Cuối cùng, lý do quan trọng hơn là vì họ không tìm thấy những sự chọn lựa khác có tính hợp chuẩn để đi vào hoặc thể hiện mình. Người lớn phê phán giới trẻ đua xe, đam mê game online... thế nhưng liệu chúng ta có cho họ những sự lựa chọn khác không?

Những sân chơi, những loại hình giải trí lành mạnh quá hiếm hoi, không thường xuyên và khó tiếp cận trong khi giới trẻ mới bước ra ngõ đã gặp game online rồi. Vậy thì trách giới trẻ hay trách người lớn chưa quan tâm chăm lo đủ cho giới trẻ, chưa giúp họ đủ khả năng vượt qua sự hấp dẫn của những trò giải trí nguy hiểm?

Nếu chúng ta vẫn cứ bỏ mặc giới trẻ hoặc chỉ hướng họ theo một cách suy nghĩ, một cách sống, một cách giải trí duy nhất như đã và đang làm thì giới trẻ sẽ vẫn còn dấn sâu vào những trò chơi, những hoạt động đầy nguy cơ như đua xe và game online.

Xã hội phải làm hết trách nhiệm là giúp giới trẻ tìm thấy những cơ hội để phát triển mình trong sự đa dạng, bởi khi người ta tìm thấy được và dấn thân được vào những niềm đam mê hợp chuẩn, tự khắc những hành vi lệch chuẩn sẽ suy giảm mà không cần bất cứ lời cảnh báo nào.

Ngăn chặn kịp thời một cơn “bão đêm”

Lúc 22g30 ngày 21-7, hàng trăm “quái xế” tập trung tại khu vực đường Quang Trung đoạn gần cáp treo TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) chuẩn bị một cuộc “bão đêm”.

Hai bên đường dài gần 2km từ đường Quang Trung đến Hạ Long có hàng ngàn người dân tụ tập chờ xem. Hai “quái xế” chạy trên những chiếc xe đã tháo bung vè dẫn đầu đoàn đua “diễu hành” với tốc độ chậm dọc tuyến đường Trần Phú, Quang Trung, Hạ Long kéo dài từ Bãi Dâu đến Bãi Trước rồi vòng lại như để làm nóng.

Cuộc “diễu hành” có cả... cờ phướn khi hai xe đi đầu mỗi xe chở một người cầm trên tay cây cờ màu đỏ hình chữ nhật. Cả đám đông chạy theo sau la hét rất phấn khích. Khoảng 23g, sau khi đảo vài vòng như để thăm dò, bất ngờ hai xe đi đầu phất cờ tăng tốc. Hàng trăm xe phía sau lao theo gây náo loạn cả khu vực, người đi đường một phen hú vía.

Thấy cuộc đua bắt đầu, những “quái xế” đậu xe trên lề đường tức tốc phóng xuống hòa vào đám đông cùng lạng lách với tốc độ cao.

Tuy nhiên, cơn “bão đêm” đã nhanh chóng bị đập tan chỉ ít phút sau đó khi lực lượng cảnh sát giao thông TP Vũng Tàu xuất hiện.

Thấy “bồ câu” triển khai đội hình, hai “quái xế” đi đầu ném cờ tìm đường tẩu thoát. Hàng chục xe khác lủi vào bãi đất trống đối diện khách sạn Pacific “cố thủ”. Lực lượng cảnh sát giao thông nhanh chóng tóm gọn lập biên bản tạm giữ hàng chục xe của các đối tượng cầm đầu. Số khác chạy nháo nhào như ong vỡ tổ, núp vào các con hẻm hoặc lủi vào cổng các khách sạn.

Một chiến sĩ cảnh sát giao thông cho biết đây là “cơn bão” tự phát vì các “quái xế” thấy du khách về dự lễ hội ẩm thực đông nên muốn ra oai.

Đến 23g30, “cơn bão” tạm lắng. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn tiếp tục trực chiến suốt tuyến đường trên đến 2g hôm sau mới rút. Nhiều “quái xế” cố thủ trong các bãi đất trống không chịu nổi phải chạy ra liền bị cảnh sát giao thông thổi phạt vì hầu hết không đội mũ bảo hiểm, thay đổi kết cấu xe hoặc không mang theo giấy tờ.

M.LUẬN

Cách ly khỏi cộng đồng nếu tái phạm

Theo tôi nghĩ, ngoài những hình phạt trên thì nên tăng khung hình phạt. Phải tịch thu xe ngay lần đầu tiên phát hiện vi phạm, đưa ngay vào trại giáo dưỡng, phạt tiền thật nặng. Nếu lần đầu tái phạm thì tước giấy phép lái xe vô thời hạn, nếu tiếp tục tái phạm sẽ sử dụng hình phạt trên cộng thêm việc cách ly khỏi cộng đồng một thời gian.

Một bạn đọc

Nên xử lý hình sự?

Nhà tôi ở một trong 10 “điểm đen” tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Qua quan sát tôi nghĩ nếu đưa vào cơ sở giáo dục khi tái phạm thì chưa khả quan lắm vì việc nắm danh sách các đối tượng này là khó. Nên chăng vi phạm là đưa vào cơ sở giáo dục? Nên chăng cần phải xử lý hình sự các đối tượng này?

Đặng Ngọc Đắc (dakbinh@...)

_____________________

* Tin bài liên quan:

Đua xe - một lối sống lệch lạcKinh hoàng đua xe ăn tiềnĐua xe tràn lanĐua xe: Như động đấtKinh hoàng con đường không tên

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên