Việc các em học sinh bị tâm thần hay tự tử khi kết quả không đạt được như ý muốn là một minh chứng rõ nét.
Phóng to |
Trường chuyên Lê Hồng Phong - Ảnh: Olympiavn (ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Áp lực trường chuyên "Trường chuyên lớp chọn" chưa mang lại hiệu quả xã hội
Vấn đề cũng cần đặt ra ở đây là sự tồn tại của loại hình trường chuyên lớp chọn có hợp lý hay không xét về mặt mục tiêu của giáo dục phổ thông lẫn xét theo tính sư phạm.
Có lẽ cần phải lưu ý rằng giáo dục bậc phổ thông không phải là bậc giáo dục đào tạo nhân tài cho đất nước mà mục tiêu là giúp cho mọi em học sinh có được một nền tảng cơ bản (gọi là phổ thông) về kiến thức khoa học, kỹ năng sống để có thể hội nhập vào xã hội ở mức độ chấp nhận được hoặc học lên ở các bậc học cao hơn.
Như vậy nếu đã xem giáo dục phổ thông là giáo dục căn bản chứ không phải là đào tạo nhân tài thì sự tồn tại của các loại hình trường chuyên lớp chọn là không cần thiết bởi cho dù học sinh có đỗ thủ khoa bậc phổ thông đi nữa thì không có gì chắn chắn các em đó là nhân tài cả, bởi học sinh chỉ đỗ cao trong bậc học căn bản mà thôi.
Còn nếu xét theo tính sư phạm thì với cách giáo dục trong trường chuyên như hiện nay, có thể gọi đó là một kiểu giáo dục phản sư phạm.
Xét theo góc nhìn xã hội học thì bậc học phổ thông bên cạnh chức năng trang bị kiến thức căn bản về khoa học cho học sinh thì còn một chức năng quan trọng khác đó là "xã hội hóa" các em, tức là trang bị cho các em những cách suy nghĩ, ứng xử, những giá trị và chuẩn mực mà xã hội đề cao hay nói cách khác là dạy các em cách "làm người" để các em có thể trở thành một con người hợp chuẩn trong xã hội và được xã hội chấp nhận.
Giáo dục phổ thông là một nền giáo dục toàn diện nhưng như ý kiến trên Tuổi Trẻ ngày 17-7-2010 cho thấy kiểu đào tạo của trường chuyên gần như chỉ tập trung vào đào tạo kiến thức khoa học, kiến thức hàn lâm trong khi gần như lại bỏ quên mảng đào tạo về nhân cách cho học sinh.
Từ đó có thể thấy việc các em không biết cách ứng xử khi rơi vào tình huống khó khăn là điều thật sự không khó hiểu.
Bên cạnh đó vì được học trong một môi trường đề cao chủ yếu đến thành tích khoa học nên học sinh tại các trường chuyên lớp chọn sẽ không phát huy được tinh thần hợp tác, tinh thần phối hợp và chủ yếu là tinh thần đua tranh xem ai giỏi hơn ai.
Do tính đua tranh đã nhập tâm nên từ đó sẽ tạo ra tính ích kỷ, không biết chia sẻ vì nếu chia sẻ thì người ta sẽ được như mình thì sao. Vì sống trong một không khí luôn đua tranh như thế nên chuyện bị áp lực thắng-thua là rất lớn nơi các em và đây cũng là một cội nguồn của những phản ứng sai lệch về sau.
Tất nhiên vào trường chuyên, lớp chọn cũng có một lợi ích lớn là học sinh nào cũng ham học chứ không ham chơi nhưng những mặt trái của loại hình đào tạo này lại chiếm nhiều hơn.
Vì vậy có lẽ cần phải đi đến chỗ dừng các loại hình trường chuyên lớp chọn, bởi lứa tuổi học sinh cần được phát triển một cách bình thường, cân bằng và toàn diện chứ không phải là được trở thành nhân tài hay thiên tài.
Điều này có lẽ cũng cần được các bậc phụ huynh hiểu và chấp nhận để không tạo thêm những áp lực không cần thiết cho các em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận