26/06/2010 07:31 GMT+7

Nguyên nhân thiếu điện kéo dài: Do EVN tránh lỗ?

HOÀNG HỮU THẬN(Trung tâm Tư vấn và phát triển điện)
HOÀNG HỮU THẬN(Trung tâm Tư vấn và phát triển điện)

TT - Với tình hình cắt điện tiếp tục trầm trọng sau ngày 20-6 (ngày mà bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng điện sẽ bớt căng thẳng), đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.

YwVRJGXz.jpgPhóng to
Khách sạn Green trên đường Hùng Vương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) ngày cắt điện phải chạy máy phát điện tiêu tốn khoảng 360 lít dầu/ngày, chi phí khoảng 5,5 triệu đồng, gấp ba lần so với điện lưới - Ảnh: Văn Kỳ

Trời không chiều lời hứaHà Nội dừng cắt điện để chống nắng nóngThiếu điện kéo dài: Phải nói thật với người dânTiếp tục căng thẳng điện ở nhiều nơi

Phải nói với mức bình quân đầu người cỡ 1.000 kWh/năm của ta hiện nay là mức trung bình thấp, tức là mới có điện. Mốc này các nước tiên tiến đã vượt qua nhiều chục năm nay rồi. Vậy không thể đổ thiếu điện do nhu cầu tăng nhanh được. Ta có quy hoạch phát triển điện lực cỡ quốc gia, gọi là tổng sơ đồ, tuy còn những hạn chế nhưng dự báo nhu cầu điện về cơ bản chấp nhận được. Nếu phấn đấu thỏa mãn mức dự báo theo những tiêu chí kỹ thuật quy định, nạn thiếu điện không thể xảy ra.

Theo nguyên tắc, tổng sơ đồ được lập năm năm một lần nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu và mong đợi của khách hàng. Mỗi tổng sơ đồ đều thực hiện hành động phòng ngừa để không mắc lại các lỗi của cái trước và cải tiến để nâng cao chất lượng của cái sau. Ta đã thực hiện sáu tổng sơ đồ, từ cái đầu tiên (1981-1985) đến tổng sơ đồ VI (2006-2010), mà thiếu điện diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng thì đó là một thiếu sót. Nhà nước coi quy hoạch có tính chất luật, đã phê duyệt là phải thực hiện. EVN chưa hoàn thành tổng sơ đồ là chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Thủy điện không thể là nguyên nhân

Tỉ trọng thủy điện của ta hiện nay cỡ 35% về công suất, 31% về sản lượng điện. Nhiều nước trong quá trình phát triển, tỉ trọng thủy điện đến 75-80%, thậm chí 90% nhưng họ có thiếu điện đâu. Nước ta sau khi hợp nhất lưới điện toàn quốc (1994) có thiếu điện đâu. Vậy bảo do tỉ trọng thủy điện cao là nguyên nhân thiếu điện thì oan cho thủy điện quá và những nhà làm năng lượng chắc chắn không thể đồng tình.

Nhà nước có chủ trương đa sở hữu khâu phát điện và phân phối điện để giảm áp lực và khối lượng công việc của EVN, còn mạng truyền tải là độc quyền quốc gia do EVN nắm, có nghĩa Nhà nước đã thấy EVN hơi đuối sức trong quá trình đảm đương trọng trách. Với chủ trương hỗ trợ đó, EVN cần hợp tác, tạo mọi điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp ngoài EVN trong công việc, vì EVN có rất nhiều kinh nghiệm, lại là người nắm lưới điện quốc gia, người mua độc quyền ở thời điểm hiện tại.

EVN cần coi họ là những người bạn cùng hội cùng thuyền, cùng nhau lèo lái để ngành điện đảm bảo mục tiêu thỏa mãn tối đa nhu cầu và mong đợi của khách hàng. Thực tế diễn ra chưa được như thế. Các nhà đầu tư điện ngoài EVN thường phải ở tư thế đi xin, nhờ vả, chạy hết cửa này cửa khác mà nhiều khi bế tắc vẫn hoàn bế tắc.

Học tập các tập đoàn điện lực quốc gia nhiều nước, ngoài kinh doanh điện cũng nhảy sang nhiều lĩnh vực khác, kể cả tài chính - ngân hàng, viễn thông, bất động sản... EVN mạnh dạn thực hiện đa dạng hóa sản phẩm. Có điều cần lưu ý là các tập đoàn điện lực ở các nước luôn đảm bảo mục tiêu “thỏa mãn tối đa nhu cầu và mong đợi của khách hàng”, làm xong cái đó vẫn còn tiềm lực họ mới mở rộng kinh doanh.

Ở ta chưa được như thế. Hãy đến bất kỳ một chi nhánh điện nào đều thấy họ phải gồng mình thực hiện bằng được chỉ tiêu do E.Telecom (Công ty viễn thông EVN) giao về phát triển số thuê bao, mở rộng vùng phủ sóng, đảm bảo kênh E.phone làm việc an toàn và do đó phải xao nhãng nhiệm vụ chính là “đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, chất lượng”.

Giá điện hiện gây tranh cãi là EVN mua rất cao, chẳng hạn mua của Trung Quốc ở cấp 220kV là 4,7 USC/kWh (1 USD = 100 US Cent), của Hiệp Phước là trên 9 USC/kWh, của Cần Đơn là 4,5 USC/kWh... Nếu cộng thêm phí truyền tải và phân phối cỡ 20-30% nữa mới đến khách hàng, trong khi giá bán bình quân năm 2009 chỉ cỡ 5,3 USC/kWh nên EVN luôn luôn lỗ.

Đây là vấn đề có nhiều điều phải tranh luận làm rõ, nhưng sự thật hiển nhiên là từ năm 1995 (năm thành lập EVN) đến nay, năm nào EVN cũng lãi, với giá trị cỡ vài ngàn tỉ đồng. Như vậy nguyên nhân do tránh lỗ phải hạn chế mua, hạn chế nguồn dẫn đến thiếu điện chưa đủ căn cứ thuyết phục.

Chúng tôi đói ăn mất thôi

Tôi là một thợ mộc nhưng chủ yếu công việc của tôi dùng toàn bằng máy móc, không có điện thì công việc bị trì trệ không có hàng giao cho khách. Cả tháng mà chỉ có điện 54 giờ, nhưng toàn có điện vào lúc 0g-6g. Vậy làm gì có tiền mà sống. Tôi mong các cơ quan nên xem xét tình hình cắt điện mà vẫn đảm bảo cho chúng tôi sản xuất, chứ không tình hình cứ như vậy thì đói ăn mất thôi.

Tiền điện tăng gấp 3

Trước đây nhà tôi trả tiền điện 1 triệu đồng/tháng, nay cứ bốn ngày phải thuê máy phát điện của cửa hàng tư nhân, 350.000 đồng/ngày, cả tháng chi thêm 2,5 triệu đồng, cộng với tiền thanh toán hóa đơn thành gần 3 triệu đồng. Tôi không biết số tiền 2 triệu đồng chi thêm này phải kiếm ở đâu đây?

Không nên hứa hão

Nên thẳng thắn nói thật với người dân về những khó khăn, vướng mắc của ngành điện, để người dân có thể thông cảm, chia sẻ hoặc có sáng kiến hay... Không nên hứa hão với dân, vì biết chắc rằng không thể thực hiện được nhưng vẫn hứa. Có những doanh nghiệp hằng tháng thiệt hại cả chục tỉ đồng do cúp điện, trách nhiệm đó của ai?

Ngày 25-6, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã có thông báo mới nhất cho biết tuần cuối tháng 6, nhu cầu điện sẽ không tăng cao và có xu hướng giảm hơn so với cuối tháng 5.

Sau ngày 25-6, EVN khẳng định hầu hết sự cố của các tổ máy nhiệt điện than mới ở miền Bắc sẽ được khắc phục và đưa vào vận hành trở lại (tổ máy 1 của Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, tổ máy 1 Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng...). Tuy tình hình nước về hồ thủy điện chưa có chuyển biến đáng kể nhưng EVN dự báo sẽ được cải thiện phần nào vì ở miền Bắc đã bắt đầu có mưa. Vì vậy, EVN khẳng định trong tuần cuối tháng 6, việc đáp ứng nhu cầu điện của toàn hệ thống có thể đạt mức cao. Tuy vẫn phải tiết giảm điện nhưng tỉ lệ sản lượng điện bị tiết giảm trên toàn quốc sẽ ở mức thấp hơn so với nửa đầu tháng 6, dự kiến khoảng 5-7%.

EVN dự báo sau tuần đầu tiên của tháng 7, khi các nhà máy nhiệt điện than mới thật sự vận hành ổn định và lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc đã được cải thiện, tình hình sản xuất và cung ứng điện sẽ dần trở lại bình thường.

HOÀNG HỮU THẬN(Trung tâm Tư vấn và phát triển điện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên